Nhà thờ họ Hoàng ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh

Tác giả: admin
Ngày 2011-08-19 08:06:34

Hưng Lộc là mảnh đất quy tụ nhiều dòng họ lớn giàu truyền thống khoa bảng như họ Hoàng, họ Uông, họ Trần…. Cũng giống như di tích nhà thờ họ Uông, đền Trìa… nhà thờ họ Hoàng là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930-1931.

Nhà thờ họ Hoàng nằm trong làng đỏ Lộc Đa, nay thuộc xã Hưng Lộc, thành phố Vinh. Di tích cách trung tâm thành phố 2km về phía Đông Bắc. Du khách thập phương có thể dễ dàng ghé thăm này bằng nhiều loại phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp.... theo tuyến quốc lộ Vinh – Cửa Hội – Cửa Lò.

Nhà thờ họ Hoàng được con cháu trong họ tộc khởi dựng vào năm 1913 để thờ các vị tổ của dòng họ như phó bảng Hoàng Văn Nha, tú tài Hoàng Văn Dương… Đặc biệt, di tích này đã gắn bó với tên tuổi của đồng chí Hoàng Trọng Trì.

Đồng chí Hoàng Trọng Trì sinh ra trong một gia đình có cha làm nghề dạy học, mẹ là một phụ nữ đảm đang, trung hậu… Lớn lên trong cảnh nhân dân lầm than, khổ cực do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, được sự giáo dục của gia đình, Hoàng Trọng Trì đã sớm tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của quê hương để hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng. Anh đã sớm mở lớp dạy học để tuyên truyền cho học sinh tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc và vận động học sinh tham gia vào các cuộc đấu tranh với bọn hào lý trong làng….

Từ cuối năm 1928, hai tổ chức Tân Việt và Thanh niên đã xây dựng nhiều cơ sở hoạt động khắp hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Hoàng Trọng Trì cùng một số thanh niên yêu nước đã nhanh chóng bắt liên lạc và gia nhập vào Đảng Tân Việt. Anh tích cực hoạt động, vận động nhân dân tham gia đấu tranh với bọn hào lý rút ruộng công chia cho những nông dân mất ruộng để cày. Trước sự khống chế ráo riết của kẻ thù, anh đã chuyển sang nghề bốc thuốc chữa bệnh để tiện cho việc đi lại liên lạc với Đảng.

Cuối năm 1929, nhiều tổ chức cơ sở của Đông Dương cộng sản Đảng đã được thành lập ở Vinh như: chi bộ nhà máy xe lửa Trường Thi, chi bộ trường Quốc học… Là người hoạt động hăng hái và sớm bắt liên lạc với tổ chức này nên Hoàng Trọng Trì được giao nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ nông thôn vùng Bắc Vinh – Bến Thủy.

Tháng 11/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (Ủy viên Ban chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng) đã triệu tập các đồng chí Hoàng Trọng Trì, Lê Doãn Sửu và Nguyễn Xuân Thâm cùng nhiều đồng chí khác lên xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn dự đại hội thành lập Ban chấp hành Tổng Nông hội đỏ Nghệ An. Đồng chí Hoàng Trọng Trì được cử vào Ban chấp hành và phụ trách khu vực nông thôn ngoại thành Vinh…

Ở cương vị công tác mới, được sự chỉ đạo của Kỳ bộ Trung Kỳ, Hoàng Trọng Trì đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng nông dân, bước đầu xây dựng khối liên minh chiến đấu giữa nông dân và công nhân.
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Phân cục Trung Kỳ cùng các Tỉnh bộ, Huyện bộ ở Nghệ Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Hoàng Trọng Trì được cử vào Ban chấp hành Tỉnh bộ Vinh Bến Thủy.

Trong những ngày tổ chức Đảng còn ở thời kỳ trứng nước, dựa vào những nương vườn rậm rạp vùng nông thôn Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu... nhất là dựa vào sự che chở đùm bọc của nhân dân, Hoàng Trọng Trì đã cùng những người bạn chiến đấu của mình xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, biến vùng nông thôn sát thành phố Vinh thành căn cứ hoạt động của Phân cục Trung Kỳ và Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ. Từ vùng căn cứ này, nhiều lớp đào tạo cán bộ ngắn ngày, nhiều truyền đơn, báo chí bí mật của Đảng được tung về phủ huyện, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh.

Sau cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930 do đồng chí Hoàng Trọng Trì và các đồng chí trong Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy lãnh đạo, thực dân Pháp tiến hành khủng bố gắt gao hòng dập tắt phong trào cách mạng của quần chúng. Bọn mật thám ngày đêm lùng sục, vây ráp khắp nơi tìm bắt những cán bộ lãnh đạo phong trào. Đồng chí Hoàng Trọng Trì bị sa vào tay của bọn mật thám vào sáng ngày 5/5/1930. Anh vẫn điềm tĩnh không hề nao núng, vẫn làm thơ, vẫn cho là được “ngự ô tô” để bước vào một cuộc đấu tranh mới: cuộc đấu tranh giáp mặt với quân thù.

Hơn 6 năm bị giam cầm, tra tấn trong nhà tù đế quốc, Hoàng Trọng Trì vẫn bền bỉ chiến đấu, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tháng 7/1936, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của phong trào quần chúng do Đảng ta lãnh đạo, Hoàng Trọng Trì được trả lại tự do. Trở về địa phương, tuy sức khoẻ giảm sút, nhưng sự có mặt của đồng chí đã góp phần động viên cán bộ, quần chúng cách mạng ở Vinh - Bến Thuỷ. Thời gian bị giam ở nhà tù Lao Bảo, Hoàng Trọng Trì thường bị bọn cai ngục tra tấn và đi lao động khổ sai lại ở vùng khí hậu khắc nghiệt, đồng chí bị chấn thương ở phổi. Về nhà, vết đau cũ tái phát, bệnh tình trầm trọng nhưng hễ lúc nào gượng dậy được là đồng chí cố gắng giúp đỡ các cán bộ địa phương xây dựng cơ sở cách mạng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành quyền tự do dân chủ. Ngày 30/10/1938, đồng chí Hoàng Trọng Trì, người đảng viên cộng sản kiên cường, người con ưu tú của quê hương qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của đông đảo đảng viên và quần chúng cách mạng ở Nghệ An.

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra tại nhà thờ họ Hoàng ở Hưng Lộc.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Xứ ủy đã dùng nhà ông Thất Cán ở đường M. Phốc, thành phố Vinh làm trụ sở làm việc đầu tiên. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1930, Xứ ủy Trung kỳ chuyển về đóng tại nhà thờ họ Hoàng ở Hưng Lộc. Trong thời gian này các đồng chí như Nguyễn Phong Sắc, Tùng Liễu, Nguyễn Khuê thường xuyên lui tới đây để hoạt động.

Mùa Xuân năm 1930, không khí cách mạng ở Nghệ Tĩnh sôi sục khắp cả thành thị và nông thôn. Công nhân các nhà máy ở Bến Thuỷ đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện chế độ làm việc; nông dân Thanh Chương, Anh Sơn, Can Lộc đấu tranh chống hào lý tham nhũng; học sinh rải truyền đơn chống chế độ giáo dục nô dịch. Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, ngày 13/3/1930, thực dân Pháp và Nam triều xử chém 2 đồng chí Phan Văn Thân và Nguyễn Đừu tại thành phố Vinh, một số nơi chúng chuẩn bị đàn áp quần chúng. Ngày hôm sau, tại nhà thờ họ Hoàng đã diễn ra cuộc họp do Xứ ủy và Tỉnh ủy tổ chức. Cuộc họp đã ra lời kêu gọi: “Thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên, học sinh và những người bị áp bức hãy mau tỉnh dậy làm cách mạng, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và Nam triều phong kiến chế độ, lập chính phủ công – nông – binh”…Cũng tại di tích này, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Quảng Tự ( tức Nguyễn Vơn) là cán bộ Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy, đã diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ ghép nhiều làng như: Ân Hậu, Đức Hậu, Lộc Đa, Đức Thịnh, Đức Quang, Hoàn Vinh, Yên Lưu. Chi bộ này gồm các đồng chí đảng viên: Hoàng Trọng Trì, Uông Nhật Vượng, Uông Nhật Hoành, Hoàng Bá, Trần Cảnh Bình, Dương Xuân Thiếp. Đồng chí Hoàng Trọng Trì được bầu làm Bí thư. Chi bộ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí Đảng viên như: Hoàng Trọng Trì phụ trách Ân Hậu, Đức Hậu; Hoàng Bá phụ trách làng Lộc Đa; Dương Xuân Thiếp phụ trách Đức Thịnh; Trần Cảnh Bình phụ trách làng Phủ Oan, Hòa Vinh; Uông Nhật Vượng phụ trách làng Đức Quang…

Ngày 20/4/1930, tại nhà thờ họ Hoàng, đồng chí Hoàng Trọng Trì đã triệu tập hội nghị các chi bộ trong vùng để phổ biến chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ về việc chuẩn bị ngày 1/5/1930. Hội nghị đã nêu lên ý nghĩa của ngày Quốc tế lao động và quyết định lấy ngày này để tổ chức quần chúng lao động Vinh – Bến Thủy biểu dương lực lượng đấu tranh đòi đế quốc, phong kiến phải cải thiện đời sống cho nhân dân, tăng tiền lương, bớt giờ làm cho công nhân, miễn sưu giảm thuế cho nông dân. Đồng chí Hoàng Trong Trì đã phân công một số đồng chí mang truyền đơn rải từ Nghi Xuân (Hà Tĩnh), lên ga Chu Lệ, xuống Cửa Hội vào Vinh.

Sáng ngày 1/5, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi… hơn 1200 người từ các làng Đức Hậu, Ân Hậu (huyện Nghi Lộc), Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh (huyện Hưng Nguyên) kéo vào thành phố Vinh – Bến Thuỷ phối hợp với công nhân các nhà máy đòi chủ Pháp thực hiện các yêu sách như: tăng lương, ngày làm 8 giờ, giảm sưu thuế, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định... Đoàn biểu tình không trang bị vũ khí, chỉ kéo cờ búa liềm và chăng biểu ngữ, hàng ngũ chỉnh tề vừa đi vừa hát vang bài Quốc tế ca. Trước cuộc đấu tranh mạnh mẽ của công - nông Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã nổ súng đàn áp đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 người bị thương và bắt hơn 100 người. Tuy bị đàn áp, cuộc đấu tranh không đạt được kết quả theo kế hoạch nhưng đây là trận tấn công quyết liệt đầu tiên của công nông Vinh – Bến Thủy vào dinh lũy của kẻ thù, thể hiện sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta và là mốc mở đầu cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 3 đến tháng 5/1930, nhà thờ họ Hoàng đã trở thành địa điểm quan trọng gắn liền với quá trình hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ. Di tích này đã góp phần làm nên nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nhà nước đã tặng bằng có công với nước cho 21 gia đình đã có công bảo vệ Xứ ủy Trung Kỳ tại làng Lộc Đa – Đức Thịnh. Trong đó có 6 gia đình đã có công bảo vệ Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy đóng tại nhà thờ họ Hoàng như: gia đình đồng chí Nguyễn Thiệu, bà Nguyễn Thị Lan (vợ đồng chí Hoàng Trọng Trì), Trần Cảnh Hồng, Trần Cảnh Bình, Nguyễn Thị Tú, ông Cửu Thuyết…

Không chỉ mang trong mình nhiều giá trị lịch sử của mảnh đất Lộc Đa, Đức Thịnh, nhà thờ họ Hoàng còn có nhiều giá trị văn hóa.

Nhà thờ gồm 3 gian 2 hồi, lợp ngói nam, kiến trúc theo kiểu tứ trụ, trên nóc đắp nổi hình “lưỡng long triều nguyệt”. Nhà thờ có 12 cột, cột cái cao 2,8m; cột quân cao 2,1m, có hành lang xung quanh. Gian thờ ở giữa vẽ cuốn thư với hai chữ “Chính trung” (nghĩa là chân chính và trung thực). Hai gian hai bên mở cửa ra vào, phía ngoài có 4 cột quyết bằng gạch khắc hai câu đối:
                     “Thể lệ gia phong truyền tự cổ
                       Á u vũ lỗ khách phùng kim”
                      Nghĩa là: Nề nếp gia phong được truyền từ lâu
                      Nay gặp được thế hệ kế tiếp

                 “ Công đức tổ tiên truyền vạn kiếp
                  Hiếu trung con cháu nối muôn đời”

Nhà thờ họ Hoàng trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh nhưng hiện vẫn còn lưu giữ được một số đồ thờ tự như: lư hương, cọc nến hương, hiệu bụt, mâm cỗ bồng…

Từ năm 1990 đến nay, nhà thờ họ Hoàng đã được con cháu tu sửa nhiều lần để giữ gìn và phát huy giá trị quý báu của di tích.

Nằm trên mảnh đất Lộc Đa, Đức Thịnh, chứng kiến bao cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong phong trào Xô Viết, và là nơi làm việc của Xứ ủy Trung kỳ năm 1930… thờ họ Hoàng được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1995.

Video