Nhà cụ Vi Văn Khang- nơi thành lập chi bộ Đảng Môn Sơn Tháng 4 năm 1931

Tác giả: admin
Ngày 2010-10-18 07:56:21

Ngôi nhà của cụ Vi Văn Khang nằm bên bờ sông Giăng thuộc bản Thái Hoà, xã Môn Sơn, cách huện lỵ Con Cuông 20 km về phía Nam, cách thành phố Vinh 180 km, giáp huyện Anh Sơn và nước bạn Lào. Đây là thung lũng lớn, màu mỡ, phong cảnh hữu tình, bà con các dân tộc thường ca ngợi “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”.

Nhà cụ Vi Văn Khang được xây dựng năm 1919, trên vùng đất rộng khoảng 1000m2. Ngôi nhà dược làm theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái. Kiến trúc nhà gồm 3 gian, 2 hồi, cầu thang lên xuống đặt ở hai bên. Khung nhà bằng gỗ, mái lợp lá cọ, vách ngăn bằng phên nứa, sàn lát bằng gỗ. Tầng trên đặt bàn thờ, nơi tiếp khách, phòng ngủ, bếp. Dưới sàn để nông cụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xung quanh vườn rộng trồng cây xanh, cây ăn quả như bao nhà dân khác trong bản.

Gần một thế kỷ, qua ngôi nhà vẫn hiện diện như một minh chứng về truyền thống lịch sử, văn hoá của mảnh đất và con người nơi đây.

Môn Sơn có truyền thống lập làng từ thời Lý, Trần. Các dân tộc Thái, Đan Lai, Lý Hà đoàn kết bên nhau từ buổi khai sơn phá thạch để xây dựng và gìn giữ quê hương. Múa khắp, xến, xăng khan, ca dao,tục ngữ, truyền thuyết...là vốn di sản văn hoá dân gian của bà con dân tộc được kết tinh qua bao đời sáng tạo. Mặc dầu nghèo khổ nhưng nhân dân Môn Sơn vẫn vươn lên có chí học hành. Trong xã có nhiều người đậu tiến sinh như: Vi Văn Khoa, Lang Văn Lương, Vi Văn Khang, Hà Văn Thị. Mảnh đất này đã từng góp sức người, sức của vào các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.Sử sách còn lưu còn lưu danh các tù trưởng người Thái lãnh đạo nhân dân giúp nghĩa quân Lê Lợi vây thành Trà Lân làm nên chiến thắng lẫy lừng “Miền Trà Lân trúc trẻ cho bay”. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp,nhân dân Môn Sơn tham gia tích cực vào nghĩa quân của Lê Doãn Nhã, Nguyễn Xuân Ôn, Phan đình Phùng.

Vị trí địa lý của Môn Sơn là nơi dừng chân của các sỹ phu yêu nước khi sang Lào, Thái hoặc từ nước ngoài về. Đặng Thúc Hứa, Phạm Hồng Thái, Đặng Thái Thuyến đã đi qua và dừng lại ở đây một thời gian tuyên truyền, giác ngộ đồng bào. Tư tưởng cách mạng bước đầu đựoc truyền bá ở Môn Sơn-Lục Dạ.

Nhận thấy Môn Sơn là địa phương có nhiều điêu kiện thuận lợi, các đồng chí Lê Xuân Đào-trưởng ban Tài chính của Xứ uỷ Trung Kỳ, Lê Mạnh Duyệt và đồng chí Nguyễn Hữu Bình-đặc phái viên của Tỉnh uỷ Nghệ An lên xây dựng phong trào cách mạng. Trong vai là người đi buôn bè, buôn vải, buôn trâu.., các đồng chí đã lên Môn Sơn bắt mối hoạt động vào đầu năm1931. Là một thanh niên năng động có vốn hiểu biết, được cán bộ Đảng giác ngộ, đồng chí Vi Văn Khang hăng say tham gia hoạt động cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã vận động được nhiều thanh niên tích cực như: Vi Văn Hanh, Vi Văn Quí, Vi Văn Lâm, Hà Văn Hoa, Vi Văn Noọng, Vi Thị Lan, Hà Văn Thị cùng tham gia.

Qua tuyên truyền vận động của cán bộ Xứ uỷ, Tỉnh uỷ, bà con đã giác ngộ cách mạng, biết đoàn kết, đấu tranh có hiệu quả như cuộc đấu tranh đánh đuổi chủ thầu Ký Đức, xoá nợ cho dân. Nhiều quần chúng tích cực tham gia rải truyền đơn, bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ Đảng...

Trên cơ sở đó, tháng 4 năm 1931, chi bộ Đảng Môn Sơn đựoc thành lập tại nhà đồng chí Vi Văn Khang. Chi bộ có 6 đồng chí, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí Lê Xuân Đào, Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Hữu Bình, cơ sở đóng tại nhà Vi Văn Khang bí mật in tài liệu, truyền đơn, sau đó đem đi rải khắp các bản làng trong tổng. Bấy giờ đồng chí Vi Văn Lâm và một số đồng chí khác thì cải trang thành thợ cắt tóc, thầy mo, thầy cúng để che mắt địch, đi hết bản này, xã khác vừa rải truyền đơn, vừa vận động hướng dẫn nhân dân theo Đảng làm cách mạng, chống cường quyền áp bức bóc lột. Từ đó phong trào Môn Sơn chuyển sang thời kỳ đấu tranh mới. Môn Sơn trở thành đầu mối liên lạc gữa cách mạng miền xuôi và miền ngược, giữa phong trào của đồng bào Kinh với các dân tộc miền núi Nghệ An, là một bộ phận không thể tách rời của Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nhờ sự hoạt động tích cực của chi bộ Đảng, chỉ trong một thời gian ngắn các tổ chức quần chúng: nông hội đỏ, tự vệ đỏ, phụ nữ được ra đời, khí thế cách mạng của quần chúng lên cao. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Xuân Đào, Lê Mạnh Duyệt, chi bộ Đảng phát động cuộc đấu tranh lớn vào ngày 9/8/1931. 300 nhân dân và bà con dân tộc biểu tình kéo đến nhà Chánh đoàn Ba Uôn tịch thu lúa tiền, vải, bạc nén chia cho những gia đình nghèo.Đêm đêm, bà con thường tập trung tại nhà đồng chí Vi Văn Khang để học cái chữ, sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Một không khí mới thực sự đến với người dân Môn Sơn.

4 ngày sau khi nổ ra cuộc biểu tình, thực dân Pháp cho lính vào Môn Sơn đàn áp, bắt 30 người và 3 đồng chí đảng viên trung kiên: Vi Văn Khang, Vi Văn Hanh, Trần Ngân. Số đảng viên còn lại rút lui vào rừng hoạt động bí mật, nhen nhóm phong trào, chờ thời cơ. Đến cách mạng Tháng Tám năm 1945, chi bộ Đảng Môn Sơn được phục hồi, phong trào lại phát triển. Trong kháng chiến chống Pháp, Môn Sơn trở thành căn cứ địa vững chắc không chỉ riêng của Nghệ An mà cho cả nước bạn Lào.

Chi bộ Đảng Môn Sơn là chi bộ đầu tiên ở miền núi vùng cao Nghệ Tĩnh. Nhà đồng chí Vi Văn Khang là nơi thành lập chi bộ, nơi hội họp, in ấn tài liệu truyền đơn, nơi nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ Đảng...là nhân chứng lịch sử hùng hồn của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Năm 1994, nhà cụ Vi Văn Khang được xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia theo Quyết định số 152/QĐ-BT, ngày 25 tháng 1 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao. Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, từ năm 1994, ngày thành lập chi bộ Đảng hàng năm trở thành ngày lễ hội truyền thống văn hoá ở Môn Sơn, Con Cuông. Các hoạt động lễ hội được tổ chức tại nhà cụ Vi Văn Khang và cây đa Cồn Chùa đã góp phần bảo tồn , phát huy những giá trị di sản văn hoá tốt đẹp của nhân dân Môn Sơn.

Video