Nguyễn Xuân Thành (1912 – 2005)

Tác giả: admin
Ngày 2014-09-18 01:13:41

Nguyễn Xuân Thành (tên thường gọi là Nguyễn Phơn), sinh năm 1912 tại làng Phúc Mỹ, tổng Văn Viên nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng giàu lòng yêu nước, ông nội là Nguyễn Đức Điều tuy làm cai tổng nhưng chỉ lo bỏ tiền nhà ra tu sửa đền chùa miếu mạo và xây dựng cầu cống, đường sá cho nhân dân. Cha anh là đồng chí Nguyễn Ngô Dật - một trong những cán bộ lãnh đạo cốt cán của cách mạng huyện nhà. Mẹ anh là bà Nguyễn Thị Hoét quê làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, xuất thân trong một gia đình nhà Nho chống Pháp. Nguyễn Xuân Thành là con thứ 3 trong gia đình có 9 người con (3 trai, 6 gái), trong đó có người em gái tên là Sim lấy Đặng Thúc Thực (con trai tú tài Đặng Thúc Hứa, là người xây dựng Trại Cày làm cơ sở hoạt động cách mạng ở Xiêm). Hai vợ chồng người em thường đưa đón những thanh niên yêu nước sang Xiêm huấn luyện cách mạng.

Thủa nhỏ, Nguyễn Xuân Thành đã được gia đình cho theo học trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Tại đây anh cùng một số người bạn trong lớp được thầy Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập dìu dắt theo lý tưởng cách mạng.

Mùa xuân năm 1930, chú anh là Nguyễn Thúc Tính đem đến cho cha anh mấy tờ mẫu truyền đơn bằng chữ Hán của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cha anh đã mua giấy, mực và thạch rồi thành lập tổ ấn loát gồm 3 người: Nguyễn Xuân Thành, Lương Doãn Sằn, Lê Đình Đống in các mẫu truyền đơn, nghị quyết, báo Đảng… đưa đi rải trong vùng nhằm tuyền truyền tư tưởng yêu nước.

Tháng 5/1930, chi bộ ghép đầu tiên của tổng Phù Long và Nam Kim được thành lập, chi bộ có gồm 6 đồng chí: Lê Xuân Đào, Lê Nghĩa, Võ Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Củng ( tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên) và Bùi Hải Thiệu, Bùi Hữu Lương (tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn) do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Sau đó chi bộ ghép kết nạp thêm đồng chí: Nguyễn Ngô Dật, Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Linh, Trần Thông vào tổ chức. Đồng chí Lê Xuân Đào đã phân công các đảng viên về xây dựng cơ sở Đảng trong vùng.

Tháng 9/1930, đồng chí Nguyễn Xuân Thành đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cũng từ đây hai cha con Nguyễn Ngô Dật chính thức cùng nhau đi trên một con đường cách mạng.Và gia đình đồng chí trở thành địa điểm hoạt động của Ban Tài chính cũng như cơ sở đi lại của cán bộ Đảng cấp trên.

Tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Ngô Dật bị lộ, gia đình bị vây ráp nên Ban Tài chính phải chuyển đến xóm Châu Sơn. Bọn lính khố xanh dưới sự chỉ huy của tên quan người Pháp đã kéo về vây bọc và khám xét nhưng không phát hiện được gì, nhân cơ hội chúng vơ vét lấy hết đồ đạc của gia đình đồng chí. Hai cha con đồng chí Thành phải thoát ly đi nơi khác hoạt động.

Cuối năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân các huyện lên cao, nhiều làng xã ở các huyện như Thanh Chương, Nam Đàn đã thành lập được chính quyền Xô Viết, các tổ chức Tự vệ đỏ, Thanh niên cộng sản, Nông hội đỏ được thành lập. Thực dân Pháp tìm mọi cách để đàn áp phong trào, chúng tăng cường khủng bố bắn giết cán bộ và quần chúng của Đảng. Thời gian này tổ ấn loát của Huyện ủy gặp vô vàn khó khăn, đường dây liên lạc giừa Tỉnh ủy và Huyện ủy gần như bị chặt đứt vì cán bộ liên lạc đã bị bắt gần hết. Hai cha con đồng chí Thành phải vật lộn để có thể tiếp tục in ấn truyền đơn và tài liệu cho Đảng. Ban ngày làm việc trong nhà dân, còn ban đêm ăn cơm tối xong hai cha con đồng chí Thành liền ra ngoài ruộng ngủ để tránh những đợt càn quét của địch.

Đêm 14/7/1931, cũng như mọi hôm hai cha con sau khi ăn cơm xong liền ra ngoài ruộng ngủ, khuya trời động mưa, nghĩ rằng địch không đi càn nên hai đồng chí trở về nhà. Không ngờ vừa về đến ngõ thì đã phát hiện ra mình đang bị bọn bang tá và phu đoàn phục. Hai cha con bỏ chạy, do bị vấp ngã nên Nguyễn Xuân Thành bị chúng bắt và giam tại nhà Lao Vinh, còn đồng chí Nguyễn Ngô Dật may mắn chạy thoát trong đêm đó. Đến ngày 3/8/1931 đồng chí Nguyễn Ngô Dật cũng bị bắt tại Kỳ Anh. Công sứ Pháp và tuần phủ Hà Tĩnh chuyển đồng chí ra nhà Lao Vinh. Hai cha con cùng bị giam tại một nhà lao nhưng ở hai buồng giam khác nhau, Nguyễn Xuân Thành luôn tìm cách để gặp cha nhưng không thành công. Đến hôm tập trung ngoài sân nhà lao để chuẩn bị cho tù nhân đi phát vãng, đồng chí Thành thấy thấp thoáng bóng cha mình đang cố nhìn ra. Hai cha con nhìn nhau ứa lệ và không ngờ đấy cũng là lần cuối cùng hai người được nhìn thấy nhau. Đồng chí Nguyễn Ngô Dật bị tòa án Nam triều kết án tù khổ sai chung thân đày đi nhà tù Lao Bảo vào cuối năm 1931. Ngày 23/4/1932 đồng chí tiếp tục bị giải lên nhà tù Buôn Mê Thuột và ngày 28/9/1932 Nguyễn Ngô Dật đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Buôn Mê Thuột do bị bệnh tả.

Tháng 6/1933, đồng chí Nguyễn Xuân Thành cùng Võ Trọng Ân, Đinh Văn Di được trả tự do sau khi vua Bảo Đại trở về nước. Trở về quê nhà, Nguyễn Xuân Thành hết sức đau lòng bởi nhà cửa, vườn tược đã bị bọn địch chiếm làm đồn còn gia đình anh đã phải li tán khắp nơi: Bà nội ở nhờ nhà cháu họ, mẹ và hai em gái út lên ở nhờ nhà bà ngoại, em gái thứ 4 thì ở với gia đình chị thứ hai còn hai em trai lên Quỳ Châu ở với bà cô. Mãi về sau này gia đình mới trở về được vườn cũ và dựng lại ba gian nhà tranh để ở. Nguyễn Xuân Thành dù mới ra tù và bị bọn hương hào quản thúc, nhưng đồng chí vẫn tìm cách liên hệ với các đồng chí Hoàng Viễn, Lê Liễu, Hương Căn…bàn cách giữ vững tinh thần cách mạng cho các anh em.

Tháng 4/1934 Khu ủy lâm thời Vinh được thành lập, đồng chí Nguyễn Xuân Thành được khu ủy phân công bắt liên lạc với chi bộ Phúc Mỹ ( Hưng Nguyên), cùng với các chính trị phạm trở về từ các nhà tù từng bước khôi phục lại cơ sở Đảng trong huyện Hưng Nguyên.

Ngày 20/9/1936, Nguyễn Xuân Thành tham dự cuộc họp Đông Dương Đại hội do tỉnh tổ chức. Ngày 22/2/1937 đồng chí cùng nhân dân nhiều làng xã ở Hưng Nguyên đã tham gia đón tiếp phái đoàn điều tra của Mặt trận nhân dân Pháp do Gô-đa dẫn đầu đến Nghệ An. Năm 1943 đồng chí tham gia tiếp nhận tài liệu của Việt Minh và cùng với các đồng chí khác như Hoàng Viễn, Lê Căn, Lê Pháo, Lương Doãn Sằn thảo luận, phân công nhau đi chắp nối lại cơ sở cách mạng.

Ngày 9/3/1945, Phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp thống trị 3 nước Đông Dương. Nhiệm vụ của các đồng chí cộng sản lúc này là phải vận động quần chúng nhân dân chống lại các chính sách mỵ dân của Nhật. Tại Hưng Nguyên, sau khi bắt được liên lạc với đồng chí Nguyễn Xuân Linh trong Ban vận động Việt Minh, đồng chí Võ Trọng Cư và Nguyễn Xuân Thành tổ chức cuộc họp ở nhà ông Hoàng Viễn, thành lập Ban vận động Việt Minh phủ Hưng Nguyên. Ban có 5 đồng chí, Nguyễn Xuân Thành làm phó Bí thư.

Tháng 7/1945, cũng tại nhà ông Hoàng Viễn, đồng chí Nguyễn Đức Tính trong Ban vận động Việt Minh Nghệ Tĩnh đã cùng đồng chí Nguyễn Xuân Thành triệu tập cuộc họp thảo luận chủ trương, chương trình, hành động của Việt Minh và cử ra Ban chấp ủy Việt Minh toàn phủ Hưng Nguyên, Ban có 9 đồng chí và Nguyễn Xuân Thành được cử làm Bí thư.

Ngày 8/8/1945, Việt Minh Nghệ Tĩnh tổ chức Đại hội để bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa, đồng chí Thành tham gia với tư cách là đại biểu của Phủ ủy Việt Minh Hưng Nguyên.

Ngày 19/8/1945, cùng với khí thế đấu tranh của nhân dân cả nước, Ủy ban khởi nghĩa Hưng Nguyên lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền. Sau 3 ngày thành phố Vinh cũng giành được chính quyền về tay mình và đến ngày 23/8/1945 địa phương cuối cùng ở Nghệ an là huyện Con Cuông chính quyền đã về tay nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng 8, tổ chức Việt Minh liên tỉnh giải thể và Ủy ban cách mạng lâm thời hai tỉnh được thành lập. Tuy nhiên, chính quyền cách mạng vừa mới ra đời chưa được củng cố đã phải đối phó với hơn 1 vạn quân Tưởng kéo vào chiếm đóng, chúng núp dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước khí giới Nhật. Để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, tại Nghệ An Ty Trinh sát dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Xuân Linh - Bí thư Tỉnh ủy đã được thành lập. Ty có 2 bộ phận:
- Bộ phận trinh sát hoạt động bí mật
- Bộ phận công an xung phong hoạt động cótính chất công khai.

Đầu năm 1946, đồng chí Nguyễn Xuân Thành được điều sang phụ trách ngành Trinh sát. Ban này có trách nhiệm bảo vệ Đảng, trấn áp bọn phản động tay sai. Năm 1948, đồng chí chuyển sang làm chính trị viên cho Tỉnh đội Dân quân Nghệ An. Từ năm 1950 đến tháng 4/1951 đồng chí làm việc tại Ban Tài chính Khu ủy.

Tháng 8/1951, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nghệ an tổ chức tại xã Quang Thành (huyện Yên Thành), đồng chí Nguyễn Xuân Thành được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy, làm trưởng Ty Công an Nghệ An.

Mùa thu năm 1953, đồng chí được cử đi học lớp chính trị Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc. Sau 2 năm học chính trị, Nguyễn Xuân Thành được phân công về Ủy ban kế hoạch Nhà nước.

Năm 1956, đồng chí được điều về Bộ Công an, phụ trách phòng Tôn giáo và đảng phái. Tháng 1/1960, đồng chí nhận công tác đặc biệt ở Hội Hồng Thập Tự của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Băng Cốc (Thái Lan) để làm công tác hồi hương của Việt Kiều.

Năm 1968, Nguyễn Xuân Thành được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Sưu tập (nay là Tổng cục V – Bộ Công an). Đến tháng 7/1976 đồng chí nghỉ hưu.

Dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí Nguyễn Xuân Thành vẫn luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trưởng thành trong chiến đấu, cần cù, tận tụy trong học tập và công tác. Trong cuộc sống đồng chí luôn gương mẫu, được anh em cán bộ và nhân dân quý mến, tin yêu…Đồng chí đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, hạnh phúc của nhân dân và là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo.

Với những đóng góp hết sức to lớn của đồng chí đối với cách mạng, đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thành đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Công An tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì: Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba…cùng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý khác.

Do tuổi cao sức yếu đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thành đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 4/11/2005. Hưởng thọ 94 tuổi.

Video