Nguyễn Xuân Linh (1909-1988)

Tác giả: admin
Ngày 2014-09-22 02:45:49

Đồng chí Nguyễn Xuân Linh (bí danh Nam, Xuân), sinh năm 1909 tại làng Xuân La (nay thuộc xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Thân sinh của Nguyễn Xuân Linh là một nhà nho, giữ chức giáo thụ, từng tham gia phong trào Văn thân, thường quan hệ với ông Lê Văn Huân, một nhà trí thức đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt vào tháng 7/1925.

Nguyễn Xuân Linh mồ côi mẹ từ năm mới lên hai tuổi, ở với bà suốt từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên. Được chứng kiến cuộc sống lam lũ của bà con láng giềng thân thuộc, Nguyễn Xuân Linh sớm có lòng thương người, yêu nước. Năm 15 tuổi, anh theo cha vào huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh học tại trường Pháp – Việt Đức Thọ.

Sau tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái mưu giết Toàn quyền Đông Dương Meclanh (19/6/1924), phong trào yêu nước dâng cao với hàng loạt cuộc biểu tình đòi ân xá cho nhà chí sỹ ái quốc Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Châu Trinh đã tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của thanh, thiếu niên, học sinh.

Những tư tưởng yêu nước của các thầy giáo có tư tưởng tiến bộ tại trường Pháp – Việt Đức Thọ đã thấm dần vào tâm hồn Nguyễn Xuân Linh. Là một học sinh rất giỏi văn, các bài luận của anh thường đạt điểm cao, được thầy giáo đọc cho cả lớp nghe.

Qua một thời gian thử thách, tháng 4/1930, một số học sinh tiến bộ trong đó có Nguyễn Xuân Linh được kết nạp vào Chi bộ Đảng nhà trường. Nhân dịp kỷ niệm ngày phản đối chiến tranh đế quốc (1/8/1930), theo chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Linh đi rải truyền đơn, anh bị cảnh sát bắt, giam tại Nhà lao Hà Tĩnh và bị kết án 8 tháng tù giam.

Sau khi ra tù, Nguyễn Xuân Linh về Nghệ An chung vốn buôn nước mắm với Hoàng Ngọc Liễn và liên lạc với Siêu Hải (Nguyễn Nhật Tân), Nguyễn Đức Bá để phục hồi tổ chức Đảng ở Vinh.

Giữa năm 1931, cả Nghệ An và Hà Tĩnh bước vào giai đoạn thoái trào cách mạng. Thực dân Pháp và Nam triều Phong kiến ngày càng khủng bố dữ dội. Tự nguyện hoạt động cách mạng lúc này là chấp nhận sẵn sàng hy sinh tính mệnh bất cứ lúc nào. Khi Nguyễn Xuân Linh liên lạc với Siêu Hải và Nguyễn Đức Bá là thời điểm mà cả hai Khu ủy Bến Thủy và Vinh đều đã bị địch phá vỡ từ tháng 8/1931. Hầu hết các đồng chí ủy viên Khu ủy đều sa lưới địch, các tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng cũng bị phá vỡ gần hết.

Với quyết tâm lớn và tinh thần hợp tác cộng đồng cao, tháng 12/1931, Khu ủy lâm thời Vinh được khôi phục, do Nguyễn Nhật Tân làm Bí thư cùng hai ủy viên là Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Đức Bá. Sau ba tháng hoạt động, Khu ủy Vinh đã xây dựng được 3 chi bộ cơ sở gồm 9 đảng viên và hai tiểu tổ Cứu tế đỏ gồm 11 hội viên. Khu ủy đã ra tờ báo “Sóng cách mạng” để tuyên truyền chủ trương của Đảng, lên án chính sách cải lương thâm độc của thực dân Pháp và cổ vũ, hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Phần lớn bài đăng trong các số báo “Sóng cách mạng” là do Nguyễn Xuân Linh chấp bút với bí danh là Nam hoặc Xuân. Khu ủy Vinh hoạt động không đơn độc mà thường xuyên liên lạc với các cấp bộ Đảng ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Cẩm Xuyên, Đức Thọ…

Hiệu buôn của Nguyễn Xuân Linh, Hoàng Ngọc Liễn ở Vinh rất khang trang, thợ đóng nước mắm hàng trăm người, khách đến mua tấp nập, dĩ nhiên có những người khách bí mật.

Đến giữa tháng 3/1932, hai đồng chí Siêu Hải và Nguyễn Đức Bá bị sa lưới địch, chỉ còn lại Nguyễn Xuân Linh. Không ngại gian khổ, hy sinh, Nguyễn Xuân Linh quyết tâm phục hồi lại tổ chức Đảng. Giữa tháng 4/1932, đồng chí đã triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu bổ sung thêm hai Khu ủy viên. Hội nghị đã bầu đồng chí Bùi Sỹ Viện và đồng chí Mai làm Ủy viên Khu ủy; đồng chí Nguyễn Xuân Linh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Khu ủy Vinh. Khu ủy hoạt động được 5 tháng, đến tháng 9/1932 lại bị địch phá vỡ.

Bọn mật thám đã đánh hơi được những hoạt động bí mật của hiệu buôn nước mắm Nguyễn Xuân Linh – Hoàng Ngọc Liễn, phát hiện ra chủ bút báo Sóng cách mạng. Chúng bắt Nguyễn Xuân Linh, tra tấn, giam tại Nhà lao Vinh, kết án 13 năm tù rồi chuyển vào Nhà tù Lao Bảo. Đến thời kỳ Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, Nguyễn Xuân Linh được giảm án 3 năm, nhưng vì tham gia đấu tranh trong tù, đồng chí lại bị tăng án thêm 2 năm.

Nguyễn Xuân Linh là một trong những tù nhân dám đứng mũi chịu sào trong những lúc khó khăn, cùng với các đồng chí nổi tiếng kiên cường như Trần Hữu Dực, Lê Tất Đắc… Đồng chí còn làm nhiệm vụ giác ngộ anh em tù thường phạm như dạy học quốc ngữ, dạy chính trị, vận động anh em đấu tranh đòi quyền lợi. Trước những hành động tàn ác của kẻ thù, Nguyễn Xuân Linh cùng các bạn tù bàn nhau đấu tranh bằng la hét. Mặc dù Moxin là một tên cai ngục khát máu, thường đâm tù nhân rồi liếm máu tươi nhưng đã bắt đầu e sợ những người tù cứng cỏi, gan góc như Chu Huệ, Trần Hữu Dực, Nguyễn Xuân Linh… và phải giải quyết một số yêu sách của tù nhân sau những cuộc đấu tranh bằng la hét.

Năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp sụp đổ, lập tức chế độ nhà tù ở Đông Dương thuộc địa bị cắt xén, trở lại cảnh địa ngục trần gian như cũ. Một số tù bỏ trốn, một số bị đưa sang Lào, một số chuyển đi Đắk Min trong đó có Nguyễn Tạo, Nguyễn Xuân Linh, Trương Vân Lĩnh, Trần Hữu Doánh…

Mặc dù sống cảnh tù tội muôn vàn gian khổ, nhưng với tâm hồn thi sỹ, với năng lực của một cựu học sinh giỏi văn, một thầy giáo dạy văn trong tù, Nguyễn Xuân Linh vẫn làm những bài thơ thể hiện long khao khát cuộc sống tự do với cờ và hoa…

Sau 7 năm tù tội trong Nhà đày Buôn Ma Thuột và Đắk Min, năm 1943, Nguyễn Xuân Linh được ra tù, tiếp tục hoạt động ở Nghệ An. Đồng chí đã phối hợp với Trương Vân Lĩnh vạch kế hoạch xây dựng cơ sở cách mạng ở thành phố Vinh, làm chỗ đứng để mở rộng hoạt động ra toàn xứ Nghệ. Bị mật thám bao vây lùng bắt, cả hai đồng chí buộc phải rút ra Thanh Hóa để tiếp tục hoạt động. Cuối năm 1943, sau khi dự lớp tập huấn chính trị, quân sự do Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức tại Chiến khu Ngọc Trạo, Nguyễn Xuân Linh được giao nhiệm vụ về Nghệ An hoạt động theo chương trình của Việt Minh, nhưng vừa về tới Diễn Châu, đồng chí bị sa lưới địch. Nhân sự kiện Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương (9/3/1945), Nguyễn Xuân Linh cùng các bạn tù vượt ngục về tiếp tục hoạt động.

Để khắc phục tình trạng các cấp bộ Đảng chưa kịp phục hồi khi thời cơ ngàn năm có một đối với vận mệnh dân tộc đang tới gần, một số cựu tù chính trị của hai tỉnh, đứng đầu là Nguyễn Xuân Linh đã đề ra chủ trương thành lập Ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh. Tại cuộc Hội nghị thành lập Ban vận động Mặt trận Việt – Minh liên tỉnh được tổ chức tại nhà đồng chí Mười Uyển, Thành phố Vinh (19/5/1945), Nguyễn Xuân Linh được cử làm Trưởng ban vận động và nhận trách nhiệm liên lạc với Trung ương Đảng.

Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Xuân Linh đem Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng về chỉ đạo thực hiện ở Nghệ Tĩnh. Ngày 8/8/1945, Việt Minh Nghệ Tĩnh đã tổ chức Đại hội đại biểu để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đại hội đã bầu Ban chấp hành chính thức của Việt Minh liên tỉnh gồm bảy ủy viên, do Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư.

Phong trào lên mạnh, Việt Minh có uy thế, huy động sử dụng được mọi lực lượng, làm cho số phản động thực sự cũng phải sợ, ta bắt làm gì chúng cũng phải làm, dần dần chúng ta sử dụng được tất cả mọi lực lượng phục vụ cho cách mạng, kể cả những người trước đây làm cho địch. Chính Việt – Minh Nghệ Tĩnh đã điều khiển cả tỉnh trưởng Đặng Hướng cho bắt tên này tên kia, đổi cả tri huyện Quỳnh Lưu, đổi cả cảnh sát. Chính quyền bù nhìn thân Nhật ở Nghệ Tĩnh do Việt Minh nắm, do đó bọn Nhật mất chỗ dựa, càng thất thế hơn bao giờ hết.

Khi được tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh, Việt Minh Nghệ Tĩnh, đứng đầu là Nguyễn Xuân Linh ra lệnh khởi nghĩa ngay lập tức. Lúc đầu có kế hoạch nông thôn khởi nghĩa trước, thành thị sau, nhưng đã đổi lại là tùy tình thế từng nơi, không câu nệ nơi nào trước, nơi nào sau, ở đâu có điều kiện là khởi nghĩa giành chính quyền ngay.

Chỉ trong vòng 1 ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Vinh đã thành công “nhanh gọn, không một giọt máu chảy, không một lực lượng phản động nào dám chống lại”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Linh đã góp phần đáng kể cho thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Nghệ Tĩnh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Xuân Linh trúng cử Ủy viên Xứ ủy Trung bộ, phụ trách ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh (về sau là Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy 4).

Ngày 17/11/1951, trong cuộc họp giữa Đoàn chỉ đạo xây dựng Đảng của Trung ương Đảng với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Ủy viên Ban thường vụ Liên khu ủy 4 được cử về trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (cho đến giữa năm 1954).

Sau mấy năm làm nhiều công tác do Trung ương điều động, tháng 3/1959, đồng chí Nguyễn Xuân Linh lại được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, được tái cử qua nhiều nhiệm kỳ đại hội đại biểu, cho tới tháng 3/1972. Sau đó, đồng chí giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến lúc nghỉ hưu. Đồng chí từ trần năm 1988, thọ 80 tuổi.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có một con đường tại phường Đông Vĩnh mang tên Nguyễn Xuân Linh, một tấm gương cộng sản sáng ngời, một người đã để lại những ấn tượng vô cùng trong sáng và đẹp đẽ đối với hai Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.

Video