Nguyễn Thị Thiu (1907- 1992)

Tác giả: admin
Ngày 2012-03-26 02:22:40

Nguyễn Thị Thiu sinh năm Đinh Hợi (1907), tại làng Kỳ Trân, tổng Thượng xá( nay là xã Nghi Trường huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An). Khi đi hoạt động cách mạng, Nguyễn Thị Thiu lấy bí danh là Sắc. Thân phụ là ông Nguyễn Năng Cảnh, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lan. Ông Cảnh và bà Lan luôn có tinh thần yêu nước thương dân, khảng khái, căm thù giặc, cùng tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du. Ông bà đã nuôi dạy các con, cháu khôn lớn và hướng họ đi theo con đường đánh giặc cứu nước, đem hạnh phúc lại cho muôn dân. Năm 1925, cả nước nổi lên phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Nhân dân huyện Nghi Lộc tích cực hưởng ứng, Nguyễn Thị Thiu rất vui sướng được tham gia đi biểu tình trong đoàn quân hùng mạnh của quần chúng nhân dân.

Năm 1927, huyện Nghi Lộc là địa bàn hoạt động của Đảng Tân Việt và Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Được chị Nguyễn Thị Nhã giới thiệu, Nguyễn Thị Thiu đã gặp được chị Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyễn Thị Minh Khai giao cho Nguyễn Thị Thiu một số công việc cách mạng. Thấy Nguyễn Thị Thiu tiến bộ nhanh chóng, hăng hái, có bản lĩnh, xông xáo, biết giữ bí mật, chị Minh Khai liền báo cáo với tổ chức, định thời gian và chuẩn bị địa điểm để kết nạp chị em Nguyễn Thị Thiu và một số thanh niên tiến bộ của huyện Nghi Lộc vào Đảng Tân Việt:

Vào một buổi trưa tháng 3- 1928, tại Chùa Phú Môn, cách nhà tôi độ một cây số, tôi và Thiu được chị Minh Khai kết nạp vào Đảng Tân Việt. Đến cuối năm 1928, chị Khai đưa Thiu lên làm việc ở nhà máy Tơ (Vinh) để hoạt động trong công nhân…

Những ngày đầu thoát ly khỏi gia đình, vào thành phố Vinh hoạt động, Nguyễn Thị Thiu được bố trí ở chung với chị Thìn, đã có hai con nhỏ. Nguyễn Thị Thiu chăm làm, đoàn kết giúp đỡ chị em khi họ gặp khó khăn, tìm hiểu những mặt mạnh, mặt yếu của từng người.Thiu gắn kết chị em trong một khối đoàn kết, thương yêu và sống có trách nhiệm với nhau. Nguyễn Thị Thiu luôn gần gũi, động viên và tuyên truyền, giác ngộ chị em, bồi dưỡng những chị em tích cực như chị Thìn, chị Phú làm nòng cốt cho phong trào. Số chị em sau khi được Nguyễn Thị Thiu giác ngộ, họ lại tiếp tục tuyên truyền vận động chị em khác. Cứ như vậy, số chị em tham gia cách mạng trong nhà máy tơ ngày càng nhiều.

Nguyễn Thị Thiu bàn với chị em hợp lực lại đấu tranh để chống những thói hư tật xấu của bọn cai, hống hách, thường trêu ghẹo, cúp phạt chị em. Cuộc đấu tranh của chị em nhà máy Tơ bắt đầu còn ở bộ phận, sau nổ ra toàn nhà máy. Bọn chủ ngơ ngác khi nghe chị em to tiếng thách thức: Nếu không ký vào bản yêu sách thì tất cả chị em công nhân trong toàn nhà máy sẽ đình công. Hoảng quá, tên chủ nhà máy Tơ buộc lòng phải nhượng bộ. Chị em nhà máy vui mừng khôn xiết và càng yêu mến, tin tưởng và kính trọng Nguyễn Thị Thiu nhiều hơn. Thông qua phong trào đấu tranh, Nguyễn Thị Thiu đã chọn được một đội nữ công nhân tích cực, đề nghị với chị Minh Khai kết nạp họ vào Đảng Tân Việt. Cuộc vận động có kết quả, đã thành lập được tiểu tổ Đảng Tân Việt lãnh đạo hoạt động trong nhà máy Tơ. Sau đó, Nguyễn Thị Minh Khai điều Nguyễn Thị Thiu đi xây dựng và phát triển tổ chức Đảng ở Vinh và huyện Nghi Lộc.

Nguyễn Thị Thiu từ Vinh về huyện Nghi Lộc hoạt động được vài tháng thì Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời (6- 1929). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung và Võ Mai thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Thiu chuyển sang tổ chức Đông Dương Cộng sản.

Nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 (7/11/1917- 7/11/1929), Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương phát động quần chúng nhân dân đấu tranh, treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, in báo chí để tuyên truyền. Truyền đơn báo chí thì được Lê Huy Điệp phụ trách. Vải đỏ may cờ được chị Minh Khai giao cho hai chị em Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Thị Thiu, đem phân phát xuống từng cơ sở. Ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga, cờ đỏ búa liềm được treo trên câc cây cao, đình làng. Truyền đơn của Đảng được rải ở nhiều địa điểm đông người qua lại của huyện Nghi Lộc. Sau đợt treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn , phong trào cách mạng của huyện Nghi Lộc đã phát triển mạnh.

Tháng 2- 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập (3-1930) do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Lê Huy Điệp và nhiều đồng chí tích cực khác ở Nghi Lộc gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam .

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, Phân cục Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát động công nông đấu tranh.

Đêm 30-4- 1930, Tự vệ đã treo cờ đỏ búa liềm lên các cây cao, đình làng. Truyền đơn của Đảng có in 24 khẩu hiệu kêu gọi công nông đoàn kết đấu tranh được rải ở khắp nơi trong huyện. Mới 3 giờ sáng, nông dân các xã đã nổi trống, chiêng, thanh la, hô khẩu hiệu rồi phất cao cờ búa liềm, kéo vào thành phố, hợp lực với công nông Vinh - Bến Thủy biểu tình.

Nguyễn Thị Thiu tham gia trong ban lãnh đạo cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930, đã bị bọn mật thám chỉ điểm theo dõi. Vào đêm 3-5-1930, sau cuộc họp của Chi bộ triển khai công tác, Nguyễn Thị Thiu vừa về đến ngõ, đang lách mở cổng thì bị bọn lính chặn bắt. Chúng giải đồng chí lên giam tại nhà lao huyện Nghi Lộc. Sau ba ngày tra khảo, không tìm được chứng cớ, chúng đành phải thả cho đồng chí về nhà.

Thực hiện lời kêu gọi của Phân cục Trung Kỳ, dưới sự lãnh đạo của huyện Đảng bộ Nghi Lộc, hai chị em Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu đi xuống các làng, xã tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tiếp tục đấu tranh ủng hộ cuộc biểu tình của công nông Vinh - Bến Thủy, phản đối thực dân Pháp đàn áp khủng bố công nhân Vinh - Bến Thủy trong cuộc đấu tranh vừa qua. Ngày 2-6-1930, Nguyễn Thị Thiu và Nguyễn Thị Nhã vận động được 500 nông dân các Tổng Thượng Xá, Đặng Xá và Kim Nguyên biểu tình kéo lên huyện đường Nghi Lộc, hô vang khẩu hiệu đòi giảm sưu, hoãn thuế. Tri huyện Tôn Thất Hoàn huy động quân lính kéo đến, nhưng không giám đàn áp cuộc đấu tranh. Y đã nhận bản yêu sách của dân chúng và hứa sẽ trình lên cấp trên giải quyết .Cuộc đấu tranh của ba tổng thắng lợi, có sự đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Thị Thiu.

Ngày 25-6-1930, Đảng bộ Nghi Lộc tổ chức cuộc đấu tranh trong toàn huyện. Nguyễn Thị Thiu vận động hàng ngàn người tổng Kim Nguyên tham gia. Đoàn người đi biểu tình kín đường, rồng rắn kéo xuống tập trung tại Cồn Mả Nường dự mít tinh. Tri huyện Tôn Thất Hoàn huy động hết quân lính đóng ở các đồn kéo đến bao vây. Đến nơi thấy lực lượng quần chúng đông như ngày hội, trong tay có gậy cộc, giáo mác, sẵn sàng chiến đấu. Tôn Thất Hoàn đành ra hiệu cho lính rút lui. Ngày 6-7-1930, Huyện ủy Nghi Lộc đã huy động nhân dân các tổng kéo vào Vinh hợp sức với cuộc đấu tranh đình công của công nhân nhà máy Diêm, đòi bọn chủ phải thực hiện những yêu sách mà chúng đã hứa trước đây.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ, quyên góp cứu trợ công nhân ở các nhà máy Vinh - Bến Thủy kéo dài cuộc đình công cho đến ngày thắng lợi. Nguyễn Thị Thiu và Nguyễn Thị Nhã lãnh đạo Hội phụ nữ Giải phóng huyện Nghi Lộc mở cuộc vận động chị em trong toàn huyện tham gia quyên góp, ủng hộ.

Tháng 7- 1930, trước sự phát triển nhanh chóng phong trào cách mạng của nhân dân trong toàn huyện, tri huyện Tôn Thất Hoàn đã huy động bọn lính ở các đồn canh gác ngày đêm, tăng cường mật thám rình mò, lùng sục, cài mật thám vào hàng ngũ tự vệ để theo dõi mọi hoạt động cách mạng. Xứ ủy Trung Kỳ triệu tập cuộc họp để phổ biến kế hoạch đấu tranh trong giai đoạn tới. Đồng chí Nguyễn Thức Mẫn, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc đi dự họp, trên đường từ Vinh về bị phục kích. Cơ quan Huyện ủy Nghi Lộc phải chuyển địa điểm hoạt động xuống Nhà thờ họ Hoàng Văn ở làng Vạn Lộc cửa Lò. Nguyễn Thị Thiu và nhiều đồng chí đảng viên, quần chúng cách mạng hoạt động tích cực đều bị bắt. Sau khi tra tấn, tại nhà lao huyện Nghi Lộc không lấy được lời khai, tri huyện Tôn Thất Hoàn cho lính áp giải vào giam tại nhà lao Vinh để lập bản án.

Chúng tra tấn Nguyễn Thị Thiu rất ác độc: bắt đứng trong cái mâm đồng đặt giữa sân nền xi măng vào buổi trưa hè nắng như nung, giẫm trên tổ kiến lửa… Mỗi bận đi hỏi cung trở về, thân mình bầm dập, máu máu me bê bết. Dù kẻ thù có dùng mọi cực hình tra tấn và những âm mưu thủ đoạn xảo quệt đến mấy, nhưng vẫn không lay chuyển được Nguyễn Thị Thiu. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, tù chính trị đã tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chính sách cai trị và chế độ khắc nghiệt trong nhà lao. Nguyễn Thị Thiu vận động chị em đoàn kết, tương thân tương ái, kiên cường bền bỉ đấu tranh. Sau 5 tháng bị giam tại nhà lao Vinh (7- 12/1930), do không có bằng chứng để buộc tội, Nguyễn Thị Thiu lại được thả.

Nguyễn Thị Thiu ra tù, đúng vào lúc cách mạng đang rất cần những người vận động giỏi và có tài tổ chức như chị để phát động quần chúng đấu tranh, kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga và Quảng Châu Công xã. Nguyễn Thị Thiu hăng hái đến từng làng, xã ven thành phố Vinh,vận động hàng ngàn thanh niên, phụ nữ, Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ tham gia hợp sức cùng công nông Vinh - Bến Thủy đã gây một tiếng vang lớn.

Ngày 2-1-1931, nhân dân và Tự vệ đỏ đã giết tri huyện Tôn Thất Hoàn cùng một số tên lính. Thực dân Pháp lại đưa Trần Mậu Trinh về làm tri huyện. Tên này khét tiếng độc ác, xảo quyệt, có nhiều âm mưu thủ đoạn chia rẽ gây mất đoàn kết, gây nghi ngờ để dễ bề cai trị. Để tránh tổn thất cho cách mạng, Tỉnh ủy Nghệ An điều các đồng chí Hoàng Văn Tâm, Nguyễn Thị Xân đã bị lộ lên Tỉnh ủy Nghệ An hoạt động. Đồng chí Nguyễn Sinh Diên (tức Cẩm) huyện Nam Đàn về làm Bí thư huyện ủy Nghi Lộc thay đồng chí Hoàng Văn Tâm. Đồng chí Nguyễn Thị Thiu được bổ sung vào Ban chấp hành Huyện ủy Nghi Lộc thay đồng chí Nguyễn Thị Xân.

Nguyễn Thị Xân mới đi được mấy hôm thì có trát của tri huyện Trần Mậu Trinh cho đòi Nguyễn Thị Thiu lên công đường để dò la tin tức. Không moi được tin gì, chúng giam giữ và hoạnh họe đồng chí ba ngày rồi cũng phải thả. Nhưng từ đó, Trần Mậu Trinh đã lệnh cho bọn lính thay nhau canh gác, hễ thấy Nguyễn Thị Thiu ra khỏi nhà là chúng bám theo. Không thể đi hoạt động được. Biết kẻ địch đang dăng bẫy để bắt tất cả các đồng chí lãnh đạo. Nghĩ vậy Nguyễn Thị Thiu liền nghĩ ra một cách để tự giải thoát cho mình:

"Một hôm, tôi nhờ mẹ trói hai tay tôi lại, rồi cứ thế tôi đi thẳng lên công đường tìm gặp huyện Trinh và nói: Từ ngày cụ lớn tha cho con về nhà nhưng lúc nào cũng cho lính cặp kè ngoài ngõ, chẳng chịu cho con đi làm ăn, thế này thì còn quá hơn ở tù. Vì vậy con lên xin cụ cho con được vào ngồi tù để ngày hai bữa còn được vắt cơm hẩm mà ăn, chớ ở nhà mà không được đi làm thì lấy chi mà bỏ vô miệng ?
A ! Con này to gan lớn mật lắm! Thôi, tao tha cho mày về, tao hứa bỏ lính canh, nhưng mày phải hứa với tao là không được làm điều xằng bậy cho Cộng sản. Nghe chưa? Rồi hắn tự tay cởi trói cho tôi. Mấy hôm sau, chẳng thấy mặt bọn lính nữa. Tôi mừng thầm vì cuộc đấu tranh của mình đã thắng lợi.
"

Ban chấp hành Huyện ủy vẫn kiên cường bám sát quần chúng nhân dân, hướng dẫn chỉ đạo phong trào bằng nhiều hình thức: giết tên lý trưởng nguy hiểm ở làng Kim Khê Thượng, thả truyền đơn cảnh cáo những tên khác, đòi hoãn thuế, lấy lúa gạo của những tên gian ác chia cho nhân dân cứu đói… đã động viên khích lệ tinh thần hăng hái của quần chúng nhân dân, giữ vững lòng tin với Đảng.

Vì không dẹp yên Cộng sản, cuối tháng 7- 1931, tri huyện Trần Mậu Trinh bị điều khỏi Nghi Lộc, chúng đưa tên Liêm về nhận chức tri huyện Nghi Lộc. Để tránh bị bắt, Tỉnh ủy điều Nguyễn Thị Thiu lên Thanh Chương hoạt động.

Ngày 5-8-1931, do sơ suất của đồng chí liên lạc đã bắt mối nhầm với cháu của tên quan huyện, cài vào đội Tự vệ đỏ làm mật thám chỉ điểm. Khi Nguyễn Thị Thiu và Tôn Thị Quế đang soạn tài liệu để phân cho các Chi bộ, bất ngờ, bọn lính kéo đến bao vây khám nhà và chúng đã bắt quả tang.

Lần thứ 3 Nguyễn Thị Thiu bị bắt. Bọn mật thám hí hửng, kéo hai chị lên thuyền và áp giải về huyện. Đến gần khúc sông có nhiều lối thoát, Nguyễn Thị Thiu và Tôn Thị Quế nháy mắt ra hiệu cho nhau, cả hai cùng nhảy ào xuống nước. Hai người lặn hai ngả để đánh lạc hướng quân lính. Chúng thổi còi, huy động quân lính trên bờ truy bắt. Nguyễn Thị Thiu lại bị bắt. Lần này chúng cảnh giác hơn, trói gô hai người vào thanh ngang mạn thuyền, không ai còn đứng dậy được nữa. Nguyễn Thị Thiu và Tôn Thị Quế được xuôi thuyền về sở mật thám ở Vinh.

Kẻ địch đã dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khuất phục được Nguyễn Thị Thiu. Chúng nham hiểm chuyển hướng, đưa mẹ và đứa cháu nội độc nhất, con của người anh trai đã hy sinh đưa vào nhà lao Vinh hành hạ để khuất phụ hai chị em Thiu.

Tôi đang quằn quại trên sàn nhà vì những vết thương của trận đòn tra tấn đêm trước thì cửa xà lim xịch mở, chúng lần lượt đẩy chị Xân, đứa cháu và cuối cùng là mẹ tôi vào. Thằng Om be, Chánh mật thám bước vào. Hắn giả vờ ra bộ ngạc nhiên, quát tháo bọn lính :
Ơ hay ! đứa nào giám cả gan trói bà lão ? Có mở ngay ra không !

Ba bốn tên lính lăng xăng chạy vào mở trói cho mẹ tôi, rồi chính tay thằng Ombe kéo ghế mời mẹ tôi ngồi. Mẹ tôi quay phắt lại, giật cái roi trên tay thằng lính rồi chạy lại quất lia lịa vào lưng, vào đầu tôi và chị Xân. Vừa đánh, mẹ vừa hổn hển quát: Có khai ra không ? Ai xui chúng mày đi làm Cộng sản ? Ai xui , ai xui ? . . .

Trong lúc tên Ombe còn bàng hoàng, bối rối chưa biết xử lý ra sao thì mẹ tôi đã cúi xuống thì thào nói nhỏ với chúng tôi : Gắng mà chịu đựng, đừng có khai bậy cho ai nghe con.

Hiểu ý mẹ, chúng tôi gào lên thật to, lăn lóc vật vã. Thấy cảnh kéo dài, thằng Ombe chán nản khoát tay bọn lính đi ra ngoài.

Hôm sau hắn lại dùng thủ đoạn khác, nhưng nham hiểm hơn. Hắn lôi mẹ tôi đến một phòng giam sát bên cạnh phòng chúng tôi rồi bắt đầu tra tấn mẹ…

Nguyễn Thị Thiu xác định tinh thần, quyết noi gương các đồng chí đã hy sinh và không phụ lòng cha, mẹ, anh chị trong gia đình. giữ vững tinh thần, mài sắc ý chí chiến đấu, thà chết vinh còn hơn sống nhục, luôn giữ vững khí tiết cách mạng.

Năm 1936, từ nhà lao Vinh, được tin ở nhà mẹ già sau thời gian bị đánh đập tàn nhẫn bị bệnh nặng, không thuốc thang chạy chữa nên đã qua đời. Không được gặp mẹ trong những phút lâm chung, Nguyễn Thị Thiu đau đớn tái tê. Được anh chị em, đồng chí trong lao Vinh động viên chia sẻ, Nguyễn Thị Thiu nén đau thương, quyết bền gan chiến đấu, bảo vệ cuộc sống, chờ ngày ra tù rửa hận cho cha mẹ.

Tháng 3 năm 1941, thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều đã lập danh sách những tù chính trị cứng đầu như Nguyễn Thị Thiu giam tại nhà lao Vinh, giải ra ga, đẩy lên một toa xe tàu bịt kín chở vào giam tại nhà tù Nha Trang. Được một thời gian, chúng lại tách Nguyễn Thị Thiu và những phạm nhân tù chính trị nữ cứng đầu thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh đưa lên giam tại nhà tù tỉnh Khánh Hòa, một vùng rừng núi hẻo lánh, xa dân.

Đầu tháng 4 năm 1945, Nguyễn Thị Thiu và tất cả các chiến sỹ cách mạng đã được ra tù. Nguyễn Thị Thiu về quê, tiếp tục tham gia trong Ban lãnh đạo khởi nghĩa, vận động nhân dân huyện Nghi Lộc đấu tranh giành chính quyền vào tháng 8- 1945.

Tháng 10- 1945, Huyện ủy lâm thời Nghi Lộc được thành lập, Nguyễn Thị Thiu được bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy, làm Bí thư Hội Phụ nữ huyện. Đồng chí lại hăng hái vận động nhân dân trong huyện ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tham gia học tập văn hóa chính trị, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm, thực hành tiết kiệm, hưởng ứng “tuần lễ vàng” phục vụ kháng chiến.

Ngày 19- 3- 1946, Đại hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nghệ An họp tại Cửa Tả (Vinh), Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm có các đồng chí Hồ Thị Nhung, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Thị Thiu được bầu làm Phó Hội trưởng BCH Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An, Hội trưởng Liên Khu Hội Phụ nữ Liên khu IV.

Từ 1946 -1954, đồng chí Nguyễn Thị Thiu tham gia liên tục 5 khóa Thường vụ Ban chấp hành Huyện ủy.

Năm 1951- 1952, đồng chí Nguyễn Thị Thiu là Phó Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ tỉnh Nghệ An , Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Năm 1952, đồng chí làm Bí thư Đảng đoàn Hội Phụ nữ tỉnh, Phó Hội trưởng Liên hiệp Phụ nữ Liên khu IV, Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Từ năm 1954 đến 1965, Nguyễn Thị Thiu làm Hội trưởng HLPN tỉnh Nghệ An. Năm 1955 đến năm 1961, đồng chí Nguyễn Thị Thiu được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An và là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An hai khóa.

Từ năm 1958- 1960, Nguyễn Thị Thiu được cử đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Kết thúc khóa học trở về tỉnh công tác, đồng chí lại được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An.

Từ năm 1960- 1964, đồng chí Nguyễn Thị Thiu được bầu là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa II.
Năm 1965, đồng chí Nguyễn Thị Thiu được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam điều ra công tác tại Trung ương Hội và những năm sau, đồng chí được về nghỉ hưu tại Hà Nội .

Với những công lao đóng góp cho Đảng, cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thiu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng xứng đáng và cao quý

Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Huân chương Độc lập hạng Hai
Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Huy hiệu Hồ Chí Minh

Năm 1992, do tuổi cao, sức yếu, ngày 25-11- 1992 (tức ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Thân) đồng chí Nguyễn Thị Thiu đã từ trần tại bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô.

Nguyễn Thị Thiu đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì lý tưởng Cộng sản, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đồng chí đã nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết, sống vô tư trong sáng, tận tụy, thủy chung. Nguyễn Thị Thiu mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân và tuổi trẻ trên quê hương Nghệ An Xô viết. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Thị Thiu như ngọn lửa thiêng, soi sáng con đường cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã chọn..

Video