NGUYỄN THỊ DUỆ - ĐỘI TRƯỞNG GIAO THÔNG CỦA XỨ ỦY TRUNG KỲ

Tác giả: admin
Ngày 2023-03-08 15:19:17

Cách đây 93 năm trước, tại Vinh – Bến Thủy, công nhân trong các nhà máy và nông dân các vùng phụ cận đã cùng nhau đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, bỏ thuế, khởi đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), mốc son chói lọi trong trang sử vàng của Đảng ta. Trưởng thành từ phong trào này có rất nhiều người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Duệ – người con ưu tú của Bến Thủy anh hùng, Đội trưởng giao thông của Xứ ủy Trung Kỳ.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Duệ

Đồng chí Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1910 tại làng Yên Dũng Hạ, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên (nay là Phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An. Lớn lên trong cảnh lam lũ cực nhọc, sớm mồ côi cha mẹ, 17 tuổi Nguyễn Thị Duệ phải đi làm thuê tại nhà máy Diêm – Bến Thủy. Thời kỳ đó, nhà máy Diêm – Bến Thủy được mở rộng và trở thành một trong hai nhà máy lớn nhất ở thị xã Vinh – Bến Thủy. Số công nhân ở nhà máy đã có tới hơn ngàn người, gồm nhiều thành phần: nam, nữ, thanh niên và cả trẻ em. Trong đó chỉ có một bộ phận nhỏ làm máy móc, còn đa số là lao động thủ công nặng nhọc. Phụ nữ làm việc tại đây cực khổ trăm đường. Họ không những bị đánh đập, chửi bới, cúp phạt mà còn phải chịu sự trêu ghẹo, châm chọc, sờ mó của bọn cai, ký. Chính nỗi thống khổ đó đã hình thành nên trong Nguyễn Thị Duệ và nhiều chị em cùng trang lứa ý chí quyết tâm giải phóng bản thân, giải phóng quê hương.

Ngày 14/7/1925, trên núi con Mèo, Vinh – Bến Thủy, Hội Phục Việt ra đời, đã thu hút rất nhiều thanh niên yêu nước tham gia. Nguyễn Thị Duệ và một số đồng chí cùng làm việc trong nhà máy Diêm như Lê Mao, Lê Doãn Sửu, Lê Viết Thuật … đã hăng hái tham gia phong trào đấu tranh và các hoạt động do Hội tổ chức. Dưới sự lãnh đạo của Hội, phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và phong trào đòi để tang cho cụ Phan Chu Trinh đã trở thành những cuộc biểu tình lớn, làm thức tỉnh tinh thần dân tộc trong Nguyễn Thị Duệ và chị em công nhân trong các nhà máy. Nguyễn Thị Duệ đã nhanh chóng trưởng thành, tích cực tham gia vận động, kêu gọi anh chị em công nông đấu tranh và chính thức dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng đầy chông gai. Để giữ bí mật, ngụy trang che mắt địch, Nguyễn Thị Duệ đã sử dụng các bí danh là: Vỵ, Thanh, Sửu.   

Ngày 11/4/1928, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên Tân Việt, công nhân  nhà máy Diêm và nhà mày Cưa đã liên kết đấu tranh, phản đối chủ đuổi thợ vô lý, đòi tăng lương bớt giờ làm. Kết quả, chủ nhà máy buộc phải tăng lương đồng loạt cho công nhân 5 xu/ngày. Cuộc đấu tranh thắng lợi, Nguyễn Thị Duệ lại càng được anh em công nhân trong nhà máy tin yêu, mến phục và được bầu là Tổ trưởng.

Tháng 2/1930, Nguyễn Thị Duệ được cử vào Ban đấu tranh, chịu trách nhiệm vận động tuyên truyền trong công nhân. Ngày 5/4/1930, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Mao (Bí thư Tỉnh uỷ Vinh), Chi uỷ nhà máy Diêm đã họp bàn vận động công nhân ủng hộ cứu tế cho công nhân nhà máy sợi Nam Định bãi công, đồng thời bàn về việc hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng phát động phong trào đấu tranh trong toàn quốc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5.  Là một đảng viên phụ trách công tác tuyên truyền vận động và phát triển lực lượng cách mạng của công nhân Vinh – Bến Thủy, Nguyễn Thị Duệ đã hăng hái làm việc không quản ngày đêm, thường xuyên tổ chức, vận động chị em đấu tranh ngày càng sôi nổi.

Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Tỉnh uỷ Vinh đã tổ chức họp bàn và giao cho đồng chí Lê Mao trực tiếp chỉ đạo chung công nhân các nhà máy khu vực Vinh – Bến Thuỷ và quyết định mỗi nhà máy có một ban chỉ huy riêng. Nguyễn Thị Duệ được cử vào Ban lãnh đạo của nhà máy Diêm và trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Cuộc đấu tranh 1/5/1930 nổ ra với sự tham gia đông đảo của anh chị em công nhân nhà máy Diêm đã trở thành cuộc đấu tranh mở đầu của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Từ ngọn lửa khởi đầu đó, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đã nhanh chóng lan rộng tới các phường xã, huyện lỵ… làm tan rã bộ máy chính quyền tay sai. Chính quyền Xô Viết được thiết lập nhiều nơi trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Các tổ chức quần chúng như Công hội Đỏ, Phụ nữ Giải phóng, Đoàn Thanh niên Cộng sản … đều lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Lê Doãn Sửu (Ủy viên Tỉnh ủy Vinh) đã trực tiếp giao nhiệm vụ vận động và xây dựng lực lượng tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng cho đồng chí Nguyễn Thị Duệ và Nguyễn Thị Nhuận. Được chị Duệ tuyên truyền vận động và giúp đỡ, nhiều chị em công nhân trong các nhà máy gia nhập Hội ngày càng đông. Họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hội họp, quyên góp tiền, quần áo, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Vào thời gian này, phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng lên cao, kẻ địch càng ráo riết theo dõi, truy lùng. Ngày 14/10/1930, Nguyễn Thị Duệ đã bị bọn mật thám bắt và giải vào giam tại nhà lao Vinh. Suốt hơn 4 tháng giam cầm, tra tấn đủ mọi cực hình, nhưng chị vẫn bình tĩnh, kiên quyết không khai. Do không đủ bằng chứng, chúng buộc phải thả chị ra, đuổi chị khỏi nhà máy Diêm và lệnh cho mật thám bí mật theo dõi.  

Ra tù, Nguyễn Thị Duệ lập tức bắt tay ngay vào công việc. Với trí thông minh, nhanh nhẹn và lòng dũng cảm, nữ cán bộ giao thông liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ – Nguyễn Thị Duệ đã cải trang làm nghề buôn bán hoa quả, khéo léo vượt qua mọi khó khăn, kịp thời vận chuyển truyền đơn, tài liệu, báo chí của Đảng đến các cơ sở. Nhờ vậy, đường dây liên lạc từ cơ quan Xứ uỷ đến các cơ sở Đảng đã được nối liền.

Từ ngày 24-29/4/1931, Hội nghị của Xứ ủy Trung kỳ được tổ chức tại Đền Bồ (làng Lộc Đa) do đồng chí Nguyễn Phong Sắc (Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ) chủ trì đã báo cáo tình hình cách mạng từ đầu năm 1930 và việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Ban cán sự Xứ ủy và Nghị quyết của các tỉnh thực hiện chủ trương của cấp trên... Đồng chí Nguyễn Thị Duệ đã tham dự Hội nghị để tiếp thu ý kiến chỉ đạo, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới.

Sau Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo chủ trì của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ như  Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao cùng nhiều đồng chí khác bị sa lưới địch và hy sinh. Lúc này, các Huyện uỷ và Tỉnh uỷ đều phải rút vào rừng núi hoạt động bí mật, bảo toàn lực lượng. Đồng chí Lê Viết Thuật làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ thay đồng chí Nguyễn Phong Sắc, làm việc trong một cái hang bí mật ở phố Đệ Thập. Đồng chí Nguyễn Thị Duệ (Bí thư Khu uỷ Bến Thủy) với bí danh là Sửu đã thường xuyên qua lại báo cáo tình hình phong trào và nhận chỉ thị từ đồng chí Bí thư để chuyển xuống các cơ sở Đảng. Ngày 7/12/1931, trong khi đang họp tại một cơ sở bí mật ở phố Đệ Thập, đồng chí Lê Viết Thuật và Nguyễn Thị Duệ đã bị bọn mật thám bắt, giải về giam tại nhà lao Vinh. Lần thứ hai bị giam cầm tại nhà lao Vinh, thực dân Pháp đã sử dụng nhiều thủ đoạn nham hiểm và các kiểu tra tấn vô cùng dã man, nhưng vẫn không lay chuyển được tình thần gang thép, lòng thuỷ chung son sắt với Đảng của người con gái Bến Thủy – Nguyễn Thị Duệ. Ngày 8/1/1932, toà án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án Nguyễn Thị Duệ khổ sai chung thân. Đến tháng  3/1934, nhân dịp Vua Bảo Đại cưới vợ, đã ban lệnh giảm án cho tù chính trị, Nguyễn Thị Duệ và nhiều đồng chí khác đã được thả tự do.

Ra tù, Nguyễn Thị Duệ cùng với chồng là Nguyễn Văn Vỵ (Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ Bến Thuỷ) vẫn tiếp tục hăng hái hoạt động cách mạng. Xưởng quân giới Lê Viết Thuật cùng với sự đóng góp to lớn của vợ chồng đồng chí Nguyễn Thị Duệ đã góp phần không nhỏ vào công cuộc Thi đua ái quốc trong thời kỳ cả nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc...

Nguyễn Thị Duệ – người con ưu tú của quê hương Bến Thủy anh hùng, Đội trưởng giao thông liên lạc của Xứ Ủy Trung Kỳ đã hiến dâng trọn đời mình vì lý tưởng cộng sản cao đẹp, giải phóng phụ nữ và giải phóng dân tộc. Noi gương nữ chiến sỹ Xô viết Nguyễn Thị Duệ, đã có biết bao chị em “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cùng dân tộc vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập tự do cho quê hương, đất nước. Họ đã viết nên trang sử vẻ vang của Đảng ta, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu; xứng đáng với tám chữ Vàng Bác Hồ kính yêu trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Phạm Thị Kim Lân

P.Trưởng phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Video