Nguyễn Thị Duệ ( 1910- 1952 ) Bí danh: Vỵ, Thanh, Sửu

Tác giả: admin
Ngày 2010-10-04 13:57:47

Trong hồ sơ của thực dân Pháp về đồng chí Lê Viết Thuật, Bí thư xứ uỷ Trung Kỳ hiện đang lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có Điện mật ngày 8/12/1931 của Billet “Chánh Liêm phóng Trung Kỳ gửi ngài chỉ huy ở Hà Nội và chuyển tới Liêm Phóng Hà Tĩnh và Hà Nội” về việc: “đã bắt được: 1. Lê Thuật, tức Danh, tức Nguyễn Văn Mưu, tức Nhiên, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ; 2. Trần Thị Minh Châu tức Dung, tức Nam, cựu thành viên ban tuyên truyền Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, hiện là liên lạc của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đến Xứ uỷ Trung Kỳ; 3. Nguyễn Thị Duệ tức Thị Thanh, Thị Vy, cựu thành viên Khu uỷ Bến Thuỷ, hiện là Trưởng ban giao thông của Xứ uỷ Trung Kỳ ...” 

Vậy chúng ta hãy tìm hiểu ít nét về cuộc đời hoạt động cách mạng của người Trưởng ban giao thông của Xứ uỷ Trung Kỳ trong những năm tháng Đảng ta mới ra đời như thế nào? 

Đồng chí Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1910 tại làng Yên Dũng Hạ, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên(nay là phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An. 

Đầu thế kỷ XX, tại vùng Vinh - Bến Thuỷ, người nông dân bị thực dân Pháp cướp hết đất để xây dựng nhà máy, sân bay... người nông dân không có một tấc đất cắm dùi; họ phải vào làm thuê trong các nhà máy để kiếm miếng cơm manh áo. Sớm mồ côi cha mẹ, 17 tuổi chị Duệ phải cầy cục mãi mới xin được vào làm công nhân trong nhà máy Diêm. Nhà máy Diêm ra đời năm 1907 thuộc Công ty lâm nghiệp Rừng và Diêm (gọi tắt là SIFA). Nhà máy có 6 bộ phận chính: 

- Nhà đẽo: vớt gỗ dưới sông lên đo cắt và chở vào nhà máy. 

- Nhà Kẽm: bóc vỏ, chặt que, nấu, sấy và sàng que cho vào khay 

- Bộ phận cầm bàn: rải que thành lối, nhúng thuốc gom que 

- Bộ phận sấy vỏ. 

- Bộ phận bỏ que: bỏ que vào bao. 

- Bộ phận quét phấn và dán tem 

Ngoài ra còn có một số bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ sửa chữa nhà cửa, phân xưởng. Mỗi bộ phận có một cai và phó cai quản lý công nhân 

Giám đốc và phó giám đốc nhà máy Diêm là người Pháp. Họ quản lý nhà máy thông qua quản lý của rngười thầu khoán là Trương Đắc Lạp, về sau chuyển cho con trai là Trương Đắc Du. 

Lúc chị Duệ vào làm thì nhà máy Diêm có khoảng 750 người trong đó 1/4 là đàn ông, 2/4 là nữ còn lại 1/4 là trẻ em. Lực lượng nữ và trẻ em chủ yếu là làm ở bộ phận bỏ que, dán tem còn trẻ em thì rải que. Phụ nữ làm việc ở nhà máy Diêm cực khổ trăm đường, nếu là con gái trẻ thì bị bọn cai ký lợi dụng lúc kiểm tra thợ ra vào cổng để sờ mó lung tung. Nhà vệ sinh không có, những ngày “có tháng” chị em vô cùng khổ sở, trời nóng bức nhiệt độ 39- 40 độ C, không có nước uống, không được nghỉ ngơi. Như nhiều chị em khác, chị Duệ làm ở bộ phận bỏ que. Thời gian làm việc mỗi ngày từ 17- đến 18 tiếng nhưng với đồng lương hết sức rẻ mạt. Tiếng là công nhân nhưng thợ làm ở nhà máy Diêm luôn luôn bị bọn cai hành hạ mỗi khi có một sai sót nhỏ. Cùng làng với chị Duệ có em Nguyễn Thị Hai(em gái chị Nguyễn Thị Nình) đi làm thợ bỏ que diêm từ năm 12 tuổi, tên cai Hách phát hiện em ngủ gật trong lúc làm việc đã đánh em túi bụi. Sau đó nó nhét em vào thùng đựng que diêm rồi lắc thật mạnh cho đến khi em ngất đi. Về nhà em bị ốm nặng, nghèo quá không có tiền cứu chữa nên em đã mất khi chưa đến tuổi vị thành niên. 

Cùng làng với chị làm ở nhà máy Diêm có anh Nguyễn Viết Lục(làm thư ký nhà máy), Lê Mao, Lê Doãn Sửu, Lê Viết Thuật, Nguyễn Phúc, chị Bảy, Nguyễn Lợi. Về sau do yêu cầu của tổ chức cách mạng anh Sửu sang làm ở cảng Bến Thuỷ, anh Thuật chuyển sang nhà máy Trường Thi. Các anh chị đều ở trong tổ chức Tân Việt. Lúc này tổ chức Đảng Tân Việt phát triển mạnh, trong các nhà máy đều có chi bộ. 

Ngày 11/4/1928, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên Tân Việt, công nhân nhà máy Diêm và nhà máy Cưa đình công, phản đối chủ đuổi thợ vô lý, đòi tăng lương bớt giờ làm. Chủ nhà máy buộc phải tăng lương đồng loạt cho công nhân 5 xu / ngày.
Tại Hội nghị Tỉnh Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương Vinh ngày 20/2/1930 do đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì, Lê Mao được bầu làm Bí thư. Đầu tháng 2/1930 để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh kéo lên bàn giấy đưa yêu sách cho chủ nhà máy Diêm, chi uỷ tổ chức họp mở rộng đến các tổ trưởng để học hiểu chủ trương và về họ thực hiện tốt hơn. Là tổ trưởng, chị Duệ được mời tham dự cuộc họp tại nhà đồng chí Lê Mao. Cuộc họp bàn về tình hình nạn đói xảy ra trầm trọng, người đi ăn xin nhiều; giá gạo trước đây 3,6 đồng/ tạ, nay lên đến 22 đồng/tạ, trong lúc đó chủ các nhà máy không hề tăng lương cho công nhân, tinh thần công nhân hết sức lo lắng...Chủ trương của chi uỷ đề ra: đòi tăng lương, bù giá đắt đỏ(người lớn tăng 1 hào, trẻ em tăng 5 xu); giảm giờ làm một ngày từ 17 xuống 12 tiếng; bỏ đánh đập công nhân; bảo đảm chế độ tai nạn lao động; cai đàn bà kiểm soát đàn bà. 

Cuộc họp phân công cụ thể: đồng chí Lê Mao viết đơn, cử ra Ban tranh đấu; phân công đồng chí Lợi, Cường, chị Duệ, chị Vy chịu trách nhiệm vận động tuyên truyền trong công nhân. Với nhiệm vụ được giao, chị Duệ đã vận động được chị em trong xưởng tham gia tích cực. Cuộc bãi công kéo dài hơn 1 tháng đó trong đó có 300 công nhân nữ tham gia, buộc chủ nhà máy phải tăng lương cho công nhân 5 xu một ngày, xây dựng nhà vệ sinh nam nữ riêng, có nước uống và cho chọn cai đàn bà trong nữ công nhân quản lý. Nhưng về việc này thì chị em ngại không ai chịu làm cả, cuối cùng chi bộ giao trách nhiệm cho cán bộ nòng cốt, chị Duệ phụ trách xưởng bỏ que, chị Bảy phụ trách xưởng dán tem và bao. Riêng về bảo đảm chế độ tai nạn lao động thì bọn chủ nhà máy phải cho gọi anh Uyên và ông Tăng đi làm trở lại(hai người này bị tai nạn lao động). Ông Tăng được chuyển lên làm liên lạc cho văn phòng, anh Uyên quét dọn trong nhà máy. 

Tháng 3/1930, trên cơ sở chi bộ Tân Việt nhà máy Diêm, đồng chí Lê Mao, chuyển thành chi bộ cộng sản, các đảng viên Tân Việt trở thành đảng viên cộng sản là cốt cán trong lực lương công nhân. 

Ngày 5/4/1930, chi uỷ Đảng nhà máy Diêm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Mao(Bí thư tỉnh uỷ Vinh) đã họp bàn về vận động công nhân ủng hộ cứu tế cho công nhân nhà máy sợi Nam Định bãi công; Đồng thời bàn về việc hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng phát động phong trào đấu tranh trong toàn quốc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. 

Tỉnh uỷ Vinh đã tổ chức họp bàn và giao cho đồng chí Lê Mao trực tiếp chỉ đạo chung công nhân các nhà máy khu vực Vinh- Bến Thuỷ và quyết định một nhà máy có một ban chỉ huy riêng mỗi ban có từ 3 đến 5 người. 

Cuối tháng 4/1930, đảng viên và các tổ trưởng trong các phân xưởng đã được chi bộ lựa chọn trong quá trình đấu tranh để kết nạp đảng tham dự cuộc họp như: Nguyễn Lợi, Lê Viết Cường, Trực, Cu Em, Nguyễn Khắc Thiện, Các, Chị Ất, Nguyễn Diên, chị Duệ.... Nhà máy Diêm chọn Ban chỉ huy gồm 3 người: Lê Viết Cường, Nguyễn Thị Duệ và Dương Diên(Lê Mao ngoài việc chỉ huy chung còn trực tiếp chỉ huy nhà máy Diêm). 

Nhà máy Điện 3 người, Cưa Lao Xiên 3 người, cảng Bến Thuỷ gồm 7 người do Lê Doãn Sửu chi huy. Nhà máy Trường Thi do Lê Viết Thuật chỉ huy. 

Còn nông dân các làng thì lập ban chỉ huy chung gồm có Hoàng Trọng Trì, Uông Nhật Vượng, Nguyễn Đình Cận.... 

Hoà cùng với công nông Vinh - Bến Thuỷ, công nhân nhà máy Diêm xuống đường đấu tranh trong ngày 1/5/1930. Tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng cuộc biểu tình của công nông Vinh - Bến Thuỷ đã gây một tiếng vang lớn. Báo “Lao khổ” (của Xứ uỷ Trung Kỳ) ra ngày 2/5/1930 đã viết “Lần đầu tiên công nông binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. 

Sau ngày 1/5, chi bộ nhà máy Diêm họp để ổn định tinh thần của công nhân. Chị Duệ được phân công củng cố tinh thần chị em xưởng bỏ que, chị Nguyễn Thị Bảy ở xưởng dán tem, đồng chí Nguyễn Lợi phụ trách nhà kẽm và kho thuốc. Trong cuộc họp này chi bộ làm lễ tuyên bố chị Duệ là đảng viên chính thức của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Đến tháng 9/1930, thành uỷ Vinh - Bến Thuỷ được thành lập do Lê Doãn Sửu (uỷ viên tỉnh uỷ Vinh) làm Bí thư. Thành uỷ có nhiệm vụ quản lý lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng và phong trào cách mạng trong phạm vi thành phố. Đồng chí Lê Doãn Sửu đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho chị Nguyễn Thị Nhuận và chị Duệ tổ chức hội “Phụ nữ giải phóng”. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và quan trọng. Lực lượng phụ nữ trong thành phố Vinh rất đông, chị em tham gia hoạt động cách mạng tích cực, nhiều người đã được kết nạp vào Đảng, nhưng họ phải có một tổ chức của giói mình để sinh hoạt thuận lợi hơn. Đồng chí Nhuận chịu trách nhiệm vận động chị em buôn bán ở chợ Vinh vì chị có quầy bán hàng tấm ở chợ nên bạn hàng đông. Chị Duệ thì tuyên truyền vận động chị em công nhân các nhà máy. Các chị gia nhập hội ngày càng đông, quyên góp tiền, quần áo, tạo quỹ để hoạt động. Hội Phụ nữ giải phóng phát triển mạnh đã giúp đỡ chị em khi gặp khó khăn trong sinh nở hoặc ốm đau không đi làm được, hoặc gia đình có người tham gia bãi công trong các nhà máy không có lương. Chị em phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Hoạt động không mệt mỏi trong phong trào đấu tranh của công nhân, ngày 14/10/1930 chị Duệ bị mật thám Pháp bắt giam vào nhà lao Vinh. Sau thời gian 4 tháng giam giữ không có chứng cớ cụ thể, bọn mật thám phải thả chị ra. Tất nhiên khi ra tù chị không được trở lại làm việc ở nhà máy Diêm nữa. Vào thời gian này phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng Nghệ Tĩnh lên cao, nhiều làng xã trong hai tỉnh đã thành lập chính quyền Xô Viết. Thực dân Pháp điên cuồng tìm mọi cách để dìm phong trào của nhân dân vào trong biển máu. Chúng tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu phố và các làng có phong trào phát triển mạnh. Điều đó làm cho một cán bộ giao thông liên lạc như chị Duệ gặp không ít khó khăn. Nhưng với trí thông minh nhanh nhẹn và lòng dũng cảm, chị Duệ đã vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ Xứ uỷ giao. Để tạo điều kiện đi lại các vùng, chị Duệ chuyển sang làm nghề buôn bán hoa quả; tài liệu chị thường để dưới đáy thúng có hai lớp, phía trên đựng hoa quả vì vậy bọn lính ít khám xét. 

Ngàyy 21/4/1931, chị Duệ cũng đồng chí Nguyễn Lợi tham dự Hội nghị khoách đại của Xứ uỷ Trung Kỳ được tổ chức tại Đền Bồ(làng Lộc Đa). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc Bí thư Xứ uỷ chủ trì Hội nghị đã báo cáo tình hình cách mạng từ đầu năm 1930 và việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, của ban cán sự Xứ và Nghị quyết của các tỉnh thực hiện chủ trương của cấp trên, về vấn đề thanh Đảng ...Hội nghị kéo dài đến ngày 29/4/1931. Sau hội nghị đồng chí Lê Mao bị địch bắn chết trên đường đi công tác, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị bắt ở Hà Nội. và nhiều cán bộ nòng cốt khác của Xứ uỷ cũng bị bắt. 

Ngày 25/6/1931 chị Duệ xuống nhà đồng chí Chu Gia Lộc ở làng Đức Quang họp Xứ uỷ bất thường để bổ sung cán bộ lãnh đạo Xứ. Tháng 7/1931 đồng chí Lê Doãn Tam, bí thư Khu uỷ Bến Thuỷ bị bắt chị Duệ lên thay. Lúc này các huyện uỷ và tỉnh uỷ đều phải rút vào rừng để bảo toàn lực lượng, đồng chí Lê Viết Thuật Bí thư Xứ uỷ thì làm việc trong một cái hang bí mật ở phố Đệ Thập. Với bí danh là Sửu, chị Duệ thường xuyên đến báo cáo tình hình phong trào và nhận chỉ thị từ đồng chí Bí thư để chuyển xuống các cơ sở Đảng. 

7 giờ sáng ngày 7/12/1931, chị Duệ bị bắt cùng với đồng chí Lê Viết Thuật tại cơ sở bí mật ở phố Đệ Thập. Thực dân Pháp vô cùng mừng rỡ, chúng cho rằng đây là một mẻ lưới cộng sản cuối cùng. Bị giam ở nhà lao Vinh, chị Duệ bị bọn mật thám Pháp tra tấn dã man, nhưng chị không khai nửa lời. Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án chị khổ sai chung thân (theo bản án số 28 ngày 8/1/1932). Sau đó án phúc thẩm giảm xuống còn 13 năm tù khổ sai. Nhân dịp Tết năm 1933 chị Duệ được giảm 4 năm tù, giảm 3 năm nhân dịp Quốc khánh Pháp ngày 14/7/1933, giảm 3 năm nhân dịp Tết năm 1934, và chị được tự do nhân dịp vua Bảo Đại cưới vợ (tháng 3/1934). 

Ra tù chị liên lạc với đồng chí Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Khắc Mỹ để tiếp tục hoạt động cách mạng, tên của chị nằm trong sổ đen của mật thám, chúng luôn luôn cho người theo dõi chị. Mỗi bước đi của chị bọn mật báo viên đều gửi báo cáo lên chánh mật thám Pháp ở Vinh. 

Tháng 9/1935, chị Duệ cùng chị Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Nhã, Hoàng Thị Ái gặp nhau bàn việc thành lập lại tổ chức cộng sản ở huyện Thanh Chương và Nghi Lộc. Năm 1937 chồng chị là Nguyễn Văn Vỵ, uỷ viên thường vụ Khu uỷ Bến Thuỷ cũng bị bắt. Việc đó không làm nản lòng chị, chị cùng các đồng chí như Lê Xoan, Nguyễn Thị Hoan(vợ đồng chí Nguyễn Viết Lục) tiếp tục vận động nhân dân huyện Nghi Lộc quyên góp được 10.000 đồng để in ấn tài liệu và ùng hộ công nhân nhà máy Trường Thi bãi công. 

Chị Duệ tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đầu tháng 3/1946, các đảng viên ở khu vực 5 (thành phố Vinh thời gian này chia làm 5 khu vực) họp tại nhà chị Duệ để thành lập chi bộ Đảng. Chi bộ này mang tên Lê Sỹ Thận gồm có 5 đảng viên, đồng chí Duệ với bí danh là Giành. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chị Duệ theo chống là Nguyễn Văn Vỵ tham gia xây dựng xưởng quân giới sản xuất vũ khí mang tên Lê Viết Thuật ở huyện Thanh Chương. Chồng chị là giám đốc và đồng chí Nguyễn Văn Minh là Bí thư chi bộ. Chị Duệ được giao nhiệm vụ chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân xưởng quân giới Lê Viết Thuật. 

Năm 1952 do hậu quả của những năm tháng bị tra tấn trong nhà tù thực dân Pháp, chị Duệ bị bệnh phổi nặng, thời kỳ đó thuốc men hiếm hoi nên chị đã qua đời ở tuổi 42, để lại bao tiếc thương cho gia đình và họ hàng. 

Đồng chí Nguyễn Thị Duệ đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

 

  Lê Thị Hạnh Phúc

Video