Nguyễn Sỹ Sách – Người con ưu tú của quê hương Thanh Chương – Nhà cách mạng tiền bối tài ba

Tác giả: admin
Ngày 2018-09-19 08:18:20

Nguyễn Sỹ Sách hiệu là Kiếm Phong, sinh ngày 20/1/1905,­­­(1) là con trai nhà nho Nguyễn Sỹ Giản. Dòng họ Nguyễn Sỹ ở làng Tú Viên (nay là xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) là một dòng họ có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Ngay từ thuở nhỏ, với tư chất thông minh, lại được nuôi dạy trong một gia đình có nề nếp văn hóa nên Nguyễn Sỹ Sách rất ham học, thích khám phá về những điều mới lạ. Anh khao khát tìm đọc những bài thơ của cụ Phan Bội Châu từ nước ngoài được bí mật gửi về nước. Cuộc đời, sự nghiệp và văn thơ yêu nước của cụ Phan đã khơi mạch chảy cho tinh thần yêu nước cháy bỏng của Nguyễn Sỹ Sách. Những người bạn đồng môn cùng trường, cùng chí hướng với Nguyễn Sỹ Sách như: Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Liên, Đinh Xuân Giai, Trần Hữu Doánh... đều rất kính phục và yêu thích thơ văn Phan Bội Châu. Trong số bạn bè của Nguyễn Sỹ Sách, đặc biệt phải kể đến tình bạn thân thiết với 2 người: Tôn Quang Phiệt và Đặng Thai Mai.

Năm 1920, Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Quang Phiệt và Đặng Thai Mai đều thi đỗ xuất sắc khóa đầu tiên của Trường Quốc học Vinh. Để ghi nhớ sự kiện này, trong hồi ký của mình Giáo sư Đặng Thai Mai đã viết:“...Tôi cảm thấy cần nhắc lại đây hai trường hợp đặc biệt thân mật, mối tình bạn với hai người: Anh Nguyễn Sỹ Sách và Tôn Quang Phiệt. Ba gia đình chúng tôi đều là dòng dõi nhà nho và đều có liên lạc ít nhiều với phong trào Việt Nam Quang phục Hội. Anh Phiệt lớn hơn tôi 2 tuổi, anh Sách kém tôi 2 tuổi. Một tình cờ may mắn đã làm cho ba chúng tôi cùng thi đậu vào lớp học từ năm thứ nhất Trường Quốc học Vinh, niên khóa 1920- 1921” (2)

Nguyễn Sỹ Sách là một học trò thông minh nhưng rất khảng khái. Trong các năm học, ba người bạn thân nhau ấy thường dẫn đầu hoặc thứ hai trong các kỳ thi, riêng Nguyễn Sỹ Sách thì năm nào cũng đạt loại xuất sắc được cấp học bổng toàn phần. Thực dân Pháp đã sớm phát hiện những tài ba của Nguyễn Sỹ Sách, chúng đã tìm mọi cách mua chuộc, hòng dụ dỗ anh đi theo con đường mà chúng định hướng. Với mục đích bắt anh phải phụng sự “nước mẹ đại Pháp”, chúng còn hứa hẹn là sau khi Nguyễn Sỹ Sách tốt nghiệp, sẽ cho anh đi du học sang Pháp...

Ngược lại với sự mong đợi của các quan thầy người Pháp, sau khi tốt nghiệp loại suất xắc, Nguyễn Sỹ Sách đã từ chối con đường “nhung lụa” mà thực dân Pháp đã “rải thảm” cho anh đi. Để tạo điều kiện cho việc tiếp xúc, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, trí thức và tuổi trẻ cũng như thuận lợi cho việc tuyên truyền, vận động, tham gia phong trào yêu nước, Nguyễn Sỹ Sách đã chọn nghề thầy giáo. Việc đó được Tôn Quang Phiệt và Đặng Thai Mai cùng gia đình hết lòng ủng hộ. 

Năm 1924, Nguyễn Sỹ Sách dạy ở trường Tiểu học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh. Ở đây, anh có điều kiện để liên kết tìm bạn bè đồng chí. Ngoài thơ văn của cụ Phan, anh cũng tìm đọc nhiều sách báo tiến bộ trong đó có tờ báo “Người cùng khổ” nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cho các học trò của mình.

Sau tiếng bom Sa Diện của liệt sỹ Phạm Hồng Thái từ Quảng Châu (Trung Quốc) dội về, Nguyễn Sỹ Sách càng nóng lòng, tích cực hoạt động. Hàng tháng anh trích một nửa số lương, góp vào quỹ hoạt động của tổ chức yêu nước (lương của thầy Sách lúc đó mỗi tháng 50 đồng).

Nguyễn Sỹ Sách căm phẫn chế độ thống trị và bộ mặt giả nhân với chiêu bài “khai hóa văn minh” của “nước mẹ đại Pháp”, anh vận động học sinh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Mọi hoạt động yêu nước của Nguyễn Sỹ Sách đều bị tên đốc học Tôn Thất Cổn cho tay chân theo dõi. Có lần hắn đã cho mời Nguyễn Sỹ Sách lên phòng làm việc của mình và nhẹ nhàng khuyên răn: “ Anh là một thầy giáo mới ra trường, tuổi đời còn non trẻ, hãy dẹp bầu cách mạng lại đã. Chúng tôi thành thật khuyên anh nên trau dồi nghề nghiệp, tiền đồ đang mở rộng chờ đón anh ...”. Sau khi mua chuộc, dụ dỗ không có kết quả, Giám đốc Nha học chánh Đề-lê-xi liền cho gọi Nguyễn Sỹ Sách vào Huế và lên mặt dọa nạt: “Anh là đứa con được nước mẹ đại Pháp cho ăn học, đào tạo. Tại sao anh dám vô lễ cãi lại các bậc quan trên và có những hành động phản bội? ...” Nguyễn Sỹ Sách bình tĩnh, khảng khái trả lời: “Tôi làm việc nghĩa, tôi chống lại những người làm việc thiếu đạo đức, tôi đòi hỏi một sự công bằng, sao ông lại bảo tôi là phản bội ?...(3) Khi tên công sứ bày trò triệu tập giáo viên để biểu thị việc để tang cho Khải Định, Nguyễn Sỹ Sách không thèm đi dự. Anh nói với bạn bè đồng chí rằng: “Cái đầu tôi để phụng thờ các vị vua giàu lòng yêu nước, thương dân, chứ vua Khải Định đã bán nước hại dân, đem thân làm nô lệ cho tụi giặc Pháp thì không đời nào tôi chịu để tang ...”

Những năm tháng làm nghề dạy học, thầy giáo Nguyễn Sỹ Sách đã hết lòng thương yêu học trò, truyền lại tất cả tấm lòng yêu nước cho họ. Những học trò được thầy Nguyễn Sỹ Sách dạy dỗ, dắt dìu trong học tập và cuộc sống đã noi gương thầy đi làm cách mạng, đấu tranh để giải phóng dân tộc như: Bùi Văn Hanh, Nguyễn Tiểu, Nguyễn Văn Chửng, Nguyễn Đình Tùng, Bùi Trâm, Lê Nam Thắng… Họ là những chiến sỹ Cộng sản trung kiên trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 và đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn cách mạng sau này....

Năm 1927, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách được tổ chức cách mạng cử sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp học chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại ngôi nhà số 13, đường Văn Minh. Trước lúc lên đường, để gia đình yên lòng, Nguyễn Sỹ Sách đã chụp một bức ảnh và viết thư nhờ người bạn tri kỷ là Đặng Thai Mai đang học tại trường Cao đẳng Sư phạm ở Hà Nội gửi về thăm gia đình. Bức thư có đoạn viết: “... Thưa cha mẹ. Mấy tháng nay con dạy tư ở Hà nội, nhân tiện có anh Mai bạn con về nghỉ tết, con xin gửi ảnh và thư về chúc mừng cha mẹ và cả nhà được bình an, mạnh khỏe. Con còn bận chút việc chưa về được trong tết. Sức khỏe con vẫn bình thường...

Riêng thư gửi vợ là Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Sỹ Sách đã mượn 4 câu thơ trong truyện Kiều để giãi bày nỗi lòng mình với người vợ trẻ đẹp mà anh vô cùng yêu quý :

Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vừng trăng ai xẻ làm đôi ?
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

 

 “Mình ơi ! Tôi là một người rất đa tình, đa sầu, đa cảm. Đa tình ắt không bao giờ không thương nhớ cha mẹ, anh em, vợ con. Đa cảm ắt không phải là một người liều lĩnh, cũng không phải như ai sống một cách hờ hững. Nhưng than ôi! Ai là người hiểu thấu tâm sự tôi? Ở đời tri kỷ ít lắm thay, mà người mắt xanh cũng không mấy. Ước ao rằng, bạn sắt cầm, cũng là bạn đồng tâm, bạn đồng chí. ...Sách (4).

Hiểu thấu nỗi lòng mong nhớ, thương yêu của Nguyễn Sỹ Sách, sau Tết, bà Hồng đã nhờ Đặng Thai Mai chuyển ra Hà Nội cho chồng lá thư trả lời và báo tin vui rằng họ đã có con gái, được ông nội đặt tên là Lan Hương. Bà Hồng còn ghi thêm mấy dòng để báo tin cho chồng biết là bà đã cùng tham gia công tác cách mạng. Bà đã khuyên và động viên chồng: “Vì Tổ quốc, vì tự do Độc lập nên mình phải bôn ba muôn dặm xa xôi, tuổi thanh xuân em vẫn giữ một niềm trong trắng. Mong đến ngày cờ đỏ rực bay. Cõi Đông Dương trong đó có tên mình, đem chủ nghĩa huy hoàng về cho đất nước. Lòng thành thực mấy câu gửi bạn. Đừng lo ở nhà mà hại sức khỏe nơi xa. Cha mẹ già em xin sớm hôm chăm sóc, cùng đứa con nhỏ dại mới ra đời...

Sau khóa học chính trị đặc biệt tại Quảng Châu, Nguyễn Sỹ Sách vinh dự được bầu làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) Trung kỳ. Lúc đó, anh vừa tròn 22 tuổi xuân....

Ngày 19/10/1928, Nguyễn Sỹ Sách bị bắt giải vào Huế rồi lại đưa về nhà Lao Vinh xét hỏi, nhưng vì chưa đủ chứng cớ, thực dân Pháp đành phải trả lại tự do cho Nguyễn Sỹ Sách, đồng thời bí mật ra lệnh cho bọn mật thám ráo riết theo dõi mọi hoạt động của anh.

Tháng 01/1929, Nguyễn Sỹ Sách lại sang Hương Cảng (Trung Quốc) dự cuộc họp Đại hội đại biểu trù bị toàn quốc. Đến tháng 04/1929, Nguyễn Sỹ Sách lại dẫn đầu đoàn đại biểu Trung kỳ sang Hương Cảng dự Đại hội đại biểu Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau Đại hội, Nguyễn Sỹ Sách trở về nước lo việc chuẩn bị công tác tổ chức cho cuộc họp hợp nhất các tổ chức tiền thân của Đảng để thống nhất một chính Đảng. Cuộc họp đã diễn ra tại nhà cụ Vương Thúc Quý ở Kim Liên, Nam Đàn.

Đang say sưa và bộn bề công việc thì ngày 28/7/1929, Nguyễn Sỹ Sách bị mật thám bủa lưới vây bắt khi cách mạng đang cần anh nhất. Tại nhà Lao Vinh, kẻ thù đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhưng đành bất lực trước tinh thần và khí phách của người Bí thư Kỳ bộ kiên cường. Mặc dù không lấy được lời khai nhưng tòa án Nam triều Nghệ An vẫn kết án Nguyễn Sỹ Sách mức án khổ sai chung thân và đưa đi đày ở nhà tù Lao Bảo.

Ngày 19/12/1929, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc đối với tù chính trị. Nguyễn Sỹ Sách kịch liệt lên án để vạch mặt kẻ thù. Đồng chí đã lớn tiếng tuyên bố hùng hồn trước tên Công Bơ phụ trách nhà tù và bọn lính: “Đối với chúng tôi, hoặc là chết chứ không thể sống dưới chế độ dã man này...”. Đến 17h, hoảng sợ trước khí phách hiên ngang của Nguyễn Sỹ Sách, kẻ thù đã hèn hạ bắn vào anh...

Để cho tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách như ngọn lửa thiêng sáng mãi trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng, Đảng và Nhà nước đã lấy tên của liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách để đặt tên cho nhiều trường học và các đường phố ở Thành phố Vinh, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Nhà ở, nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách đã được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia. Những hình ảnh, kỷ vật, tư liệu lịch sử về đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đang được trưng bày ở các Bảo tàng TW và địa phương.

                                                                                           Trần Thị Kim Phượng- BTXVNT
Chú thích:
1. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Sỹ xã Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An.
2. Đặng Thai Mai- hồi ký thời Thanh thiếu niên. NX B Nghệ An ( Hội nhà văn) 1992 . Tr 242.
3. Nghệ An những tấm gương Cộng sản - Tập 1- NXB Nghệ An 1998 Tập! Tr 107 .
4. Những kỷ vật: ảnh, thư, bút tích, kỷ vật và tài liệu về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng XVNT và một số Bảo tàng khác .
 
 
 

Video