Nguyễn Phúc ( 1904 - 1987)

Tác giả: admin
Ngày 2014-08-22 08:59:16

Đồng chí Nguyễn Phúc (tức Nguyễn Hữu Phúc, Đính, Quảng Bình) sinh ngày 20-2-1904 tại làng Yên Dũng Hạ, nay thuộc phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An.

Thân sinh là ông Nguyễn Hữu Thệp, gia đình không có ruộng đất, ông phải làm nghề lấy củi bán kiếm sống. Khi nhà máy Diêm Bến Thuỷ ra đời, ông xin vào làm thợ. Mẹ là Lê Thị Út, chuyên nghề bán nước chè xanh và gặt cấy lúa thuê. Bản thân Nguyễn Phúc mới 12 tuổi đã phải đi làm công nhân trong nhà máy Diêm, mỗi ngày công chỉ được 6 xu (0,06đ), dần tăng lên 7 xu, sau 2 năm mới lên được 10 xu.

Vào những năm 1917 - 1918, hoàn cảnh gia đình anh càng túng thiếu, khó khăn. Cha mẹ ngày càng già yếu nên anh phải xin việc làm ở nhà máy thịt hộp Lapich với mức lương 12 xu/1 ngày, nhưng chẳng bao lâu nhà máy đóng cửa, anh lâm vào cảnh thất nghiệp. Vì vậy anh phải xin trở lại làm việc tại nhà máy Diêm.

Thời điểm đó rất đông bà con nông dân Bến Thủy vào làm việc trong nhà máy Diêm. Vùng Bến Thủy có mật độ dân số rất cao, ruộng đất canh tác ít lại bị bọn thực dân chiếm đoạt hàng trăm héc ta để kiến thiết, xây dựng nhà máy, kho hàng. Đời sống nhân dân khó khăn phải tha phương cầu thực hoặc vào các nhà máy, cửa hàng kiếm việc làm. Vì vậy số công nhân trong nhà máy ở Vinh- Bến Thủy tăng nhanh.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), nền kinh tế chính quốc kiệt quệ, thực dân Pháp tăng cường bóc lột sức lao động của các công nhân trong nhà máy. Lúc này, ở Bến Thủy công nhân chia làm hai loại là công nhân áo xanh và công nhân áo nâu. Chúng phân biệt đối xử, và cố tình gây chia rẽ giữa hai loại công nhân này.

Trong nhà máy Diêm, công nhân phải làm việc 17 tiếng mỗi ngày và bị đánh đập, đàn áp. Họ không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động hay bất kì quyền lợi nào. Do bị đè nén áp bức quá nhiều nên phần đông thợ nhà máy Diêm, đặc biệt là lớp thanh niên như Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Lê Mao... thường có thái độ ngang bướng, chống đối, có khi đánh lại cả cai ký.

Nguyễn Phúc là người được đi học vài năm chữ Hán và tự học chữ quốc ngữ nên khi làm ở nhà máy, anh vẫn tìm đọc sách báo tiến bộ như báo: Tiếng dân (do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút) để tìm hiểu tình hình thời cuộc. Anh cùng Lê Viết Thuật (công nhân Trường Thi) tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Trong năm 1926, Nguyễn Phúc cùng bạn tổ chức vận động công nhân đấu tranh đòi Trương Đắc Du, chủ thầu nhà máy Diêm phải đuổi tên cai Hồng láo xược, độc ác và đòi tăng lương mỗi công nhân 5 xu/ngày.

Tháng 7-1927, Nguyễn Phúc được kết nạp vào hội Hưng Nam (tức hội Phục Việt, được thành lập năm 1925 tại núi Con Mèo, Bến Thủy, về sau đổi tên là đảng Tân Việt). Trong tiểu tổ Hưng Nam của Nguyễn Phúc có các đồng chí cùng quê như: Lê Doãn Sửu, Lê Viết Thuật, Nguyễn Viết Lục, Lê Mao, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Nình, Chắt Bảy…

Những năm 1927-1928, do hạn hán mất mùa, nạn đầu cơ tích trữ hoành hành khiến giá cả tăng vọt. Ở các nhà máy, bọn chủ cho tay sai vơ vét thóc gạo trên thị trường, gạo chúng mua vào 6 đồng/tạ, bán ra giá cắt cổ 9 đồng/tạ.

Tại nhà máy Diêm, Nguyễn Phúc cùng các đồng chí trong tiểu tổ Tân Việt tổ chức biểu tình buộc chúng phải hạ giá gạo xuống 6 đồng/tạ.

Tuy hàng ngày làm việc tại nhà máy Diêm nhưng cư trú ở phố Đệ Thập, nên Nguyễn Phúc vẫn quan tâm và tham gia các cuộc đấu tranh của nông dân trong làng xóm. Lúc bấy giờ, trong vùng lân cận đã hình thành hai phe rõ rệt: phe hộ và phe hào. Giữa hai phe thường xuyên xảy ra những cuộc kiện cáo, tranh chấp về ruộng đất công, chống phù thu lạm bổ.

Tại phố Đệ Thập, thuế nhà do Tòa sứ thu tổng 204 đồng, thế mà tên Cao Kiên, phố trưởng thu 750 đồng, tức thu gian lận 546 đồng bạc Đông Dương giá trị khoảng 91 tạ gạo. Nguyễn Phúc cùng các đảng viên Tân Việt trong phố vận động bà con làm đơn, lấy chữ ký vòng tròn kiện lên Tòa sứ. Kết quả lật đổ được tên Cao Kiên, bầu ông Phạm Châu làm phố trưởng, đồng chí Lê Mao là phó trưởng phố.

Đầu năm 1930, đồng chí Lê Viết Thuật giới thiệu Nguyễn Phúc với đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh), Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng, phụ trách Kỳ bộ Trung Kỳ. Đồng chí Thịnh đã giác ngộ, thuyết phục Nguyễn Phúc gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Phúc trở thành cán bộ đắc lực của Tỉnh bộ Vinh do Lê Mao đứng đầu. Anh cùng các đồng chí khác vận động, tổ chức được 5 chi bộ nhà máy và cảng: Nhà máy Diêm, nhà máy Cưa Xiri, nhà máy cưa Lao Xiên, nhà máy Cưa Thái Hợp, Cảng Bến Thủy.

Đầu tháng 4-1930, Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Vinh, khẩn trrưong chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế lao động đầu tiên tại Việt Nam. Các tổ chức cách mạng chuẩn bị cờ đỏ búa liềm để treo những nơi đông người qua lại, kể cả trước cửa Tòa sứ.

Cuộc biểu tình ngày 1-5-1930 tại Vinh - Bến Thủy được tiến hành đúng thời gian quy định. Vào rạng sáng 1/5, khoảng 1200 nông dân và công nhân xếp thành đội ngũ chỉnh tề, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu đấu tranh và hát vang bài Quốc tế ca (bằng thơ) của Nguyễn Ái Quốc:
               Hỡi ai nô lệ trên đời
              Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên!
             Bất bình này chịu sao yên
             Phá cho tan nát một phen cho rồi!

Đoàn biểu tình kéo thẳng xuống Bến Thuỷ, công nhân trong các nhà máy bị vây hãm, không thể ra tham gia biểu tình. Nhưng một số đồng chí vẫn vượt qua hàng rào, gia nhập vào đoàn biểu tình. Khi đoàn biểu tình kéo đến Ngã ba Bến Thủy thì bọn mật thám, cảnh sát và cả chủ nhà máy đã xả súng vào quần chúng tay không, làm 6 người chết, 18 người bị thương và nhiều người bị bắt giam. Cuộc biểu tình phải giải tán nhưng để lại ấn tượng sâu sắc " Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền". Đây là cuộc biểu tình kỷ niệm Quốc tế lao động đầu tiên ở Việt Nam và mở màn cho cao trào cách mạng 1930 -1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam .

Sau cuộc biểu tình ngày 1-5-1930, đồng chí Nguyễn Lợi, Bí thư Chi bộ và đồng chí Nguyễn Phúc, Chi ủy viên cùng các đảng viên trong chi bộ nhà máy Diêm tổ chức các cuộc đấu tranh mới.

Ngày 10/5/1930, Chi bộ Đảng cùng Công hội đỏ nhà máy đã vận động trên 500 công nhân kéo đến nơi làm việc của chủ nhà máy đòi thực hiện ngày làm 8 giờ, thi hành chế độ bảo hiểm xã hội, chống khủng bố, đàn áp…Những yêu sách đưa ra không những không được thực hiện mà nhà cầm quyền còn đưa cảnh sát đến đàn áp. Trước tình hình đó, Chi bộ đã lãnh đạo công nhân bỏ nhà máy kéo về làng Yên Dũng Hạ tổ chức mittinh, diễn thuyết và bãi công.

Đầu tháng 7-1930, công nhân Nhà máy Diêm lại đồng loạt bãi công, đòi đuổi tên cai Chuyên gian ác, đòi cho công nhân cử sáu người và một người xếp là nữ giới, đòi cải thiện sinh hoạt.

Ngày 12-9-1930, trên 8000 nông dân huyện Hưng Nguyên biểu tình dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Doãn Sửu, Ủy viên Tỉnh ủy Vinh. có sự hỗ trợ của một số cán bộ, đảng viên trong đó có đồng chí Nguyễn Phúc. Cuộc biểu tình này đã bị thực dân Pháp điều máy bay tới ném bom làm chết 217 người, nhiều người bị thương và bắt giam . Cuộc tàn sát vô cùng dã man này đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Trung ương Đảng đã quyết lấy ngày 12-9 làm ngày kỷ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Cuối năm 1930, đồng chí Nguyễn Phúc được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ cùng hoạt động với đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh), Nguyễn Đức Cảnh (tức Trinh, Bé con) Lê Mao (tức Cát) Lê Viết Thuật (tức Thanh Luyện), Nguyễn Lợi (tức Quyết).

Từ tháng 3-1931, tình hình các Xô Viết ở các địa phương rất căng thẳng, địch khủng bố trắng vô cùng dã man, tàn bạo, phong trào bắt đầu lắng xuống. Tổn thất lớn nhất cho Đảng là đồng chí Trần Phú,Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng bị địch bắt vào ngày 19-4-1931 và từ trần vào tháng 9-1931.

Ngày 26-6-1931, đồng chí Nguyễn Phúc bị một kẻ phản bội báo cho mật thám bắt giam tại xà lim mật thám Vinh. Một tháng sau, chúng chuyển anh sang nhà lao Vinh và tuyên bố kết án tử hình.

Tuyên án ngày 15-7-1932 thì đến ngày 20 -7 1932 , Nguyễn Phúc cùng một số bạn tù bị thực dân Pháp xem vô cùng nguy hiểm như: Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Nguyễn Lợi, khoảng 15 người, bị chuyển lên nhà đày Lao Bảo, nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian".

Đến năm 1935, thực dân Pháp giảm án lại đối với Nguyễn Phúc là 13 năm tù. Đầu năm 1937, tất cả tù chính trị ở nhà đày Lao Bảo bị chuyển đến nhà lao Buôn Ma Thuột. Qua 5 năm tù ở Buôn Mê Thuột, Nguyễn Phúc bị mắc chứng bệnh đau đầu, méo miệng..

Đầu năm 1942, cai tù tuyên bố Nguyễn Phúc hết hạn tù, nhưng chúng lại đưa anh về giam ở nhà lao Vinh 2 tháng , sau đó lại đưa vào giam tại nhà giam Trà Khê (thuộc huyện Củng Sơn, tỉnh Phú Yên) thêm 3 năm nữa.

Nhân sự kiện phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương (9-3-1945) Nguyễn Phúc cùng các bạn tù ở Trà Khê phá ngục, chạy vào rừng, rồi trèo đèo lội suối, cuốc bộ gần 2 tháng mới về tới nhà.

Tình hình chuyển biến mau lẹ, đặc biệt là từ ngày phátxít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện (13-8-1945), thời cơ ngàn năm có một đã tới. Nguyễn Phúc hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh-Bến Thủy. Sau ngày Tổng khởi nghĩa thàng công, anh được cử làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời phố Đệ Thập, kiêm chức Phó ban phòng thủ khu vực Bến thủy. Giữa năm 1947 đến hết năm 1949, đồng chí làm Phó Bí thư Thị ủy Vinh... Những năm 1960-1963, đồng chí công tác ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ-Tĩnh, cuối năm 1963 về hưu. Với cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến sức lực, tài năng của mình cho cách mạng, cho Đảng, luôn tận tuỵ với công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1985, với công lao đối với Đảng và dân tộc, đồng chí Nguyễn Phúc đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Năm 1987, đồng chí từ trần, hưởng thọ 84 tuổi. Cả cuộc đời của đồng chí Nguyễn Phúc xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi thế hệ chúng ta noi theo.

Video