Nguyễn Phong Sắc với phong trào công nhân Vinh - Bến Thuỷ

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-04 07:34:03

Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Văn Sắc cũng được gọi là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1-2-1902 tại làng Bạch Mai (nay là phố Bạch Mai - Hà Nội). Năm 1924, Nguyễn Phong Sắc đỗ đầu kỳ thi Thành Chung tại trường Bưởi, một trường trung học nổi tiếng nhất Đông Dương. Với kết quả ấy, anh được chọn đưa sang Pháp nhằm để đào tạo quan chức cho nước bảo hộ sau này nhưng anh đã từ chối việc du học. Anh xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương và giữ chân kế toán tại phòng 4 là nơi kê cứu các khoản ngân sách cho toàn xứ Đông Pháp. Với năng lực tính toán nhanh, chính xác, viết, nghe, nói thạo tiếng Pháp, không lâu Nguyễn Phong Sắc đựơc xếp lên ngạch Tham biện với tiền lương mỗi tháng 100 đồng bạc Đông Dương (tương đương với 30 tạ gạo ngon). Đó là trường hợp rất hiếm có đối với công chức người Việt chỉ có bằng Thành Chung. Nhưng công danh và bổng lộc không phải là điều Nguyễn Phong Sắc ao ước khi anh thấy đời sống quần chúng xung quanh mình quá lam lũ đói nghèo. Nhìn vào đâu anh cũng thấy rõ sự bất công. Nay giữa những người trong giới trung, thượng lưu đã thấy, một người Pháp chỉ làm một công việc như công chức người Việt mà tiền lương của họ gấp 16, 17 lần. Còn tổng tiền lương của viên toàn quyền Đông Dương thì bằng 454 lần lương của một tuỳ phái người bản xứ. Cho nên hơn 70% tổng quỹ lương của xứ Đông Dương là giành cho công chức người Pháp (dù họ chỉ có một nhóm người) và lớp tay sai cùng hưởng ngạch lương Tây. Mà ngân sách đó lấy từ thuế đinh, thuế điền bủa vào nhân dân thuộc địa. Tiếp đến trận lụt lớn năm Bính Dần (1926) ở Bắc Kỳ, mất mùa, đói rét đồng bào anh nhiều người phải đi ăn xin. Trước tình cảnh ấy, một hôm Nguyễn Phong Sắc đã nói khéo với bác phu xe, người mà gia đình đã thuê để đưa đón anh rằng từ rày anh đi làm bằng xe đạp. Anh bàn với gia đình trả cho bác phu xe một khoản phụ cấp để bác sống trong 6 tháng tiếp đó.

Bấy giờ Hà Nội đã có tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, gọi tắt là Thanh niên. Những người có trách nhiệm trong tổ chức này biết Nguyễn Phong Sắc tuy là một Tham biện nhưng rất thương người nghèo nên đã liên lạc với anh, trao báo chí tiến bộ cho anh đọc. Không lâu “quan Tham biện” Nguyễn Phong Sắc gia nhập Chi hội Thanh niên Hà Nội. Đến đầu năm 1927, anh bỏ việc ở Sở Tài chính và đi dạy để tiện bề hoạt động rồi trở thành một trong những người lãnh đạo Thanh niên ở Hà Nội. Ngày 28/9/1928, Nguyễn Phong Sắc được cử vào đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ nhất của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Đại hội thông qua điều lệ chính thức của đoàn thể này. Trong đó có một điều mà Nguyễn Phong Sắc rất chú ý là “các Đảng viên phải đi vào quần chúng và vận động...công nông”. Với sự tích cực tham gia thảo luận của những đại biểu như Nguyễn Phong Sắc, đại hội đi đến chủ trương “đưa các hội viên thuộc thành phần (tiểu tư sản trí thức) nói trên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, để cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân và nông dân, tuyên truyền giác ngộ cho anh chị em đó về chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh đạo họ đấu tranh đòi các quyền lợi. Qua đó các hội viên tự rèn luyện mình”.

Sau đó, Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Đến tháng 3-1929, anh là một trong bảy thành viên đã họp thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D Hàm Long-Hà Nội. Hội nghị này đề ra bốn nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đảng mà điều thứ tư là: Nắm chắc thanh niên Bắc kỳ, hướng họ đi “vô sản hoá” để phát triển tổ chức Công hội, Nông hội tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và lãnh đạo các cuộc đấu tranh (Hồi ký củaTrần Văn Cung). Nguyễn Phong Sắc cũng như các đồng chí của anh là Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh... đều biết: “ Nhận thức được vấn đề này không phải là dễ dàng, nhất là đối với những người tiểu tư sản trí thức tham gia cách mạng vì mục đích đánh Tây giải phóng dân tộc. Hơn nữa số chị em này lại sống ở một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, nền kinh tế đại bộ phận là nông nghiệp, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, nên họ phải qua quá trình học tập, nghiên cứu lâu dài và rèn luyện phong trào đấu tranh của quần chúng “để vừa học tập ở người công nhân vừa giác ngộ họ”. Các đồng chí ấy nói với nhau một câu tiếng Pháp, nghĩa là: “ người công nhân là người có thể làm ra tất cả, có thể phá huỷ được tất cả vì người công nhân có thể xây dựng lại tất cả”.(Trần Văn Cung).Ngày 17-6-1929, Nguyễn Phong Sắc dự Hội nghị thành lập Đông Dương cộng sản Đảng tại số nhà 312 phố Khâm Thiên- Hà Nội và ngày 21-7-1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của tổ chức này cử Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào phụ trách phong trào ở Trung Kỳ.

Vào đây, điều đầu tiên Nguyễn Phong Sắc nghĩ đến là phải tìm hiểu về Vinh - Bến Thuỷ nơi tổ chức chọn đóng trụ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ, không lâu, những đồng chí thân cận đã thấy rõ, Nguyễn Phong Sắc có được những hiểu biết khá sâu về thành phố công nghiệp này.

Bởi những thuận lợi về giao thông, tài nguyên lâm khoáng sản mà Vinh - Bến Thuỷ sớm trở thành một đô thị đứng đầu trên bước đường công nghiệp hoá tư bản miền Trung. Đội ngũ công nhân ở đây đã đông dần lên, nhất là từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đến khoảng 1925-1926 thì nó đã phát triển thành một lực lượng quan trọng đối với tình hình chính trị thành phố và đối với cả nông thôn Nghệ Tĩnh là xứ sở của các sỹ phu. Khi nền khoa học Hán học bị bãi bỏ con em của họ đã nối nghiệp bằng tiền lưng gạo bị mà theo học ở các trường Pháp - Việt. Phần nhiều không có điều kiện để học lên cao, họ rẽ ngang bằng hai lối, một là đi làm tiểu viên chức hoặc hương sư, hai là vào các trường kỹ nghệ thực hành để làm thợ chuyên nghiệp hay cao hơn một chút là nhân viên kỹ thuật. Tầng lớp này nhạy bén với thời cuộc và dễ liên minh với các thành phần khác. Họ mang trong mình dòng máu của cha ông, đó là khí chất khảng khái, kiên cường chống ngoại xâm và ghét mọi hình thức bóc lột. Ngoài họ ra, tuyệt đại bộ phận dân đinh là sống ở nông thôn. Đó là những người dân cày có học, lập thành phe hội, luôn luôn chống lại tệ nạn tham nhũng, tội ác đè nén của bọn tổng lý, quan viên chức sắc, địa chủ, tức phe hào. Ở xưởng máy, đồn điền thì thợ thuyền thường xuyên vạch trần các mánh khoé bóc lột của bọn chủ. Bởi ưu thế về giao thông thuỷ, bộ và đường sắt, Vinh là điểm dễ tụ mà cũng dễ tan.

Tất nhiên, cũng như các thành phố, đô thị khác, ở Vinh - Bến Thuỷ cũng có các quan chức Tây Nam, doanh nhân, thương gia, lính tráng, nhưng ở đây, thành phần cơ bản quyết định dân cư thành phố trước hết là về số lượng vẫn là người từ nông thôn đi ra. Có lẽ chỉ riêng các nhà máy tại Vinh- Bến Thuỷ mới có sự phân biệt giữa thợ áo xanh (công nhân chuyên nghiệp) với thợ áo nâu ( là số làm công nhật, phu phen). Công nhân Nghệ Tĩnh ra làm việc ở thành phố họ vẫn phải đóng thuế thân ở bản quán. Vì thế, sự liên minh Công - Nông ở đây có sự liên minh máu thịt, cùng chung vận mệnh sống còn. Ngay đa số binh lính, khố xanh, kể cả khố đỏ cũng từ nông thôn mà ra. Họ sẽ ngã về phía công - nông khi được giác ngộ.

Vinh - Bến Thuỷ không chỉ là thành phố của riêng Nghệ An. Nó là thủ phủ chung cho cả Nghệ Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh được tách lập ra từ 1931, đứng đầu là một Tuần vũ. Để giải quyết một việc gì quan trọng, trước khi tâu vào Huế, viên quan này phải trình xin ý kiến của Tổng đốc An Tĩnh, là người kiêm lý cả Hà Tĩnh, khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ ở Đông Dương, cả hai tỉnh này cùng chung một công sứ. Trông coi Hà Tĩnh là một phó sứ dưới quyền của công sứ Vinh. Đến năm 1897, Hà Tĩnh mới có công sứ riêng. Với dòng sông Lam và đường quốc lộ số 7, số 8, số 48, cảng Bến Thủy là cửa ngõ của cả Trung và Thượng Lào. Để có được những hiểu biết như thế đòi hỏi phải có một quá trình, thường là vậy nhưng cũng có những biệt lệ.

Với Nguyễn Phong Sắc, đầu tiên anh lấy bí danh là Thịnh, nhờ người xin cho làm lao công ở nhà máy Trường Thi , một xưởng sửa chữa xe lửa lớn thứ hai ở Đông Dương sau Gia Lâm. Anh muốn làm quen với những người thợ, muốn biết thêm về những phương thức bóc lột của bọn thực dân. Có lúc anh đóng vai một người phu kéo xe, áo nâu chân đất, nón lá, cốt đi cho biết đường, biết ngõ, biết lối từ thành phố thông về các vùng nông thôn. Từ lúc có anh vào, số người ở Vinh đi “ vô sản hoá” ngày càng nhiều. Chu Văn Biên cùng vào Trường Thi, Nguyễn Văn Vơn đi cảng Bến Thuỷ, Phan Thúc Tường đi Tua-ran, Lê Sỹ Thận đi Long Thọ...Bằng lao động tự thân, đến chung sống với thợ thuyền, phu phen, những con người lam lũ, dạn dày phải bươn chải để kiếm sống, Nguyễn Phong Sắc mau biết đường đi lối về, mau hiểu thêm những con người, những mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp nhân dân ở đây.

Anh cùng với các đồng chí Trần Văn Cung, Võ Mai...mở Hội Nghi lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Trung Kỳ, trụ sở liên lạc đặt tại một của hàng nước mắm ở sát phía dưới Cống đệ Nhị. Kẻ địch không ngờ đấy lại là nơi hội họp trao đổi của các nhà hoạt động chính trị. Còn Nguyễn Phong Sắc thì thường được quần chúng che chở trong những căn buồng nhỏ của những ngôi nhà dân mái tranh vách nứa, nơi những người nghèo lui tới với nhau tại các thôn Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ.

Không lâu, anh đã cho triệu tập tại Yên Dũng Hạ (nay là phường Bến Thuỷ) một cuộc họp gồm các đại biểu của công nhân và nông dân. Anh đã đích thân trình bày nguyên nhân ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng và giải thích về Tuyên ngôn của tổ chức này. Anh đem thực tế của Vinh - Bến Thuỷ cũng như của nông thôn Nghệ Tĩnh liên hệ với các sự kiện chính trị nghe ăn nhập, sinh động giống như anh là con người được sinh trưởng ở đây.

Trên cơ sở các nhóm ngồi họ, các tổ tương tế ái hữu vốn tồn tại trong bà con thợ thuyền, Nguyễn Phong Sắc cho triệu tập Hội nghị các đại biểu công nhân vào tháng 10 -1929 cũng tại Yên Dũng Hạ để thành lập Tổng nông hội Nghệ An. Còn đại hội thành lập Tổng nông hội Nghệ An thì từ Vinh, anh lên chỉ đạo họp tại làng Dương Xuân ( nay là xã Vĩnh Sơn) huyện Anh Sơn. Tại Quốc học Vinh, từ trước đã có tổ chức Tu thân hội do Trần Đình Thanh, tức Trần Mộng Bạch là một giám thị viên lập ra. Nay trên cơ sở đó, Nguyễn Phong Sắc cho phát triển hội viên và cải lập ra Sinh hội Vinh.

Đồng thời với việc thành lập các hội quần chúng trong công nhân, nông dân, học sinh gồm cả tiểu viên chức, Nguyễn Phong Sắc đã nghĩ đến cả kế hoạch binh vận, trước hết là tìm cách giác ngộ một số lính khố xanh xuất thân là nông dân nghèo. Nguyễn Phong Sắc chú ý khai thác những mâu thuẫn giữa bọn thực dân Pháp với từng tầng lớp, từng đối tượng, nhằm tập trung sức đấu tranh vào một kẻ thù cụ thể, là đối tượng chủ yếu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì biết khai thác đến thật sâu các mâu thuẫn xã hội như vậy nên ngay trong hàng ngũ chiến binh người ngoại quốc trong quân đội Pháp ta cũng đã giác ngộ được trên đất Vinh nhóm lính Lê dương người Đức bị Pháp bắt đi làm tù binh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất rồi bị đẩy sang đây.

Điều đáng nói ngay từ đầu là Nguyễn Phong Sắc đã ý thức xây dựng Đảng với quan điểm rất biện chứng là các cá thể công nghiệp, nông dân và tri thức có thể trải qua nhiều phường hội khác nhau để trở thành đảng viên cộng sản.

Vinh- Bến Thuỷ là nơi khai sinh ra Hội phục Việt, sau đổi thành Tân Việt. Khi Nguyễn Phong Sắc vào, nơi đây trải hơn 4 năm là địa bàn hoạt động của Tân Việt. Tổng bộ Tân Việt đóng tại Vinh, sau cuộc họp ngày 14-7-1928, cơ quan Tổng bộ mới chuyển vào Huế. Chắc rồi giới sử học nước nhà phải cùng nhau đánh giá lại vị trí, vai trò của Tân Việt, một số tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có điều ta thấy rất rõ qua việc làm của Nguyễn Phong Sắc, ta biết anh đã có được cái nhìn đúng mức với tổ chức này.

Thiện chí cầu thị và ước vọng đổi mới của những người sáng lập nên Tân Việt đã được họ nêu trong phương hướng hoạt động ngay từ ngày thành lập đảng của mình. Đó là:

- Nghiên cứu thấu đáo hoàn cảnh chính trị nước nhà để tìm một phương hướng hoạt động thuận lợi nhất. 

-  Đặt quan hệ với các phần tử xuất dương ở hải ngoại..

Đoàn thể nước ngoài mà họ biết được liên lạc ngay sau ngày thành thành lập tổ chức của mình là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, gọi tắt là Thanh niên. Đó là một tổ chức cách mạng có đường lối tiên tiến hơn, có lực lượng cộng sản đoàn làm nòng cốt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ra vào tháng 6-1925, một tháng trước khi Đại hội Phục Việt ra đời (14-7-1925). Nhưng hơn một năm sau đó vì những lý do đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phải rời Quảng Châu (Trung Quốc) mà đi công cán ở một số nước khác. Cũng từ đó cho cho đến giữa năm 1929, Đảng Tân Việt cũng có nhiều cố gắng để có thể thống nhất tổ chức Thanh niên, nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả. Tuy nhiên sau khi hiểu được đường lối, mục tiêu của Thanh niên sự hoạt động của Tân Việt cũng làm theo như vậy. Bởi thế, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời (17-6-1929) thì đa số đảng viên Tân Việt đã gia nhập tổ chức này. Tức là khi Nguyễn Phong Sắc vào đến Vinh thì không còn bàn bạc giữa Thanh niên và Tân Việt để đi đến hợp nhất theo bên này hay bên nọ nữa mà quy tụ lại là các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Sự kiện ngày 1-1-1930, những cán bộ còn lại của Tân Việt mở đại hội tuyên bố thành lập Đông Dương cộng sản Liên Đoàn là điều tất yếu để cùng thống nhất trong đội ngũ những người cộng sản. Trong đó một yếu tố mang tính chất thuyết phục là một con người như Nguyễn Phong Sắc vốn là cán bộ của Thanh niên, nhưng khi vào đây thành lập được Xứ uỷ và nhiều cấp bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng từ tỉnh đến một số thôn, xã. Anh em đã không phân biệt giữa những người trước là thuộc Thanh niên hay Tân Việt mà đề ra chủ trương là đảng sẽ kết nạp những ai đủ tiêu chuẩn và tán thành tuyên ngôn, cương lĩnh của Đông Dương Cộng sản Đảng. Vì thế nhiều nơi như ở Nghi Lộc, Thanh Chương có những tổ Tân Việt đã chuyển thành Đông Dương Cộng sản Đảng. Chính vì thế mà Nghệ Tĩnh đã tiếp thu sự kiện thống nhất Đảng ngày 3-2-1930 một cách nhất tề, nhạy bén như việc đã biết trước đã chờ đợi từ lâu. Và sau ngày thống nhất Đảng thì lực lượng cách mạng ở đây phát triển như để tiến tới cao trào, mở đường là cuộc biểu tình công nông phối hợp ngày 1-5-1930 tại Bến Thuỷ.

Sau kiện lịch sử ấy, thợ thuyền các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ đứng lên đấu tranh liên tiếp. tại nhà máy Diêm là cuộc đình công của 500 thợ ngày 10-5-1930. Công nhân nhà máy Cưa gồm 300 người đã phối hợp với cảng Bến Thuỷ để cùng đấu tranh vào ngày 15-5-1930. Công nhân nhà máy Trường Thi gồm 120 người thuộc một phân xưởng đấu tranh đòi tăng lương. Hơn 1000 công nhân nhà máy Diêm, điện, cưa, phu kéo xe cùng phối hợp đình công vào ngày 27-6-1930. Ngày 1-8-1930 tất cả công nhân các nhà máy Vinh- Bến Thuỷ cùng rải truyền đơn kỷ niệm ngày phản đối chiến tranh đế quốc.

Từ Vinh- Bến Thuỷ, Nguyễn Phong Sắc đã đi đến các phủ huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quảng Ngãi ... để giúp vào việc thành lập các cơ sở Đảng và tổ chức đấu tranh. Tổ chức đi đôi với đấu tranh: đấu tranh để củng cố và phát triển tổ chức, qua tổ chức để đưa quần chúng ra rèn luyện. Thực hiện phương châm lấy từ sau 1-5-1930, các cuộc đình công, biểu tình ở thành thị cũng như nông thôn ở 2 tỉnh Nghệ Tĩnh đã diễn ra liên tiếp. Các cuộc đấu tranh ấy đều có sự hỗ trợ của công nhân Vinh - Bến Thủy như biểu tình ở Anh Sơn, Nghi Lộc (2-6-1930), Nam Đàn (8-6-1930), Quỳnh Lưu (20-6-1930), Can Lộc, Nghi Xuân ( 7-1930)...Rồi tiến tới các cuộc biểu tình có quy mô toàn huyện: Nam Đàn (30-8-1930), Thanh Chương (1-9-1930), Anh Sơn (8-0-1930), Kỳ Anh (9-9-1930). Và đỉnh cao của thời gian này là cuộc biểu tình Thái Lão (12-9-1930). Cuộc biểu tình này bị thảm sát dã man đẫm máu, nhưng các nơi khác trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không vì thế mà phong trào giảm sút. Ngược lại chính vì sự sự hy sinh lớn lao của công nông trong cuộc đấu tranh lịch sử ấy mà khí thế của quần chúng xa gần càng bốc cao hơn. Khắp nơi đều tổ chức mít tinh mặc niệm các hương hồn các chiến sỹ đã hy sinh ở Thái Lão. Và cuộc đấu tranh với quy mô lớn vẫn diễn ra. Cuộc đấu tranh của công nhân huyện Hương Sơn 19-9-1930 đã lôi kéo 300 công nhân đồn điền Sông Con cùng tham gia, cho đến 22-9-1930 thì mở rộng thành cuộc biểu tình với quy mô toàn huyện. Tiếp sau Hương Sơn thì một số phủ huyện ở thành phố như Diễn Châu, Yên Thành cùng nổ ra các cuộc đấu tranh với khẩu hiệu mang nội dung đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, miễn sưu, hoãn thuế, quân cấp quân điền thổ. Một hậu quả quan trọng của tất cả các cuộc đấu tranh từ ngày 12-9-1930 trở về sau là dẫn đến việc thành lập chính quyền Xô Viết nông thôn ở các làng xã.

Bức chân dung Nguyễn Phong Sắc in trong tập san “ Xô Viết Nghệ Tĩnh” của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương do nhà xuất bản Sự thật phát hành năm 1962 được ghi: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tức Thịnh, uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, người trực tiếp phụ trách Xứ uỷ Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào công nhân Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Tại gian nhà đặt bàn thờ Nguyễn Phong Sắc của gia đình ở 152 phố Bạch Mai - Hà Nội còn lưu giữ bút tích của cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đề ngày 17-5-1981: “ Tha thiết nhớ đồng chí Nguyễn Phong Sắc”. Đó cũng là tình cảm của nhân cả nước và nhiều bạn bè quốc tế đối với liệt sỹ Nguyễn Phong Sắc.

Vinh - Bến Thủy là nơi Nguyễn Phong Sắc đã sống và chiến đấu hiển hách những năm cuối đời của mình. Thực dân đã hèn hạ bắt anh trước cửa ga Hàng Cỏ - Hà Nội khi anh trên đường đi công tác (3-5-1931) rồi giải anh về giam tại nhà lao Vinh. Và từ một xà lim cầm cố trong ngục thất này, chúng đã dã man, lén lút đưa anh đi bắn tại đồn binh Song Lộc, nơi thành Vinh nhìn ra Cửa Hội vào một sáng tinh mơ ngày 25-5-1931, lúc biển Đông gầm gào nổi sóng.

Thành Vinh hiện có một đường phố vừa dài, vừa rộng mang tên “đường Nguyễn Phong Sắc”.

Chu Trọng Huyến- Nghệ An

Video