Nguyễn Ngô Dật (1890- 1932) . Bí danh Đầu Xứ Dật, Thuỷ

Tác giả: admin
Ngày 2010-10-04 13:53:40

Nguyễn Ngô Dật sinh năm 1890 tại làng Phúc Mỹ, tổng Văn Viên(nay là xã Hưng Châu), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Cha ông là Nguyễn Đức Điều, một địa chủ giàu có trong vùng, ông làm cai tổng có phát canh thu tô nhưng chuyên chăm lo tu sửa đền miếu, tự bỏ công của làm nhà Thánh, lo đắp đường sá, xây dựng cầu cống. Ông có quan hệ mật thiết và thường xuyên giúp đỡ phong trào Văn thân Cần vương. Người con trai cả bị thực dân Pháp bắn chết khi tham gia phong trào Văn thân tại núi Hồng Lĩnh. 

Nguyễn Ngô Dật tên thật là Nguyễn Văn Dật, con thứ ba trong gia đình có 6 người con. Hồi còn nhỏ ông Dật học chữ Hán tại nhà cụ Đốc học họ Ngô(làng Cự Thôn cùng huyện). Cụ Đốc học Ngô Xuân Trạch có ba người con trai tham gia chống Pháp. Người con trai đầu là Ngô Thuần sinh năm 1885, năm 1918 tham gia vụ lấy cắp 3 khẩu súng tại đồn lính khố xanh ở Vinh nên bị bắt và bị toà án Nam triều Nghệ An kết án xử trảm, nhưng sau được giảm án đầy đi nhà tù Lao Bảo và hy sinh tại Lao Bảo năm 1919. Người con trai thứ là Ngô Tuân hoạt động cách mạng tham gia Đại hội Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Ma Cao năm 1935. Người con trai thứ ba là Ngô Thiêm tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và được dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu(Trung Quốc). Ngô Thiêm được tổ chức Thanh niên phân công về hoạt động ở Sài Gòn, anh bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình năm 1931. 

Nguyễn Văn Dật thuở nhỏ rất thông minh và nhanh nhẹn. Là học trò giỏi ngoan nên Nguyễn Văn Dật được thầy Đốc học họ Ngô yêu quý và nhận làm con nuôi. Và từ đó tên của ông có lót chữ Ngô(Nguyễn Ngô Dật). Ông đỗ đầu xứ nên thường gọi là Đầu Xứ Dật. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hoét, quê làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, con gái Nguyễn Xuân Đình đậu cử nhân, có tinh thần yêu nước tham gia phong trào Văn thân chống Pháp. Em gái vợ ông lấy Đặng Thúc Thực, con trai cụ Đặng Thúc Hứa chuyên làm nhiệm vụ đưa đón người sang Xiêm để từ đó sang Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách mạng 

Năm 1927, người con trai đầu của ông là Nguyễn Xuân Thành(tức Nguyễn Phơn) học lớp nhất A trường tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh đã được các thầy giáo như Trần Văn Tăng và Hà Huy Tập giác ngộ tinh thần yêu nước. Nguyễn Xuân Thành nhiều lần đưa cha đến gặp thầy Tăng ở trường. Sau đó thầy giáo Trần Văn Tăng thường về thăm ông Nguyễn Ngô Dật ở làng Phúc Mỹ và tuyên truyền về Đảng Tân Việt; đồng thời giao một số nhiệm vụ cho ông Nguyễn Ngô Dật. Sau thời gian thử thách, Trần Văn Tăng đã kết nạp ông Dật vào Đảng Tân Việt. Ông Nguyễn Ngô Dật nhận nhiệm vụ xây dưụng cơ sở Tân Việt ở vùng Phúc Mỹ. Để tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước cho nhân dân, ông mở lớp học dạy quốc ngữ cho con em trong vùng, mua sách báo tiến bộ đọc cho các cụ và học trò nghe. Dần dần ông đã kết nạp được Nguyễn Bát(tức Cựu Ba), Lê Phương(Cháu Phương) người trong làng vào Đảng Tân Việt. Nguyễn Ngô Dật thường xuyên đi lại vùng Phù Xá vì ở đây đã có tiểu tổ Tân Việt do Lê Xuân Đào tổ chức. 

Vào khoảng tháng 3/1930, đồng chí Tôn Gia Tinh người Thanh Chương được đồng chí Nguyễn Phong Sắc cử về Hưng Nguyên xây dưụng cơ sở Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc biết Tôn Gia Tinh bị tù cùng Lê Xuân Đào tại nhà lao Vinh năm 1929. Tôn Gia Tinh về Hưng Nguyên gặp đồng chí Lê Xuân Đào và bàn bạc chuyện thành lập Đảng. Đồng chí Lê Xuân Đào đã liên lạc với một số đồng chí quen biết hình thành bộ ba là: Trúc(Nguyễn Hữu Nhượng), Lam(Nguyễn Thị Phia), ở làng Trung Cần, tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn, Giang(Lê Xuân Đào), tổng Phù Long để hoạt động ở vùng này. 

Mùa Xuân năm 1930, được đồng chí Thúc Tính (bạn con dì) giao cho mấy tờ truyền đơn mẫu của Đảng cộng sản Đông Dương, Nguyễn Ngô Dật đã giao cho con trai là Nguyễn Xuân Thành và Lương Doãn Sằn(cháu) mua thạch, giấy, bút, mực về để in truyền đơn và rải ở vùng đường số 8. Đồng chí Nguyễn Ngô Dật đã tuyên truyền giác ngộ và kết nạp được một số người như Lê Viễn, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa, Sáu Xương và thành lập chi bộ Phúc Mỹ do đồng chí làm Bí thư. Tiếp đó đồng chí đã tổ chức được một số chi bộ ở Phú Vinh, Xuân Nha, Phú Điền, Mỹ Dụ. Đồng chí đã thành lập được tổ ấn loát gồm: Lương Doãn Sằn, Lê Đình Đống và Nguyễn Xuân Thành để in truyền đơn, nghị quyết, báo của Đảng và in lại tập “Nhật ký chìm tàu” của Nguyễn Ái Quốc...để chuyển về các chi bộ trong vùng. 

Đến tháng 5/1930, Lê Xuân Đào đã thành lập chi bộ ghép đầu tiên của hai tổng Phù Long và Nam Kim(huyện Nam Đàn) gồm 6 đồng chí với bí danh Kim(tức Lê Nghĩa, tổng Phù Long), Mộc(tức Võ Trọng Tấn, tổng Phù Long), Thuỷ(tức Bùi Hải Thiệu, tổng Nam Kim), Hoả(tức Nguyễn Ngọc Củng, tổng Phù Long), Thổ(tức Bùi Hữu Lương, tổng Nam Kim) do Lê Xuân Đào làm Bí thư; thời gian sau phát triển thêm đồng chí Nguyễn Ngô Dật(tức Thuỷ, tổng Văn Viên), Võ Trọng Cánh(tức Thành), Võ Trọng Linh(tức Vĩnh), Trần Thông(tức Duyệt) tổng Phù Long. Sau khi thành lập chi bộ ghép đồng chí Lê Xuân Đào phân công các đảng viên về xây dựng cơ sở Đảng trong vùng. 

Việc xây dựng cơ sở Đảng ở huyện Hưng Nguyên bằng ba con đường: Các xã thuộc tổng Yên Trường, Đô Yên, Văn Viên do đồng chí Lê Doãn Sửu uỷ viên Tỉnh uỷ Vinh bắt liên lạc và tổ chức. Các xã thuộc tổng Hải Đô do huyện uỷ Nam Đàn và các xã thuộc Phù Long, Thông Lãng và Nam Kim(huyện Nam Đàn) do Xứ uỷ liên lạc và tổ chức. 

Sau cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, được sự uỷ nhiệm của Thành uỷ Vinh- Bến Thuỷ, đồng chí Vương Thúc Kỳ- Bí thư huyện uỷ Nam Đàn triệu tập một cuộc hội nghị cán bộ ở Hưng Nguyên để bàn kế hoạch ổn định tình hình như: lạc quyên, phát tiền tuất và tổ chức truy điệu những người hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Cuộc họp gồm có đại biểu 5 tổng: Nam Kim, Phù Long, Thông Lãng, Văn Viên và Đô Yên. 

Tháng 10/1930, đồng chí Lê Xuân Đào và đồng chí Lê Công Cánh(tức Mười) huyện uỷ Nam Đàn triệu tập cuộc Hội nghị thành lập Phủ uỷ lâm thời Hưng Nguyên và phân định lại khu vực để lãnh đạo cho thích hợp. Hội nghị đã thống nhất cắt tổng Nam Kim, Hải Đô và xã Tràng Cát về huyện uỷ Nam Đàn, tổng Yên Trường về huyện uỷ Nghi Lộc lãnh đạo. Còn bốn tổng Phù Long, Thông Lãng, Văn Viên và Đô Yên do phủ uỷ Hưng Nguyên phụ trách. Hội nghị bầu ra Ban chấp hành phủ uỷ lâm thời gồm 5 người: 

          - Lê Xuân Đào (tức Giang), ở Phù Xá, Bí thư 

        - Nguyễn Ngọc Ngoạn (tức Tân) ở làng Xuân Hoà, phụ trách tổng Phù Long. 

       - Trần Hữu Lan(tức Đông), làng Láng Thôn, phụ trách tổng Thông Lãng. 

      - Nguyễn Ngô Dật (tức Thuỷ), làng Phúc Mỹ phụ trách tổng Văn Viên và Đô Yên 

     - Nguyễn Thị Phia (tức Lam), làng Trung Cần, phụ trách phụ nữ. 

Đến cuối năm 1930 tỉnh uỷ Nghệ An điều đồng chí Lê Xuân Đào, Nguyễn Thị Phia lên công tác ở Nam Đàn và bổ sung đồng chí Nguyễn Hữu Cường(tức Thước), Lê Xuân Đông(tức Phủ) quê Nam Đàn cho phủ uỷ Hưng Nguyên 

Nhà của đồng chí Nguyễn Ngô Dật ở vị trí kín đáo, vườn rộng khoảng 6 sào, có bờ tre gai cao và dày khoảng 1 m, nhà có 10 gian nhà chính và 3 gian nhà thờ bằng gỗ lim, đóng ván dày cửa bàn khoa vững chắc; đủ các công trình phụ, phía sau là đồng nên rất hết sức thuận lợi cho ban Tài chính Xứ uỷ và tổ ấn loát làm việc. Ban tài chính Xứ uỷ Trung Kỳ như đồng chí Bùi Hữu Lương(tức Thổ), Nguyễn Phùng Vinh(tức Âm), Trúc(tức Nguyễn Hữu Nhượng) và Võ Thị Huệ(em gái út đồng chí Võ Trọng Ân làm giao thông cho Ban) thường được đồng chí Dật đưa đi đến các nhà giàu để lạc quyên lấy kinh phí cho Đảng hoạt động. Được một thời gian khoảng 4 tháng cơ sở này bị lộ, cuối tháng 10/1930, bọn lính về vây ráp nhưng không phát hiện được gì nên chúng vơ vét lấy hết đồ dùng trong nhà đồng chí Dật. 

Đồng chí Nguyễn Ngô Dật và con trai là Nguyễn Xuân Thành phải thoát ly theo cơ quan hoạt động ở vùng khác. Và nhà của đồng chí bị một trung đội lính khố xanh dưới sự chỉ huy của một sỹ quan Pháp về chiếm đóng đồn. Vợ đồng chí Dật cùng 6 người con và bà mẹ già của đồng chí đã 73 tuổi phải đi ở nhờ bà con nội ngoại. Đến năm 1932, bọn quan lại địa phương sử dụng nhà đồng chí Dật làm nhà thương nhưng thực chất là nhà tế bần, tập trung những người ăn xin ở Vinh về để khỏi xấu mặt thành phố. Nhưng ăn uống kém, ốm đau không có thuốc nên số người chết ở cơ sở này trong hai năm lên đến 200 người. Được hai năm thì phải giải tán trung tâm này. Sau đó chúng rao bán cơ ngơi này nhưng không ai mua vì không có tiền. Đầu năm 1934, một gia đình ở xã Đức Trường (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã mua ngôi nhà này với giá 100 đ bạc Đông Dương, còn mảnh đất không ai dám ở vì sợ ma. Thời gian đó vợ con đồng chí Nguyễn Ngô Dật vẫn phải đi ở nhờ nhà bà con, làm thuê cuốc mướn, dệt vải để sinh sống. 

Đầu năm 1931, thực dân Pháp thực hiện chính sách đàn áp và dìm phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung và Hưng Nguyên nói riêng vào biển máu, chúng tổ chức vây ráp và bắt bỏ tù nhiều đảng viên cộng sản. Một số tên phản động ác ôn trong làng nhân dịp này nổi dậy, rình mò nơi ở đảng viên cán bộ để đem lính Tây đi càn quét, bắn giết. Mặt khác bọn địch dùng chính sách phát thẻ quy thuận để buộc các đảng viên và quần chúng tích cực phải ký giấy đầu thú, gây nghi ngờ trong tổ chức Đảng. 

Do sự khủng bố của địch nên phong trào có phần lắng xuống. Lúc này Nguyễn Ngô Dật cùng các đồng chí ở trong Ban chấp hành phủ uỷ, một mặt thì lo củng cố phong trào, tổ chức huấn luyện các đội tự vệ đỏ để đấu tranh với địch bảo vệ quần chúng. Mặt khác tìm mọi cách để ổn định tinh thần quần chúng, gây dựng lại cơ sở Đảng.
 
Để trấn ấp bọn phản động trong vùng, đồng chí Nguyễn Ngô Dật đã tổ chức một tổ công tác đặc biệt gồm ba người: Hoàng Em, Hoàng Xí và Lê Doạt, các đồng chí đã xử lý tên Lê Hữu Đắc, Quế Tâm và một số tên có nợ máu khác. 

Ngày 25/6/1931, đồng chí Nguyễn Ngô Dật được triệu tập tham dự hội nghị bất thường của Xứ uỷ Trung Kỳ tại nhà đồng chí Chu Gia Lộc làng Đức Quang. Cuộc họp gồm các đồng chí Lê Viết Thuật, Lê Xuân Đào, Nguyễn Lợi, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Thị Duệ, Phan Thái Ất, Nguyễn Sinh Diên, Hoàng Khang, Nguyễn Ngô Dật. Hội nghị đã nhận định tình hình sau khi đồng chí Lê Mao bị bắn chết ở Bến Thuỷ, Nguyễn Phong Sắc- Bí thư Xứ uỷ bị bắt ở Hà Nội và một số cán bộ xứ bị bắt giam, địch khủng bố mạnh, phong trào đấu tranh có phần tạm lắng. Chủ trương của Xứ uỷ là đưa phong trào đấu tranh vào hoạt động bí mật, không rải truyền đơn và treo cờ như trước nữa, các ngày lễ tổ chức kỷ niệm bí mật; phân công đảng viên phụ trách quần chúng để ổn định tình hình. 

Về công tác tổ chức cần phải bổ sung cán bộ Xứ. Hội nghị bầu bổ sung đồng chí Chu Văn Biên, Mai Trọng Đán, Mai Trọng Tín vào Xứ uỷ. 

Thời gian này đồng chí Nguyễn Ngô Dật và tổ ấn loát phải đóng tại nhà ông Diên, người cùng làng và nhà anh Sớ làm nghề kéo xe tay ở km số 2 đường số 8 cách Vinh hơn 1 km. Hai gia đình này rất tốt, tận tình giúp đỡ và bảo vệ cán bộ Đảng. Lúc bấy giờ giao thông bị gián đoạn nên một số tài liệu in xong nhưng không chuyển xuống cơ sở được. Chỉ có truyền đơn còn rải được là nhờ tinh thần cách mạng của anh Sớ kéo xe tay còn anh Thọ con ông Diên thì ngồi trên xe tay tuỳ từng lúc, từng nơi mà rải. 

Đến tháng 7/1931, địch đánh hơi được cơ sở này nên đồng chí Nguyễn Ngô Dật phải dời xuống xóm Trại cày của làng Yên Dũng gần núi Con Mèo (Bến Thuỷ). Lúc này cơ quan chỉ còn lại ba người là Nguyễn Ngô Dật, Lê Thúc Cương và Nguyễn Xuân Thành. Tại đây cơ quan đóng tại nhà đồng chí Cu Thịch, em đồng chí Lê Viết Thuật, có anh Thíu Ngận người cùng họ làm cho anh Thịch vừa giúp thênm công tác bảo vệ. Lúc này cơ quan huyện uỷ không có giao thông cán bộ bị bắt gần hết, việc liên lạc từ tỉnh xuống huyện và huyện lên tỉnh xuống xã thật là khó khăn. Tiền ăn hết, nhân dân nuôi. Sau đó cơ quan ấn loát phải dời sang một gia đình gần nhà đồng chí Thịch. Đến đêm 14/7/1931, hai cha con đồng chí Nguyễn Ngô Dật ăn cơm xong ra ngoài ruộng ngủ. Đến khuya trời động mưa, nghĩ rằng thời tiết thế này thì địch không đi lùng, hai cha con vừa về đến nhà cơ sở thì thấy ánh đèn pin và tiếng gậy va vào nhau của địch, nên tìm đường thoát. Đồng chí Nguyễn Xuân Thành bị vấp ngã nên bị chúng bắt được đưa vào nhà cơ sở đánh đập tra hỏi nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Thành không khai. Bọn địch tìm ngoài ruộng thấy dụng cụ ấn loát và tài liệu, nhưng đồng chí không khai nhận gì cả. Sau đó chúng đưa đồng chí về giam tại nhà lao Vinh và phát vãng lên đồn Thanh Quả huyện Thanh Chương 

Còn đồng chí Nguyễn Ngô Dật để không bị sa vào tay giặc đã uống thuốc phiện có sẵn trong người rồi bơi qua sông đào, đến bên kia mép sông đồng chí nằm bất động. Sáng ngày 15/7/1931, chị Hai Ngân người trong họ lấy chồng về làng Yên Tuỳ đi làm thấy đồng chí Nguyễn Ngô Dật nằm mê man đã đưa về nhà chăm sóc đến khi khoẻ mới thôi. Sức khoẻ phục hồi, đồng chí Nguyễn Ngô Dật vào huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh ) tiếp tục hoạt động cách mạng. 

Ngày3/ 8/1931 Nguyễn Ngô Dật bị bắt ở huyện Kỳ Anh(tỉnh Hà Tĩnh), bọn mật thám đưa đồng chí về nhà lao Vinh giam ở buồng Nhị(buồng trọng án). Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí tử hình với ba bản án: 

       Bản án số 79 ngày 10/8/1931 tội tử hình vì tội “nổi loạn” và giết chánh tổng Lê Hữu Đắc. 

      Bản án số 100 ngày 19/8/1931 tội từ hình vì “hoạt động cộng sản”. 

       Bản án số 108 ngày 4/9/1931 xử khổ sai chung thân vì tham dự giết tên Học Xước ở làng Xuân Giang. 

Cuối cùng chúng thi hành theo bản án số 108 ngày 4/9/1931 xử đồng chí Nguyễn Ngô Dật tù khổ sai chung thân đày đi Lao Bảo. Đến ngày 23/4/1932 đồng chí Nguyễn Ngô Dật bị chuyển lên nhà tù Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc. 

Ngày 28/9/1932 đồng chí Nguyễn Ngô Dật đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 42 vì bị bệnh tả. Mộ đồng chí được chôn ở nghĩa địa nhà tù với số mộ 26. Tháng 12/1993, con cháu trong gia đình đã tìm được phần mộ của đồng chí Nguyễn Ngô Dật.

                                                                                                                                                                  Lê Thị Hạnh Phúc

Video