Nguyễn Lợi – Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Bến Thủy

Tác giả: admin
Ngày 2019-11-28 01:34:34

Bến Thủy là vùng đất nằm phía Đông Nam thành phố Vinh, cách Hà Tĩnh bởi dòng sông Lam thơ mộng. Đây là vùng thắng địa đã từng được vua Quang Trung ca ngợi: “Hình thể rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây dựng kinh đô mới, thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy”. Là một vùng đất có địa thế đẹp, nhưng dưới chế độ thực dân phong kiến, quần chúng nhân dân luôn phải sống trong cảnh thuế khóa ngặt nghèo, thường xuyên bị áp bức, bóc lột. Chính vì vậy, người dân Bến Thủy đa số gan góc, kiên cường, có tinh thần yêu nước nồng nàn.  Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, Bến thủy là nơi lưu giữ những chứng tích anh hùng, là “tọa độ lửa” trong những ngày sục sôi cả nước đánh Mỹ, là hậu phương vững chắc của cả nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều tên đất, tên người của đã đi vào sử sách, góp phần làm rạng danh cho quê hương xứ Nghệ.

Đồng chí Nguyễn Lợi sinh năm 1903 trong một gia đình công nhân nghèo. Ông nội của Nguyễn Lợi là ông Cử Chiến (Nguyễn Hữu Chiến), tuy đã đậu cử nhân nhưng không ra làm quan mà đã tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, bị thực dân Pháp bắt và xử chém. Một điều thương tâm là đầu ông sau khi bị chém đã bị bọn côn đồ thu giấu để đổi tiền chuộc, nhưng cuối cùng bị mất. Đây là mối hận của gia tộc mà Nguyễn Lợi luôn nung nấu từ thời niên thiếu.

Sau khi cha mất, năm 14 tuổi Nguyễn Lợi theo mẹ vào làm công nhân ở nhà máy Diêm. Tại đây, hàng ngày Nguyễn Lợi được chứng kiến nhiều thủ đoạn bóc lột tinh vi tàn bạo của bọn chủ, cai nhà máy đối với công nhân. Vào những năm 1922 – 1923, ở lứa tuổi 19, 20 Nguyễn Lợi bắt đầu có ý thức về nỗi nhục mất nước, về quyền con người.

Năm 1923, Nguyễn Lợi chuyển sang nhà máy Gỗ, rồi làm thợ bốc vác, làm bồi cho Tây, làm thuê cho Ký Viễn…Dù ở đâu cũng chứng kiến cảnh bị đè nén, áp bức của thân phận người dân mất nước, đồng chí nhanh chóng được giác ngộ ý thức giai cấp, nhất là sau những buổi nghe các thầy giáo trong Hội Quảng Trị (trong đó có thầy Hà Huy Tập) nói chuyện.

Vào cuối năm 1926, đầu năm 1927, đồng chí Nguyễn Viết Lục đã giúp đỡ Nguyễn Lợi học chữ quốc ngữ và giới thiệu anh vào Hội Hưng Nam. Sau khi được kết nạp với bí danh là Quyết, đồng chí  được phân công trách nhiệm vận động công nhân khu vực Bến Thủy.

Đến giữa năm 1928, Hội Hưng Nam đổi tên là Tân Việt cách  mạng Đảng (tức Đảng Tân Việt). Đảng này có chủ trương đào tạo một bộ phận đảng viên có khả năng làm thợ để vào hoạt động ở các nhà máy chưa có hoặc ít đảng viên, Nguyễn Lợi được tổ chức Đảng tuyển chọn. Tháng 8/1928, đồng chí vào làm thợ Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, vừa sinh hoạt với tiểu tổ Tân Việt ở nhà máy Trường Thi vừa liên lạc mật thiết với tiểu tổ nhà máy Diêm và cả phố Đệ Thập, nơi anh cư trú.

Vào khoảng tháng 5/ 1929, Nguyễn Lợi tham gia bãi công của công nhân và bị đuổi cùng hàng chục thợ khác. Ít lâu sau, đồng chí vào làm thợ trong xưởng đại tu ô tô Bạch Thái Đào, tại đây đồng chí đã tích cực, kiên trì thuyết phục, vận động anh em lái xe không thực hiện mưu mô chước quỷ của chủ và hạn chế được nhiều vụ tai nạn. Làm việc ở Vinh một thời gian, ông chủ giao cho Nguyễn Lợi vào làm việc ở ga ra ô tô ở Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đồng chí bị sa vào lưới mật thám khi đi làm căn cước. Chúng bắt đồng chí vào Nhà lao vinh và tra khảo về tổ chức Tân Việt. Trước những thủ đoạn tra tấn tàn độc nhất, Nguyễn lợi vẫn kiên cường, không khai báo một lời. Do không có chứng cớ xác thực, giữa tháng 11/ 1929, Tòa án Nam triều Nghệ An kết án 2 năm án treo. Vừa ra tù, đồng chí liên lạc ngay với tổ chức Tân Việt và làm công tác phát triển đảng viên.

Cuối năm 1929, Nguyễn Lợi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, được đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh) trực tiếp phân công trở về làm việc và hoạt động trong nhà máy Diêm. Tại đây, Nguyễn Lợi đã vinh dự được gặp các đồng chí Chu Văn Biên, Dương Văn Lan, Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Trọng Cổn….là những đảng viên thuộc tầng lớp trí thức đi “vô sản hóa” tại các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy theo chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh trong các nhà máy Vinh – Bến Thủy càng dâng cao. Đặc biệt công nhân nhà máy Diêm đã tổ chức cuộc bãi công dài 40 ngày. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng nhà máy (do Lê Mao làm Bí thư, Nguyễn Lợi làm Phó Bí thư thường trực) và Công hội đỏ, hơn 500 công nhân làm diêm, trong đó có 300 phụ nữ đã bãi công đòi tăng lương, cải thiện chế độ sinh hoạt, chống sa thải thợ, chị em công nhân nhất loạt đòi chủ nhà máy không cho lính nam xét thợ đàn bà, không để cai nam quản các xưởng thợ phụ nữ…. Ảnh hưởng của cuộc bãi công lan rộng khắp thành phố. Ngày 25/4/1930, công nhân ở hầu hết các nhà máy khác ở Vinh – Bến Thủy đều biểu tình đưa yêu sách cho chủ. Trong khi đó, học sinh các trường trong thành phố tẩy chay cuộc hiểu dụ của tên Tổng đốc Nghệ An Hồ Đăc Khải, đồng thời Tổng sinh hội Nghệ An phát truyền đơn vạch mặt Hồ Đắc Khải, tay sai đắc lực của thực dân Pháp, kêu gọi học sinh gia nhập tổ chức Sinh hội đỏ để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam theo chủ trương của Đảng, từ giữa tháng 4/1930, Nguyễn Lợi đã được nghe đồng chí Lê Mao (Ủy viên Thường trực Phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ, phụ trách phong trào công nhân, Bí thư Tỉnh ủy Vinh) phổ biến kế hoạch và được dự cuộc họp quan trọng tại nhà thờ Họ Hoàng (ở làng Lộc Đa thuộc xã Hưng Lộc ngày nay). Cuộc họp đã cử đồng chí Nguyễn Lợi làm làm tổng chỉ huy cuộc biểu tình sắp tới, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Trọng Trì. Đến ngày 18/4/1930 lại có cuộc họp bàn kế hoạch cụ thể cho cuộc biểu tình ngày 1/5/1930. Ngày 25/4/1930, Nguyễn Lợi còn đi phổ biến chủ trương, kế hoạch cho đại biểu các nhà máy trong thành phố.

Từ ngày 29/4, truyền đơn kêu gọi dân chúng hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động đã được bí mật rải nhiều nơi trong nhà máy, ngoài đường phố, trong các công sở, trường học,trại lính….Cờ đỏ búa liềm đã được treo lên ở nhiều địa điểm trong thành phố: “Khoảng 5 giờ chiều ngày 30/4/1930 chị Liên Thành(Hán Lục) đưa cho tôi một bức thư, mủng cờ và truyền đơn, nội dụng: Địa phận đã giao cho đồng chí từ trạm về Bến Thủy, đường sau núi treo 3 lá cờ rải 200 truyền đơn, rải và treo trong đêm 30/4, không được để sáng 1/5. Vào khoảng 10 giờ đêm tôi bắt đầu hành động, đường từ Bến Thủy lên Vinh phía sau núi không có đèn, tôi chia làm 3 khoảng mỗi khoảng cách nhau 1km, chuẩn bị 6 cây nứa cho 3 khoảng thu kín và bụi, bắt đầu rải từ trạm và treo 1 cờ rồi tiếp tục rải truyền đơn, làm xong vừa khoảng 12 giờ 30 phút”.(1)

Sáng sớm ngày 1/5/1930,  dưới sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy mà trực tiếp là các đồng chí Lê Mao, Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, đông đảo nông dân các làng Yên Dũng Hạ, yên Dũng Thượng, Lộc Đa, Đức Hậu, An Hậu đã kéo vào thành phố phối hợp với công nhân Vinh – Bến Thủy tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành để đòi chính quyền thực dân phải giải quyết các quyền lợi cho thợ thuyền dân cày. Nông dân và lao động thành phố xếp hàng năm dài hơn một cây số ào ạt diễu hành và tiến thẳng xuống Bến Thủy – nơi tập trung nhiều cơ sở công nghiệp của tư bản Pháp. Lá cờ đỏ búa liềm của Đảng đã được cắm trên cột đèn Ngã ba Bến Thủy làm phấn khích tinh thần của quần chúng cách mạng. Tiếng hô khẩu hiệu:

“ Đả đảo bọn thực dân cướp nước

Hãy tăng tiền lương, bớt giờ làm cho thợ thuyền

Phải xó bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò…” (2)  rộn lên làm huyên náo cả một vùng Bến Thủy.

Báo “ Người lao khổ” của Xứ ủy Trung Kỳ số ra ngày 2/5/1930, đã có bài tường thuật chi tiết về cuộc biểu tình này: “Tiếng hô vang trời của anh chị em làm cho đế quốc tư bản kinh hồn.Thằng giám binh chĩa súng bắn vào anh em, chị em…. Một người chạy lại tát thằng giám binh, giật lấy súng trường, đập gãy. Thằng giám binh bèn lấy súng lục bắn và bắt anh em binh lính cùng bắn…Thằng giám binh, thằng chánh cảnh sát, thằng mật thám (Rôbe) đều chĩa súng bắn liên thanh.Lại cả thằng Calabi cũng đứng trong nhà máy bắn ra. Thế là quân đế quốc và quân tư sản thẳng tay giết anh em dân cày và thợ thuyền…Cuộc biểu tình giải tán để lại 6 người chết và 18 người bị thương… (3)

Đây là cuộc biểu tình lớn để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên ở nước ta và cũng là mốc mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau cuộc biểu tình đó, Nguyễn Lợi trở về hoạt động ở nhà máy Diêm, cùng chi bộ tuyên truyền, giải thích cho công nhân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc, phong kiến, của chủ, cai nhà máy và tiếp tục phát động các cuộc đấu tranh mới. Cuối tháng 5/1930, Nguyễn Lợi bị địch bắt lần thứ hai, bị bọn chân tay của Chánh mật thám Bide hết dụ dỗ lại tra tấn thừa sống thiếu chết nhưng đồng chí vẫn kiên cường, không khai nửa lời. Trong Nhà lao Vinh, Nguyễn Lợi đã cùng với đồng chí Hoàng Trọng Trì và các bạn tù khác tổ chức đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, chống đánh đập tàn nhẫn…

Ngày 25/8/1930, Nguyễn Lợi được ra tù và nhanh chóng liên lạc với Nguyễn Phúc (tức Quảng Bình) bàn công tác, sau đó trở lại làm việc và hoạt động trong nhà máy Diêm. Kể từ cuối tháng 8, đầu tháng 9/1930, phong trào cách mạng phát triển lên đến đỉnh cao. Ở Thanh Chương, Nam Đàn và các huyện miền xuôi khác đã hình thành chính quyền Xô Viết. Sau cuộc bãi công giữa tháng 9/1930, bọn chủ, cai phát hiện ra Nguyễn Lợi là người đã đánh kẻng cho thợ nghỉ việc, đình công, đồng chí bị buộc phải thôi việc nhưng vẫn làm Bí thư Chi bộ và chỉ đạo từ ngoài vào nhà máy.

Từ cuối năm 1930, Nguyễn Lợi chuyển lên công tác ở Ban Tài chính của cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ do đồng chí Lê Xuân Đào (tức Phương, Chắt Lũ) làm Trưởng ban.

Từ đầu tháng 5/1931, Xứ ủy Trung Kỳ lâm vào tình trạng bế tắc do nhiều đồng chí chủ chốt hy sinh và sa lưới địch. Đồng chí Nguyễn Lợi đã ngày đêm sát cánh cùng đồng chí Lê Viết Thuật chỉ đạo các địa phương cố gắng bảo vệ tính mạng, tài sản của quần chúng, bảo vệ những hạt nhân nòng cốt của cách mạng còn sót lại để có thời gian sẽ phục hồi lại tổ chức và phong trào cách mạng. Sau một chuyến công tác ở phía Nam Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Lợi trở về Vinh và bị mật thám bắt lần thứ ba. Sau hàng loạt cuộc tra tấn bởi những bọn khát máu như Tôn Thất Hối, Bide, Maka, Phare, Kilixi, Nguyễn Lợi vẫn giữ vững tinh thần, song cơ thể bị suy sụp nhiều. Sau khi chuyển về Nhà lao Vinh, Nguyễn Lợi biên thư ngay cho đồng chí Lê Viết Thuật bằng đường dây bí mật: “ Tôi đã được vào Nhà lao Vinh và được anh em chăm sóc. Anh cho người lên hỏi anh anh Nguyễn Xuân Khối mà bắt mối với Khu Vinh và anh ta đem mối huyện Nam Đàn lại cho mà giới thiệu lại cho Tỉnh Nghệ An..” (4)

Cuối tháng 7/1932, Nguyễn Lợi cùng 15 bạn tù bị đày lên Nhà đày Lao Bảo.

Dù 3 lần bị bắt vào Nhà lao Vinh, bị đày lên Nhà đày Lao Bảo, Nhà đày Buôn Mê Thuột, phải nếm trải bao cực hình tra tấn nhưng thực dân Pháp vẫn không thể nào lay chuyển được ý chí, lòng yêu nước của đồng chí Nguyễn Lợi – người chiến sỹ cộng sản kiên trung.

Năm 1945, sau khi được thả tự do, đồng chí Nguyễn Lợi hăng hái tham gia lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương, thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí đã tham gia hoạt động trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Với những cống hiến trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Nguyễn Lợi đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh năm 1985.

Lương Thùy Vân – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1. Hồi ký của đồng chí Nguyễn Lợi.

2. Lịch sử Đảng bộ Phường Bến Thủy(1930 - 2015), Nxb Nghệ An, 2015, Tr.46

3. Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2000, Tr.47

4. Nhà lao Vinh, Nxb Nghệ An, 2005, Tr.121

Video