Nguyễn Hữu Bình (1900-1972)

Tác giả: admin
Ngày 2014-07-01 09:29:05

Nguyễn Hữu Bình (tức Sinh), bí danh: Định, Thắng, sinh ngày 6/6/1900, mất ngày 28/5/1972, quê ở xã Tri Lễ, tổng Đặng Sơn, Phủ Anh Sơn (nay là xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).

Trong gia phả dòng họ Nguyễn Hữu có ghi: Thuỷ tổ từ Tống Sơn, là họ Nguyễn sinh sống trên đất nước ta, từ thời Minh Đức (thời Lê Sơ) rời khỏi Thanh Hoá đến tại Hoa Lâm, phủ Anh Đô. Họ ta có gốc từ Nguyễn Trãi, do hoạ tru di nên đổi thành họ Nguyễn Phúc. Do họ Nguyễn Phúc kỵ huý tên chúa Nguyễn Phúc mới đổi tên thành họ Nguyễn Hữu.

Tổ thứ ba của họ Nguyễn Hữu là Nguyễn Hữu Chí, có công khai cơ, lập ấp được phong thần và lập đền thờ ở Kim Nhan, Anh Sơn.

Nguyễn Hữu Bình sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, thân sinh là ông Nguyễn Hữu Kiểu, thân mẫu là bà Hà Thị Nởi, ông là con út trong gia đình. Nguyễn Hữu Bình mồ côi cha từ lúc lên 5 tuổi, được mẹ và anh chị chăm sóc chu đáo, cho đi học chữ nho và chữ quốc ngữ. Lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng nên ông sớm giác ngộ và tham gia phong trào chống thực dân Pháp. Năm 1925, ông được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên. Từ năm 1925-1929, ông được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên giao nhiệm vụ lãnh đạo nông dân ở hai làng Tri Lễ, Đa Văn (xã Tri Lễ) đấu tranh chống cường hào áp bức nông dân. Ông đã cùng anh rể là Nguyễn Văn Thại (tức ông Thảnh) tập hợp những người nông dân nghèo, bị áp bức bóc lột thành phe hộ để đấu tranh chống lại phe hào (là những địa chủ trong làng). Những khẩu hiệu đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công, chống phù thu lạm bổ, chống bán chức sắc cho dân, chống mê tín dị đoan…đã thu được thắng lợi. Bọn cường hào buộc phải chia ruộng đất cho nông dân. Số ruộng đó còn giữ được đến ngày cách mạng Tháng Tám thành công.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng cộng sản, Nguyễn Hữu Bình được đồng chí Võ Mai (đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng ) chọn vào nhóm thanh niên kiên trung để chuẩn bị xây dựng tổ chức Đảng. Tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Uỷ viên Trung ương Đông Dương cộng sản Đảng, kiêm Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ, đến làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn) triệu tập Hội nghị thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng. Chi bộ gồm 7 đồng chí: Phan Hoàng Tiêm, Phan Hoàng Bật, Nguyễn Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên), Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hữu Bình (tức Định),(đến cuối tháng 12/1929) Nguyễn Hữu Cơ, do Phan Thái Ất làm Bí thư. Chỉ trong một thời gian ngắn, chi bộ Dương Xuân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Nghệ An và Xứ uỷ Trung kỳ, , các Đảng viên đã tích cực đi vận động và gây dựng cơ sở các làng Tri Lễ, Lãng Điền, Yên Lương, Đa Thọ, Long Điền, Yên Lĩnh, Thuần Trung thuộc phủ Anh Sơn. Cuối tháng 10/1929, lấy nòng cốt là Chi bộ Dương Xuân, Xứ uỷ Trung Kỳ đã triệu tập hội nghị thành lập Tổng Nông hội đỏ của tỉnh Nghệ An tại làng Dương Xuân. Đồng chí Phan Thái Ất - Bí thư chi bộ Dương Xuân được bầu làm Bí thư Tổng Nông hội đỏ Nghệ An. Các Đảng viên trong chi bộ Dương Xuân trở thành những chiến sỹ xuất sắc. Đồng chí Phan Thái Ất được điều vào làm Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Hà Tĩnh; đồng chí Nguyễn Hữu Cơ làm Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc. Đồng chí Nguyễn Hữu Bình và Nguyễn Hữu Đức được bổ sung vào Xứ uỷ Trung Kỳ.

Tháng 1/1930, Nguyễn Hữu Bình được Xứ uỷ phái đi làm công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Cùng với đồng chí Ban, đảng viên Đảng Tân Việt, đồng chí Hoè, đồng chí Phúc. Sau 3 tháng làm việc đồng chí đã thành lập được chi bộ và Công hội đỏ Nhà máy Diêm.

Chuẩn bị cho ngày quốc tế lao động, đồng chí được phái lên Thanh Chương hoạt động. Ngày 1/5/1930, Nguyễn Hữu Bình và những đảng viên tiến bộ trong chi bộ Hạnh Lâm, Thanh Chương đã tổ chức quần chúng xã Hạnh Lâm và làng Yên Lạc và các làng lân cận, nổi dậy phá đồn điền Ký Viện và biểu tình chống đàn áp từ ngày 2 đến ngày 4/5/1930. Ngày 5/5/1930, địch điều động lính khố xanh và lính khố đỏ lên Hạnh Lâm đàn áp.

Trước tình hình căng thẳng ở Hạnh Lâm, ông về Vinh báo cáo tình hình với Xứ uỷ Trung Kỳ.

Tháng 9/1930, đồng chí được Xứ uỷ phân công đi hoạt động ở Yên Thành và Diễn Châu. Tháng 10/1930, thay mặt Tỉnh uỷ Nghệ An, ông triệu tập hai cuộc họp đại biểu, các nhóm trung kiên trong huyện phổ biến chủ trương của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ về việc tổ chức cuộc biểu tình toàn huyện để biểu dương lực lượng và kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Giữa tháng 11/1930, đồng chí triệu tập hội nghị thành lập Ban chấp hành Đảng bộ huyện Yên Thành tại nhà thờ họ Nguyễn Công (làng Trụ Pháp). Huyện uỷ lâm thời huyện Yên Thành được thành lập gồm 5 đồng chí do Nguyễn Ứng làm Bí thư. Tiếp đó các tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ… cũng lần lượt ra đời.

Cuối năm 1930 đầu năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở miền xuôi bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Xứ uỷ Trung Kỳ đã cử Đồng chí Nguyễn Hữu Bình, đồng chí Lê Xuân Đào - trưởng ban Tài chính Xứ uỷ và đồng chí Lê Mạnh Duyệt - cán bộ phủ uỷ Anh Sơn lên Môn Sơn, Lục Dạ gây dựng cơ sở. Đầu năm 1932, đồng chí bị bắt khi đang hoạt động tại nhà ông Vương Thúc Oánh (con rể cụ Phan Bội Châu) ở Kim Liên, Nam Đàn. Toà án Nam Triều đã kết án đồng chí 13 năm tù, giam cầm tại các nhà tù Kim Nhan (Anh Sơn), nhà tù Giáp Đức (Cầu Giát), nhà lao Vinh sau đó bị đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Năm 1937, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền, ông được tha về. Về quê ông tiếp tục bắt mối liên lạc với các tổ chức Đảng địa phương. Năm 1942, thực dân pháp lại bắt ông đưa đi an trí ở Ly Hy, Trà Khê. Trong thời gian ở tù ông đã sáng tác bài thơ ca vận động anh em binh lính quay súng trở về với cách mạng
                    “…Nay chúng tôi mắc vòng tù tội
                       Chỉ trông mong chút đợi người ngoài
                       Đạn trong bao súng vác trên vai
                       Chính bác đó là người vô sản
                       Khuyên các bác về tuyên truyền với bạn
                       Cùng anh em binh lính hàng cơ
                      Hễ ngày mai cách mạng bùng ra
                      thời anh em tham gia hưởng ứng….”

Tháng 3/1945, ông cùng một số đồng chí ở căng Trà Khê vượt ngục trở về. Về quê đồng chí bắt liên lạc với đồng chí Võ Mai, Phan Hoàng Tiêm cùng hoạt động trong Mặt trận Việt minh phủ Anh Sơn. Sau đó đồng chí được phân công đi xây dựng cơ sở Việt Minh ở các làng Tri Lễ, Đa Văn, Hội Quần, Lãng Điền, Yên Phúc, Dừa. Đến Tháng 5/1945, đồng chí là Uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa phủ Anh Sơn. Từ ngày 19 đến ngày 22/8/1945, Uỷ ban đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi và lập chính quyền cách mạng từ làng xã đến toàn phủ.

Sau khi giành chính quyền toàn phủ thắng lợi, đồng chí được phân công làm Chính trị viên Đại đội quân giải phóng phủ Anh Sơn đánh đồn Noọng Hét ở biên giới Việt –Lào.

Cuối năm 1946, Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Nghệ An điều đồng chí về cơ quan bình thành Thương cục, phụ trách Đồn trưởng Đồn Nông binh bến Vạn, là trang trại sản xuất lương thực cho quân đội, và là khu an toàn dự bị để đề phòng tình huống khó khăn của chính quyền cách mạng. Năm 1948, đồng chí lại được tỉnh điều đi phụ trách khai thác diêm tiêu ở Khe Trằng. Những năm 1949-1952, đồng chí được điều về làm Trưởng ban tiếp nhiên liệu nhà máy Phốt phát ở Cát Văn, Thanh Chương. Cuối năm 1952, nhà máy bị thực dân pháp ném bom, phải giải thể, đồng chí trở về xây dựng quê hương.

Năm 1960, đồng chí trở lại Anh Sơn tổ chức kiến thiết cửa hàng và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Năm1963, về công tác tại Công ty Vật liệu Nghệ An cho đến lúc nghỉ hưu.

Qua mọi chặng đường hoạt động cách mạng và công tác của đồng Nguyễn Hữu Bình dù ở đâu, với cương vị nào đồng chí đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí xứng đáng là tấm gương sáng về ý chí và tinh thần lạc quan cách mạng cho mọi thế hệ thanh niên noi theo.

Video