Ngục Kon Tum nơi phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2017-11-27 04:12:55

Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là cuộc chiến đấu rung trời chuyển đất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, những người dân xứ Nghệ đã dũng cảm đứng lên lật đổ ách thống trị của đế quốc phong kiến, thiết lập chính quyền Xô Viết công nông ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Sau khi chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều vô cùng hoảng sợ. Chúng thực hiện chính sách khủng bố trắng hòng dìm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh biển máu. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ra “Thông cáo cho đồng chí” chỉ đạo: “Phản đối đế quốc chủ nghĩa thảm sát nông dân Nghệ Tĩnh. Công nông binh liên hiệp lại ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ” (Văn kiện Đảng toàn tập – Tập II). Một phong trào đấu tranh ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ đã dấy lên khắp cả nước như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình định, Phú Yên, Sài Gòn – Chợ Lớn….

Điên cuồng trước sự nổi dậy của quần chúng cách mạng, Các cuộc đấu tranh ấy đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, số bị giết, bị bắt giam vào các nhà lao các tỉnh, nơi nào cũng nhốt đầy chính trị phạm. Từ năm 1930 đến năm 1933 có tới 246.512 người bị bắt, hàng nghìn người bị bắn chết. Toàn bộ Ban Thường vụ Trung ương, một số Uỷ viên Trung ương, Xứ uỷ, Tỉnh uỷ bị bắt: (Trần Phú: 4/1931, Nguyễn Phong Sắc: 5/1931, Nguyễn Ái Quốc: 6/1931, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Vân Lĩnh, Đỗ Ngọc Du…).

Để giải quyết lượng tù nhân quá tải, đồng thời phục vụ cho ý đồ khai thác thuộc địa để góp phần giải quyết hậu quả cuộc đại khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, từ tháng 12-1930 đến tháng 4-1931, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh miền Trung, mà phần lớn là từ Nhà lao Vinh và Nhà lao Hà Tĩnh lên giam giữ tại Kon Tum. Tính đến tháng 4-1931, tổng số tù ở đây lên tới 295 người, tiêu biểu phải kể đến như Hồ Tùng Mậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Ngô Đức Đệ (Can Lộc, Hà Tĩnh), Đặng Thái Thuyến (Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Huy Lung (Can Lộc, Hà Tĩnh), Trương Quang Trọng (Quảng Ngãi), Lê Viết Lượng (Can Lộc, Hà Tĩnh), Bùi San (Huế)… mà tên tuổi của  các đồng chí mãi mãi đi cùng năm tháng với di tích Ngục Kon Tum.

Ngục Kon Tum là nơi giam cầm những tù chính trị bị bắt trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp đã bắt giam và đày ải trên 500 lượt tù chính trị. Để tiếp tục tiêu diệt phong trào cách mạng và đảng viên cộng sản, chúng quyết định mở các công trường ở miền rừng núi nhằm mục đích:

 - Nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh miền Trung. 

- Khai thác sức lao động không công của tù nhân để xây dựng tuyến đường 14 nối liền các tỉnh Tây Nguyên với vùng đồng bằng, trung du ven biển để phục vụ cho mưu đồ cai trị và khai thác thuộc địa của chúng.

- Lợi dụng nơi rừng núi xa xôi, dân cư thưa thớt cách xa các trung tâm đô thị và đồng bằng nhằm cách ly tư tưởng Cộng sản; đồng thời để giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án.

Chỉ trong 6 tháng làm đoạn đường dài 15 km từ Đăk Pao đi Đăk Pék, gần 2/3 trong số 295 người tù chính trị đã bị chết một cách thê thảm, chỉ còn lại chừng 1/3 sống sót trong cảnh ốm yếu, da bọc xương.

Những người Cộng sản đã đi đầu, lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh. Họ không sợ chết khi giáp mặt với kẻ thù. Khi bị giam ở Ngục Kon Tum, họ lại một lần nữa toả sáng chất thép, trở thành chỗ dựa cho quần chúng cách mạng trong ngục tù đế quốc. Những người cộng sản, đã được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, những người con Nghệ Tĩnh đã kiên cường, bất khuất đấu tranh chống lại mọi mưu mô, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù. Nhà tù thực dân trở thành trường học cách mạng để những người cộng sản lớp trước đào tạo, rèn luyện cho những chiến sỹ cách mạng đàn em về lý tưởng cộng sản, về lý luận Mác – Lênin, về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, về phẩm chất của những người cộng sản…

Họ tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân và binh lính, làm cho họ hiểu rõ hơn, đúng hơn về người tù chính trị. Vì vậy, tình cảm của đồng bào với tù chính trị trở nên thân thiết hơn. Thái độ và hành động đối xử của binh lính đối với tù nhân cũng khá hơn trước. Một số anh em lính bắt đầu chống lại bọn chỉ huy, họ đứng về phía tù nhân đấu tranh khi chúng bắt tù đi làm ngày chủ nhật hoặc chống lại sự đàn áp người tù.

Đầu tháng 7-1931, Ban phụ trách nhà lao được thành lập, tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch đấu tranh chống lại chính sách cai trị tàn ác của chế độ thực dân, giành lại quyền sống, quyền tự do cho tù chính trị; chống lại âm mưu tiêu diệt người Cộng sản của đich, soạn các bài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tiếng Pháp, tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai.

Trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ, chi bộ Đảng Ngục Kon Tum được thành lập do đồng chí Ngô Đức Đệ, người huyện Can Lộc, Hà Tĩnh làm Bí thư. Đồng chí Ngô Đức Đệ đã tuyên truyền và cảm hóa một số cai, đội, binh lính ở nhà lao thành những người yêu nước tiến bộ rồi bồi dưỡng, thử thách, để đến giữa tháng 9/1930, lần lượt kết nạp đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum đã ra đời ngay tại nhà Ngục Kon Tum (Chi bộ Binh). Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở Kon Tum và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Từ khi chi bộ Đảng ra đời, phong trào đấu tranh trong Ngục Kon Tum được tổ chức chặt chẽ để vừa đạt được mục đích, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước.

Từ đó, nhiều cuộc đấu tranh với những hình thức khác nhau đã liên tục nổ ra, đỉnh cao là cuộc đấu tranh Lưu huyết vang động núi rừng sáng ngày 12-12-1931. Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô khẩu hiệu phản đối chế độ thực dân cai trị vô nhân tính... kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pet lần thứ hai. Cuộc đấu tranh diễn ra rất quyết liệt. Anh em tù xiết chặt hàng ngũ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu, đồng thời dùng gậy gộc chống lại, không để cho bọn địch vào bắt từng. Trong cuộc đấu tranh ấy, đồng chí Trương Quang Trọng đã dũng cảm đứng ra trực diện với kẻ thù và anh dũng hy sinh. Bọn địch điên cuồng nã súng tàn sát làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Sáng ngày 13-12-1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí đã hy sinh. Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận dâng trào, tù nhân càng siết chặt đội ngũ đấu tranh. Chiều cùng ngày, Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân được đưa ra. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp, đưa ra các yêu sách đòi quyền được ăn uống, được thuốc men khi đau ốm cho tù nhân, bãi bỏ chế độ đánh đập, bắn giết, gông cùm và các hình phạt khắc nghiệt; đòi quyền được đọc sách báo, viết thư từ cho người thân…

Tiếp theo là cuộc đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần đấu tranh đến cùng của tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp lại nã súng tàn sát làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức phân tán số tù nhân còn lại, hòng dập tắt cuộc đấu tranh. Điều đặc biệt là chúng cố tình đàn áp rất dã man những người tham gia đấu tranh quê Nghệ Tĩnh vì chúng cho rằng đây chính là những “phần tử” nguy hiểm và cầm đầu.

Thời đó, các tù chính trị Ngục Kon Tum còn có một hình thức đấu tranh rất đặc biệt đó là dùng thơ văn để tuyên truyền, động viên lẫn nhau giữ vững chí khí, nhiệt huyết đầu tranh, giữ vững niềm tin chiến thắng cuối cùng của cách mạng. “Hội tao đàn ngục thất” được thành lập do Hồ Tùng Mậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Đặng Thái Thuyến (Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Huy Lung (Can Lộc, Hà Tĩnh)… điều hành lấy thơ văn để nuôi dưỡng chí khí kiên cường bất khuất trong cảnh gông cùm đày đọa của lao tù.

Những tác phẩm văn học ra đời trong máu lửa ấy khắc họa cho chúng ta một bức tranh về cuộc sống gian khổ, tinh thần kiên cường, lạc quan của người chiến sỹ cộng sản trong lao tù đế quốc. Tiêu biểu là bài thơ “Viếng mộ” của đồng chí Hồ Tùng Mậu. Cảm phục trước tinh thần hy sinh anh dũng của 8 chiến sỹ bị giặc giết trong cuộc đấu tranh lưu huyết ở nhà lao Kon Tum vào ngày 12/12/1931, chống việc đi làm đường ở Dakpek, Dakpao, đồng chí đã làm bài thơ rất cảm  động: 

“ Tám mồ liệt sỹ táng kề nhau
Nấm mới vun thêm, dậu mới rào.
Thể phách dẫu vùi miền đất trắng
Tinh thần còn tỏ giữa trời cao
Khí xông mất vía phường cai trị
Máu đỏ kinh hồn tụi xếp lao?
Sớm tối đi về lòng thổn thức.
Thấy người nằm đó, nghĩ mình sao?”

Đặng Thái Thuyến, người con trai của chí sỹ Đặng Thái Thân, cảm kích trước sự hy sinh của đồng đội, cũng sáng tác bài Văn tế hết sức cảm động:

“ Nhớ anh em xưa:
Sinh đất Hồng Lam, vốn dòng Âu Việt.
Tư thời hun đúc chí hy sinh, nết đất sẵn sàng lòng cảm quyết.
Kẻ đèn sách sớm khuya nghiên bút, miếng chung đỉnh đã kề môi gần miệng những nghĩ anh em xơ xác, vào luồn ra cúi, vinh thân mình như thế được là bao?
Người ruộng trâu khuya sớm cày bừa, trải nắng mưa vừa miệng lủm tay vo, nghĩ khi thuế bắt sưu gia, đem của nuôi người, khó cái xác, nói ra càng thêm mệt.

Gặp hội cơ trời đất đổi lúc, mấy nghìn triệu anh em cùng cực khổ, hăm hở dơ liềm dựng búa, vỗ tay lên toan đòi lại lợi quyền. Nhân nay cơ hội xui nên, bảy mươi năm chìm đắm đã chán chường, hiên ngang cổ cánh giương vây, cất đầu dậy quyết theo gương Xô viết.

… Truyện thiên cổ hỏi các hàng hào kiệt mấy ai mà hài cốt ở quê hương? Cuộc bách niên thương mấy bậc công khanh lấp đất cùng thảo vu cùng tuế nguyệt.”

Lo sợ trước tinh thần đấu tranh của tù chính trị, nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị, thay đổi chế độ lao dịch, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 12-1932, địch bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14, tháng 4-1934 xóa bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.

Những cuộc đấu tranh trong Ngục Kon Tum đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ cộng sản và để lại cho thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này những bài học kinh nghiệm xương máu:

- Luôn luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo đề phòng âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù.

- Giữ vững lòng tận trung, chí hiếu với dân, với nước, với đoàn thể, chiến thắng bản thân mình để vượt qua mọi thử thách, tiếp tục cuộc chiến đấu mới.

- Phát huy cao độ yếu tố dân tộc, tích cực  cảm hóa thuyết phục  anh chị em tù thường và hàng ngũ lính tráng, cai đội có ít nhiều tinh thần yêu nước để tập hợp lực lượng, tạo thuận lợi cho các cuộc đấu tranh trong tù.

- Tùy tình hình thực tế trong tù mà tổ chức cách hoạt động thích hợp, chuẩn bị mọi tư thế để ứng xử linh hoạt với mọi tình huống bất ngờ xẩy ra.

- Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan cách mạng, chống mọi biểu hiện tiêu cực, bi quan, thất vọng; tranh thủ mọi thời gian để tổ chức sinh hoạt văn nghệ và học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa để chuẩn bị tiếp tục hoạt động sau khi ra tù.

- Chăm lo khối đoàn kết trong nội bộ tù nhân. Bằng mọi biện pháp duy trì đường dây liên lạc với tổ chức cách mạng và phong trào quần chúng bên ngoài nhà lao.

- Tù chính trị luôn giữa vững phẩm chất người chiến sỹ cách mạng cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Để chống lại âm mưu chia rẽ, ly gián của kẻ thù, các tầng lớp tù nhân cần tăng cường đoàn kết. “ Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” đó là bài học muôn thuở. Sống trong tù càng cần phải đề cao tinh thần nhân đạo, tình thương yêu đùm bọc nhau trước những hành động dã man tàn bạo của kẻ thù giai cấp và dân tộc, gạt bỏ mọi sự mặc cảm, thành kiến bởi sự khác nhau về cấp bậc, thành phần, tầng lớp xã hội, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, đảng phái...

Trên cơ sở đoàn kết nội bộ tù nhân, bằng mọi cách cảm hóa, tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng giác ngộ tù thường phạm và lính cai ngục có lòng yêu nước thành lập chi bộ Đảng Ngục Kon Tum. Tù chính trị Ngục Kon Tum đã xuyên thủng được cái vỏ bọc bằng thép của chế độ khắc  tạo được mối quan hệ qua lại khá thường xuyên giữa hoạt động trong tù với phong trào bên ngoài. Các chiến sỹ cộng sản đã biến nhà tù thành một cơ sở, một môi trường hoạt động cách mạng. Đó là một điều kỳ diệu, một bài học đắt giá, được đúc kết bằng nhiều kinh nghiệm xương máu qua bao năm tháng, nhiều thế hệ tù chính trị.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Kon Tum và Nghệ An, trong những năm qua, sự gắn kết giữa Ban quản lý di tích Ngục Kon Tum - Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được đẩy mạnh, hai cơ quan đã có các hoạt động phối kết hợp trong công tác nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị của di tích Ngục Kon Tum. Riêng đối với Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh từ những năm đầu mới thành lập, nhiều nhà nghiên cứu đã có các công trình đi sâu vào đề tài  Ngục Kon Tum. Nhiều công trình nghiên cứu, ấn phẩm, kỷ yếu hội thảo của Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nhắc đến Ngục Kon Tum như: “Ráng đỏ Hồng Lam” (Hồi ký các chiến sỹ cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh; “Nghệ An những tấm gương cộng sản”, Tập 1,2,3; “Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931”; “Hồ Tùng Mậu lịch sử và thời đại” (Kỷ yếu tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Tùng Mậu); “Kỷ yếu Hội thảo khoa học 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh”; “Kỷ yếu Hội thảo khoa học 70 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh; “Nhà Lao Vinh”…

Đặc biệt, trong nhà trưng bày thường trực Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có một khu vực trang trọng tái hiện lại không gian Ngục Kon Tum cùng các chiến sỹ cộng sản bị tù đày tại “địa ngục trần gian” ấy để lớp lớp con cháu trên quê hương Xô Viết hiểu thêm về một “địa chỉ đỏ” Ngục Kon Tum, nơi ghi dấu tội ác man rợ của chế độ thực dân tàn bạo, nơi cha ông ta đã từng chiến đấu và hy sinh anh dũng không tiếc máu xương vì lý tưởng cách mạng cao cả.

Nguyễn Văn Bích – Bảo tàng XVNT 

 

Video