Ngôi nhà của Vi Văn Khang - điểm nhấn quan trọng trong hệ thống du lịch sinh thái, lịch sử văn hoá ở huyện Con Cuông

Tác giả: admin
Ngày 2009-02-23 01:42:13

Con Cuông là tên dân gian vốn có từ lâu để chỉ Thành Nam, thủ phủ của Trà Lân xưa. Cuông là một loại chim, tiếng Nghệ gọi là Công. Phải chăng từ thuở xa xưa ở mảnh đất này có nhiều loại chim Cuông sinh sống. Loài chim Cuông trời phú cho bộ lông sắc màu sặc sỡ, lộng lẫy. Thời khắc khi bình minh thức dậy hoặc khi chiều tà hoàng hôn buông xuống, chim Cuông thường quây quần bên nhau thành đàn, biểu diễn những điệu múa của riêng mình, nghệ thuật điêu luyện đến mê người, tạo thành biểu tượng đẹp mà các thế hệ tiên liệt ở đây rất đỗi tự hào, đã lấy tên loài chim đó để đặt tên cho quê hương mình là Con Cuông.

Huyện Con Cuông là cửa ngõ phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, nằm sâu vào cao nguyên Trấn Ninh, một trong những nóc nhà của bán đảo Đông Dương.

Trời đất đã ban tặng cho Con Cuông một giang sơn kỳ vĩ, hữu tình.

“Sơn chẳng cao mà thuỷ cũng chẳng thâm,
Tranh sơn thuỷ một màu ai khéo vẽ”
(Thơ thành Nam của Cử Toại)

Bức tranh sơn thủy Con Cuông, suốt chiều dài lịch sử đã được nhân hóa qua quá trình lao động cần cù, gian khổ, đầy sáng tạo và chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của nhân dân bao đời đã tạo nên một vùng sinh thái, lịch sử văn hoá phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, đậm đà về bản sắc. Trong đó di tích lịch sử văn hoá cách mạng ngôi nhà cụ Vi Văn Khang ở xã Môn Sơn là một điểm nhấn quan trọng.

Nói đến hệ thống sinh thái hấp dẫn của huyện Con Cuông, trước hết phải nói đến khu vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là khu rừng nguyên sinh rộng nhất Việt Nam, có diện tích 91.113 ha.

Rừng nguyên sinh Pù Mát trải dài trên các dãy núi cao, có đỉnh cao tới 1.800m, có nhiều hang động, sông ngòi còn giữ được vẻ nguyên sinh hoang sơ, có nhiều thác nước đẹp, tiêu biểu là thác Khe Kẽm, còn gọi là Bộc Bố. Từ xa thác Khe Kẽm trông như một tấm lụa trắng trải dài từ độ cao 150m trở xuống tận lòng suối, tạo cho du khách có cảm giác nửa mơ, nửa thực, giữa cảnh bồng lai non ngàn mát dịu bởi vô vàn hạt nước nhỏ li ti như mưa bụi, trường tồn mãi với thời gian trong vùng nhiệt đới.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Đổng Chi khi được trực tiếp chiêm ngưỡng cảnh đẹp thác Khe Kẽm đã hứng khởi viết nên mấy vần thơ:

“Nước trên đỉnh núi
Dội xuống lòng khe
Đẹp như một bức lụa the
Trắng màu tinh khiết phủ che non ngàn”

Cảnh đẹp mang tính đặc trưng độc đáo của khu vườn Quốc gia Pù Mát là rừng cây lùn trên đỉnh Pơ mu (là loại rừng tồn tại duy nhất ở Việt Nam và Châu Á), rừng cây Sa mu, rừng Sa mộc, giáng hương quả to, gụ lau, lát hoa, săng kẻ, chò.

Về động vật, có các loài quý hiếm như: Voi, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, voọc xám, voọc cá, cầy vằn, cầy mực, hổ, bò tót, sơn dương, sao la…

Nói đến hệ sinh thái vườn Quốc gia Pù Mát là phải nói đến dòng sông Giăng thơ mộng.

Đi thuyền trên sông Giăng, du khách đến với đại ngàn để mà ngỡ ngàng cảm nhận và chẳng thể nào quên sự quyến rũ của thiên nhiên đôi bờ. Những cây đại thụ vào mùa bung nở một trời hoa thắm. Những mái nhà đơn sơ bên thảm thực vật xanh bạt ngàn. Dưới dòng sông mơ màng những hòn cuội trắng, cuội nâu đã tồn tại từ bao đời nay.

Về với Pù Mát, ngoài du lịch sinh thái, còn có du lịch văn hoá. Ở thượng nguồn sông Giăng có tộc người Đan Lai, một tộc người chỉ có ở Nghệ An. Đối với tộc người Đan Lai, sông Giăng là con đường duy nhất dẫn họ ra với thế giới xã hội bên ngoài và cung cấp cho họ nước uống, thức ăn để tồn tại và phát triển, trong đó có đặc sản nổi tiếng cá Mát sông Giăng. 

Nằm trong vùng đệm của khu rừng nguyên sinh Pù Mát có suối nước Tạ Bó ở bản Tân Hương, xã Yên Khê.

Suối Tạ Bó từ trong lòng đất mọc lên nên có tên là suối Nước Mọc.

Suối Nước Mọc có đặc điểm là dù trời mưa lụt hay hạn hán, mực nước ở đây không thay đổi mấy, đặc biệt là nhiệt độ của nước luôn ổn định, không lên, không xuống, làm cho du khách có cảm giác mát về mùa hè, ấm về mùa đông, nên nhân dân địa phương gọi là suối Nóng Lạnh.

Ở đây có một vùng cây cổ thụ lâu năm bao bọc, có những tảng đá thiên tạo bao quanh làm thành các bậc tiện lợi cho người lên xuống suối, trông vừa hoang sơ, vừa thơ mộng.

Tục truyền rằng, cứ mỗi độ xuân về, Ngọc Hoàng thượng đế thường cho những nàng tiên nữ giáng trần để đón tiếp những chàng trai tài giỏi ở hạ giới lên chốn thiên thai thưởng ngoạn, vì thế Ngọc Hoàng thượng đế đã tạo ra cái giếng Tiên ở nơi kín đáo này, để cho các tiên nữ tắm gội, làm cho dung nhan đã đẹp, ngày càng đẹp hơn. Đó chính là suối nước Tạ Bó.

Cũng ở xã Yên Khê, thuộc bản Pha còn có hang Nàng Màn. Toàn cảnh cửa hang được thiên nhiên kiến tạo bằng những nhũ đá muôn màu, muôn sắc, tạo thành như một cung điện lộng lẫy của một vị đế vương.

Gắn liền với hang đá thiên tạo này có huyền thoại về một thiên tình sử đầy chất bi hùng, giàu tính nhân văn của Nàng Màn.
Huyền thoại kể rằng: Thưở xa xưa ở vùng này có một gia đình giàu có, đầy quyền uy, sinh được một cô con gái tên Nàng Màn sắc nước hương trời. Nàng Màn đẹp người lại đẹp nết, dân bản ai cũng thương yêu. Cha mẹ nàng cấm cung. Tuy vậy nàng vẫn đem lòng yêu thương thắm thiết một chàng trai nghèo khó trong bản, cha mẹ nàng một mực ngăn cấm, cự tuyệt. Nhưng khi biết nàng đã có thai với chàng trai nghèo khó đó, đã nổi giận đem giam nàng vào hang đá có hình hài xấu xí, tuyệt giao với thế giới bên ngoài. Dân bản ai cũng muốn cứu nàng, nhưng sợ bị vạ lây, nên đành ngậm ngùi trong dạ.

Nỗi oan này thấu đến Thiên cung, Ngọc Hoàng bèn sai người Nhà trời xuống hạ giới xây lại hang cho lộng lẫy, tạo thành một cung điện tuyệt đẹp để cho Nàng Màn dũng cảm và chung thuỷ trong tình yêu có chỗ sinh nở, mẹ tròn con vuông.

Nàng Màn đang bụng mang dạ chửa ngủ thiếp đi trong cảnh đói rét, cô đơn, khi bừng tỉnh dậy thấy ánh thái dương đã dọi vào bừng sáng, với một cảnh đẹp mê hồn hiện ra làm cho nàng xúc động, sung sướng đến ngỡ ngàng.

Trong hang, ngoài cảnh đẹp thần tiên được trang trí, bố cục hợp lý, đầy tính nghệ thuật như rồng bay, phượng múa, còn có các đồ dùng sinh hoạt được trang bị đầy đủ nào giường, nào màn, nào bàn ghế, bát đĩa, ấm chén vô cùng sang trọng và còn có những tảng đã làm nhạc cụ, khi nàng nhẹ gõ vào đã tấu nên những giai điệu âm nhạc trữ tĩnh, âm vang cả đất trời.
Ngày nay, du khách đến đây thấy hai mẹ con nàng đã hoá đá, hiện rõ hình hài hai mẹ con ôm nhau thắm thiết tình mẫu tử, mặt đứa con ngước nhìn dõi về khoảng sáng lộ thiên, như nhìn về tương lai xa xăm đầy hi vọng, còn Nàng Màn mắt đăm đắm nhìn ra cửa hang chính, nơi có nhân dân bản Pha, xã Yên Khê sinh sống, nơi có chàng trai yêu thương chung thuỷ của mình, với một khát vọng cháy bỏng muốn trở về hoà nhập với cuộc sống cộng đồng dân bản yên vui, đầm ấm.

Du lịch sinh thái ở huyện Con Cuông còn có danh thắng eo Vực Bồng ở xã Bồng Khê. Eo Vực Bồng nằm giữa chân núi Bồng Sơn và sông Lam, con sông lớn nhất, dài nhất xứ Nghệ. Eo vực Bồng là nơi hội tụ của dòng sông Lam và khe Diêm, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ, ngoạn mục: “Sơn trùng trùng, thuỷ dung dung, mặt nước xanh biếc, cây lồng chân đá biếc”.

Năm 1995, trên đường lên công tác miền Tây xứ Nghệ, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dừng xe say đắm ngắm cảnh này.

Ngoài những danh thắng nói trên, ở huyện Con Cuông còn có Cửa Rọ ở thị trấn Con Cuông, đứng ở trong có cái thế “một người đứng ở cửa, có thể địch vạn người”; có khe Cá, mỏ Tôm ở xã Lạng Khê…

Về văn hoá ẩm thực, nhân dân Con Cuông chế biến được nhiều món ăn, uống mang đậm hương vị tự nhiên như cá Mát sông Giăng, cơm Lam, lạp Pa, thịt chua, canh măng đắng, chụp (nộm hông), canh bon, canh ốt (gà bồi), rượu siêu, rượu trấu, chè đâm…

Mảnh đất Con Cuông đã ghi đậm dấu ấn lịch sử Thẩm Hoi ở xã Yên Khê, nơi đó cách đây hơn một vạn năm đã xó người Việt cổ sinh sống.

Bia Ma Nhai nay ở thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, một chứng tích hào hùng của vua quân nhà Trần trong cuộc đánh dẹp giặc phỉ ở miền Tây xứ Nghệ. Cuối năm Ất Hợi (1335), khi toàn thắng trở về, Thái Thượng Hoàng, Trần Minh Tông sai Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn bạt núi, mài đá, soạn văn bia ghi lại chiến công hiển hách này. Bia có khổ rộng 145cm, dài 215cm, gồm 14 dòng, có 155 chữ Hán, nét chữ chân phương khắc vào đá sâu 2 cm, mỗi chữ to bằng bốn bàn tay người.

Thành Trà Lân còn gọi là Thành Nam, nay thuộc xã Bồng Khê, Thành Trà Lân vừa là một thủ phủ, vừa là một căn cứ quân sự trọng yếu, được xây dựng đầu thế kỷ 15, do Cầm Bàng trấn giữ. Đây là vị trí chiến lược quan trọng án giữ trên đường thuỷ Lam giang và đường thượng đạo từ Bắc vào Nam.

Tháng 10 năm 1424, trên đường tấn công vào Nghệ An, sau chiến thắng “Bồ Đằng sấm vang chớp giật” ở Quỳ Châu quân Lê Lợi tiến vào Con Cuông bao vây thành Trà Lân, sau hai tháng đã làm nên chiến thắng lịch sử “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”.

Đến nay, thời gian tuy đã trải qua gần 600 năm những dấu tích thành Trà Lân vẫn còn đậm nét trên vùng đất giàu chất lịch sử bi tráng này.

Như trên đã nói, qua quá trình phát triển của lịch sử, sức lao động và chiến đấu của nhân dân đã nhân hoá tức là đã thổi hồn cuộc sống của con người vào mảnh đất Con Cuông, làm cho nhiều di tích lịch sử văn hóa được hình thành. Ngôi nhà sàn của cụ Vi Văn Khang ở xóm Đồng Khùa, bản Thái Hòa, xã Môn Sơn là một ví dụ điển hình.

Xã Môn Sơn có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nằm trên con đường thông thương từ đất Nghệ An qua nước bạn Lào và Thái Lan ngắn nhất, an toàn nhất trong quá trình hoạt động, nhiều nhà yêu nước, nhiều chiến sĩ cách mạng đã từng qua lại nơi đây để lấy thêm lực lượng, để xây dựng căn cứ địa, tạo nên chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp cứu nước của mình.
Trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, nhân dân vùng này đã hăng hái cung cấp người và của cho Lê Lợi trong chiến dịch vây đánh thành Trà Lân.

Trong thời kỳ Cần Vương, Phó tướng Lê Doãn Nhã đã từng xây dựng chiến luỹ đánh Pháp ở đây. Khi bị thực dân Pháp trấn áp, Hầu Bông Lang Văn Út và Quản Thế, những người con ưu tú của đất này một lòng thà chết, không đầu hàng giặc.

Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, khi cách mạng ở thành thị và nông thôn đồng bằng bị thực dân Pháp và phong kiến Nam triều dìm trong máu và lửa, dưới sự chỉ đạo của Đảng, địa bàn xã Môn Sơn đã trở thành một địa chỉ đỏ.

Đầu năm 1931, đồng chí Lê Xuân Đào, cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí Lê Mạnh Duyệt, một đảng viên trung kiên được cử lên Môn Sơn xây dựng cơ sở Đảng. Tháng 4/1931 Chi bộ Đảng Môn Sơn được thành lập gồm 5 đảng viên đầu tiên là Vi Văn Khang, Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, và Trần Ngân do Vi Văn Khang làm bí thư. Lê Mạnh Duyệt phụ trách lực lượng tự vệ đỏ.

Nhà Vi Văn Khang trở thành nơi hội họp của chi bộ để bàn bạc nhiều việc quan trọng của Đảng. Tại đây, chi bộ thường họp vào ban đêm, còn ban ngày thì chuyển vào rừng. Địa điểm làm việc tuy có thay đổi nhưng chủ yếu là ở cánh đồng làng Mon, thuộc bản Thái Hòa. Vợ đồng chí Vi Văn Khang và vợ đồng chí Vi Văn Hanh được giao nhiệm vụ bảo vệ và tiếp tế cơm nước.

Như vậy, sự ra đời của Chi bộ Đảng ở Môn Sơn không phải là sự kiện đột biến hoặc ngẫu nhiên mà chủ yếu dựa trên cơ sở truyền thống yêu nước của nhân dân Môn Sơn, có sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ Nghệ An và Phủ uỷ Anh Sơn.

Sau khi Chi bộ Đảng ở Môn Sơn ra đời, các tổ chức quần chúng như Nông hôi đỏ, Phụ nữ đoàn, Tự vệ đỏ lần lượt được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Phong trào cách mạng lan rộng trong quần chúng nhân dân.

Theo kế hoạch của Chi bộ Đảng Môn Sơn, để đưa phong trào cách mạng tiến lên một bước mới, một cuộc biểu tình của quần chúng chống sưu thuế được tổ chức vào đêm 9/8/1931 (Theo cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Con Cuông, tập I (1931 – 2003), trang 30).

Các hoạt động của Chi bộ Đảng Môn Sơn và nhất là cuộc biểu tình của quần chúng cách mạng đêm 9/8/1931 đã biểu lộ tình đoàn kết sắt son của đồng bào Thượng và đồng bào Kinh trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một dấu son đỏ chói trong lịch sử của Đảng bộ huyện Con Cuông và tạo ra niềm tự hào chính đáng của nhân dân các dân tộc miền Tây xứ Nghệ nói riêng và của cả nước nói chung.

Nhà cụ Vi Văn Khang, nơi Chi bộ Đảng Môn Sơn hội họp là ngôi nhà sàn được bố đẻ của cụ Khang xây dựng từ năm 1919, nằm trên vùng đất rộng hai sào Trung bộ (1.000m²), địa thế xung quanh có núi rừng bao bọc. Ngôi nhà có ba gian, chiều dài 12,50m, chiều rộng 7,40m, hai gian chính, một gian phụ làm bằng gỗ lim, có 12 cột kê bằng đá tảng tròn, lợp lá cọ, sàn nhà được lát ván gỗ dổi. Nhà được chia làm 2 phòng, phòng trong là nơi nghỉ ngơi của gia đình, có một tấm sàn cao làm bằng mét để lúa. Khi có động các chiến sỹ cách mạng lên đó ẩn mình, phòng ngoài là nơi hội họp, tiếp khách, trong đó có một bộ bàn ghế làm bằng gỗ vàng tâm. Ngôi nhà có hai cầu thang lên xuống, một ở phía trước đón khách, một ở phía sau nhà bếp.

Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang là địa chỉ đỏ miền Tây xứ Nghệ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931.

Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 152/QĐ – BT ngày 25/1/1994 xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.

Di tích nhà cụ Vi Văn Khang - Sự ra đời Chi bộ Đảng Môn Sơn là một dấu son đỏ chói trong lích sử Đảng bộ huyện Con Cuông, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc miền Tây xứ Nghệ. 

Trần Minh Siêu

Video