Ngô Tuân(1894-1982)

Tác giả: admin
Ngày 2009-07-19 14:44:44

Đồng chí Ngô Tuân sinh ngày 15/5/1894 tại làng Cự Thôn, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên(nay là xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên), tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Ngô Tuân là Ngô Xuân Trạch thi Hương đậu cử nhân vào đời Tự Đức thứ 29 (1867), thi Hội đậu phó bảng, năm 1879 cụ làm Đốc học tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Thanh Hoá. Thân mẫu của Ngô Tuân là bà Trịnh Thị Kính, hai ông bà sinh được 7 người con ( 3 trai, 4 gái). Ba người con trai đều tham gia các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Gia đình Bà Kính là nơi tụ họp của những người yêu nước tham gia phong trào bạo động của Phan Bội Châu khởi xướng. Bà Nguyễn Thị Thanh(tức Bạch Liên, chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh) thường xuyên lui tới, ăn nghỉ và bà Kính coi như bà Thanh như con cháu trong nhà. Tháng Chạp năm 1918, bà Thanh tổ chức cướp súng trong thành Vinh để cung cấp cho nghĩa quân Đội Quyên, Đội Phấn bị lộ và bà bị bắt giam tại nhà lao Vinh. Thực dân Pháp ghép tội nhà bà Kính là tòng phạm và chúng lục soát, bắt giam bà vào lao Vinh. Không tìm được chứng cứ, chúng phải trả tự do cho bà. Do bị tra tấn trong nhà tù nên được một thời gian ngắn, bà lâm bệnh nặng và qua đời. 

Để trả thù nhà và đền nợ nước, ba người con trai của bà đã nối chí, quyết đí theo con đường yêu nước và cứu nước của gia đình. 

Người anh cả của Ngô Tuân là Ngô Thuần sau khi học hết lớp đệ Tam thì nghỉ học tham gia phong trào vận động Đông Du của Phan Bội Châu, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại lao Vinh, toà án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án và đày ông vào nhà tù Lao Bảo(tỉnh Quảng Trị). Ông hy sinh tại Lao Bảo. 

Em trai của Ngô Tuân là Ngô Thúc Thiêm, sau khi đậu tú tài trường Quốc học Huế đã xuất dương sang Quảng Châu(Trung Quốc) năm 1924. Năm 1926, Ngô Thiêm dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc đào tạo và anh tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội(VNTNCMĐCH), gọi tắt là Hội Thanh niên. Anh được tổ chức phân công về hoạt động ở Sài Gòn. Đầu năm 1930, Ngô Thiêm bị bắt ở Sài Gòn và bị kết án tử hình năm 1931. 

Năm 1923, ông Võ Trọng Đài(quê làng Phù Xá) đã xuất dương sang Xiêm hoạt động và xây dựng cơ sở Trại Cày, ông được Đặng Thúc Hứa phái về nước đón thanh niên yêu nước ra nước ngoài. Ngô Tuân cùng các bạn Lê Huy Doãn, Lê Văn Nghiêm, Phạm Thành Khôi....dưới sự dẫn đường của Võ Trọng Đài đã lên đường sang Xiêm. Qua bao nhiêu ngày đêm vất vả, vượt suối băng rừng, họ đã qua đất Lào, đến Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Xiêm. Để giữ bí mật, tất cả mọi người đều đổi tên: Lê Huy Doãn đổi là Lê Hồng Phong, Lê Văn Nghiêm đổi là Lê Như Vọng, Ngô Tuân đổi là Lê Ba Đốc, Phạm Thành Khôi là Phạm Hồng Thái.

Đến Trại Cày các anh được học tập và sản xuất chờ thờ cơ sang Trung Quốc hoạt động. Do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên Ngô Tuân phải ở lại và các bạn anh sang Quảng Châu trước Ngày 19/6/1924, tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu giết Toàn quyền Méc lanh ở Quảng Châu đã thôi thúc ý chí, tiếp thêm nghị lực và tinh thần cho Ngô Tuân. Cuối năm 1924, cụ Đặng Thúc Hứa đã bố trí cho Ngô Tuân và một số thanh niên nữa sang Quảng Châu; lúc này đồng chí Nguyễn Ái Quốc mới từ Liên Xô về đến Quảng Châu. Tại đây đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp đào tạo chính trị đặc biệt cho thanh niên yêu nước Việt Nam để sau đó chuyển họ về nước xây dựng cơ sở Đảng. Ngô Tuân được chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo. Khi gặp Nguyễn Ái Quốc, Ngô Tuân đã chuyển hẳn lập trường từ chủ nghĩa yêu nước chân chính sang lập trường của giai cấp vô sản theo học thuyết của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đó chính là học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lê nin. 

Năm 1926, sau thời gian học tập và công tác trong tổ chức Hội Thanh niên, đồng chí Ngô Tuân được trang bị những kiến thức phong phú về cuộc sống, đặc biệt về phương pháp hoạt động cách mạng bí mật, cách tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng. Bằng hành động và việc làm hàng ngày, Ngô Tuân đã học được ở đồng chí Nguyễn Ái Quốc về phong cách làm việc, tình cảm, đạo đức và lối sống. Sau này khi đồng chí hoạt động độc lập ở nước bạn cũng như trong những năm tháng bị tù đày trong các nhà lao đế quốc thì hình ảnh và lời dạy của NguyễnÁi Quốc đã giúp Ngô Tuân đứng vững và chiến thắng, xứng đáng là học trò trung thành được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dày công đào tạo. 

Nhận thấy NgôTuân là người có nghị lực, kiên trì, bền bỉ và có khả năng trong công tác tổ chức, xây dựng phong trào, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ định đồng chí về Xiêm hoạt động. Từ năm 1927 trở đi, phong trào yêu nước của Việt kiều trên đất Xiêm phát triển mạnh; đồng chí Ngô Tuân về tỉnh U đon hoạt động, chỉ đạo phong trào, cơ sở đóng tại Bản Chích. 

U đon (là tên gọi tắt của tỉnh U đon tha ni) là một tỉnh lứn nhất vùng Đông Bắc Xiêm, cách Băng Cốc 560 km. Mặc dù cơ sở đóng tại Bản Chích, nhưng hàng ngày các đồng chí Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Võ Trọng Đài, Nguyễn Văn Luyện cùng đồng chí Ngô Tuân đi đến các bản để xây dựng cơ sở cách mạng trong 3 phủ : U đon tha ni, Xa côn na khôn và Na khôn pha nôm. Đồng chí Ngô Tuân đã tranh thủ học tốt tiếng Xiêm, hiểu kỹ phong tục tập quán của địa phương; vì vậy công tác hoạt động bí mật của đồng chí được đảm bảo, đồng chí có điều kiện gần gũi, trò chuyện tuyên truyền về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho Việt kiều ở Xiêm và tạo thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cách mạng. 

Đồng chí Ngô Tuân cùng với các đồng chí trong tổ chức Hội Thanh niên tại Xiêm được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, xây dựng và phát triển Hội Hợp tác, Thân Ái và các tổ chức phụ nữ, thiếu niên, xây dựng trường học dạy con em Việt kiều .... 

Năm 1927, các đồng chí ra báo “Đồng Thanh” và thông qua tờ báo kêu gọi tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, hướng về Tổ quốc và có trách nhiệm tham gia các hoạt động chính trị dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Hội Thanh niên ở Xiêm. 

Theo yêu cầu của Tổng bộ Thanh niên, tháng 1/1928, đồng chí Ngô Tuân chuyển về hoạt động ở Noọng Bùa (cách phủ U đon 3 km) và Noọng Ổn (cách U đon 12 k m). Tại đây đồng chí đã xây dựng được các tổ chức Hợp tác, Hội Thân Ái và mở lớp học cho con em Việt kiều học chữ quốc ngữ. Tháng 7/1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu sang Xiêm khi đến U đon thì U đon đã trở thành trung tâm của phong trào cách mạng của Việt kiều ở Đông Bắc Xiêm. Với tên là Thầu Chín, Người đã tổ chức huấn luyện chính trị cho cán bộ trong vùng và đặc biệt quan tâm đến giáo dục thếu niên, Người đã đề nghị chính quyền U đon cho phép lập trường học ở Noọng Bua và tham gia tích cực cùng kiều bào gánh gạch gánh đất xây dựng trường này. 

Để phù hợp với công tác tuyên truyền trong giai đoạn mới tại U đon, đồng chí Thầu Chín đã đề nghị đổi tên tờ “Đồng Thanh” thành tờ “Thân Ái’. Ngày 28/11/1928, báo “Thân Ái” ra số , đồng chí Ngô Tuân đã cho giới thệu bài thơ của đồng chí Thầu Chín để nêu bật mục đích cổ động, tập hợp của tờ báo: 

                             “Báo Thân Ái ngỏ lời thân ái
                             Đem máu đào tô điểm lại non sông” 


Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập( 3/2/1930), những đồng chí hoạt động tích cực trong Hội Thanh niên ở Xiêm được chuyển thành đảng viên Đảng cộng sản. Đồng chí Ngô Tuân được bầu làm phó Bí thư Tỉnh uỷ U đon kiêm nhiệm phụ trách tờ báo “Thân Ái’. 

Lúc này ở quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh và chính quyền Xô Viết đã được thành lập ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thực dân Pháp đã tìm mọi cách để dập tắt phong trào vào trong biển máu. Các cơ sở Đảng bị tan vỡ, phần lớn cán bộ bị thực dân Pháp bắt giam, một số đồng chí phải vượt rừng sang Lào Xiêm chờ thời cơ trở về hoạt động. Đồng chí Ngô Tuân cùng Xiêm uỷ vận động kêu gọi Việt kiều hướng về quê hương, quyên góp tiền bạc gửi về ủng hộ phong trào đấu tranh ở Nghệ Tĩnh và tạo điều kiện ăn ở tốt cho các đồng chí cán bộ trong nước sang. 

Đầu năm 1934, được sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản, ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, đồng chí Ngô Tuân được bầu làm uỷ viên Ban chấp hành và phụ trách công tác Việt Nam. Thực hiện chủ trương phát truyền đơn kỷ niệm lần thứ 4 Xô Viết Nghệ Tĩnh(12/4/1934) của Hội nghị của Ban lãnh đạo Hải ngoại( họp từ ngày 14 đến 26/6/1934), để khơi dậy tinh thần đấu tranh của quần chúng. Đông Dươg viện trợ Bộ đã cử đồng chí Ngô Tuân (Ba Đốc) về Nghệ Tĩnh để chỉ đạo phong trào. Tháng 10/1934, đồng chí Ngô Tuân chỉ đạo việc chuyển cơ quan Tỉnh uỷ Nghệ An từ làng Đông Chữ(huyện Nghi Lộc) ra làng Hâu Luật(huyện Diễn Châu). Đồng chí đã triệu tập Hội nghị đại biểu các huyện Đảng bộ để bầu Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ lâm thời. Đồng chí Võ Nguyên Hiến được bầu làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ lâm thời, các cơ sở Đảng đã được khôi phục, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh. 

Ngày 10/2/1935, đồng chí Ngô Tuân, Võ Nguyên Hiến và hai đại biểu dự khuyết được Xứ uỷ Trung Kỳ cử đi dự Đại hội Đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao(Trung Quốc). Đoàn đại biểu theo đường qua Xiêm để đi dự Đại hội. Xiêm uỷ lúc này đóng ở U đon đã chuẩn bị chu đáo giấy tờ xuất nhập cảnh, vé tàu xe quần áo cải trang và tiền chi tiêu dọc đường cho đoàn đại biểu trong nước. Cuối tháng 3/1935, đồng chí Ngô Tuân cùng đoàn đến Hương Cảng. 

Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, đồng chí Võ Nguyên Hiến và Ngô Tuân được bầu vào Ban chấp hành TW Đảng. Đồng chí Võ Nguyên Hiến được phân công phụ trách Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí Ngô Tuân phụ trách Xứ uỷ Nam Kỳ. Lần này trở về nước, các đồng chí theo con đường từ Ma Cao đi Long Châu về Cao Bằng. 

Vừa về đến Nghệ An đồng chí Ngô Tuân và Võ Nguyên Hiến đã triệu tập ngay cuộc Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng để phổ biến Nghị quyết, nhiệm vụ mới của Đảng trong thời gian tới. Sau hội nghị tỉnh uỷ, đồng chí Ngô Tuân vào Nam Kỳ nhận nhiệm vụ mới. 

Thực dân Pháp đã liệt đồng chí Ngô Tuân vào hàng ngũ những người cộng sản nguy hiểm. Ngày 14/1/1935, toà án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án vắng mặt đồng chí Ngô Tuân với mức án 5 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc. 

Trước khi vảo Nam Kỳ, đồng chí Ngô Tuân sang Xiêm và Trung Quốc xin ý kiến chỉ đạo của Ban lãnh đạo TW Đảng ở Hải ngoại về những nhiệm vụ cụ thẻ ở Nam Kỳ. Cuối tháng 11/1935 trên đường về đến Cao Bằng, đồng chí bị sa lưới địch. Toà án Nam triều kết án Ngô Tuân 20 năm tù giam và 20 năm quản thúc đày đi Lao Bảo và sau chuyển lên Buôn Ma Thuột. 

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp(9/3/1945), được trả tự do, đồng chí Ngô Tuân cùng với các đồng chí trở về quê hoạt động cách mạng. 

Ngày 12/10/1945, Vương quốc Lào tuyên bố độc lập. Để tăng cường sự hợp tác chiến đấu bảo vệ chủ quyền độc lập của mỗi quốc gia trên tinh thần quốc tế vô sản;, ngày 30/10/1945, chính phủ hai nước thành lập Liên quân Việt Lào. Trung ương Đảng đã điều đồng chí Ngô Tuân ra hoạt động ở Hải ngoại nhằm tăng cường cán bộ có kinh nghiệm, quen địa hình và thạo tiếng Thái Lào. Với cương vị là Bí thư Xứ uỷ Lào, đồng chí Ngô Tuân đã góp phần xây đắp tình đoàn kết hữu nghị hai dân tộc Việt - Lào chống lại kẻ thù chung. 

Năm 1946, thực dân Pháp đánh chiếm lại nước Lào, đồng chí Ngô Tuân đã lãnh đạo Việt kiều sinh sống trên đất Lào và các bộ tộc Lào tản cư sang Thái Lan để đề phòng tổn thất về người và của. Năm 1947, đồng chí phụ trách khu uỷ U đon và Na khon(Thái Lan) 

Trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, đồng chí Ngô Tuân được TW Đảng tin cậy và giao trọng trách phụ trách tài chính của Tổng bộ Việt Kiều, là uỷ viên đặc uỷ của Đảng bộ Việt kiều tại Thái Lan. Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam với các nước bạn láng giềng, chống lại mọi âm mưu gây chiến, chia rẽ giữa các nước trên bán đảo Đông Dương của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Từ tháng 6/1968 đến tháng 7/1975, đồng chí vẫn tiếp tục giữ chức vụ Bí thư đặc uỷ Đảng bộ Việt kiều kiêm Chủ tịch Tổng hội Việt kiều cứu nước. Tháng 7/1977, đồng chí Ngô Tuân được điều về làm việc tại văn phòng TW Đảng. 

Với những đóng góp của đồng chí Ngô Tuân trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với tinh thần quốc tế vô sản, đồng chí Ngô Tuân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác. 

Do tuổi cao sức yếu, đầu năm 1978, đồng chí Ngô Tuân đề nghị TW cho đồng chí nghỉ hưu tại quê nhà. 

Ngày 10/2/1982, đồng chí Ngô Tuân đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 88 tuổi trong niềm thương tiếc của gia đình, bạn bè và đồng chí. 

                                                                                                                         Trương Quế Phương- Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video