Ngô Minh Loan (1915 - 2001)

Tác giả: admin
Ngày 2014-09-17 08:41:05

Ngô Minh Loan sinh năm 1915 tại làng Ngò, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Từ khi tham gia cách mạng, viết văn, làm thơ, lấy bút danh là Minh, Quang Minh. Thân phụ là ông Ngô Văn Tư, thân mẫu là bà Hồ Thị Tư. Thuở nhỏ, vì nhà nghèo nên Ngô Minh Loan không được đi học. Lên 7 tuổi, Ngô Minh Loan đã phải vào làm việc trong nhà máy Diêm - Bến Thủy. Được các anh Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Vi Nình… làm việc trong nhà máy Diêm tận tình giúp đỡ, Ngô Minh Loan nhanh chóng hòa chung cuộc sống với giai cấp công nhân Vinh - Bến Thủy nên sớm giác ngộ cách mạng.

Trong Hồi ký cách mạng của mình, Ngô Minh Loan đã viết:“ Quê tôi là đất Nghệ An, một xứ nghèo khổ sở, từ tấm bé, tôi đã theo bố mẹ đến Bến Thủy, một thị xã phía Nam thành phố Vinh để kiếm sống. Lên 7 tuổi, tôi đã vào làm công nhân trong nhà máy Diêm Bến Thủy … .

Năm lên 13 tuổi Ngô Minh Loan được các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc hoạt động trong tổ chức Đảng Tân Việt giao nhiệm vụ làm liên lạc và canh gác các cuộc họp bí mật.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, Đảng phát động công-nông mít tinh, biểu tình chống áp bức, đòi tăng tiền lương, giảm giờ làm, giảm sưu, giảm thuế. Ngô Minh Loan đã mang theo gậy đi biểu tình, hòa trong dòng người trên đường phố, hô vang các khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nông và thợ thuyền.

Sau cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy trong ngày 1-5-1930, nhà máy Diêm bị đóng cửa, Ngô Minh Loan xin sang làm công nhân nhà máy gỗ. Được mấy tháng, công việc nặng nhọc, có lần thấy tên cai đánh đập một anh công nhân ốm yếu, Ngô Minh Loan thấy chuyện bất bình liền đến can thiệp. Vì chống lại tên cai, hôm sau Ngô Minh Loan bị đuổi việc, anh lại xin sang nhà máy rũa cưa (Braseur) thuộc hãng SIFA. Được các đồng chí đảng viên đi trước tuyên truyền, bày cách, Ngô Minh Loan hăng hái đi treo cờ, rải truyền đơn, đi mít tinh, biểu tình chống bọn chủ nhà máy để đòi các quyền lợi…

Năm 1932, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp khủng bố trắng, các đồng chí Đảng viên người bị giết, người bị tù, bọn cai xếp trong các nhà máy thừa cơ đánh đập, cúp phạt, đuổi thợ, cuộc sống của công nhân bị bóp nghẹt. Cũng may lúc bấy giờ bà Hồ Thị Tư mẹ Ngô Minh Loan nhờ khéo tay có nghề làm bánh đa, bánh phở nên kiếm được đồng ra đồng vào. Cuộc sống và cái ăn của gia đình tạm đủ, bà Tư cho Ngô Minh Loan nghỉ việc ở nhà máy để đi học. Thời gian đầu Ngô Minh Loan xin vào học tại trường Phan Bá Tuân. Nhờ sáng dạ, thông minh nên anh đã thi đỗ vào trường Cao Xuân Dục Vinh. Sau 5 năm học hành chăm chỉ, Ngô Minh Loan đã đỗ bằng Tiểu học.

Học xong nhưng vẫn chưa xin được việc làm, Ngô Minh Loan lại tham gia phong trào Mặt trận dân chủ. Năm 1937, anh tham gia các cuộc mít tinh của nhân dân Nghệ An đón tiếp GôĐa để đưa bản dân nguyện. Ngô Minh Loan có ấn tượng sâu sắc khi được nghe trưởng đoàn Hà Huy Giáp nói chuyện tại thành phố Vinh. Anh được đồng chí Nguyễn Thị Nhuận và Siêu Hải giúp đỡ, bố trí công việc cùng Hồ Mỹ Xuyên mở quầy bán sách báo, phục vụ nhân dân nhằm nâng cao dân trí.

Cũng như các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc,Vi Nình và nhiều anh chị khác đi trước. Ngô Minh Loan gia nhập đội ngũ công nhân từ thời niên thiếu. Anh đã lớn lên và trưởng thành từ phong trào yêu nước của giai cấp công nhân Vinh - Bến Thủy. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 đã tôi luyện Ngô Minh Loan trưởng thành và lớn lên theo tiến trình của cuộc cách mạng dân tộc.

Năm 1939, Ngô Minh Loan được gặp một đồng chí trước đây cùng hoạt động ở nhà máy Diêm, bị địch truy nã nên lánh ra Hải Phòng hoạt động cùng đồng chí Nguyễn Viết Lục (đồng chí Nguyễn Viết Lục sau bị bắt giải về giam tại nhà lao Vinh và kết án tử hình). Ra Hải Phòng, Ngô Minh Loan xin vào làm việc trong hãng Peniest, thu nhập đồng lương khá cao. Tiền lương hàng tháng, anh chỉ để đủ trả tiền cơm, còn bao nhiêu đều đem nộp hết cho quỹ của Chi bộ dùng mua giấy mực in tài liệu truyền đơn báo chí để tuyên truyền.

Cuối năm 1939, đại chiến thế giới lần thứ hai bắt đầu bùng nổ, thực dân Pháp ra lệnh nghiêm cấm mọi hoạt động xã hội của thời kỳ Mặt trận dân chủ. Hàng loạt các chiến sỹ cộng sản trong nhà máy đều bị bắt, trong đó có đồng chí Ngô Minh Loan. Sau khi bị bắt Ngô Minh Loan bị bọn lính giải lên giam tại nhà tù Hỏa Lò để làm án rồi đầy lên giam tại nhà tù Sơn La. Cùng với các chiến sỹ cộng sản trong nhà tù như Tô Hiệu, Ngô Minh Loan tích cực tham gia các cuộc đấu tranh, học quốc ngữ và học chính trị. Tranh thủ thời gian những lúc phải vào rừng lao động khổ sai, Ngô Minh Loan đã rủ anh em, đồng chí học võ để rèn luyện sức khỏe dẻo dai, khi có thời cơ sẽ tìm cách vượt ngục, ra tù để tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời gian bị giam tại nhà tù Sơn La, Ngô Minh Loan bị tăng án đến hai lần. Lần đầu do anh đã đánh lại một tên lính coi tù để giải thoát cho chính trị vượt ngục. Lần thứ hai vì tội bí mật tổ chức cướp súng cho quân Việt Minh. Khi bị bắt lần hai, Ngô Minh Loan bị giam trong xà lim, cạnh phòng đồng chí Tô Hiệu, người tù chính trị mà tên tuổi anh đã đi vào sử sách.

Khi mặt trận Việt Minh ra đời, Ngô Minh Loan càng hăng hái luyện tập quân sự, mong ngày ra tù được phục vụ nhiều nhất cho cách mạng. Năm 1945, Ngô Minh Loan được ra tù, đồng chí thành lập đội du kích Âu Cơ và trực tiếp chỉ huy, đánh thắng hai trận lớn (một trận đánh với quân đội Nhật, một trận đánh với quân bù nhìn và Bảo an binh), ghi chiến công hiển hách lẫy lừng. Tháng 8-1945, đồng chí được cử làm Bí thư Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái. Sau đó được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo đội quân du kích tiến đánh giải phóng hai huyện Phủ Yên và tỉnh Sơn La, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau ngày Tổng khởi nghĩa, Ngô Minh Loan được cử giữ chức Bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Yên Bái. Được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy quân đi giải phóng tỉnh Lào Cai. Thắng lợi trở về, đồng chí được cử làm Bí thư Ban cán sự Đảng kiêm Chủ tịch Quân chính tỉnh Lào Cai.

Sau cách mạng tháng 8-1945, Ngô Minh Loan được điều về Bắc Ninh làm Bí thư Tỉnh ủy và Ủy viên khu 12. Năm 1948, do yêu cầu của cuộc cách mạng trong giai đoạn mới. Thời kỳ chuyển sang giai đoạn kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, kết hợp 3 lực lượng quân sự: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Với tài tổ chức, Ngô Minh Loan lại được điều động về làm Liên Khu ủy viên Khu 3 kiêm phó Bí thư Quân Khu 3.

Năm 1949, Ngô Minh Loan được cử giữ chức Vụ trưởng Vụ bảo vệ kinh tế và ủy viên Đảng Đoàn Bộ Công an. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Ngô Minh Loan được cử làm Cục trưởng cục Quân Pháp kiêm Cục trưởng Cục bảo vệ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1958, thời kỳ miền Bắc khôi phục kinh tế, đồng chí Ngô Minh Loan được cử giữ chức Vụ trưởng Vụ bảo vệ kinh tế Bộ Công an.

Năm 1959, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ.
Năm 1960, đồng chí Ngô Minh Loan được bầu vào ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III.
Năm 1966, thời kỳ cả nước có chiến tranh, Ngô Minh Loan được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Năm 1969, đồng chí Ngô Minh Loan được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm, với nhiệm vụ nặng nề, chi viện cho miền Nam và nước bạn Lào anh em.

Năm 1978, đồng chí Ngô Minh Loan giữ chức Trưởng ban cải tiến Quản lý kinh tế Xí nghiệp Quốc doanh thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Đồng chí Ngô Minh Loan được bầu là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khóa IV, V, VI.

Tháng 8-1987, đồng chí Ngô Minh Loan được nghỉ hưu, tiếp tục nghề cầm bút. Đồng chí là nhà văn, nhà báo, nhà thơ cách mạng với bút danh là Minh, Quang Minh. Ngô Minh Loan là một chiến sỹ cách mạng nặng nghĩa, nặng tình với Tổ quốc, đồng bào, anh em, đồng chí, đặc biệt là những đồng đội của anh đã chiến đấu ở các chiến trường, đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc. Một trong những tác phẩm hay của nhà văn Quang Minh là cuốn: "Đốm lửa phía trước", một cuốn sách có giá trị lịch sử và nhân văn về đồng bào Tây Bắc.

Với những thành tích đóng góp to lớn cho cách mạng, đồng chí Ngô Minh Loan đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí Ngô Minh Loan đã từ trần vào hồi 4h 50 phút ngày 11-2-2001, hưởng thọ 87 tuổi, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Video