Một trong những bài báo Quốc tế đấu tiên tường thuật và đánh giá về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2015-09-08 07:47:07

Cách đây 85 năm một phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh đã nổi lên mạnh mẽ, lập nên một kỳ tích hào hùng, mở đầu cho trang sử vàng chói lọi của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh hưởng của Xô viết Nghệ Tĩnh ngay lập tức đã lan tỏa ra thế giới. Chính vì vậy, tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI, phiên họp lần thứ 25 ngày 11/4/1931 đã ra Quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương (trước đây là chi bộ thuộc Đảng Cộng sản Pháp) là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản.

Để làm rõ thêm vấn đề này chúng ta hãy cùng đọc lại một trong những bài báo quốc tế đầu tiên tường thuật và đánh giá một cách cụ thể và sâu sắc về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đăng trên báo Vô sản (Pháp) số 8 xuất bản tháng 10/1931 tại Pari:(hành văn, thuật ngữ theo cách dùng của thời đó)

“ẢNH HƯỞNG CUỘC VẬN ĐỘNG NGHỆ - TỊNH
Cuối tháng tư mới rồi, trong buổi đại-hội-đồng, Thường vụ ủy viên đại hội thứ II Quốc - tế Cộng – sản có thảo một cái nghị quyết quan trọng:
Đảng Cộng - sản Đông - Dương mấy lâu nay vẫn là chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp nay được công nhận là chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản.

Lời quyết định ấy đủ tiêu biểu cái hiện tình ở Đông Dương là nơi quần chúng hằng ngày tranh đấu rất oanh liệt dưới ngọn cờ đỏ, là nơi mà làn sóng giai cấp tranh đấu phát triển cực kỳ mau chóng, trong lịch sử thuộc địa chưa từng thấy.

Lời quyết định ấy cũng cho ta thấy sự tiến bộ trong công tác cách mạng của những người cộng sản từ năm 1930 đến nay, nhất là từ cuộc vận động Nghệ Tịnh để tổ chức đảng chỉ huy cuộc đấu tranh và đem quyền lãnh đạo cách mạng ở tay tiểu tư sản (Quốc dân đảng) về tay vô sản.

Vừa đúng một năm nay, tháng Chín năm ngoái, đảng Cộng sản Đông Dương đứng đầu tổ chức cuộc đại vận động Nghệ An, Hà Tịnh.

Mấy chục phủ huyện miền bắc Trung Kì ngày nào cũng thấy bóng cờ cộng sản, tiếng trống biểu tình. Thợ thuyền và nông dân theo khẩu hiệu Đảng, ùng ùng hằng ngàn, muôn người bỏ xưởng máy, cày bừa, xô đẩy nhau ra trường chiến đấu. Quần chúng tiến công rất mạnh mẽ, phá nhà tù, đánh các huyện nha, trị tội bọn quan lại phong kiến, đốt đình miếu nhà thờ, đòi gạo, đòi đất, đòi ngày làm việc 8 giờ, đoạt lấy quyền chính. Từ mùng 8 đến 12, các cuộc biểu tình đã hóa ra tuần hành có khí giới: dao, súng, gậy, cây.

Những cuộc biểu tình ấy lại có tánh chất bạo động rất hùng dũng, kịch liệt. Tại Hưng Nguyên: 8 ngàn người thị oai; Võ Liệt 11 ngàn; Thanh Chương, Anh Sơn: 20 ngàn, vân vân. Các đội tự vệ mấy ngàn người trai tráng đeo băng đỏ, trương cờ búa liềm, mang khí giới rất oai nghiêm từ ngoài đồng kéo đến thành Vinh. Bọn tư bản, phong kiến cùng bọn quan đồn đế quốc cha con vác khăn gói chạy ráo. Lính tập hai ba nơi liên kết với công nông, không chịu bắn. Bọn đế quốc kinh hoàng sai máy bay trái phá đến dẹp: riêng một ngày 12 tháng Chín, 300 anh chị em ta bị súng liên thanh và bom đế quốc giết chết trong tỉnh Nghệ -An.

Song từ ấy, sự tàn ác của đế quốc không trừ nổi ý chí tranh đấu của quần chúng. Có nơi nông dân nghèo đuổi hết quan làng, tự chia cắt ruộng đất thóc gạo và lập sô-viết quản đốc công việc trong hương thôn...

Đến nay ngọn sóng cách mạng càng cao. Ở Nghệ-An, Hà-Tịnh, lao động vẫn chống giữ với đế quốc hầu như những người bị áp bóc chống giữ với bọn cầm quyền trong nội chiến.

Cuộc vận động thêm sâu xa, rộng rãi. Hai tỉnh Quảng-Bình, Quảng-Trị cũng rung chuyển. Tại Đức-Hòa công nông lập chiến lũy đánh nhau với cảnh sát. Khắp ba kỳ: thợ thuyền, nông dân nhiều lần thị oai ở Hải-phòng, Sài-gòn, Hà-nội, bãi công ở Bến-Thủy, Nam định, Nhà bè để binh vực và giúp đỡ công nông Nghệ -Tịnh.

Lửa bạo động còn nóng bừng bừng. Ngày 1 tháng Năm năm nay, bọn đế quốc thiết quân luật khắp Đông Dương. Các thành phố đều có binh lính canh phòng ngày đêm; xe tăng đại bác qua lại hết các đường phố để khủng khiếp nhân dân.

Tuy thế, quần chúng Nghệ-Tịnh vẫn tranh đấu rất oanh liệt. Lại gần 500 người bị giết thêm ngày 1 tháng Năm vừa qua càng như khêu tấm lòng cừu oán của công nông.

Ngày 1 tháng Tám mới đây là ngày quốc tế vận động chống đế quốc chiến tranh, quần chúng Đông-Dương cũng đứng lên ủng hộ Liên-Bang Sô-viết.

Cuộc vận động Nghệ-Tịnh hồi tháng Chín năm ngoái là một bước dài trong đường cách mạng. Cuộc vận động này là một cuộc vận động có giác ngộ, có tổ chức, có đảng Cộng-Sản và các đoàn thể giai cấp lãnh đạo. Cuộc vận động này có cội rễ sâu sắc trong đám nông dân, có tánh chất quần chúng và giai cấp rất rõ rệt: hằng chục ngàn người đánh phá đế quốc, phong kiến, tư bản, địa chủ; hằng trăm ngàn người kéo vào trường tranh đấu và chiến đấu làm cho những kẻ cầm quyền thống trị tan hồn thất phách và không sao có thể đán áp mau chóng như cuộc bạo động Yên bái được. Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc cách mạng phản đế và điền thổ có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng ở Đông Dương.

Dầu bọn đế quốc khủng bố bực nào, chém giết tù đày đảng viên cộng sản, dầu bắt Nguyễn Ái Quốc là một người thủ lãnh có giá trị của Đảng, dầu ra công truy nã những người cộng sản Đông Dương ở ngoại quốc như Nguyễn Văn Tạo, vân vân, chúng cũng chẳng tài nào ngăn cản nổi ngọn sóng cách mạng ở Đông Dương vì cội rễ cộng sản càng ngày càng đâm sâu trong giai cấp thợ thuyền và đám nông dân lao động.

Tranh đấu là trường huấn luyện vô song của quần chúng. Nhờ tranh đấu mà quần chúng thấy rõ cái mặt nạ giả dối của bọ đế quốc và các giai cấp thống trị; nhờ tranh đấu mà quần chúng lọc lựa được những tay kiện tướng vô sản lão luyện để làm cho đảng Cộng Sản thành một đảng Bôn-sơ-vích và lãnh đạo cuộc Cách Mạng.

Cái nghị quyết nói trên của Quốc-Tế Cộng-Sản cũng vì ý nghĩa và sự quan trọng ấy.

Nguyễn Xuân Thủy- Bảo tàng XVNT giới thiệu

Video