Một số tư liệu của mật thám Pháp về đồng chí Nguyễn Sỹ Sách hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2017-02-17 00:45:52

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện đang lưu giữ một số tư liệu của mật thám Pháp về cuộc đời hoạt động của Nguyễn Sỹ Sách, đó là báo cáo, tờ trình, công điện, công văn.v.v. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy có hai vấn đề nổi bật như sau:

1- Tài liệu phản ánh một số hoạt động ở trong nước của đồng chí Nguyễn Sĩ Sách

Sau khi đỗ thủ khoa trường Trung học Vinh, Nguyễn sĩ sách được bổ dụng làm trợ giáo Trường tiểu học Pháp- Việt Hà Tĩnh.

Tháng 7 năm 1925, Nguyễn Sĩ Sách gia nhập Hội Phục Việt chuyên phụ trách truyền bá tư tưởng yêu nước trong các trường học và Thị xã Hà Tĩnh.

Giữa năm 1926, Nguyễn Sĩ sách bắt liên lạc với một số cán bộ từ Quảng Châu về nước. Được giác ngộ đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Sĩ Sách lần đường sang Trung Quốc, nhưng do bị mật thám theo dõi gắt gao, đến Hải Phòng thì phải quay lại.

Tháng 7 năm 1927, Nguyễn Sĩ Sách được tổ chức gửi sang dự lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại Quảng châu. Cái đêm trước ngày xa tổ quốc, anh bồn chồn, thao thức vì ngày mai sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời mình. Hoài bão tìm đường xuất dương hoạt động cách mạng đã chứa chất trong lòng từ lâu, nay mới có cơ hội thực hiện. Khi về nước, Nguyễn Sĩ Sách được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Trung Kỳ. Là người hoạt động tích cực để hàn gắn giữa hội Hưng Nam và hội Thanh niên, Nguyễn Sĩ Sách đã đến các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc chỉ đạo việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội và tổ chức quần chúng.

Thông tư mật số 3737 của Công sứ Pháp tại Vinh gửi Chánh mật thám Bắc Kỳ và Chánh tổng nha mật thám tại Hà Nội cho biết: "Ngày 24 tháng 9, có hai người An Nam khá nghi từ Tàu trở về đã lưu trú tại thành phố này và tại Quảng Nam.

Một trong hai người thì gốc Quảng Ngãi đã sang Tàu, người kia là Nguyễn Sĩ Sách người Nghệ An còn ở lại Đà Nẵng. Tại nhà một người có tên là Thiệu sinh quán Quảng Ngãi, họ được giao việc tìm hiểu tình hình Đảng cách mạng và truyên truyền thanh niên xuất dương sang Tàu.

Ngày 11 tháng 10 được tin Nguyễn Sĩ Sách từ Tàu về đã từ Vinh vào Đà Nẵng, lưu trú tại đó một thời gian rồi lại ra Vinh từ độ một tuần nay tức vào những ngày đầu tháng 10"

Theo công văn qua bưu điện số 1039- CS Công sứ Vinh chuyển công sứ Pháp tại Vinh và Chánh mật thám Trung Kỳ ở Huế rằng: “ Tôi hân hạnh báo trình ông tên tình nghi Phan Trọng Bính A8086 đang ở Vinh từ 15 ngày nay, thời điểm Y đến Vinh có vẻ trùng hợp với thời điểm về Huế của Nguyễn Sĩ Sách A7255, hai người này ăn ngủ khi này khi khác tại nhà các tình nghi Nguyễn Văn Lợi A7096 và Nguyễn Ngọc Tuyết A7175. Cuối cùng đáng lưu ý rằng từ khi đến đây Phan Trọng Bính, Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Văn Lợi tối nào cũng họp mặt nhau tại nhà Ngô Như A6141. Tối nào cả bọn cũng ra ga đón tàu từ Huế ra. Phan Trọng Bính và Nguyễn Sĩ Sách không giấu mặt, họ không làm việc gì cả nên đi lại cùng nơi chí chốn cũng có những khi ra khỏi nhà Ngô Như, họ đến nhà Hoàng Thị Lan, người đàn bà này vẫn hàng ngày tiếp nhiều thanh niên và cả những nhà nho già tuổi. Theo nguồn tin tốt nhất, Hoàng Thị Lan hoạt động tích cực chống pháp thông qua “ Phụ nữ diễn đàn”..."

Tiếp theo là thông tư qua bưu điện số 23- CS- Công sứ Vinh gửi Chánh mật thám Huế khẳng định rằng: Nguyễn Sĩ Sách A7255 chính là người đã nói trong thông báo số 15- CS ngày 7 tháng 1 năm 1927, Nguyễn Sĩ Sách đang ở đây hai tuần nay cùng với kẻ tình nghi Nguyễn văn Lợi.

Nguyễn Sĩ Sách đến từ Sài Gòn sau khi ở đó hai tháng với Phan Trọng Bính. Tại đây, Nguyễn Sĩ sách sẽ được theo dõi đặc biệt.

Báo cáo của Thanh tra Billet lên công sứ Pháp ở Vinh cùng Chánh mật thám Trung Kỳ ở Huế đã viết: "Nguyễn Sĩ sách A7255 đã rời Vinh trong tháng 6 để vào Nam và trở lại Vinh vào khoảng 27 tháng 9. Bị ốm và đã ở lại tại nhà bạn Nguyễn văn Lợi A7096, rồi đi chữa bệnh tại Chợ Si nơi đại lý của Hưng Nghiệp Hội Xã."

Công điện số 131- CS- Công sứ Pháp tại Vinh gửi chánh mật thám Trung Kỳ Huế rằng: “Ngày 24 lúc 22 giờ Nguyễn Ngọc Tuyết A7175, Nguyễn Sĩ sách A7255, Nguyễn Văn Lợi A7091, Nguyễn Ngọc Thanh đã đến hàng ăn An Nam  Tam Phổ vừa ăn họ vừa nói đến một người tên là Trương Cao Động đang ở Sài Gòn, họ rất ngạc nhiên rằng Trương Cao Động đã không phúc đáp bức thư họ đã gửi cho anh ta. Họ quyết định lại gửi thư cho anh ta một lần nữa và khi nhận được hồi âm thì sẽ có một quyết định”.

Báo cáo của thanh tra Billet lên Công sứ Pháp tại Vinh, cùng thông báo chánh mật thám Trung Kỳ tại Huế cho biết: “ Ngày qua 19 tháng 2 năm 1928, lúc 17 giờ, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Quang lên hàng sách ở Vinh và người thanh niên Trần Ngọc Phùng nhân viên nhà băng Pháp- Hoa đã ăn tối tại nhà người đại lý Trần Tiên Ngu. Ăn xong họ đến hiệu ảnh Mỹ Thu để chụp ảnh, rồi họ đến đón tàu từ Huế ra. Tàu đến Vinh lúc 20 giờ 30, chắc không tìm thấy người họ chờ đợi, họ trở về nhà người đại lý Trần Tiên Ngu, rồi từ đó đi xem chiếu bóng cho đến 23 giờ 30”.

Báo cáo của thanh tra Billet lên Công sứ Pháp tại Vinh, cùng thông báo Chánh mật thám Trung Kỳ tại Huế rằng: "Đã theo dõi vùng quanh “Hưng Nghiệp Hội Xã” và các nhà ở của Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Dinh, cả hai đều là bạn thân của Nguyễn Sĩ Sách."

Như vậy, bọn thực dân phong kiến luôn theo dõi hoạt động của Nguyễn Sĩ Sách từng ngày, từ ngày 12 đến ngày 19, không phát hiện được Nguyễn Sĩ Sách ở Vinh, chỉ đến ngày 12/ 9 khoảng 9 giờ thì người theo dõi mới biết Nguyễn Sĩ Sách đang ở nhà Nguyễn Văn Lợi. Qua báo cáo số 528, ngày 17 tháng10 cho hay: "Nguyễn Sĩ Sách không thấy xuất hiện trong làng từ tháng 6 ( âm lịch) và thời gian ấy chỉ ở lại 2 hoặc 3 ngày mà thôi."

Cũng báo cáo này đưa tin: "Vào đầu năm Nguyễn Sĩ Sách không ẩn náu mà đi lại liên tục giữa Hưng nghiệp Hội xã và nhà của Nguyễn Văn Dinh và Nguyễn Văn Lợi…Sách ăn mặc rất chính tề và chẳng hề có vẻ gì là người túng bần sống bám vào một người bạn thân, người này chỉ với đồng lương ít ỏi vừa để sinh sống lại còn phải nuôi thêm mẹ già. Nguyễn Sĩ Sách tính khí quá hiếu động, nên khó mà tự giam hãm mình gần 3 tháng chỉ duy nhất vì thú đọc báo và tiểu thuyết.

Trải lại, chắc chắn Sách đã vắng mặt ở Vinh ít nhất là 3 tháng để đi vào Nam và có lẽ đến cả bên Tàu…"

2- Tư liệu phản ánh hoạt động của Nguyễn Sĩ Sách ở nước ngoài

Tháng 1 năm 1929, Nguyễn Sĩ Sách thay mặt Kỳ bộ Trung Kỳ đi dự Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội họp ở Hương Cảng (Trung Quốc). Xuất phát từ tình hình thực tế đang diễn ra trong nước, Nguyễn Sĩ Sách cùng các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí nhận định: Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội không còn đáp ứng vai trò lãnh đạo cách mạng nữa.

Cuối tháng 4 năm 1929, Nguyễn Sĩ Sách dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Kỳ sang Hương Cảng dự Đại hội đại biểu Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội khai mạc vào ngày 1 tháng 5 năm 1929, Nguyễn Sĩ Sách được Đại hội bầu làm ủy viên Ban chấp hành tổng bộ, đặc trách công tác trong nước. Thông qua đại hội, Nguyễn Sĩ sách đã thấy rõ yêu cầu khách quan cần phải thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo thông tư mật số 3737 ngày 20 tháng 11 năm 1928 của Mật thám Pháp khẳng định: "Nguyễn Sĩ Sách đã sang Tàu không còn nghi ngờ gì nữa. Vả lại ngay từ năm 1926 ở Hà Nội, Sách đã tỏ ra ý định xuất dương sang Tàu, nhưng anh ta không biết được ngày giờ cũng như hành trình thế nào và ở lại bên Tàu bao nhiêu lâu. Theo người đưa tin thì Sách không đến trường Hoàng Phố, vì trường này chỉ nhận dăm ba người An Nam, Tàu và chọn trong số có năng khiếu nhất. Đa số người xuất dương chắc chắn được nhận vào một trường ở Quảng Châu do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và dạy chủ nghĩa cộng sản. Rất có thể là Nguyễn Sĩ Sách đã lưu trú tại trường ấy Sách đã được đề cập trong thông tư mật chuyển cho ông ngày 7 tháng 1 năm 1928 trong đó có nói đến chuyến đi của anh ta sang Tàu…

Tôi chẳng cho ông biết được điều gì nếu nói rằng người An Nam trẻ tuổi này là một kẻ cuồng nghiệt và có khả năng làm những hành động bị trách cứ."

Thông tư mật số 1444/8 Sài Gòn gửi Chánh vụ chính trị và Tổng nha mật thám tại Hà nội về báo tin của thám tử “Oride”: “ Từ Sài Gòn, tôi đi Quảng Châu ngày 11 tháng 9 năm 1927 do S/S “ Télémachuc” cùng với Nguyễn Hạnh Thông (tức Phú) người ở Phước Long, Rạch Giá; Nguyễn Kiên Huống (tức Xinh) con trai của Nguyễn Kim Đinh (Đông Pháp thời báo); Chúc (tức Hoa) người Cao Lãnh (Xa Dec); Hoài Nghĩa ( người Bến Tre) và một cô gái tên là Bao Lương.

Đến Quảng Châu, chúng tôi vào trường đại học Trung Shan gặp Lý Thúc Thông và Lý Phong Thuận, họ dẫn chúng tôi lên gác hỏi lai lịch và ghi chép vào một cuốn sổ… Khi tất cả đã họp lại, Trần Đức Quang đã tổ chức một cuộc đón tiếp trong đó anh ta nói dài về mục đích của hội cách mạng về tổ chức và điều lệ, sau đó chúng tôi đến viếng mộ Phạm Hồng Thái và bảo chúng tôi tuyên thệ…

Sau mấy ngày, chừng thấy huấn luyện chúng tôi đã đủ, Trần Đức Quang cho chúng tôi nhập tổ chức “Cách mạng đồng chí Hội” để rồi chúng tôi được phân công, tôi vào ban “Việt Nam Thanh niên” cùng với Nguyễn Văn (?) Sách- ban này gồm 25 người.

Cuối tháng 11 năm 1927, tôi trở lại Nam Kỳ cùng với Phong anh này đi bộ ngay ra Trung Kỳ với cùng nhiệm vụ với chúng tôi là tuyên truyền cho Đảng cách mạng…"

Hồ sơ ở phòng 13 và 11, công văn số 2627- SG (trích theo lời khai của Nguyễn Đình Tú và Lê) thấy rằng: " Tú gặp lần đầu tiên cuối năm 1927 tại Tàu, Sách đã sang đó từ tháng 9, tháng 10 năm 1927.

Lê nói: Sách được Trần Đình Thanh phái đi, đã vào Đảng cách mệnh. Trở về qua Sài Gòn tháng chạp 1927 cùng với Thị Lương đến Trung Kỳ tháng 6 năm 1928 với Hân (trợ giáo ở Gia Phố- Hà Tĩnh) để nhằm sát nhập các đảng."

Thông tư mật ngày 15 tháng 10 năm 1928 Nha Liêm Phóng Đông Dương Trung Kỳ gửi Chánh tổng nha mật thám Hà Nội viết: "Phạm Văn Đồng- cựu học sinh ban tú tài bản xứ đã từ Tàu trở về để tuyên truyền cộng sản và đã lưu trú ở miền Trung Trung Kỳ, và đã trở lại Tàu từ một thời gian rồi. Y đã tìm được tung tích Nguyễn Sĩ Sách mà công điện của tôi số 3311 ngày 13 tháng 10 năm 1928 đã nói đến."

Phải nói rằng: Trong các hồ sơ lưu trữ của Pháp, ngoài việc phản ánh những diễn biến vô cùng phong phú và sôi động của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng cũng đã phải thừa nhận những hoạt động mạnh mẽ của Nguyễn Sĩ Sách ở trong Nam, ngoài Bắc để vận động cách mạng. Đồng trời nó dò la, theo dõi, chỉ điểm những nơi đồng chí đến. Xác nhận Nguyễn Sĩ Sách là một con người thép, con người “nổi loạn” trong xã hội do người Pháp thống trị.

Tấm gương kiên cường, dũng cảm của Nguyễn Sĩ Sách đã làm cho bọn thực dân phong kiến hoảng sợ.

Trên đây là nguồn tư liệu mật thám Pháp còn lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, giúp chúng ta hình dung phần nào những ngày tháng hoạt động của đồng chí Nguyễn Sĩ Sách trước ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

                                                    Võ Thị Hoa - Bảo tàng XVNT

 

Video