8
1641
3499
15884
34073
6824329
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, hình ảnh người phụ nữ với những phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp vừa tham gia lao động sản xuất, đảm đương gánh vác việc nhà, vừa luôn trong tâm thế sẵn sàng đấu tranh chống giặc ngoại xâm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, lúc là tiền đồn, lúc là hậu phương vững chắc của nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc từ thời Bắc Thuộc đến thời nhà Lý – Trần. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nghệ An cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc nổi dậy của các sỹ phu yêu nước trong phong trào Văn Thân - Cần Vương như khởi nghĩa của nghĩa quân Phan Đình Phùng, phong trào chống thuế Trung Kỳ, … Đây đã trở thành nơi ươm mầm cho tinh thần yêu nước, cội nguồn tính cách kiên cường, bất khuất của những người con xứ Nghệ nói chung và của phụ nữ Nghệ An nói riêng.
Trong hoạt động yêu nước những năm đầu thế kỷ XX, chị em phụ nữ Nghệ An không quản ngại gian khó, hi sinh, không nề hà già hay trẻ, cùng chung vai đứng lên phụng sự đất nước, đuổi giặc ngoại xâm. Nhiều chị đã gác việc nhà, hy sinh tình riêng để giúp đỡ chồng con, lo toan việc nước.
Gương mặt phụ nữ tiêu biểu trong phong trào yêu nước thời kỳ này phải kể đến bà Trần Thị Trâm. Bà Trần Thị Trâm hay còn gọi là bà Lụa sinh năm 1860 tại làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà là thân mẫu của nhà yêu nước Hồ Học Lãm. Với tinh thần yêu nước nồng cháy, trong thân phận một phụ nữ goá chồng chăm con, bà đã bất chấp hiểm nguy vượt lên cả mọi lễ giáo phong kiến ràng buộc, bàn tán để lo công việc làm giao thông liên lạc từ đằng trong ra đằng ngoài, hết phong trào Cần Vương lại đến phong trào Đông Du. Năm 1905, bà tham gia hoạt động trong chi nhánh Triêu dương thương quán, một cơ sở vận động tổ chức đưa thanh niên xuất dương theo yêu cầu của phái Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Để che mắt địch, bà đóng vai là người đi buôn lụa nay đây mai đó để hoạt động. Là người phụ nữ can đảm, thông minh và mưu trí, bà đóng trò quan trọng, là người liên lạc, giao dịch với các nơi để gây dựng cơ sở vật chất tài chính cho hoạt động của hội. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, bà Trần Thị Trâm đã bất chấp hiểm nguy, thân gái dặm trường, lặn lội Bắc Nam, sang Xiêm, qua Trung Quốc, để kết nối đường dây đưa thanh niên yêu nước Nghệ An đi xuất dương. Bà đã trực tiếp vận động, quyên góp tài chính, tổ chức cho một số thanh niên yêu nước Quỳnh Lưu xuất dương như con trai là Hồ Học Lãm, cháu là Hồ Tùng Mậu, Hồ Sỹ Hanh,… Trong số những thanh niên yêu nước ưu tú đó, có những người đã trưởng thành, là cán bộ chủ chốt trong phong trào cách mạng Việt Nam. Bà đã nén mất mát, đau thương, quyết đứng lên trả thù nhà, đền nợ nước, là tấm gương cho mọi thế hệ phụ nữ Việt Nam noi theo. Ghi nhận những đóng góp to lớn của bà cho phong trào yêu nước Việt Nam, cụ Phan Bội Châu trân trọng phong tặng bà danh hiệu “Nữ kiệt đất Hồng Lam”, “Tiểu Trưng”.
Phụ nữ Nghệ An không chỉ dũng cảm đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa nước mà còn đi đầu trong công tác binh vận. Bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) là một tấm gương tiêu biểu như thế. Bà Nguyễn Thị Thanh tên hiệu Bạch Liêu, sinh năm 1884 tại làng Hoàng Trù, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Từ nhỏ, bà đã được học và thông thạo chữ Hán, chữ quốc ngữ. Lớn lên, bà không lập gia đình mà toàn tâm, toàn ý với hoạt động yêu nước. Năm 1904, hội Duy Tân thành lập. Bà đã hăng hái tham gia và là hội viên tích cực thuộc phái bạo động của Hội. Thời đó, bà Nguyễn Thị Thanh thường được mọi người gọi là cô Thanh đã lặn lội trong Nam ngoài Bắc để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia, quyên góp tiền bạc mua sắm vũ khí cho nghĩa quân. Tại quê hương làng Sen, bà đã dành ngôi nhà của gia đình làm nơi trú ẩn, nuôi giấu Đội Quyên và Đội Phấn(1). Cuối năm 1910, trong lúc đang làm nhiệm vụ thì bà bị địch bắt. Chính quyền tay sai đã đánh đập tàn nhẫn, dùng đủ loại cực hình dã man nhưng bà vẫn không hề hé răng khai nửa lời. Không tìm được chứng cứ cụ thể, bọn chúng phải trả tự do cho bà. Năm 1911, sau khi ra tù, để che mắt địch, bà mở quán cơm tại Vinh. Bề ngoài đây là nơi làm ăn buôn bán, nhưng thực chất là cơ sở giao dịch, liên hệ với lính mua súng cho hội Duy Tân. Đêm 5/2/1918, bà phối hợp cùng ông Tú Nguyễn Kiên tổ chức cướp súng của lính khố xanh trong Thành Vinh. Việc trộm súng bị bại lộ, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã bắt giam, đánh bà 100 roi , kết án 9 năm tù giam và đày cách li Nghệ An. Tháng 9/1930, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bước vào cao trào, thực dân Pháp bổ nhiệm Phạm Bá Phổ làm Tổng đốc An Tĩnh nhằm trấn áp phong trào cách mạng ở xứ Nghệ. Làng Sen là một trong những địa điểm bị chú ý. Phạm Bá Phổ đã về tận làng để trấn áp những người cách mạng. Với lòng dũng cảm và lòng yêu mến quê hương tha thiết, bà đã lặn lội về quê tìm cách thuyết phục, can ngăn, buộc Phạm Bá Phổ không thực hiện được ý đồ. Bà Thanh là người đã khéo léo trong công tác vận động gia đình Phạm Bá Phổ, lôi kéo con trai Tổng đốc An Tĩnh đứng về phía cách mạng. Việc làm thầm lặng của bà Nguyễn Thị Thanh đã góp một phần không nhỏ giúp ngăn chặn bớt tổn thất đau thương cho cách mạng trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Tháng 3/1954, bà qua đời vì tuổi già sức yếu. Cuộc đời bà Nguyễn Thị Thanh là tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam về đạo đức, phẩm chất cao quý và tấm lòng yêu nước sâu sắc, xứng đáng với danh xưng mà nhân dân tôn sùng - Bạch Liên nữ sĩ, bông sen trắng ngát hương của làng Kim Liên.
Bên cạnh tấm gương của bà Trần Thị Trâm, Nguyễn Thị Thanh, tinh thần cách mạng, đức hy sinh vì việc nghĩa của chị em phụ nữ Nghệ An còn được thể hiện qua tấm gương và cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đặng Quỳnh Anh ở làng Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ An. Đặng Quỳnh Anh tên thật là Đặng Thị Ửu, sinh năm 1888 trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Tiếp nối truyền thống cha ông, bà tham gia cách mạng từ rất sớm trong vai trò là giao thông liên lạc của Việt Nam Quang phục hội của cụ Phan Bội Châu ở Thanh Chương. Đến năm 1913, sau khi cụ Đặng Thúc Hứa phát triển trại cày, trại anh em lên vùng Pắc-Nậm-Phô, Thái Lan với mục đích thu nhận, nuôi dạy con em những gia đình có chí hướng giải phóng dân tộc từ trong nước gửi ra, con em gia đình việt kiều yêu nước Lào, Xiêm gửi tới để các em biết tiếng Việt, biết lao động làm ăn và rèn giũa tinh thần yêu nước, bà Đặng Thị Ửu nhận nhiệm vụ liên lạc, quyên góp và mang theo số tiền ba vạn đồng tiền Đông dương sang cho Trại Cày. Sau hàng chục ngày trèo đèo cao, vượt suối sâu, len lỏi trong núi rừng, bà đã đến được đất Xiêm, trao tận tay số tiền quyên góp cho anh mình là Đặng Thúc Hứa. Sau một năm phụ giúp các công việc cấy lúa Trại cày, Đặng Thị Ửu được Ban phụ trách kết nạp vào đoàn thể cách mạng và đặt cho tên mới là Đặng Quỳnh Anh và thường được anh em trong Trại cày gọi với cái tên gần gũi “chị Nho, o Nho, bà Nho”. Với tư tưởng trường kỳ gian khổ, dựa vào nhân dân để làm cách mạng, “Thập niên sinh tụ, thập niên giáo hối” nghĩa là “Mười năm tập hợp lực lượng, mười năm giáo dục nhân dân”(2), Đặng Thúc Hứa đã phái Đặng Quỳnh Anh đi xây dựng thêm cơ sở Bản Đông, thuộc huyện Phichit, tỉnh Phitsanulock (nay là tỉnh Phichit, Thái Lan). Những năm 1922 – 1925, thanh nhiên yêu nước từ Việt Nam xuất dương sang Trung Quốc theo con đường qua Xiêm ngày một tăng. Cụ Đặng Thúc Hứa và Ban phụ trách còn có nhiệm vụ cắt cử những đồng sự thân tín đảm nhiệm việc đón đưa, lo nơi ăn, chốn ở, cấp lộ phí và dẫn đường cho những thanh niên yêu nước đó. Hiểu rõ tầm quan trọng trong công việc gây dựng cơ sở kinh tế của mình đối với phong trào cách mạng của đất nước, Đặng Quỳnh Anh đã không quản ngại gian khổ, tận tâm, tận lực để hoàn thành sứ mệnh. Trong cuốn hồi ký của mình, đồng chí nhớ lại: “… Chỉ một khoảng thời gian ngắn, các em đã ổn định ăn ở, học hành. Chúng tôi đã xây dựng được một cơ ngơi bề thế để nuôi nấng các em lâu dài vững chắc. Ruộng cấy lúa và số lợn gà, vịt… nhiều gấp mấy lần ở Pạc- Nặm- Pô. Mùa gặt không có nơi đựng thóc. Bấy giờ chúng tôi hằng mong ở trong nước gửi người sang nhiều hơn nữa…”(3) , “… Những năm 1922, 1923, thanh niên trong nước sáng Xiêm ngày một đông. Số thanh niên sang Thái đợt này còn có cậu Doãn và cậu Châu, cậu Hùng. Để bảo vệ cơ sở, lúc đầu anh chị em trong nước ra, anh Tú sắp xếp công việc cho anh chị em, tùy theo nghề nghiệp, sức khỏe của mỗi người mà giới thiệu đến các gia đình Việt kiều cùng ăn, ở, lao động… Qua một thời gian biết chắc chắn anh chị em là những người đi xuất dương với hoài bão cứu nước thì anh Tú lại đưa về cơ sở ở U – Đon… Sau một thời gian học tập ở U – Đon, anh chị em lên Bản Đông để nghiên cứu sách báo chính trị…”(4) Hoạt động tích cực của hội Việt kiều yêu nước Thái Lan nói chung và của bản thân Đặng Quỳnh Anh nói riêng đã kịp thời cung cấp tiền lộ phí và cử người liên lạc đưa thanh niên yêu nước ưu tú sang Trung Quốc. Trong số những thanh niên tiêu biểu xuất dương từ Trại cày qua Trung Quốc có thể kể đến những tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam sau này như: Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu… Ghi nhận những đóng góp của bà cho cách mạng Việt Nam trong hoạt động yêu nước, quá trình vận động thành lập Đảng, tháng 4/1934, Đặng Quỳnh Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1944, tình hình đấu tranh trong và ngoài nước phát triển nhanh, bà được phân công công tác phụ vận. Nhận nhiệm vụ, bước chân của bà đã đến khắp các địa phương có Việt kiều ở để vận động, xây dựng cơ sở Đoàn phụ nữ cứu quốc. Tháng 8/1945, bà là một trong hai đại biểu chính thức của Đảng bộ Việt Kiều ở Thái Lan dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Năm 1946, bà được bầu vào BCH Tổng hội Việt kiều ở Thái Lan. Cuộc đời hoạt động của bà là quá trình phát triển từ thanh niên theo con đường giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ yêu nước của các văn thân sỹ phu, dần chuyển sang đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin do giai cấp vô sản lãnh đạo. Bà Đặng Quỳnh Anh xứng đáng là một trong những tấm gương nữ chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của quê hương Nghệ An.
Tinh thần yêu nước, tự cường, độc lập dân tộc của chị em trong phong trào yêu nước, vận động thành lập Đảng còn thể hiện đậm nét trong những người nữ sinh ở các trường học. Khi phong trào yêu nước chống Pháp của các văn thân, sỹ phu yêu nước lần lượt bị đàn áp và dập tắt thì những hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở hải ngoại đã tạo ra bước ngoặt mới trong phong trào yêu nước ở Việt Nam: từ đấu tranh yêu nước dần chuyển sang đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp dưới ngọn cờ của học thuyết Mác – Lênin, do giai cấp vô sản lãnh đạo. Tiếp nối truyền thống yêu nước, phụ nữ Nghệ An ngay từ đầu đã tích cực tham gia cuộc vận động cách mạng theo “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Trong công tác tuyên truyền vận động này, Nguyễn Thị Minh Khai là một tấm gương tiêu biểu, có vai trò tích cực và quan trọng. Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 01/11/1910 (có tài liệu viết sinh ngày 30/9/1910) trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vịnh Yên, nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Sớm có tinh thần yêu nước, Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng bạn bè chuyền tay nhau bí mật đọc các tài liệu tiến bộ, hăng hái vận động chị em, bạn bè tham gia các hoạt động yêu nước như: đòi ân xá cho Phan Bội Châu, tổ chức để tang cụ Phan Chu Trinh… Năm 1925, chị tham gia hội Phục Việt. Đến năm 1927, nhờ sự giới thiệu của thầy Phan Kiêm Huy, chị được kết nạp vào hội Việt Nam cách mạng đồng chí ở Vinh, nhận nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh – Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Thanh Chương. Nhờ hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong giới phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vận động, kết nạp được thêm nhiều phụ nữ vào Việt Nam cách mạng đảng và trở thành những cán bộ nòng cốt, giữ các vị trí quan trọng của phong trào cách mạng của quê hương Nghệ Tĩnh như: Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Nhã... Số chị em sau khi được đồng chí Minh Khai giác ngộ lại tiếp tục tuyên truyền, vận động những chị em khác. Nhờ vậy, số chị em tham gia phong trào cách mạng ngày một gia tăng, phong trào đấu tranh của nữ công nhân Vinh - Bến Thủy ngày càng sôi nổi hơn. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Minh Khai đã được kết nạp vào Đảng, được bố trí ở một cơ quan bí mật tại Quán Lau, gần nhà máy xe lửa Trường Thi, phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện các đảng viên công nhân trong khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng. Mùa hè năm 1930, được sự tín nhiệm và giới thiệu của Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu sang hoạt động tại Văn phòng Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản ở Quảng Châu, Trung Quốc. Hoạt động cùng các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu…, đồng chí Minh Khai đã được bồi dưỡng nâng cao tư tưởng về lý luận chính trị và kinh nghiệm vận dụng lý luận vào thực tiễn hoạt động cách mạng, nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở đây. Tháng 9/1934, ghi nhận những hoạt động tích cực của đồng chí trong Ban chỉ huy của Đảng ở ngoài nước, Nguyễn Thị Minh Khai được cử tham gia Đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Chiều ngày 25/7/1935, Đại hội VII Quốc tế cộng sản chính thức khai mạc. Đồng chí Minh Khai đã đại diện cho phụ nữ Việt Nam đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương, phụ nữ Việt Nam trong thời đại lịch sử mới. Đây là lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế cộng sản, một phụ nữ phương Đông, đảng viên Đảng CS Việt Nam cất tiếng nói dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của bọn thực dân Pháp, tố cáo tội ác dã man của bọn cướp nước, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương, trong đó phụ nữ Việt Nam có đóng góp phần quan trọng. Cuối năm 1936, đồng chí trở về nước hoạt động. Năm 1937, đồng chí lấy bí danh là “Bảy Khai”, “Năm Bắc”, được bầu vào Xứ Ủy Nam Kỳ và là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới trong tình hình khó khăn, nguy hiểm, phải hoạt động bí mật, đồng chí đã vận dụng linh hoạt những lý luận cũng như kinh nghiệm hoạt động thực tiễn được tích lũy thời gian hoạt động ở nước ngoài để lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân, phụ nữ. Bên cạnh đó, đồng chí luôn bám cơ sở, mở nhiều lớp học bí mật để huấn luyện cán bộ, đấu tranh chống bọn Tờ rốt kít, các thế lực quốc gia cải lương. Đồng chí cũng viết nhiều bài báo, tham luận tuyên truyền vấn đề giải phóng phụ nữ, kêu gọi phụ nữ tham gia đấu tranh trên báo “Dân chúng” với bút danh Kim Anh… Anh chị em từ công nhân cho đến lực lượng trí thức khi làm việc với Minh Khai đều mến phục trình độ lý luận và khả năng lãnh đạo của đồng chí. Nhờ vậy mà phong trào cách mạng Sài Gòn– Chợ Lớn phát triển ngày càng mạnh mẽ. Ngày 30/7/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Ngã Sáu, Phủ Thống đốc Nam Kỳ đã kết tội “là kẻ chủ mưu trong các hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có việc tổ chức chiến dịch chống quân phiệt, chuẩn bị phong trào khởi nghĩa vũ trang và phá hoại…”(5). Không khuất phục được nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, người cộng sản trung kiên, ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… đi xử bắn tại Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn (Sài Gòn). Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là gương tiêu biểu của Phụ nữ Nghệ An trong phong trào yêu nước, vận động thành lập Đảng những năm đầu thế kỷ XX, là nữ chiến sỹ cộng sản của quê hương Nghệ An sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, xứng đáng để mọi thế hệ chiến sỹ noi theo.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất "nắng dập, mưa dồn", luôn đối mặt thời tiết khắc nghiệt cùng nạn ngoại xâm hoành hành, phụ nữ Nghệ An đã được tôi luyện đức tính: cần cù chịu khó trong lao động, lầm lỳ trong đau khổ, đoàn kết, nhân đức, thủy chung, giúp nhau trong hoạn nạn, gan góc trong đấu tranh. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, xin được nêu lên một số trong hàng trăm tấm gương tiêu biểu của Phụ nữ Nghệ An trong phong trào yêu nước, vận động thành lập Đảng những năm đầu thế kỷ XX. Những người mẹ, người vợ, người chị ấy luôn sẵn sàng chung vai đấu cật, hy sinh tình riêng, không ngại gian khó để lo toan việc nước, trở thành những tấm gương sáng góp phần làm rạng danh truyền thống quê hương Nghệ An.
Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT
Chú thích
(1) Hai thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp hoạt động ở các huyện nam Nghệ An và bắc Hà Tĩnh lúc bấy giờ
(2) Nghệ An Những tấm gương cộng sản tập 2, Nxb Nghệ An, tr.117
(3) Con người và con đường, Nxb Giao thông vận tải, 2011, tr.83
(4) Sđd; tr.120,121