Một số tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-05-04 02:14:20

Hiện nay, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ, trưng bày một số lượng tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của các vị tiền bối cách mạng, trong đó có một số tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phùng Chí Kiên – vị tướng đầu tiên của quân đội Nhân dân Việt Nam, cán bộ tiền bối xuất sắc của Đảng.

Đến với Nhà trưng bày thường trực của Bảo tàng, dừng chân tại phòng trưng bày số 2, khách tham quan sẽ được tìm hiều về những hiện vật quý giá gắn liền với quãng thời gian đồng chí Phùng Chí Kiên hoạt động ở quê nhà. Đó là chiếc mâm gỗ và hai đĩa sứ, gia đình đồng chí Phùng Chí Kiên đã sử dụng để phục vụ cơm nước tiếp các đồng chí như Võ Mai, Võ Kiều, Ngô Ban, Nguyễn Đình Xân… mỗi khi đến nhà bàn việc vận động thanh niên có tư tưởng tiến bộ trong làng, trong huyện xuất dương tìm đường cứu nước trong những năm 1925-1926 ở làng Diễn Quan, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu.

Hàng ngày chứng kiến bao cảnh đàn áp, bóc lột của thực dân, phong kiến đối với nhân dân, lại sớm được các đồng chí như Lê Hữu Lập, Hồ Thị Phơn (là những thành viên của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội) giác ngộ, chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Vỹ (Phùng Chí Kiên) đã bắt đầu những hoạt động yêu nước đầu tiên trên quê hương mình. Cùng với các đồng chí trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Nguyễn Vỹ đã tích cực vận động những thanh niên yêu nước tiến bộ tham gia vào nhóm đọc sách báo tiến bộ và quyên góp tiền ủng hộ cho những người xuất dương. Ngôi nhà của hai cụ thân sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên đã trở thành nơi lui trú và là cơ sở hoạt động của Hội. Tại đây, gia đình đồng chí Phùng Chí Kiên đã dùng những vật dụng giản dị vốn có trong nhà để phục vụ cơm nước cho các đồng chí vừa họp bàn, vừa cải trang che mắt địch. Chính nhờ những cơ sở cách mạng che chở, đùm bọc cán bộ hoạt động như gia đình đồng chí Phùng Chí Kiên mà trong khoảng thời gian từ năm 1925 đến 1926, hàng loạt thanh niên Diễn Châu đã được giác ngộ, vận động, bất chấp mọi khó khăn, thử thách, hăng hái xuất dương tìm đường cứu nước. Có khoảng 43 thanh niên của Diễn Châu đã được đưa ra nước ngoài hoạt động, trong đó 32 người được đưa sang Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan và 11 người được đưa sang Trung Quốc. Trong số 43 người xuất dương đó, nhiều người đã được dự lớp huấn luyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu và được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Một số đồng chí như Võ Kiều, Võ Đông, Trần Ban, Ngô Sĩ Ban, Nguyễn Đình Xân được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở của cộng đồng Việt kiều tại Xiêm. Một số đồng chí trở về trực tiếp xây dựng cơ sở ở quê hương. Trong số thanh niên xuất dương lúc bấy giờ, đồng chí Phùng Chí Kiên đã trở thành người hoạt động xuất sắc, cán bộ cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng, vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bên cạnh những hiện vật được trưng bày trang trọng để phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn sưu tầm, lưu giữ được một số tài liệu về hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên tại Trung Quốc, trong đó có sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa Trương Phước Đạt, Mạnh Văn Liễu (Phùng Chí Kiên) và Trần Văn Điêm đi Thượng Hải năm 1931 để sang Nga. Trong tài liệu tiếng Pháp của Trương Phước Đạt hiện đang lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có ghi:

“… Ngày 28, Nguyễn Ái Quốc đến gặp chúng tôi và ra lệnh cho chúng tôi đi Thượng Hải, tại đó sẽ gặp những đồng chí khác. Rồi đến lượt Lương đến cùng với một người tên Can ở phòng bên cạnh chúng tôi mà chúng tôi chưa gặp trước đó… Can (Mạnh Văn Liễu) sẽ là người bạn đồng hành cùng chúng tôi. Lương (Hồ Tùng Mậu) trao cho chúng tôi 3 vé đi Thượng Hải và 20$ cho tất cả mấy người. Can (Mạnh Văn Liễu) nói và thạo tiếng Tàu nên được nhận các chỉ thị và địa chỉ ở Thượng Hải.

Ngày hôm sau, Can (Mạnh Văn Liễu) dẫn chúng tôi lên một chiếc tàu đi Thượng Hải trong 5 ngày. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi lấy các tên do Nguyễn Ái Quốc đặt cho:

An: Trương Phước Đạt

Ban: Trần Văn Điêm

Can: Mạnh Văn Liễu

Tôi có cơ sở để nghĩ rằng 3 tên ấy bắt đầu bằng 3 chữ cái đầu  tiên đã được chọn có suy nghĩ để chỉ chúng tôi thuận tiện hơn trong những thư tín bí mật…”

Ngoài ra, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn sưu tầm, lưu giữ được một số hồ sơ của mật thám bằng tiếng Pháp, tiếng Nga khi theo dõi hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên. Một trong số đó là Thông tri mật số 1226/SG ngày 7/3/1934 của Marty Tổng nha mật thám gửi Chánh Liêm phóng và Mật thám Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ Cao Miên, Lào theo dõi hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên và Trần Văn Điêm khi sang Nga hoạt động năm 1932:

“… Bộ cho rằng các đại biểu Đông Dương dự phiên họp ấy đã đi thẳng từ Đông Dương hoặc từ Trung Quốc, hoặc từ Xiêm sang Nga mà không qua Pháp.

Tôi yêu cầu các ông qua những người đưa tin của mình mà thu thập tất cả các điều chỉ dẫn liên quan đến sự việc mà Bộ đã báo.

Theo chỗ Tổng nha Mật thám được biết thì những người An Nam vừa qua sang Nga là Mạnh Văn Liễu và Trần Văn Điêm chắc đã vượt biên giới Nga – Mãn Châu vào tháng tư 1932.”

Cuối năm 1934, đồng chí Phùng Chí Kiên đã từ Liên Xô trở về Trung Quốc tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương, cùng Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất tại Trung Quốc. Về hoạt động này, Bảo tàng còn sưu tầm được bức thư của đồng chí Phùng Chí Kiên gửi bà Vera Yakovlevna Vasilyeva – Trưởng phòng Đông Dương thuộc Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản (người có công giúp đỡ các nhà cách mạng Việt Nam khi bà có nhiều năm làm việc và giảng dạy tại trường Đại học Phương Đông) về hành trình của đồng chí và các nhà cách mạng Việt Nam khác từ Liên Xô về Trung Quốc và kế hoạch tiếp tục hoạt động cách mạng tại nước này. Trong thư có đoạn viết:

“…Sáng ngày 07 tháng 4, chúng tôi đã đến Bla….. Chúng tôi rất mệt vì quãng thời gian dài sống trên tàu nên Philip đã ngã bệnh do lạnh quá khi qua Siberie. Chúng tôi đã nghỉ lại ở đây một vài ngày sau khi chúng tôi thành công vượt qua biên giới khác…

Tôi sẽ đi một mình để tìm kiếm các đồng chí của chúng tôi, khi tôi tìm được họ, tôi sẽ gửi thư cho Philip, vì nếu một mình tôi có thể xoay xở một cách dễ dàng hơn. Nếu chúng tôi đi cả hai, mà một trong hai chúng tôi không biết tiếng, thì việc tìm kiếm sẽ khó hơn và nguy hiểm hơn. Và nơi đó là một thành phố nhỏ, mà có nhiều người Annam và gián điệp cũng không hiếm.

Vào thời điểm này Philip sẽ ở lại Thượng Hải để đợi cuộc gọi của tôi và Philip có thể mua sắm các vật liệu ở Thượng Hải cho công việc sau này của ông ấy, vì ở đó thành phố nhỏ và những vật liệu rất khó để mua.

Theo tôi, Long Châu là một thành phố rất nhỏ nằm ở ở biên giới, dân cư không nhiều và đường giao thông  không thuận lợi, nên tôi sẽ nghiên cứu các tình huống và chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí của mình về vấn đề này “hoặc là vận chuyển từ nới này đến nơi khác, hoặc vận chuyển trong cùng một đất nước, hoặc vận chuyển đến Hongkong” cái đó sẽ tốt hơn. Chúng tôi biết rằng ở Hongkong, cảnh sát chú ý hơn, nhưng …. và có kinh nghiệm trong quá khứ và tôi tin rằng công việc của chúng tôi sẽ không gặp nhiều khó khăn. Ở đây, giao tiếp thế giới bên ngoài tốt hơn nhiều so với ở Long Châu. Long Châu hầu như tách biệt tất cả mọi mặt và giao thương rất chậm, và đặc biệt với C.C…"

Qua một phần nội dung của bức thư, chúng ta có thể hình dung được chặng  đường khó khăn, nguy hiểm mà đồng chí Phùng Chí Kiên đã phải trải qua trên hành trình từ Liên Xô trở về Trung Quốc. Bức thư cũng thể hiện sự dũng cảm, linh hoạt trong quá trình hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên, đồng chí luôn nghiên cứu nắm rõ từng địa điểm dừng chân để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động.

Ngày 28/1/1941, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  và một số đồng chí khác trở về Pắc Bó, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay lập tức Chánh Liêm phóng Trung Kỳ L.Sogny đã gửi Chánh mật thám Trung Kỳ và Công sứ Pháp tại Vinh  một bức Thông tri mật số 1530C ngày 19/3/1941, trong đó đoạn viết:

“…Mạnh Văn Liễu và Lê Quốc Vọng chắc mới về Đông Dương gần đây. Tôi yêu cầu ông vui lòng cho người truy tìm tích cực các đương sự.

Ảnh của Mạnh Văn Liễu đã được đính theo thông tri qua bưu điện của tôi số 256 ngày 20/1/1939 gửi cho tất cả các Chánh Mật thám Trung Kỳ…”

Những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên hiện đang được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là những di sản quý giá, minh chứng cho những chặng đường hoạt động và đóng góp to lớn của đồng chí Phùng Chí Kiên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên là một tấm gương sáng về lòng thủy chung son sắt với sự nghiệp cách mạng, với nhân dân, về tinh thần dũng cảm ngoan cường, hy sinh vì nghĩa lớn. Đồng chí Phùng Chí Kiên xứng đáng là cán bộ tiền bối xuất sắc của Đảng, một tài năng quân sự kiệt xuất của Quân đội Nhân dân Việt Nam./.

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Video