Một số suy nghĩ nhỏ từ một cao trào vĩ đại Xô Viết Nghệ - Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-13 01:15:57

65 năm đã trôi qua kể từ khi Đảng ta đã tổ chức phát động và lãnh đạo cao trào cách mạng, một cuộc Tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Việt Nam; Cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931.

Thời gian càng lùi xa, những giá trị bền vững của sự kiện trọng đại này ngày càng có tác dụng sâu xa vào tiến trình của cách mạng Việt Nam. Các thế hệ Việt Nam ngày nay biết bao tự hào và biết ơn về các thế hệ cha ông đã làm nên sự kiện vĩ đại này và cũng vô cùng biết ơn vì những giá trị của nó đã trở thành truyền thống, thành giá trị văn hóa, trở thành một bộ phận sức mạnh bền vững của dân tộc nói chung và của quê hương Nghệ Tĩnh nói riêng.

Hôm nay, nhân cuộc Hội thảo khoa học trọng thể và đầy ý nghĩa này cho phép tôi phát biểu một số suy nghĩ về một số bài học từ cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh , một sự khởi đầu oanh liệt và vẻ vang của Đảng ta, của cách mạng Việt Nam.

1. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh trước hết là sự khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường đi của dân tộc Việt Nam.

Năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân ta từ Nam chí Bắc với truyền thống anh dũng quật cường đã vùng dậy chống Pháp. Từ các cuộc khởi nghĩa của các nghĩa sĩ Nam Bộ đến phong trào Cần Vương ở Trung Bộ và Bắc Bộ như Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Quang Bích v. v… tất cả các cuộc khởi nghĩa này đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Từ những thất bại này, dân tộc ta lại khảo nghiệm con đường khác để cứu nước, cứu dân. Các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã khảo nghiệm con đường cầu viện Nhật và đòi Pháp cải lương nhưng cuối cùng đều không đạt kết quả mong muốn. Cụ Phan Bội Châu đã viết: “Lịch sử đời tôi là lịch sử hoàn toàn thất bại”.

Có thể nói rằng giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đến những năm 20 của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối. Tình hình đen tối như không có lối ra.

Với lòng yêu nước nồng nàn và thiên tài trí tuệ, Bác Hồ kính yêu đã tổng kết được những nguyên nhân thất bại của các con đường cứu nước của các bậc tiền bối và Bác đã có quyết định lịch sử xuất dương đi tìm đường cứu nước.

Thông qua quá trình bôn ba khắp năm châu, tham gia hoạt động cách mạng và cuối cùng lịch sử cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc đã chứng kiến một cuộc gặp gỡ kì diệu giữa chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Lênin. Từ cuộc gặp gỡ lịch sử này, Bác đã tìm ra cho con đường cách mạng Việt Nam con đường duy nhất đúng đắn: Đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn chặt với chủ nghĩa xã hội, nhằm mục tiêu: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội mang lại tự do, ấm no hạnh phúc cho mọi con người.

Sau khi tìm được con đường, xác định mục tiêu đúng đắn của cách mạng Việt Nam, Bác đã dày công truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyên truyền giáo dục, đào tạo cán bộ, đẩy mạnh chỉ đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam và cuối cùng đã tạo nên sự chín muồi giữa những nhân tố cấu thành Đảng cộng sản Việt Nam: sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi mới ra đời, Trung ương Đảng và các Xứ ủy đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng và đã tạo nên một cao trào cách mạng sục sôi trong cả nước, cao trào 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh.

Lịch sử cách mạng đã khẳng định Xô Viết Nghệ - Tĩnh là sự khởi đầu oanh liệt, hào hùng và vẻ vang của Đảng ta, là sự khẳng định đúng đắn con đường cách mạng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Từ Xô Viết Nghệ - Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu của con đường đã lựa chọn.

- Với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, nhân dân ta đã thiết lập được nền độc lập dân tộc, đặt những nền móng đầu tiên cho việc xây dựng một chế độ hoàn toàn mới: Chế độ nhân dân lao động làm chủ.

- Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thu giang sơn về một mối đưa cả nước đi vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Với thắng lợi của 9 năm đổi mới, nhân dân cả nước ta đã căn bản hoàn thành những nhiệm vụ của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ và bước vào giai đoạn phát triển mới: Giai đoạn đẩy mạnh nông nghiệp hóa, hiện đại hóa, để biến nước ta thành nước công nghiệp, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đây là thời kỳ đại phục hưng dân tộc, thời kỳ mọi người dân Việt Nam có thời cơ và vận hội để biến những lý tưởng, mục tiêu của các chiến sỹ Xô Viết Nghệ - Tĩnh thành hiện thực sinh động trên toàn bộ Tổ quốc ta.

2. Cao trào 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau bài học vô giá về xây dựng và tạo động lực, tạo sức mạnh tổng hợp cho phong trào cách mạng.

Vì sao Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân vùng dậy tiến hành cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang oanh liệt, rung trời chuyển đất giành chính quyền về tay công-nông trong một vùng rộng lớn. Đó chính là bài học về đường lối, chủ trương, khẩu hiệu của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Trung Kỳ về đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành ruộng đất cho nông dân, nhà máy về tay công nhân đã đáp ứng được đúng khát vọng vừa cơ bản, vừa cấp bách của các tầng lớp nhân dân.

Quả thật lịch sử không phải cái gì khác, gồm các sự kiện và quá trình phản ánh con người theo đuổi những lợi ích của mình, kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng bao giờ nhân dân lao động cũng chỉ thông qua sự cảm nhận những lợi ích của mình trong các chủ trương chính sách cụ thể mà hành động, chính Đảng ta ngay từ bước khởi đầu này, thông qua các khẩu hiệu giành độc lập thoát khỏi ách nô lệ, giành ruộng đất, nhà máy về tay công-nông đều thực hiện những quyền dân sinh, dân chủ cơ bản đầu tiên.

Đảng ta đã giúp cho công nông cảm nhận đựoc những lợi ích cơ bản và cấp bách của mình qua các chủ trương đúng đắn đó. Động lực cách mạng đã được khơi dậy và phát triển từ đây.

Ngày nay thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta nhằm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vấn đề hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế để hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ cho sự nghiệp đổi mới.

Đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh đã đáp ứng đúng nguyện vọng cơ bản và cấp thiết của mọi con người Việt Nam. Đó là cơ sở tạo động lực.

Vấn đề đặt ra là hình thành và hoàn thiện cho được chủ trương, chính sách, cơ chế nào để thực sự gắn lợi ích vật chất và tinh thần với mọi tầng lớp, với mỗi con người thì động lực sẽ được phát động.

Do đó việc hình thành chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nay đến năm 2020 của cả đất nước, của từng địa phương và đơn vị nhằm chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý từ sử dụng lao động thủ công là chính. Song sử dụng lao động vốn, phương tiện, công cụ và phương pháp hiện đại, tạo nên năng suất lao động xã hội cao. Gắn liền với quá trình này, nghĩa là gắn liền với quá trình tăng trưởng kinh tế phải có chiến lược, có chính sách, có cơ chế, có chương trình là để từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu: Xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng, đùm bọc thương yêu những người bất hạnh (hàng chục vạn trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, 4 triệu người tàn tật), xóa bất công, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi với miền xuôi.

Với sự gắn bó giữa chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa với chiến lược phát triển xã hội, chiến lược con người cho phép chúng ta nghĩ tới những nét lớn tiến trình của chặng đường 1995-2020.

1995: Bình quân GDP đầu người 250USD, nước ta còn khoảng 20% hộ nghèo, thiếu đói.

Năm 2000: Với bình quân 450-500 USD. Số hộ đói nghèo còn khoảng 10%.

Năm 2010: Với bình quân 1000-1500 USD, nước ta cơ bản xóa đói nghèo.

Năm 2020: Với bình quân đầu người 3000-4000 USD nước ta bước đầu thực hiện được tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ và khát vọng cháy bỏng của các chiến sĩ Xô Viết Nghệ - Tĩnh:

- Giữ vững nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đưa nước ta bước vào danh sách các quốc gia công nghiệp.

- Mọi người Việt Nam ai cũng có cơm ăn, ăn đủ đến ăn ngon; ai cũng có áo mặc, mặc ấm đến mặc đẹp.

Ai cũng có nhà ở, ở đủ đến khang trang.

Ai cũng được đi học và không ngừng nâng cao dân trí từ xóa mù chữ đến phổ cập cấp I, rồi phổ cập cấp II, cấp III vào năm 2020!

Ai có bệnh đều được chữa trị chu đáo.

Mọi người Việt Nam sống với nhau nhân ái, hạnh phúc.

Có nhà tư tưởng lớn đã nói: biết nhìn lại phía sau là cách tốt nhất để tiến lên phía trước.

Hành trang của dân tộc ta bước vào chặng đường thứ hai của sự phát triển, bên cạnh những thành tựu vĩ đại của 50 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn có những bài học lịch sử vô giá đã trở thành giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Càng hiểu sâu sắc bao nhiêu về hành trang của mình, chúng ta càng có khả năng to lớn để tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh với sức mạnh tổng hợp vĩ đại.

Với tinh thần này, cho phép tôi kính chúc Đảng bộ và nhân dân Nghệ An – Hà Tĩnh ngày càng phát huy mạnh mẽ những truyền thống vô giá của Xô Viết Nghệ - Tĩnh để thực hiện thắng lợi chương trình kinh tế, xã hội của tỉnh nhà trong chặng đường mới.

Kính chúc Nghệ An – Hà Tĩnh nhanh chóng trở thành tỉnh giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng an ninh, mọi người dân của quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh đều được ấm no, tự do, hạnh phúc.

Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ trở thành tấm gương cho cả nước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

PTS. Đào Duy Quát
(Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu
Mác-Lênin và tưởng Hồ Chí Minh)

Video