Một số suy nghĩ bước đầu qua việc khai thác tư liệu lưu trữ tại Bộ Nội vụ về Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-12 03:08:34

Sau thất bại ở chiến trường Điện Biên Phủ, cùng với việc rút quân, thực dân Pháp đã đem theo phần lớn hồ sơ lưu trữ trong những năm tháng ở Việt Nam về nước. Song chúng ta cũng đã tiếp quản được không ít tư liệu của chúng qua các Sở Mật thám Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Được sự giúp đỡ của Tổng cục I- Bộ Nội vụ, chúng tôi đã khai thác được một số tư liệu liên quan đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, phục vụ trực tiếp cho công tác nghiên cứu khoa học và chính lý trưng bày năm 1995. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy nổi bật hai vấn đề có thể góp phần làm sáng tỏ đôi điều về trang sử Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

I. Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 

Nằm trong khối tài liệu mật thám Pháp(ký hiệu SMT) là hàng ngàn trang công văn, điện khẩn, công điện, điện mật, truyền đơn... viết về phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh từ khi có các tổ chức yêu nước năm 1924 đến 1945, sự hình thành các tổ chức cơ sở Đảng, nguyên nhân ra đời và diễn biến của các cuộc đấu tranh đều được mật thám Pháp ghi lại một cách cụ thể. 

1. Hoạt động của các tổ chức Đảng 

a. Tổ chức Đảng: 

Vào những năm 1925-1926, tổ chức Tân Việt và Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã có cơ sở khá rộng ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Tổng bộ Tân Việt và Kỳ bộ Thanh niên đóng ở thành phố Vinh -Bến Thuỷ. Trong báo cáo số 992-CS của Louis Marty ngày 1/9/1929 gửi khâm sứ Trung Kỳ đã nói rõ quá trình hình thành và chuyển hoá của tổ chức Tân Việt, Điều lệ Đảng Tân Việt, khả năng thu phục quần chúng cao, cho nên số thanh niên theo tổ chức này ngày càng đông.
Trong tập báo cáo của mật thám Pháp có hai sơ đồ hoạt động của tổ chức Đảng cộng sản tỉnh Hà Tĩnh. Sơ đồ do đồng chí Trần Hoặc (tức Húc, Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh) vẽ bằng mực tím. Qua sơ đồ chúng ta thấy tổ chức Đảng ngày càng được kiện toàn. Hệ thống tổ chức Đảng và quần chúng được xây dựng từ chi bộ đến huyện bộ, tỉnh bộ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Trung Kỳ. 

Sơ đồ số 1: Trước khi lập Ban Thường vụ (từ 5/1930 đến 1/1931): Tổ chức Đảng đơn giản từ tỉnh xuống chi bộ gồm: 1 đồng chí Bí thư, 1phó Bí thư, tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban huấn luyện, tiểu ban quần chúng. Đồng chí Bí thư kiêm kiểm soát. Tổ chức Nông hội có từ tiểu tổ đến chấp hành xã, huyện bộ, tỉnh bộ gồm: một đồng chí Bí thư, một phó bí thư, tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban huấn luyện và tiểu ban thanh niên. Tổ chức thanh niên đặt chung trong tổ chức Nông hội. Những cán bộ làm giao thông chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư và phó Bí thư. 

Sơ đồ số 2: Sau khi thành lập Ban Thường vụ (từ 1/1931 đến tháng 4/1931). Thời gian này tổ chức Đảng được củng cố hơn. Tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh đã lập Ban Thường vụ gồm: Bí thư, phụ trách tuyên truyền, quần chhúng. Ngoài ra còn có cán bộ phụ trách: Ban chuyên môn, ban Quân uỷ, ban Tuyên truyền huấn luyện; ban ấn hành; Ban Công nông vận. Cơ cấu của Thường vụ huyện bộ, tổng bộ cũng đầy đủ chức danh như Thường vụ tỉnh Đảng bộ. 

Đoàn Thanh niên đã tách ra khỏi tổ chức Nông hội. Đoàn có hệ thống tổ chức từ chi bộ đến Tỉnh bộ và cũng có Ban Thường vụ để chỉ đạo thanh niên được cụ thể hơn 

Tổ chức Nông hội từ xã bộ đến Tỉnh bộ và Ban Thường vụ gồm: Bí thư; phụ trách tổ chức; phụ trách tuyên truyền.
Như vậy tổ chức Đảng được kiện toàn hơn phù hợp với sự phát triển của phong đào đấu tranh đang lên cao của nhân dân Hà Tĩnh.Chính quyền Xô Viết ra đời ở nhiều làng xã. Tổ chức tự vệ phát triển để bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân và thành quả của Xô Viết đã thu được. 

b. Vấn đề Thanh Đảng: 

Đây là một vấn đề đòi hỏi phải khách quan về công tác nghiên cứu lịch sử, phải hiểu rõ để từ đó rút ra một bài học trong công tác xây dựng Đảng. Văn bản cụ thể về “ Chỉ thị Thanh Đảng” không có bản gốc lưu trữ. Nhưng bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn lưu giữ bản gốc: báo cáo của Paul Hum bert(Chánh cảnh sát đặc biệt Trung Kỳ) ngày 14/10/1931 với tiêu đề “ Hoạt động của Sở Liêm phóng Hà Tĩnh từ quý 3 năm 1931” có đoạn viết: “Không kể những thành viên của Đảng Cộng sản, họ đã hy sinh tất cả của cải của mình, không kể những người trí thức, những người học sinh...Họ đã liều tính mạng của mình cho sự nghiệp cách mạng, có lệnh đưa ra khỏi Đảng Cộng sản những thành viên thuộc giai cấp đặc quyền, họ có thể dễ dàng quay lưng khi có sự đàn áp. Hậu quả của sự thanh lọc đó đã là sự tai hại nhất cho sự tiến triển của phong trào cộng sản. Nó đã xảy ra vào lúc Đảng Cộng sản thấy động chạm đến người lãnh đạo của mình.Những người này có học vấn và phần lớn thuộc giai cấp đặc quyền. Họ đã bị bỏ rơi bởi Đảng mà vì Đảng họ đã chiến đấu. Thế mà đấy là những người duy nhất có thể điều khiển con thuyền cách mạng. Họ không có thể thay thể được bởi những kẻ tuyên truyền hoàn toàn tận tuỵ nhưng bất lực về việc đưa ra những chỉ thị cho phong trào đang suy thoái” 

Cũng thông qua biên bản hỏi cung Phan Sỹ Liên của Sở Liêm phóng ngày 17/11/1931, chúng ta hiểu thêm về vấn đề “Thanh Đảng”: Vào cuối năm 1930, thiếu uý trưởng đồn Thanh Quả đến nhà bắt tôi... Tôi trốn trong núi trước Võ Liệt...Tôi ở đấy đến đầu năm thì bí thư chi bộ Yên Trường đến nói với tôi rằng có lệnh của Đảng cấm những người giàu và trí thức không được hoạt động và do đó tôi không còn thuộc chi bộ của anh ta nữa”. 

Như vậy thông qua hồi ký, biên bản hỏi cung và tài liệu mật thám Pháp “chỉ thị thanh Đảng” của Xứ uỷ Trung Kỳ đã thực hiện xuống tận cơ sở. Song đến mức độ nào và tác hại đến sự phát triển của phong trào cách mạng như thế nào? Đó là vấn đề chúng ta phải nghiên cứu để rút bài học bổ ích cho công tác xây dựng Đảng. 

Trên thực tế, chủ trương thanh Đảng của Xứ uỷ Trung Kỳ đã được Trung ương ra chỉ thị uốn nắn sửa chữa vào ngày 20/5/1931, Trung ương đã chỉ thị cho các cấp bộ phải đứng ra tự chỉ trích trước đảng viên 

c. Hoạt động của Đảng Cộng sản trong các nhà tù: 

Mặc dù bị bắt giam trong các nhà lao tỉnh, huyện hoặc các đồn bốt; song vai trò tiên phong của các chiến sỹ cộng sản vẫn phát huy cao độ. Trong lao tù, các đảng viên vẫn tổ chức in truyền đơn, sách báo ..để truyền tin tức, kêu gọi đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Họ dùng nhà tù làm trường học cách mạng; người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ( có đồng chí lúc vào tù chưa biết chữ, lúc ra tù thông thạo quốc ngữ và biết ít nhiều tiếng Pháp). 

Công điện số 1955 của Châtel(khâm sứ Trung Kỳ) ngày 2/11/1931 gửi cố vấn Viện Cơ mật: “Đảng cộng sản tiến hành một cuộc tuyên truyền tích cực với các người tù chính trị bị giam trong các nhà tù Trung Kỳ và với các người canh tù ấy nữa” 

Báo cáo của Sogny, Chánh cơ quan cảnh sát Trung Kỳ ngày 25/4/1933: “Ngày 13 vừa qua, có những tài liệu cộng sản đã được tìm thấy trên người của một tù nhân được mang thức ăn trong các xà lim nhà lao Vinh...hai tài liệu khác nhan đề là “Kinh nghiệm” và “ Đường lối cách mạng Đông Dương” tác phẩm của đồng chí Nguyễn Lập tức Đông...Các tài liệu ấy chắn chắn đã luân chuyển từ phòng này sang phòng khác và được đồng chí trưởng nhóm bình luận”. 

Việc in ấn tài liệu của Đảng hết sức bí mật ở trong các nhà tù, Những chiến sỹ cách mạng người Nghệ Tĩnh cho dù bị giam ở nhà lao nào cũng tìm mọi cách phát huy được truyền thống đấu tranh cách mạng của mình. Bản sơ đồ nơi cất dấu dụng cụ ấn loát của tù nhân Hà Tĩnh bị giam ở lao Quảng Bình đã cho chúng ta thấy rõ điều đó(theo báo cáo của quản ngục lao Quảng Bình tháng 12/1934). Trong lao tù các chiến sỹ cách mạng tổ chức đấu tranh chống chế độ hà khắc của địch với nhiều hình thức: làm reo, tuyệt thực... mà cũng chỉ có người Nghệ Tĩnh mới có tinh thần như vậy. 

Chính thực dân Pháp cũng phải thừa nhận điều đó trong báo cáo của chánh quản nhà lao Thanh Hoá gửi Công sứ Pháp ở Thanh Hoá ngày 10/6: “ Ngày 9/6, 70 tù nhân đi làm cỏ vê (lao dịch) thì có 35 người khước từ ăn uống...ngay từ tháng trước 20 tù nhân Vinh phái lên Bái Thượng đã khước từ ăn uống, lấy cớ rằng đã lao động sau giờ quy định và vì họ quá mệt...không thể chấp nhận được rằng vì một lý do nào đó mà phạm nhân lại tuyệt thực. Cần lưu ý rằng chỉ những phạm nhân Vinh mới sử dụng cách này, còn các phạm nhân Thanh Hoá thì thấy khẩu phần của họ đầy đủ... E rằng những cung cách này về sau sẽ lan ra toàn nhà lao. Tôi xin ngài có biện pháp trừng trị 35 phạm nhân có tên trên danh sách kèm theo và đặc biệt là đối với những tên cầm đầu” 

Biện pháp tuyệt thực chống lại chế độ lao tù ngày càng phát triển mạnh. Theo công điện số 4828 C của Chánh mật thám Trung Kỳ gửi Tổng An Ninh Hà Nội ngày 4/6/1942: “ Tuyệt thực của đa số tù chính trị nhà lao Vinh với số lượng 224 người đã bắt đầu từ ngày 29/5 kết thúc vào ngày 3/6. Yêu sách một số tự do và dễ dàng để liên lạc với bên ngoài là động cơ của tuyệt thực”. 

2. Phong trào đấu tranh ở Hải ngoại

Thông qua báo cáo, công điện của mật thám Pháp, chúng tôi đã sao chụp được tư liệu về hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam ở Hải ngoại. Các tổ chức Đảng được xây dựng ở Uđon, Ma khèng...; các cuộc đấu tranh rải truyền đơn chống Pháp được nhân dân ủng hộ. Hoạt động của Uỷ ban Trung uơng Đảng cộng san ở Hải ngoại (Thái Lan, Lào, Trung Quốc...) được viết cụ thể trong hồ sơ Trần Văn Chấn. Tổ chức này hoạt động quy củ, kỷ luật chặt chẽ, hình thức đấu tranh phong phú. Số đảng viên ở Hải ngoại phần đa là người Nghệ Tĩnh, họ đã vượt đường ra ngoài sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội. 

II. Âm mưu của thực dân Pháp và chủ trương chống khủng bố của Đảng 

1. Âm mưu của thực dân Pháp 

Để đối phó với phong trào đấu tranh cách mạng ngày càng lên cao của nhân dân Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã dùng nhiều biện pháp phá hoại phong trào. Đối với tù nhân chính trị, chính phủ Nam triều đã ra chỉ dụ quy định chế độ lao tù ở Trung Kỳ: “ Dụ số 10 ngày 30/4/1934 về chế độ nhà tù ở Trung Kỳ đã quy định rằng quản đốc trại giam cải tạo có thể với sự chuẩn y của quan Công sứ, tuyên phạt giam vào xà lim liên tục trong tối đa thời gian 3 tháng ...Đặc biệt lưu ý rằng sự xoá bỏ mọi biện pháp khoan hồng hoặc trong thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn đều phải được đề nghị lên Bộ Hình thông báo cho tỉnh sau khi được quan Khâm sứ chuẩn y” 

Ngoài ra thực dân Pháp còn dùng biện pháp cài mật thám vào các phòng giam tù chính trị nhằm chia rẽ, phá hoại phong trào đấu tranh trong tù. Công văn mật số 3 S.S ngày 4/1/1932 của Chánh mật thám và cảnh sát Trung Kỳ gửi mật thám Vinh, Thanh Hoá, Hà Tĩnh... đã chỉ thị: “ Để làm hài lòng ban giám đốc Tổng Nha Liêm Phóng, tôi yêu cầu các ông để mình hoàn toàn thuộc quyền các vị thủ hiến tỉnh để cùng với sự đồng ý của các vị ấy và sự cộng tác với các quan tỉnh, tổ chức một cuộc theo dõi chặt chẽ trong các nhà tù bằng cách dùng các “tù giả”. Nếu cần thì cũng phải tiến hành sự theo dõi như thế trong các nhà giam phủ và huyện”. 

Điện của Khâm sứ Trung Kỳ ngày 12/12/1940 gửi công sứ Pháp và Đốc lý ở Trung Kỳ: “Điều quan trọng là không nên phân tán các lao dịch của tù nhân, mà ngược lại phải nhóm chúng lại thành những lao dịch đông đảo, có khoảng chục lính mang súng nạp đạn sẵn, có một cai đội chỉ huy. Những lao dịch “cỏ vê” ấy phải được các cai đội người Pháp đến thăm luôn và bất ngờ. Trường hợp các ông thực sự buộc phải dùng các lao dịch không có đủ điều kiện trên, thì hãy chọn những phạm nhân tội nhẹ, không có óc bướng bỉnh, và cho đám lính giữ không có khí giới chỉ mang dùi cui cao su, nhưng việc dùng tù nhân vào những lao dịch nhỏ chỉ là một ngoại lệ...” 

2. Chủ trương chống khủng bố của Đảng 

Để chống lại chủ trương khủng bố, phá hoại phong trào cách mạng của thực dân Pháp, Đảng cộng sản Việt Nam phát động phong trào đấu tranh trong cả nước ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ. Đảng cộng sản Pháp in truyền đơn kêu gọi nhân dân yêu chuộng Pháp xuống đường biểu tình ủng hộ phong trào cách mạng ở Đông Dương.

Ở nghệ Tĩnh sau khi các Xô Viết tại các làng xã được thành lập, các toà án cách mạng ra đời. Toà án xét xử bọn mật thám, và những phần tử phản cách mạng phá hoại phong trào. Những tư liệu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng đã khẳng định: việc trừng trị những tên tay sai của thực dân Pháp không phải là khủng bố cá nhân, manh động...như: Tuyên cáo xử tên phó lý Quỳ làng Yên Tràng xã Lai Thạch huyện Can Lộc: “Là một người rất độc ác...làm lãnh tụ đảng du côn. Nên toà án cách mạng bất đắc dĩ phải kết án tử hình và giao cho bản án thi hành ngày mồng 2 tháng 11. Vậy những người có tính xấu ấy hẩy noi gương đó mà sớm biết hồi đầu cải quá, thì toà án cách mạng sẽ lấy nhân đạo mà dung thứ cho, nhược bằng nghề nào thói ấy, thì dẫu cao bay mấy, cái viên đạn công lý này cũng tìm thấy”.

Theo báo cáo Chính trị quý 3 năm 1931 của Công sứ Bernay tại Hà Tĩnh có 63 người gồm lý trưởng, chánh tổng, phu đoàn bị ám sát; và ở Nghệ An qua thực tế khai thác hồ sơ cho thấy nhiều người bị bắt và bị tăng án tù do tội ám sát bọn mật thám. 

3. Hồ sơ những người hoạt động cách mạng bị bắt 

Trong quá trình khai thác, chúng tôi đã sao chụp được hồ sơ của những người hoạt động yêu nước và cách mạng bị bắt từ năm 1925-1945. Qua đó góp phần xác minh hoạt động của những người tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp bị bắt giam; giúp Ban tổ chức các tỉnh uỷ tư liệu xét truy tặng Huân Huy chương các cấp; thực hiện chế độ chính sách với người có công với nước. Đồng thời những tư liệu đó đã bổ sung xây dựng lịch sử Đảng bộ các địa phương. Với khối hồ sơ cá nhân hơn 8.000 bộ, trong đó có 3.000 bộ có ảnh chân dung. Số ảnh chân dung này đã giúp bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh bổ sung chỉnh lý nội dung trưng bày. Đồng thời giúp cho các gia đình cách mạng tìm được chân dung thân nhân của mình. Con cháu của họ rất tự hào về những đóng góp của cha ông trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sẽ noi gương tốt truyền thống của thế hệ đi trước. 

Hồ sơ cá nhân cũng làm sáng tỏ một số vấn đề về lịch sử cá nhân của một số người tham gia hoạt động cách mạng, sau khi bị bắt giam trong nhà tù đế quốc đã không giữ vững tinh thần làm ảnh hưởng đến tổ chức Đảng. 

Là cơ quan nghiên cứu và phát huy truyền thống về Xô Viết Nghệ Tĩnh cho nên mỗi nhân vật, sự kiện được đưa ra đòi hỏi tính chính xác, khoa học và có tính thuyết phục.

Lê Thị Hạnh Phúc
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video