Một số nữ chiến sỹ ưu tú trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-10-19 09:20:23

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, biết bao người phụ nữ đã anh dũng ngã xuống viết nên huyền thoại về lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đặc biệt trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, theo tiếng gọi của Đảng, hàng ngàn chị em đã đứng lên kề vai sát cánh cùng chồng con, giơ cao nắm tay bất khất góp phần to lớn vào những thắng lợi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh – đỉnh cao của thời kì cách mạng năm 1930 -1931.

Ngay sau khi vừa mới ra đời, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng ta sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho họ. Hội phụ nữ giải phóng (tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày nay) được hình thành, đã thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, có 6.066 chị ở Nghệ An và 6.880 chị ở Hà Tĩnh tham gia Phụ nữ Giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Chị em không chỉ tích cực trong công tác vận động quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh; tham gia in ấn tài liệu, rải truyền đơn; may cờ Đảng mà còn xông xáo, dũng cảm dẫn đầu các đoàn biểu tình; nuôi dấu, bảo vệ các cơ sở và cán bộ Đảng. Được tôi luyện, thử thách trong cao trào đấu tranh cách mạng nhiều chị em đã trưởng thành, được nhân dân tin yêu, tổ chức Đảng tín nhiệm giao những trọng trách quan trọng, chỉ đạo phong trào ở các tỉnh, huyện. Họ chính là những hạt giống Đỏ của Đảng, được nảy mầm từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trở thành ngọn cờ đi đầu trong các cuộc đấu tranh cách mạng sau này.

Ảnh: Một góc xã Phù Lưu Thượng (Hồng Lộc, Lộc Hà) ngày nay, nơi diễn ra những cuộc đấu tranh sôi nổi của nhân dân Can Lộc trong những năm 1930-1931

Liệt sỹ Phạm Thị Dung sinh năm 1910 ở thôn Trung Hòa, xã Phù Lưu Thượng (nay là thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 4/1930, khi Chi bộ Kẻ Lù được thành lập, chị được kết nạp Đảng và được tổ chức bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ giải phóng. Kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Huyện uỷ Can Lộc quyết định tổ chức một cuộc biểu tình với qui mô lớn vào ngày 7/11/1930 (trước ngày cưới của chị 1 ngày). Kế hoạch của tổ chức không thể trì hoãn, chị Phạm Thị Dung đã chấp nhận hi sinh niềm vui, hạnh phúc riêng vì việc chung, thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó. Suốt mấy ngày liền không nghỉ, chị đi qua từng xóm, từng tổ, kiểm tra thật tỷ mỷ mọi công việc, ai cầm cờ, ai cầm khẩu hiệu, ai đánh trống, gõ mõ … Theo kế hoạch, sáng ngày 7/11, chị dẫn đầu đoàn biểu tình hàng người với lá cờ đỏ phấp phới trên tay, khí thế rầm rập tiến lên như nước vỡ bờ kéo về phủ lỵ đưa yêu sách. Khi đoàn biểu tình đến gần cầu Nghèn, bọn lính khố xanh trong đồn hốt hoảng nổ súng, một số người đã bị trúng đạn. Chị Phạm Thị Dung vẫn bình tĩnh thét lên “hãy giữ vững hàng ngũ”. Một tiếng súng nổ, chị ngã xuống, tay vẫn cầm chắc cán cờ và miệng vẫn còn hô thêm “anh chị em hãy bình tĩnh tiến lên”. Sau khi trúng đạn, chị bị địch bắt đưa về Nhà lao Hà Tĩnh. Trong thời gian trị thương, trước sự tra tấn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù, chị Dung đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa chớm 20 khi bao ước mơ, dự định còn chưa kịp thực hiện, hạnh phúc đang chờ đón. Dẫu vậy, hình ảnh của chị vẫn còn sống mãi trong lịch sử dân tộc, ngọn cờ búa liềm trên tay chị vẫn như vẫy gọi đoàn người tiếp bước và trở thành ngọn đuốc soi đường, thôi thúc các thế hệ mai sau viết tiếp những trang sử vàng vẻ vang của Đảng.

Ảnh: Đc Nguyễn Thị Nghĩa (1909-1931) quê ở huyện Ân THi, tỉnh Hưng Yên, Cán bộ giao thông liên lạc của Xứ Uỷ Trung Kỳ

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - tấm gương cộng sản kiên trung, nữ chiến sĩ giao thông liên lạc xuất sắc của Xứ ủy Trung Kỳ. Nguyễn Thị Nghĩa tên thật là Nguyễn Thị Hẹn, sinh năm 1909 tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1929, khi chỉ mới 20 tuổi, chị gia nhập vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và tích cực tham gia phong trào “vô sản hóa”. Chị xin làm công nhân ở nhà máy bát Hải Phòng, nhà máy gạch Năm Giệm - Hà Nội. Những ngày sống và làm việc với công nhân trong các nhà máy, chị tích cực tuyên truyền cách mạng, khơi gợi lòng yêu nước và ý thức giải phóng dân tộc; trao đổi với chị em nỗi khổ cực của người phụ nữ sống dưới chế độ thực dân phong kiến; lãnh đạo anh chị em công nhân đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập cúp phạt... Năm 1930, Nguyễn Thị Nghĩa vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và được tổ chức phân công vào Nghệ Tĩnh, trực tiếp hoạt động trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy để tuyên truyền vận động công nhân. Ở đây, chị thường xuyên đi sát, vận động anh em công nhân ủng hộ phong trào đấu tranh của nông dân các huyện Nam Đàn, Đô Lương; kịp thời phổ biến những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng cho họ. Năm 1931, Nguyễn Thị Nghĩa được giao làm giao thông liên lạc đặc biệt giữa Trung ương và Xứ ủy Trung Kỳ, cụ thể là tuyến Vinh - Hà Nội. Đây là công việc hết sức nguy hiểm đòi hỏi phải mưu trí, sáng tạo và dũng cảm. Nhằm vượt qua sự theo dõi gắt gao của địch, đưa tài liệu bí mật đến nơi an toàn cho các tổ chức Đảng, Nguyễn Thị Nghĩa đã cải trang với nhiều hình thức linh hoạt. Có lần, chị đóng giả làm vợ lẽ của đồng chí Lê Doãn Sửu (Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nghệ An). Trong một chuyến đi công tác, chị bị địch bắt và giam cầm tại xà lim Nhà lao Vinh. Tại đây, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn mánh khỏe nhằm bắt chị khai ra những cơ sở cách mạng bí mật của ta. Dã man hơn, chúng còn lấy dây điện, thỏi sắt đánh vào những chỗ hiểm, lấy kìm nung đỏ kẹp đứt ra từng miếng thịt ở tay, ở ngực... và tiêm vào người chị một loại thuốc độc, làm cho người lúc nào cũng khó chịu như bị kiến cắn. Chế độ lao tù khắc nghiệt cùng những trận đòn tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, tháng 5/1931, chị đã vĩnh biệt anh em đồng chí. Hình ảnh nữ chiến sĩ giao thông liên lạc Nguyễn Thị Nghĩa luôn sống cùng những vần thơ bất tử:

                 “Rồng Tiên con cháu nước nhà

                  Nước ta tuy mất hồn ta vẫn còn

                 Còn trời còn nước còn non

                Hãy còn quân giặc ta còn đấu tranh”.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Khương, nữ chiến sỹ ưu tú trong công tác ấn loát của Xứ uỷ, Huyện ủy

Đồng chí Nguyễn Thị Khương – nữ chiến sỹ ưu tú trong công tác ấn loát của Xứ uỷ, Huyện ủy. Sinh ngày 31/12/1912 tại Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh, vốn thông minh, nhạy cảm, biết giữ bí mật và có tài đối đáp nên ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Thị Khương đã được anh rể Hà Huy Tập tin tưởng giao cho các công việc như khi thì đi đưa thư, khi lại ra ngõ canh gác, đề phòng nếu có kẻ xấu rình mò thì mật báo. Được các anh tin tưởng, dạy bảo và giao việc, Khương tiến bộ rất nhanh và đã trở thành cô liên lạc cho các anh trong tổ chức “hội kín” từ lúc nào không hay. Chính trong những công việc thực tế ban đầu đó đã giúp Khương rèn luyện thêm ý chí và có thêm kinh nghiệm cho công tác hoạt động cách mạng bí mật sau này. Sau khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, Nguyễn Thị Khương đã được tổ chức phân công làm việc cho cơ quan ấn loát của Tỉnh bộ Hà Tĩnh đóng tại huyện Can Lộc. Chị cùng bộ phận ấn loát làm việc không quản ngày đêm để kịp thời có nhiều truyền đơn, báo chí phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng. Phong trào cách mạng càng lên cao, thực dân Pháp càng điên cuồng tàn sát đẫm máu. Chúng đã điều động binh lính ở các nơi về lập đồn bốt, đặt các trạm gác để kiểm soát, cấm tụ họp chợ, đóng cửa trường học… Cơ sở ấn loát của Tỉnh ủy phải di chuyển liên tục. Để tránh bị giặc bắt, Khương và các đồng chí không dám ngủ trong nhà. Sau mỗi lần in ấn xong, Nguyễn Thị Khương và anh chị em lại cẩn thận cất giấu dụng cụ in ấn rồi lặng lẽ đi tìm chỗ nghỉ. Đồi núi hoang vu hay nghĩa trang lạnh lẽo đã trở thành chỗ nương thân qua đêm của những người hoạt động bí mật như chị. Khó khăn, gian khổ càng tôi luyện thêm tinh thần của anh chị em. Không một ai phàn nàn, nản chí. Nhờ vậy, truyền đơn, báo chí vẫn được tuyên truyền đến tận người dân, tạo nên nghị lực giúp chị em cùng với hàng trăm chiến sỹ khác lập nên nhiều chiến công trong các cuộc đấu tranh ngày 1/5; 1/8; 8 và 9/9/1930…  góp phần vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng năm 1930-1931.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Phúc (1911-1941) quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Bí thư Chi bộ nữ Nhà Lao Vinh

Đồng chí Nguyễn Thị Phúc (1911-1941), bí danh: Phi, Phước, quê làng Kim Cẩm, tổng Kim Nguyên (nay là xã Nghi Trung), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - một tấm gương sáng trong lao tù đã hi sinh cả cuộc đời và tuổi thanh xuân cho cách mạng. Trong quá trình hoạt động, chị đã 4 lần bị bắt giam và đày ải từ Nhà lao Vinh sang Nhà lao Hà Tĩnh. Trong Hồ sơ tù của chị, thực dân Pháp ghi: “… là nhân viên ấn loát của Xứ Ủy Trung Kỳ, bị bang tá làng Kim Nguyên bắt tại Tân Hợp, huyện Nghi Lộc. Bị tòa án tỉnh Nghệ An kết án 7 năm tù khổ sai và 3 năm quản thúc theo bản án số 44 ngày 9/1/1932, bị giam tại nhà lao Vinh…”. Trong nhà lao thực dân, Nguyễn Thị Phúc không chỉ là một chiến sỹ có tài vận động cách mạng mà chị còn sáng tác rất nhiều thơ văn tuyên truyền, khích lệ tinh thần yêu nước của anh chị em trong tù… Bài thơ “Thằng lính Pháp” là một trong những tác phẩm trào phúng, đả kích thâm thúy của Nguyễn Thị Phúc đã được các đồng chí trong nhà lao Vinh, đặc biệt là các chị em phụ nữ thuộc lòng:

Lộp cộp ngoài sân tưởng Một

Hóa ra lính pháp tới nhà lao.

Thằng cao ngất ngưởng in sào nứa

Đứa béo tùm hum tựa lợn lào

Khéo đem ba bị mà trêu nhát

Trêu nhát gì choa có sợ nào”

Ngày 13/3/1941, chị bị mật thám tỉnh Hà Tĩnh bắt lần thứ 4 vì tội tiếp tục hoạt động cộng sản. Lúc đó, Nguyễn Thị Phúc đang mang thai đứa con đầu lòng. Bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn, biết mình không thể sống được nữa, chị phải nhắn tin nhà chồng vào nhà lao đưa cháu về nuôi hộ. Sau khi con ra khỏi nhà lao, sức khỏe của chị cũng đuối dần. Nữ chiến sỹ Nguyễn Thị Phúc đã anh dũng hy sinh tại Nhà lao Hà Tĩnh vào tháng 11/1941. Cuộc đời chị Nguyễn Thị Phúc là một cuộc đời hoạt động cách mạng dũng cảm, kiên cường, hy sinh hết thảy vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chị mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, của những người phụ nữ xứ Nghệ.

Ảnh: Đồng chí Tôn Thị Quế (1902-1992) quê ở huyện Thanh Chương, Tỉnh ủy viên tỉnh Nghệ An 1930

Được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Thanh Chương có bề dày lịch sử và khoa bảng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Tôn Thị Quế đã vượt qua mọi sự cản trở của lễ giáo phong kiến, vượt qua sự hiểu biết, cuộc sống của các cô gái cùng thời, quyết chí dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai. Dấu chân của nữ chiến sĩ Tôn Thị Quế đã in đậm trên khắp mọi nẻo đường của vùng quê Nghệ Tĩnh. Ở đâu có phong trào là ở đó có sự có mặt của Tỉnh ủy viên Tôn Thị Quế. Hơn 13 năm bị giam cầm, tra tấn trong các nhà tù đế quốc, nữ chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Tôn Thị Quế vẫn luôn giữ vững ý chí chiến đấu, đoàn kết, cùng chị em học tập, làm thơ, đấu tranh chống lại mọi âm mưu thủ đoạn của bọn cai ngục đối với tù chính trị. Phát huy truyền thống cách mạng của chị em Nghệ Tĩnh từ phong trào Xô Viết, ra tù đồng chí Tôn Thị Quế tiếp tục vận động chị em hăng hái thi đua sản xuất, quyết tâm giải phóng quê hương đất nước. Năm 1946, đồng chí đã được nhân dân tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vinh dự trở thành đại biểu Quốc hội nữ duy nhất của Liên Khu IV, Phó vụ trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… Trên 60 năm hoạt động không biết mệt mỏi, hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ lợi ích cách mạng, đồng chí Tôn Thị Quế đã được Đảng và Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương độc lập hạng Nhất. Tinh thần cách mạng và khát vọng được hiến dâng nhiệt huyết trái tim mình cho Đảng của nữ chiến sỹ Tôn Thị Quế luôn sống mãi và là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ phụ nữ hôm nay, mai sau.

Dưới ánh sáng của Đảng, chị em phụ nữ Nghệ Tĩnh thực sự được giác ngộ lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng.  Chị em vốn bình dị trong cuộc sống thường ngày nhưng lại rất dũng cảm, hiên ngang trong các cuộc đấu tranh trước mũi súng quân thù; khi bị bắt giam trong nhà tù đế quốc, họ vẫn kiên cường, mưu trí đấu tranh, chống lại mọi hình thức tra tấn, mua chuộc dụ dỗ của địch, giữ vững niềm tin, bảo vệ Đảng và thành quả cách mạng. Họ đã trở thành những bông hoa bất tử luôn sống mãi cùng non sông, đất nước hôm nay.

                                                        Phạm Thị Kim Lân

                 Phó trưởng phòng Trưng bày – Tuyên truyền – Giáo dục

Tài liệu tham khảo:

  •  Nghệ An – Những tấm gương cộng sản, Tập 2,3; BCH Đảng bộ Tỉnh Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2005, 2010
  • Chiếc va ly màu đỏ, NXB Đại học Vinh, xuất bản năm 2020
  • Lịch sử phong trào phụ nữ Nghệ An, xuất bản năm 1996
  • Lịch sử Xô Viết Can Lộc do Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc xuất bản năm 1974

Video