Một số hoạt động kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2014) và 50 năm Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (15/1/1964- 15/1/2014)

Tác giả: admin
Ngày 2014-02-10 08:11:10

Nhân dịp kỷ niệm 84 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2014) và 50 năm Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (3/2/1964-3/2/2014), được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức trưng bày chuyên đề “50 năm Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thực hiện lời căn dặn của Bác” đồng thời phối hợp với trường THCS Hưng Bình và THCS Trung Đô tổ chức chương trình giao lưu văn hóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng và tìm hiểu về sự kiện Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Từ ngày 10/1/2014, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức trưng bày chuyên đề tại nhà trưng bày thường trực của Bảo tàng và thu hút được đông đảo quần nhân dân và học sinh tới tham quan. Đặc biệt trong Lễ kỷ niệm 50 năm Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo tàng đã vinh dự được đón đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh – Uỷ viên Ban thường vụ tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở ban ngành về tham quan và dự Lễ kỷ niệm.

Trong không khi vui mừng đón chào mùa xuân mới, vào lúc 1h30 chiều ngày 13/1/2014, tại hội trường Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, các thầy cô giáo cùng 200 em học sinh đại diện của hai trường đã có mặt đông đủ với băng rôn, khẩu hiệu tham gia buổi giao lưu văn hóa kỷ niệm 84 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trước khi bước vào giao lưu văn hóa, các em đã thắp hương tại nhà tưởng niệm các liệt sỹ XVNT và tham quan trưng bày chuyên đề “50 năm Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thực hiện lời căn dặn của Bác”. Bộ trưng bày chuyên đề với những hình ảnh chân thực và sinh động đã góp phần giúp các em hiểu sâu sắc thêm về quá trình xây dựng và trưởng thành của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Về tham dự buổi giao lưu văn hóa có đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch, đại diện phòng giáo dục - Đào tạo thành phố, Ban Giám hiệu cùng thầy cô giáo và các em học sinh hai trường THCS Hưng Bình và THCS Trung Đô.

Qua 4 phần thi “Câu hỏi nhanh”, “Đoán ý đồng đội”, “Mảnh ghép lịch sử” và “Câu hỏi tìm hiểu”, các em học sinh đã thực sự phát huy mạnh mẽ tính tích cực, sáng tạo của mình để làm chủ câu hỏi và ghi điểm tối đa cho đội mình. Đây là dịp để thế hệ trẻ hôm nay tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của Đảng, về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và sự kiện Bác Hồ ký Lời đề tựa.

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được thành lập vào ngày 15/1/1960 theo quyết định số 106 VP/ĐĐ của Đảng Đoàn Bộ Văn hóa. Sau 3 năm xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ngày 12/9/1963, Bảo tàng đã chính thức mở của đón khách tham quan trong và ngoài nước. Một năm sau, nhân kỷ niệm 34 năm thành lập Đảng 3/2/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã trân trọng ký Lời đề tựa cho Bảo tàng. Đây là Bảo tàng duy nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước được Bác Hồ ký Lời đề tựa.

Trong Lời đề tựa, Bác đánh giá rất cao ý nghĩa lịch sử của Xô Viết Nghệ Tĩnh: “Năm 1930-1931, khi Đảng ta mới ra đời, một phong trào cách mạng lớn mạnh đã dâng lên trong cả nước mà đỉnh cao nhất là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Xô Viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công – nông đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh” và Bác căn dặn: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.

Sưu tập hiện vật Bác ký Lời đề tựa gồm có: Bản Lời đề tựa, Bút lông, đĩa mài mực, viên mực tàu và chữ ký mẫu của Bác đang được trưng bày tại phòng trưng bày số 9 của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Qua những tư liệu và hình ảnh cụ thể, sinh động các em càng trân trọng hơn nữa tình cảm quý báu mà Bác Hồ đã dành cho quê hương, cho Bảo tàng Xô viết.
Xen kẽ giữa các phần thi là những tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ hai trường như tăng thêm không khí sôi động cho buổi giao lưu văn hóa.

Kết thúc cuộc thi, đội các em học sinh đến từ trường THCS Trung Đô đã giành giải nhất, đội các em học sinh đến từ trường THCS Hưng Bình giành giải nhì. Buổi giao lưu văn hóa đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thầy cô giáo cùng các em học sinh, là sân chơi bổ ích, giúp các em học sinh học tập lịch sử một cách lý thú với nhiều hình thức phong phú, mới lạ.

                                                                                                   Phạm Kim Lân – Bảo tàng XVNT

Video