Một số hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong thời gian ở Nghệ Tĩnh chưa được công bố

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-04 03:23:23

Kỷ niệm 71 năm ngày hy sinh và 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời hoạt động của đồng chí. Đó cũng là góp phần trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khoá 8) về việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nghiên cứu về cuộc đời hoạt động của đồng chí là nghiên cứu vai trò của một danh nhân cách mạng nhằm để phát huy và giáo dục truyền thống của ông cha trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Trên phương diện là một cán bộ sưu tầm, tôi muốn nêu ra một số tư liệu mà trong quá trình đi cơ sở được tiếp xúc với các nhân chứng cùng làm việc với đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng thời nêu một số hồi ký mà chưa được xuất bản. Mong muốn góp phần làm sáng tỏ và đầy đủ thêm những hoạt động của đồng chí lúc ở trên mảnh đất Nghệ Tĩnh năm 1929-1931.

Nội dung gồm 3 phần chính:

1. Vai trò của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trước khi vào Nghệ Tĩnh.

2. Vai trò của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong thời gian ở Nghệ Tĩnh.

3. Một vài ý kiến đề xuất.

1. Vai trò của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trước khi vào Nghệ Tĩnh.

Từ bỏ mọi điều kiện vật chất của người công chức trong cơ quan hành chính của chính phủ Pháp (đó là ước mơ của bao người đương thời). Nguyễn Phong Sắc dẫn thân vào con đường đầy chông gai, nhằm mục đích cuối cùng là đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng đất nước.

Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”. (VNTNCMĐCH) lúc bấy giờ do Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của đồng chí. Từ đó trở đi, đồng chí toàn tâm toàn ý tuyên truyền giáo dục quần chúng, lôi kéo được nhiều người gia nhập vào VNTNCMĐCH. Từ một chi bộ của Hà Nội, VNTNCMĐCH phát triển ra Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…Cuối tháng 3-1929, Kỳ bộ Bắc Kỳ và các tỉnh bộ VNTNCMĐCH hình thành. Lúc này phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh. Ngày 28-9-1928, thanh niên cách mạng Bắc Kỳ mở Hội nghị đề ra phương hướng công tác, kết nạp thêm hội viên là thành phần công nhân. Thực hiện đúng đường lối do đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra trong điều lệ và các lớp huấn luyện ở Quảng Châu. Hội nghị bầu ra Ban chấp hành Kỳ bộ và chủ trương vô sản hóa. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ Hà Nội. Hội nghị phân công các uỷ viên trong Ban chấp hành về các cơ sở nhà máy để vô sản hóa. Cuối tháng 3-1929, tại nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội), những đồng chí tích cực trong chi bộ Thanh niên đã họp bàn thành lập Chi bộ Cộng sản. Theo hồi ký của Nguyễn Văn Hoan (đảng viên Tỉnh bộ Nam Định), hôm đó gồm các đồng chí sau:

- Ngô Gia Tự 

- Nguyễn Đức Cảnh 

- Đỗ Ngọc Du 

- Trịnh Đình Cửu 

- Trần Văn Cung 

- Dương Hạc Đính 

- Kim Tôn (Nguyễn Tuân) 

Sau đưa thêm đồng chí Trần Tư Chinh (Bang Thông). 

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc lúc đó là Bí thư Tỉnh bộ Hà Nội có đến dự nhưng đồng chí có việc phải đi ngay và được Hội nghị đồng ý. Đồng chí nói: Đồng ý rồi đấy nhé, có việc phải đi gấp. Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hà Nội được thành lập và đó cũng là Chi bộ Cộng sản đầu tiên trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành đảng viên trong Chi bộ này. Đồng chí Trần Văn Cung được cử làm Bí thư.

Ngôi nhà 5D Hàm Long là do tổ chức VNTNCMĐCH thuê làm cơ sở cho hoạt động bí mật và giao cho vợ chồng đồng chí Trần Văn Cung trông nom. Để mọi người xung quanh khỏi nghi ngờ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cho mang bàn ghế của gia đình đến và sắm sửa thêm nồi, bát để các đồng chí đi lại thổi nấu ăn.

Và đến ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, cử ra Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Ban chấp hành đã phân công các uỷ viên về xây dựng cơ sở ở các vùng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung được cử về Trung Kỳ.

2. Vai trò của đồng chí Nguyễn Phong Sắc ở Nghệ Tĩnh.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung (tức Quốc Anh, Thái Văn Anh, Nghĩa) về quê Nghệ An gặp đồng chí Võ Mai (tức Quốc Hoa) thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Cơ quan lúc đầu đóng ở làng Vang (Hưng Nguyên), sau dời lên cống Đệ Nhất phố Cô đầu (hiện nay là khu vực bên trái Nhà văn hoá Thiếu nhi thành phố Vinh). Các đồng chí trong Xứ uỷ lâm thời hoạt động tích cực để gây dựng phong trào quần chúng. Sau vụ rải truyền đơn kêu gọi quần chúng kỷ niệm ngày Quốc tế chiến tranh, phản đối chiến tranh đế quốc (ngày 1-8-1929), đồng chí Trần Văn Cung bị bắt và bị kết án khổ sai chung thân đi đày ở Guyam (theo bản án số 115 ngày 10-10-1929 của toà án Nam triều tỉnh Nghệ An). Xứ uỷ phải chuyển đồ đạc và tài liệu ấn loát xuống nhà đồng chí Lê Doãn Sửu làng Yên Dũng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Võ Mai cùng các đồng chí đảng viên Tân Việt như: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Khắc Mỹ…tích cực gây dựng phong trào, tuyên truyền giác ngộ quần chúng công nông trong các nhà máy, làng xã Vinh - Bến Thuỷ.

* Việc xây dựng Chi bộ Cộng sản Đảng.

Lúc đồng chí Nguyễn Phong Sắc vào Nghệ An thì các cơ sở Đảng Tân Việt đã phát triển mạnh ở các huyện. Phong trào đấu tranh của nhân dân như: “phe hộ” chống “phe hào”, các hộ tương tế ái hữu phát triển ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Anh Sơn…đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã làm việc với các đảng viên Tân Việt để chuẩn bị cho việc xây dựng các Chi bộ Cộng sản.
Để xây dựng Chi bộ Cộng sản ở Thanh Chương, qua đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tìm hiểu kỹ những đảng viên Tân Việt của huyện. Đồng chí Minh Khai giới thiệu đồng chí Nguyễn Phong Sắc về Thanh Chương gặp đồng chí Tôn Thị Quế, Hoàng Tăng Bính…Vào ngày 5-2 âm lịch (tức ngày 4-3-1930) đồng chí Nguyễn Phong Sắc về tại bến đò Rồng gặp Tôn Thị Quế.

Biệt hiệu gặp nhau: Thầy đi đâu giữa mưa gió thế này!

Trả lời: Tôi đi chơi người bà con trên này!

Và hai bên đều có nửa con bài “ít xì” chắp lại vừa khẳm. Tại nhà đồng chí Trần Trạch (thôn Sơn Linh, tổng Võ Liệt) gồm có đồng chí Tôn Thị Quế, Hoàng Thuật, Trần Trạch và đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Trước hết, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hỏi hoàn cảnh của từng đồng chí, lắng nghe tất cả những băn khoăn của tất cả mọi người. Sau đó đồng chí tìm hiểu hoạt động của phong trào quần chúng trong vùng và hoạt động của Đảng Tân Việt. Đồng chí giảng giải kỹ về ý nghĩa thành lập Đảng Cộng sản, tôn chỉ, mục đích của Đảng và phê phán những sai lầm của Đảng: Thanh Niên, Tân Việt. Cuối cùng đồng chí tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản, chuyển 3 đồng chí này thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cử đồng chí Trần Trạch làm Bí thư. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Võ Liệt (Thanh Chương). Đồng thời, đồng chí hướng dẫn cho Chi bộ phương pháp hoạt động bí mật, tuyên truyền vận động quần chúng, phát triển đảng viên (Theo hồi ký của đồng chí Tôn Thị Quế và lời kể của đồng chí Tôn Gia Tinh).

* Xây dựng Chi bộ Cộng sản ở Nam Đàn:

Đồng chí Tôn Gia Tinh là đảng viên Đảng Tân Việt bị bắt tháng 11-1929 và bị kết án 1 năm tù và 1 năm quản thúc (theo bản án số 11 ngày 21-1-1930 của tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An). Tháng 3 năm 1930, đồng chí ra tù và được đồng chí Nguyễn Xuân Thanh (tức Chắt Bảy, Yên Xuân), uỷ viên xứ uỷ Trung Kỳ phụ trách phong trào công nhân chuyển vào Đảng Cộng sản. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã gặp và giao nhiệm vụ cho đồng chí Tôn Gia Tinh và lập Chi bộ Cộng sản Nam Đàn. Đồng chí Tinh về Nam Đàn gặp Vương Thúc Doãn (người tổ chức Thanh niên cùng bị tù với nhau ở nhà lao Vinh). Mật hiệu liên lạc là tờ giấy vuông có chữ :“Nam” (chữ Hán) chia đôi, và Chi bộ Nam Đàn được thành lập. Từ đó làm cơ sở lập huyện uỷ Nam Đàn.

* Xây dựng Chi bộ Cộng sản ở Hưng Nguyên.

Lúc này những vùng của phủ Hưng Nguyên gần thành phố Vinh như: Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh…đã có Chi bộ Cộng sản, vì có các đồng chí trong Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ tổ chức. Nhưng ở các tổng phía trên: Phủ Long Văn Viên, Hải Đô chưa thành lập được Chi bộ Cộng sản. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc giao cho đồng chí Tôn Gia Tinh về vùng này xây dựng phong trào. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc biết đồng chí Tinh cùng bị tù với đồng chí Lê Xuân Đào năm 1929. Mật hiệu gặp nhau là chữ “Xuân” (ga Yên Xuân). Đồng chí Tôn Gia Tinh nhờ đồng chí Vương Thúc Doãn mời đồng chí Lê Xuân Đào lên gặp mình tại nhà thờ họ Vương làng Hoàng Trù (Nam Đàn). Tại đây, đồng chí hướng dẫn cách hoạt động cho cơ sở và bàn Lê Xuân Đào lập Chi bộ Cộng sản của Hưng Nguyên. Như vậy là tới cuối tháng 3-1930 ở Nam Đàn, Hưng Nguyên đã có các Chi bộ Cộng sản.

* Việc xây dựng huyện uỷ Thanh Chương.

Với cương vị là Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ lâm thời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc giao cho đồng chí Tôn Gia Tinh tiếp tục về Thanh Chương thành lập tiếp Chi bộ Cộng sản ở các tổng khác và sau đó thành lập Huyện uỷ. Đồng chí Tôn Gia Tinh về Thanh Chương tổ chức Chi bộ Cộng sản tổng Xuân Lâm, riêng tổng Đại Đồng, Cát Ngạn đã lập được Chi bộ sau khi có Chi bộ Võ Liệt.

Trước khi đi, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hướng dẫn đồng chí Tôn Gia Tinh phương pháp hoạt động: Đảng Cộng sản khác Đảng Tân Việt, thành lập Đảng là để lãnh đạo quần chúng đấu tranh, giáo dục quần chúng vào trường tranh đấu, không tuyên truyền suông, đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, giảm thuế, giảm công ích, chống phù thu lạm bổ…Việc tổ chức đoàn thể quần chúng phải chú ý “Nông hội” vì đó là lực lượng của cách mạng, phải tổ chức “Phụ nữ”, giáo dục chị em. Quần chúng tích cực phải qua thử thách đấu tranh, có tinh thần gan dạ mới được kết nạp vào Đảng.

Đầu tháng 4-1930, đồng chí Tôn Gia Tinh triệu tập Bí thư các Tổng họp ở Rú Nội (làng Quảng Xá, Võ Liệt) và tuyên bố thành lập Huyện uỷ lâm thời Thanh Chương theo chỉ thị của Xứ uỷ Trung Kỳ.

Huyện uỷ lâm thời gồm:- Nguyễn Thế Lâm, Tôn Thị Quế, Trần Thốc, Nguyễn Như Kỷ, Hoàng Thuyết, Trần Trạch, Cu Lược
Đồng chí Tôn Gia Tinh được cử làm Bí thư.

Huyện uỷ lâm thời phân công các uỷ viên về việc xây dựng phong trào ở cơ sở chuẩn bị đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5. Truyền đơn, khẩu hiệu do Xứ uỷ gửi về các Chi bộ in theo mẫu và phát triển về các làng.

* Xây dựng chi bộ Đảng ở Hà Tĩnh.

Vừa xây dựng cơ sở Đảng ở Nghệ An, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn vào Hà Tĩnh gặp các đảng viên Tân Việt tích cực như: Lê Thúc Cơ, Lê Viết Hanh, Hoàng Khoái Lạc…Cùng các đồng chí này xây dựng phong trào cơ sở và sau đó chuyển những người này vào Đảng Cộng sản. Đồng chí thường họp tại nhà Hoàng Khoái Lạc (làng Đỉnh Lự, huyện Can Lộc). (Theo lời kể của đồng chí Hoàng Mạnh Khang, Phó bí thư Thanh niên Xứ uỷ Trung kỳ1931).

* Hướng dẫn các cuộc đấu tranh ở Vinh - Bến Thuỷ.

Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đóng ở thành phố Vinh, Bến Thuỷ nên vùng này nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Chi bộ Cộng sản các nhà máy được thành lập như: nhà máy Trường Thi trên cơ sở chuyển đảng viên Tân Việt thành đảng viên Cộng sản tháng 2-1930. Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Lợi (Bí thư Xứ uỷ 6-1931), đồng chí thường xuyên gặp và làm việc với đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Phong trào đấu tranh của công nhân các nhà máy đều có sụ chỉ đạo của đồng chí Thịnh. Ví dụ như: cuộc mít tinh của phong trào công nhân Bến Thủy tại Cồn Mô lúc 18h30 ngày 15-1-1930 do đồng chí Lê Mao chủ trì, ngày 20-10-1930 công nhân các nhà máy đấu tranh, đồng chí Thịnh hướng dẫn cụ thể chương trình và phương pháp hoạt động cho các đồng chí lãnh đạo. Hoặc ngày 24-1-1931, tại cuộc mít tinh kỷ niệm 3 L tại dăm Mụ Nuôi (Yên Dũng Thượng), chính đồng chí Nguyễn Phong Sắc đứng lên diễn thuyết (theo lời kể ngày 14-10-1987 của cụ Nguyễn Văn Tý công nhân nhà máy Diêm năm 1930).

Sự chỉ đạo sát sao của “thượng cấp” làm cho các đảng viên Tân Việt tích cực, phấn khởi và tin tưởng. Sau ngày 3-2-1930 đồng chí Nguyễn Phong Sắc dự Hội nghị thành lập Đảng về đã triệu tập các đảng viên Tân Việt tại dăm Mụ Nuôi nói về việc thống nhất lại Đảng, chuyển các đồng chí này thành đảng viên Cộng sản Việt Nam như: Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Lê Viết Thuật, Lê Mao, Nguyễn Khắc Mỹ, Nguyễn Khắc Thiện, Lê Doãn Sửu. Đồng thời phân công các đảng viên về phụ trách trong các nhà máy.

Cuối tháng 2-1930, bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời, Trung ương cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Lê Mao phụ trách Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ đặt ở Vinh và một trụ sở ở Đà Nẵng để chỉ đạo việc xây dựng cơ sở ở Trung kỳ. Phân cục Trung kỳ chỉ định hai Ban chấp hành lâm thời đảng bộ Đảng Cộng sản tại Nghệ An:

1. Tỉnh bộ Vinh (gồm: Vinh, Bến Thủy, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Thanh Hóa) do đồng chí Lê Mao uỷ viên Trung ương Đảng, uỷ viên thường trực Phân cục phụ trách.

2. Tỉnh bộ Nghệ An gồm các huyện còn lại do Nguyễn Liễn phụ trách.

Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng, phong trào đấu tranh vùng Nghệ Tĩnh phát triển mạnh. Học sinh thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại trường Quốc học Vinh, ra báo “Xích sinh”. Tháng 2-1930 đồng chí Nguyễn Phong Sắc chuyển Chi bộ thành Chi bộ Đảng Cộng sản do đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc thường xuyên theo dõi và viết bài cho tờ báo “Xích sinh”. Tổng Công hội, tổng Nông hội thành lập cuối năm 1929 và phát triển mạnh ở các vùng…Cuối năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Kỳ lên cao. Trung ương Đảng cử thêm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Mậu quê ở Bắc Kỳ vào giúp đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Thường vụ xứ uỷ, phụ trách tuyên huấn và cơ sở Trường Thi.

Để chuẩn bị cho kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, Xứ uỷ Trung Kỳ chủ trương phát động phong trào đấu tranh trong cả vùng. Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Lợi, về chủ trương: đồng chí Nguyễn Phong Sắc hướng dẫn cách mít tinh đưa yêu sách. Khẩu hiệu đề ra: đòi ngày làm 8h, tăng lương…phù hợp với nguyện vọng của công, nông. Cuộc biểu tình do các đồng chí đảng viên chủ chốt trong các nhà máy lãnh đạo như: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Hoàng Trọng Trì…Cuộc biểu tình nổ ra làm thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ, chúng dùng súng đạn đàn áp làm 7 người chết và 15 người bị thương. Đồng thời chúng bắt đi 115 người. Ngày 2-5, đồng chí Nguyễn Phong Sắc qua báo “Lao khổ” biểu dương tinh thần hăng hái của công nông, đồng thời hướng dẫn các cơ sở làm lễ truy điệu cho những người bị hy sinh, củng cố tinh thần của Công – Nông.

Cùng ngày ở Thanh Chương, nhân dân Hạnh Lâm đấu tranh đốt phá đồn Ký Viễn, học sinh trường Pháp - Việt Thanh Chương mít tinh kỷ niệm ngày 1-5…Từ 1-5 đến đầu năm 1931, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh càng lên cao. Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh ở các làng xã được thành lập.

Phong trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh phát triển, thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ, chúng tìm mọi cách đàn áp và khủng bố phong trào. Lúc này Tôn Thất Đàn (Thượng thư Bộ Hình) đề ra chủ trương cho dân “quy thuận với chính phủ”. Nguyễn Hữu Bài (Thượng thư Bộ Lại, viện trưởng Viện Cơ mật) chủ trương lập “hệ thống bang tá từ huyện xuống” và Nguyễn Khoa Kỳ làm Tổng đốc thay Hồ Đắc Khải (1-1931).

Trước tình hình như vậy, Xứ uỷ Trung Kỳ ra khẩu hiệu: “Treo cờ đỏ, bỏ cờ trắng, không cờ vàng”, chống phát thẻ quy thuận, chống lập đoàn phu… Các tổ chức Đảng rút vào hoạt động bí mật trong các vùng sâu để bảo toàn lực lượng và chỉ đạo phong trào đấu tranh.

Ngày 24 đến ngày 29-4-1931, Xứ uỷ Trung Kỳ mở khuyếch đại Hội nghị tại đền Bố làng Đức Thịnh (nay thuộc xã Hưng Lộc, thành phố Vinh). Dự họp có khoảng 30 người gồm: Tùng Liễn, Lê Viết Thuật, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Dần, Mai Kinh, Nguyễn Thị Duệ, Thái Văn Giai, Tam Dần, Lập, Điền… Đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc báo cáo tình hình phong trào từ đầu năm 1930 đến lúc đó. Việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng đến Xứ uỷ và ngược lại. Đồng chí báo cáo và giải thích “Luận cương chính trị” của Đảng tháng 10-1930. Báo cáo về vấn đề thanh Đảng, vấn đề đấu tranh ở Trung Kỳ thì cao mà ở Bắc Kỳ thì thấp vì lí do tổ chức kém. Cuộc họp thảo luận, bàn bạc kỹ và đến ngày 29-4 thì kết thúc (theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Lợi viết năm 1970).

Ngày 3/5/1931 đồng chí Nguyễn Phong Sắc ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương thì bị Nghiêm Thượng Biền phản bội, báo thực dân Pháp bắt đồng chí tại khách sạn Nam Lai ở ga Hàng Cỏ. Theo hồi ký của đồng chí Hoàng Văn Hoan, tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai (ngày 26 -31/3/1931), đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng tham dự. Trong hội nghị bàn về vấn đề tổ chức:

- Kết luận Nghiêm Thượng Biền vu khống đồng chí Trần Văn Cung (Trung ương Cục Bắc Kỳ) tham ô 400 đồng.

- Giải tán Ban chấp hành Xứ uỷ Bắc Kỳ. 

Ngày 3-5 Nghiêm Thượng Biền mặc giả cảnh sát chỉ bắt đồng chí Thịnh. Sau đó lại lấy danh nghĩa là Xứ uỷ Bắc Kỳ để triệu tập cuộc họp các tỉnh tại số nhà 168 Bà Triệu – Hà Nội. Các đại biểu của tỉnh Thái Bình lên họp đều bị bắt hết cả. Sau khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị bắt, thực dân Pháp bí mật đưa đồng chí vào Vinh. Nghiêm Thượng Biền giả danh chữ ký của đồng chí gửi thư về nhà để gia đình đồng chí chạy lót 5000 đồng cứu đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị thoát tù.

Thực dân Pháp nhận thấy đồng chí Nguyễn Phong Sắc có vai trò quan trọng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nên không cần xét xử. Chúng đưa đồng chí về Nghệ An, tra tấn dã man và bí mật bắn chết đồng chí vào ngày 25-5-1931 tại đồn Song Lộc (Nghi Lộc) nhằm trấn áp nhân dân vùng này sau vụ giết tên tri huyện Nghi Lộc cùng bọn lính ngày 2-1-1931.

* Tình cảm của nhân dân Nghệ Tĩnh đối với đồng chí Nguyễn Phong Sắc.

Đã mấy chục năm trôi qua, kể từ ngày đồng chí Nguyễn Phong Sắc hy sinh, nhưng ở những nơi mà đồng chí từng qua lại hoặc những người đã từng làm việc với đồng chí đều có tình cảm sâu đậm. Qua lời kể trực tiếp cũng như hồi ký, các cụ vẫn còn nhớ đồng chí “Thượng cấp” người Bắc Kỳ có giọng nói nhẹ nhàng, tính tình đôn hậu chất phác, giản dị gần gũi quần chúng lao động. Đồng chí quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của người dân nghèo khổ. Bắt gặp đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong bất cứ vai thầy đồ hay vai thầy bói, hương sư, thầy thuốc…nhưng khi làm việc với đồng chí, mọi người thấy thực gần gũi giống như một người anh, người em trong gia đình. Đồng chí chu đáo trong công việc, giúp các đồng chí đảng viên trong mọi công việc như: Viết mẫu truyền đơn, vẽ mẫu cờ, khẩu hiệu, giải quyết những khó khăn.

Đồng chí Tôn Gia Tinh kể lại rằng: Khi tôi ra tù thì Bí thư Xứ uỷ là Nguyễn Phong Sắc. Tôi gặp anh Thịnh hỏi thăm tình hình trong thời gian ở tù. Sau anh Thịnh bảo tôi: “Chúng tôi mừng vì thấy anh về, chúng tôi còn bí mật chuyện sau khi họp hợp nhất 3 Đảng. Võ Liệt đã lập Chi bộ rồi, nhưng ở Nam Đàn và Hưng Nguyên chưa thành lập được Chi bộ. Anh về bắt liên lạc với Nam Đàn, Hưng Nguyên giúp tôi”. Lời nói của anh Thịnh rất nhẹ nhàng nhưng đầy trách nhiệm và tính thuyết phục đã làm cho tôi phấn khởi, tin tưởng. Tôi đi lên Nam Đàn, Hưng Nguyên kết quả như phần trên đã nói. Mặc dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi không quên được hình ảnh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong thời gian cùng hoạt động với đồng chí (lời kể của đồng chí Tôn Gia Tinh ngày 26-3-1991).

3. Một vài ý kiến đề xuất.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc có vai trò quan trọng, là linh hồn của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nếu không có đồng chí thì phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh chưa chắc đã được như lúc đó. Việc bổ sung tư liệu làm sáng tỏ những họat động của đồng chí trong thời gian ở Nghệ Tĩnh qua hội thảo là việc làm cần thiết góp phần tích cực việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Thông qua Hội thảo tôi có vài kiến nghị:

- Viết một cuốn sách thật đầy đủ tư liệu về đồng chí Nguyễn Phong Sắc

- Tại thành phố Vinh xây dựng một thượng đài đồng chí Nguyễn Phong Sắc .

- Trung bày một mảng riêng về đồng chí tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Lê Thị Hạnh Phúc - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video