Mối quan hệ khăng khít giữa bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh với BNSLSĐ Tỉnh ủy Nghệ An và sự đóng góp của bảo tàng đối với công tác nghiên cứu lịch sử đảng bộ các địa phương

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-09 08:44:02

A- Từ những năm đầu của thập kỉ 60, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Thường trực Tỉnh ủy đã giao trách nhiệm cho Ban nghiên cứu lịch sử Đảng cùng các cơ quan hữu trách khác góp phần xây dựng Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh. 

Trong quá trình hình thành Bảo tàng, Ban sử tỉnh đã tham gia đóng góp phần nội dung các phòng trưng bày, cung cấp những tư liệu đã sưu tầm được. Trong một báo cáo của Ban gửi Ban nghiên cứu lịch sử Đảng TW (ngày 27/11/1963 do Phó ban Phan Đình Đồng ký tên) có đoạn “…Nhà bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã mở cửa ngày 03/02/1963, và sau một thời gian chỉnh lý, Nhà bảo tàng Xô viết đã chính thức khai mạc vào ngày 12/9/1963. Trong việc xây dựng nhà Bảo tàng, chúng tôi đã cố gắng góp ý kiến và cung cấp tư liệu…”. Từ năm 1963 cho đến những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, công việc sửa sang, tu bổ để hoàn thiện các phòng trưng bày tại Bảo tàng vẫn tiếp tục; Ban sử Đảng đã cử cán bộ sang làm việc dài ngày ở Bảo tàng cùng với cán bộ khoa học của Sở Văn hóa và Khu di tích Kim Liên…(Bùi Ngọc Tam, Trần Minh Siêu, họa sỹ Trần Khánh…) 

Trong nhiều năm qua, giữa Bảo tàng và Ban sử Đảng tỉnh có mối quan hệ rất mật thiết, trên tinh thần hợp tác khoa học. Hễ có vấn đề gì cần bàn bạc giải quyết là hai bên sẵn sàng hỗ trợ nhau một cách vô tư, thoải mái, không có biểu hiện giữ kẽ hoặc ra điều kiện, làm khó dễ lẫn nhau. Có tài liệu gì mới, hai bên đều thông tin cho nhau để cùng khai thác, sử dụng vì mục đích chung. Mỗi khi có các đoàn nghiên cứu TW hoặc nước ngoài tới nghiên cứu về đề tài Xô Viết Nghệ - Tĩnh, hai bên đều phối hợp với nhau, sẵn sàng tạo điều kiện cho khách làm việc đạt kết quả tốt (như trường hợp các ông Myazaca, Haracura - Nhật Bản…) 

Hầu hết các cuộc tọa đàm do Bảo tàng đăng cai tổ chức đều có sự tham gia tích cực của các Ban lịch sử Đảng hai tỉnh. 

B- Gần bốn chục năm qua trong quá trình hình thành và phát triển, với những phương thức hoạt động phong phú, đa dạng và rất năng động, Bảo tàng Xô viết đã có đóng góp đáng kể đối với công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ các địa phương. 

1. Trọng tâm công tác hàng năm của Bảo tàng thường xuyên là sưu tầm tư liệu, hiện vật. Nhờ thế nguồn tư liệu của Bảo tàng vốn đã dồi dào từ những năm 70, ngày càng phong phú thêm vào những năm 80. Cho đến thập kỷ 90, Bảo tàng vẫn ra sức sưu tầm tư liệu, hiện vật, đặc biệt là chuyến đi Paris của Giám đốc đã thu thập được nhiều tài liệu quý. Chính nguồn tư liệu không ngừng được tăng thêm của Bảo tàng đã tạo điều kiện cho giới nghiên cứu Lịch sử có điều kiện xác minh, thẩm định, bổ sung vào kho lưu trữ; từ đó mà chọn lọc để biên soạn các công trình Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh cùng lịch sử của Đảng bộ huyện, thành, phường, xã (thời kỳ 1930-1931). 

Với khối lượng lớn hồ sơ cá nhân, nhất là nguồn tư liệu phản diện (khai thác từ Cục Hồ sơ An ninh, Bộ Công an), Bảo tàng đã góp phần giúp các Đảng bộ đánh giá các nhân vật lịch sử được toàn diện, thỏa đáng hơn. Những bức ảnh tư liệu quý giá của Bảo tàng đã giúp cho bạn đọc thấy rõ được chân dung của những người cộng sản tiêu biểu mà hàng chục năm về trước chưa mấy ai được biết (chẳng hạn chân sung các đồng chí Trần Hữu Thiều, Trần Hữu Doánh, Lê Cảnh Nhượng…)
Đối với các vị cách mạng tiền bối của các Đảng bộ, Bảo tàng đã chủ động đề xuất với lãnh đạo các tỉnh cho Bảo tàng đứng ra tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo nhân kỷ niệm các năm chẵn ngày sinh hoặc ngày mất của các vị (như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh, Lê Hồng Phong…) 

Cuốn “Nghệ An những tấm gương cộng sản” của Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ An xuất bản 1998 có sự đóng góp tích cực của Bảo tàng về tư liệu nội dung và tư liệu phụ bản (ảnh chân dung thời kỳ 1930-1931). 

2. Để nâng cao chất lượng nội dung trưng bày và thuyết minh, Bảo tàng đã chủ động phân công cán bộ thực hiện các đề tài khoa học như: “Sự ra đời và hình thành giai cấp công nhân ở Nghệ Tĩnh”, “Tổ chức các cán bộ và hoạt động của Đảng ở Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931”, “Phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và mối quan hệ công nông liên minh trong Xô Viết Nghệ - Tĩnh”, “Sự hình thành và hoạt động của chính quyền Xô Viết ở nông thôn Nghệ Tĩnh…”. Quá trình tiến hành các đề tài ấy có sự trao đổi qua lại giữa chuyên viên Bảo tàng với giới nghiên cứu Lịch sử hai tỉnh. Nhờ đó, không những nội dung trưng bày và thuyết minh càng có chiều sâu mà công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ cũng gặt hái được những kết quả tốt. 

3. Qua các lần hội thảo nhân dịp kỷ niệm các năm chẵn ngày Xô Viết Nghệ - Tĩnh, Bảo tàng đã huy động được trí tuệ của nhiều nhà Sử học tầm cỡ trong nước (đặc biệt là hội thảo 65 năm Xô Viết Nghệ - Tĩnh, với một tập kỷ yếu rất giá trị); do đó phần đóng góp của Bảo tàng đối với công tác nghiên cứu lịch sử Đảng bộ càng tăng thêm độ dày (riêng cuốn Xô Viết Nghệ Tĩnh của Tiểu ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ An xuất bản tháng 8/2000 cũng đã tiếp thu có chọn lọc một số chi tiết của cuốn “Kỷ yếu 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh”). 

4. Bảo tàng Xô viết đã dày công trong việc lên kế hoạch, sưu tầm, xác minh, lập hồ sơ khảo tả di tích để Nhà nước công nhận được nhiều di tích Lịch sử ở nhiều vùng, miền trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Điều đó không những góp phần khẳng định giá trị các di tích Lịch sử, nhằm phát huy truyền thống địa phương, mà còn góp phần làm rõ những hoạt động của các cấp bộ Đảng thông qua di tích đó. 

5. Bảo tàng còn có sáng kiến tổ chức nghiên cứu, tọa đàm về chuyên đề các nhà tù đế quốc như nhà lao Vinh, nhà lao Hà Tĩnh và các nhà đày Buôn Ma Thuột, Lao Bảo. Mảng đề tài này cũng đã đóng góp nhiều tư liệu quý cho công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng. 

Tóm lại, từ ngày thành lập đến nay, sự đóng góp của Bảo tàng Xô Viết đối với công tác nghiên cứu lịch sử Đảng là rất đậm nét và không chỉ đối với ngành Lịch sử Đảng thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (kể cả ở tỉnh và các huyện, thành, phường, xã) mà cả đối với một số tỉnh có phong trào ửng hộ Nghệ Tĩnh đỏ ( như Thái Bình, Nam Hà, Quảng Ngãi…). Hơn thế nữa Bảo tàng Xô viết còn đóng góp vào công tác nghiên cứu Lịch sử thời kỳ 1930-1931 của Viện Lịch sử Đảng TW, Viện Sử học Việt Nam…và các nhà sử học nước ngoài. 

Có thể nói, trong nửa cuối thế kỷ XX, Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã xứng đáng là trung tâm lưu giữ hiện vật và nghiên cứu khoa học về chuyên đề Xô Viết Nghệ - Tĩnh của Nghệ Tĩnh và của cả nước. 

Trên cơ sở những thành tích mà Bảo tàng đã đạt được, nếu sự phối hợp giữa Bảo tàng với giới nghiên cứu Lịch sử càng chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn, nếu hoạt động của Bảo tàng không những giữ được tiến độ và sự năng động vốn có lâu nay, mà còn phong phú, sinh động hơn, khoa học hơn với tầm nhận thức và tư duy cao hơn thì sang thế kỷ XXI, chắc chắn Bảo tàng Xô Viết còn có nhiều đóng góp hơn đối với công tác nghiên cứu Lịch sử và đối với sự phát huy truyền thống vẻ vang, oanh liệt của Xô Viết Nghệ - Tĩnh.

Bùi Ngọc Tam
BNCLS Đảng Tỉnh uỷ Nghệ An

Video