Mối quan hệ giữa Trường CĐSP Nghệ An và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trong việc đào tạo giáo viên giảng dạy lịch sử THCS

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-09 07:24:45

Trường Cao đẳng Sư phạm(CĐSP) Nghệ An đóng trên địa bàn xã Hưng Lộc, thành phố Vinh quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ khi thành lập tới nay, nhà trường đã đào tạo được hàng ngàn giáo viên, trong đó có nhiều giáo viên giảng dạy lịch sử ở các trường phổ thông THCS. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên lịch sử, trường chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó giải pháp tiếp cận các Bảo tàng, di tích Lịch sử, cách mạng được nhà trường rất coi trọng. Đã gần 20 năm nay ( kể từ năm 1982), hầu như năm nào trường chúng tôi cũng đưa sinh viên và giáo viên đến tham quan, nghiên cứu và học tập ở các Bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ….Trong số đó, việc tiếp cận Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được thầy trò chúng tôi đặc biệt quan tâm. 

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là một Bảo tàng chuyên đề, ở ngay quê hương trường đóng. Các tư liệu, hiện vật trong Bảo tàng phản ánh sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc - Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh sự kiện lịch sử này, sinh viên Ban Sử được học trong chương trình lịch sử Việt Nam ở CĐSP. Và sau khi ra trường, họ sẽ giảng dạy sự kiện này trong bài “ Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh” ở lớp 9 THCS. Do đó việc tiếp cận Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đối với sinh viên và giáo viên không chỉ có ý nghĩa giáo dưỡng, giáo dục mà còn có ý nghĩa phát triển sâu sắc (Phát triển tư duy và các kỹ năng sư phạm). Từ việc tiếp cận Bảo tàng, chúng tôi hiểu biết thêm cách sưu tầm, bổ sung, làm giàu vốn đồ dùng dạy học và làm phong phú thêm kiến thức lịch sử của bản thân. 

Xuất phát từ thực tiễn và nhận thức đúng đắn ấy, được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ công nhân viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tổ chức đưa sinh viên nhiều lần đến Bảo tàng thăm quan, nghiên cứu và học tập. Tại đây, các cán bộ của Bảo tàng đã giới thiệu chủ đề của các phòng trưng bày và các tư liệu, hiện vật một cách rõ ràng, tỉ mỉ, chi tiết có liên quan đến lịch sử, phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh cho sinh viên trường chúng tôi. Theo sự hướng dẫn của cán bộ Bảo tàng, thầy trò trường chúng tôi được tận mắt quan sát các tư liệu và hiện vật rất đáng tin cậy về Xô Viết Nghệ Tĩnh, mà khó có nơi nào có được đầy đủ như thế. 

Ngoài việc tham quan các phòng trưng bày của Bảo tàng, thầy trò chúng tôi còn được nghe các cán bộ Bảo tàng báo cáo một số chuyên đề liên quan đến nội dung chương trình CĐSP môn Lịch sử, như chuyên đề cách mạng tháng Mười Nga và Cách mạng Việt Nam; Chuyên đề về đặc điểm của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh …Những chuyên đề ấy có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao chất lượng học tập các bộ môn thuộc Khoa học lịch sử của trường chúng tôi. Do có tính thiết thực cao, với tinh thần học tập tích cực, sáng tạo, nhiều sinh viên đã ghi chép nội dung các chuyên đề ngay tại Bảo tàng, chú ý lắng nghe và nêu ra nhiều vấn đề để cán bộ Bảo tàng giải đáp… Nhờ vậy mà mối quan hệ giữa sinh viên, cán bộ giáo viên của trường CĐSP Nghệ An với Bảo tàng càng thêm gắn bó. 

Đặc biệt nhiều năm gần đây, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn cung cấp cho thầy trò chúng tôi nhiều tài liệu có giá trị về Xô Viết Nghệ Tĩnh. Để tăng cường mối quan hệ mật thiết và phương diện chuyên môn, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn mời cán bộ giáo viên của trường chúng tôi tham dự các cuộc Hội thảo do Bảo tàng tổ chức hoặc tham gia viết bài gửi tới Bảo tàng. Qua các cuộc Hội thảo, tầm hiểu biết về khoa học lịch sử địa phương của cán bộ, giáo viên được mở rộng thêm. 

Nhờ sự giúp đỡ quý báu của các cán bộ Bảo tàng, đồng thời thông qua các buổi tham quan, nghiên cứu học tập trao đổi với Bảo tàng mà sinh viên chúng tôi đã trưởng thành lên về nhiều mặt, cả chuyên môn, nghiệp vụ lẫn tình cảm, đạo đức.
Có thể nói, các tư liệu trong Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngoài việc giúp thầy trò chúng tôi hiểu rõ về cách mạng 1930-1931 đã diễn ra trên quê hương Nghệ Tĩnh cách đây hơn 70 năm như thế nào, còn giúp sinh viên khôi phục lại bức tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh trong trí tưởng tượng của mình đúng như nó đã tồn tại. 

Hiện nay sinh viên chúng tôi tiếp nhận thông tin về cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, phim ảnh và các bài giảng của thầy cô… những thông tin đó không phải lúc nào cũng thống nhất và xác thực. Vì vậy những tư liệu gốc của Bảo tàng mà sinh viên tiếp cận có khả năng phân biệt cho họ thấy rõ chỗ đúng, chỗ sai của các nguồn thông tin về sự kiện lịch sử này. 

Các tư liệu của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được sắp xếp có hệ thống theo thời gian diễn ra sự kiện là phương tiện trực quan có giá trị với nhận thức của sinh viên về phong trào cách mạng1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nó đã giúp họ hiểu sâu, nhớ lâu hơn những kiến thức đã học. 

Tư liệu của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thực sự có ý nghĩa giáo dục tư tưởng tình cảm, đạo đức sâu rộng cho sinh viên, làm cho họ hiểu sâu hơn bản chất phản dân hại nước của bọn đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, làm cho họ càng thêm yêu thương quần chúng lao động, biết ơn công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho nền Độc lập của nước nhà và hạnh phúc của nhân dân. Do đó, tình yêu và lòng tự hào về quê hương Xô Viết anh hùng của sinh viên được nhân lên gấp bội . 

Tiếp cận với tư liệu và cách trưng bày của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh , sinh viên đã học tập được phương pháp trình bày, phân tích, so sánh, đối chiếu để hiểu bản chất bên trong của các sự kiện, hiện vật Lịch sử. Chính vì vậy mà năng lực nhận thức, năng lực tư duy của sinh viên được nâng cao hơn trước. Cũng như trên cơ sở quan sát, phân tích các tài liệu hiện vật của Bảo tàng Xô viết, những kỹ năng bộ môn Lịch sử của sinh viên đã được tăng cường lên một bước. Các em biết cách quan sát diễn đạt nội dung tranh ảnh, hiện vật lịch sử về Xô Viết Nghệ Tĩnh một cách ngắn gọn, rõ ràng, súc tích và rút ra được những kết luận đúng đắn về bản chất của sự kiện Lịch sử này. 

Tiếp xúc với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, sinh viên chúng tôi hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Bảo tàng trong giáo dục lịch sử ở THCS – nơi mà trong tương lai, các em sẽ làm việc lâu dài ở đó. Cũng từ đây, sinh viên luôn luôn được kích thích, nhắc nhở làm cho họ nhận thấy, một khi đã trở thành giáo viên Lịch sử giảng dạy ở một địa phương nào đó thì phải tổ chức cho học sinh của mình được đến Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tham quan, học tập. Đó là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THCS. 

Từ những phân tích trên đây, chúng tôi muốn khẳng định rằng; Thông qua việc tiếp cận với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, thầy trò chúng tôi đã trưởng thành về nhiều mặt. Mặt dù không phải là người trực tiếp đào tạo giáo viên Lịch sử cho các trường THCS, nhưng Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có những đóng góp lớn lao trong việc cùng các giáo viên của trường CĐSP Nghệ An đào tạo nên những giáo viên Lịch sử THCS với chất lượng cao hơn. Mối quan hệ gắn bó giữa trường chúng tôi và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được thể hiện qua nhiều hoạt động phong phú bổ ích. 

Đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cách mạng, chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã có và đã làm. Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ đó góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của giáo viên lịch sử THCS, chúng tôi xin có vài kiến nghị như sau: 

1. Hiện nay, đặc biệt là trong tương lai, việc học tập lịch sử địa phương trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều trường Đại học, CĐSP, THPT và các trường THCS của tỉnh nhà. Các trường đều có nhu cầu tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau buổi tham quan họ thường có nhu cầu muốn được dạy bài “ Cao trào cách mạng 1930-1931và Xô Viết Nghệ Tĩnh” ngay tại Bảo tàng. Vì vậy chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền xây thêm 1-2 phòng học tại Bảo tàng để phục vụ cho nhu cầu nói trên. 

2. So với trước, hiện nay Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã khang trang hơn nhiều. Hiện vật sưu tầm được ngày càng phong phú. Tuy nhiên để giúp học sinh tỉnh nhà có được bức tranh đầy đủ hơn nữa về Xô Viết Nghệ Tĩnh chúng tôi đề nghị Bảo tàng sưu tầm thêm tư liệu, bổ sung vào những chỗ khuyết, nhất là phần nói về “ Chính quyền Xô viết thành lập và những hoạt động của nó” ( phòng 6 của Bảo tàng) 

3. Theo chúng tôi được biết hiện nay trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh có trên 700 di tích liên quan đến cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh, có 49 di tích và địa điểm di tích đã được Bộ VHTT cấp Bằng Di tích Lịch sử Quốc gia. Nếu Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh in tập hồ sơ, với lời giới thiệu tương đối kỹ về các Di tích, thì nó sẽ là tài liệu quý cho nhiều trường THPT và THCS trong dạy học Lịch sử địa phương. Chắc chắn tài liệu đó ra đời sẽ được giáo viên, học sinh các trường trong tỉnh đón nhận nhiệt tình. 

4. Các cấp có thẩm quyền nên đầu tư thêm kinh phí để Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh xây dựng tượng đài, gây ấn tượng sâu sắc với khách tham quan; xây thêm phòng chiếu phim và phòng hội trường để tổ chức giao lưu khi cần thiết.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn và chúc cho quan hệ giữa Trường CĐSP Nghệ An với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng gắn bó hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học Lịch sử.

Hồ Hữu Quyền
Trường CĐSP Nghệ An

Video