70
1223
1612
13342
0
6864531
Về quê hương Tân Lộc, huyện Lộc Hà hôm nay, đến thăm địa chỉ đỏ Nhà lưu niệm Mai Hòe được xây dựng lại từ những năm 50 của thế kỷ XX, chúng tôi càng thấy rõ hơn tinh thần yêu nước và cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nói chung và gia đình cụ Mai Hòe nói riêng trong lịch sử. Hiện nay, ngôi nhà đã trở thành di tích, là nơi lưu niệm, thờ tự cụ Mai Hòe và nhiều thế hệ lão thành cách mạng trong gia đình.
Mai Hòe có tên khai sinh là Mai Phồ, (hay còn gọi là Quyền Vinh, Quyền Thoại)[1], sinh năm 1864 trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Đỉnh Lữ, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Cha là ông Mai Dị, mẹ là bà Nguyễn Thị Yên. Mặc dù sống trong hoàn cảnh một cổ đôi tròng của thực dân, phong kiến, nhưng cả hai ông bà đều hết lòng chăm sóc, dạy dỗ các con mình lòng yêu nước, thương nòi, làm những điều nhân nghĩa.
Khi nước ta trở thành thuộc địa, phong kiến của thực dân Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nhân dân Tân Lộc cùng với Nhân dân Hà Tĩnh đã nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Phong trào Cần Vương nổ ra mạnh mẽ khắp cả nước, kéo dài trong 10 năm (1885-1895), trong đó cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo là tiêu biểu, sôi nổi, quyết liệt nhất, kéo dài nhất trên địa bàn 4 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình. Huyện Can Lộc nói chung, xã Tân Lộc nói riêng lúc này trở thành địa bàn hoạt động của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Tại đây, nghĩa quân có một đội quân lớn gọi là “Can thứ”, là một trong 15 đội quân binh của khởi nghĩa Hương Khê.
Nhân dân Tân Lộc không những gia nhập nghĩa quân mà còn tích cực đóng góp lương thực, của cải nuôi quân khởi nghĩa. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước, người thanh niên trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết Mai Hòe đã đổi tên thành Mai Đình Hòe, hăng hái tham gia phong trào Cần Vương. Là một nho sỹ có uy tín và lòng yêu nước sâu sắc, Mai Đình Hòe đã tích cực vận động, động viên tầng lớp thanh niên trong làng tham gia phong trào Cần Vương, gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, vũ khí cho nghĩa quân hoạt động. Trong phong trào Cần Vương, Mai Đình Hòe giữ chức suất đội và có nhiều ảnh hưởng đối với phong trào đấu tranh yêu nước của Nhân dân Tân Lộc, ông chính là cánh tay nối dài của cụ Phan Đình Phùng trong việc tuyển quân.
Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo tuy bị thất bại do chưa có đường lối đấu tranh đúng đắn nhưng là cuộc khởi nghĩa đã để lại những dấu ấn sâu sắc và những kinh nghiệm quý giá cho các phong trào đấu tranh yêu nước của Nhân dân ta trong giai đoạn tiếp theo. Dù tiếng súng chống thực dân Pháp xâm lược và vua quan nhà Nguyễn bán nước thưa dần trên đất Hồng Lam, nhưng ngọn lửa căm thù, quyết chống xâm lăng của Nhân dân Can Lộc, Tân Lộc vẫn âm ỉ cháy dưới nhiều hình thức khác nhau.
Vào những năm đầu của thế XX, cùng với phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh phát động, phong trào chống thuế của Nhân dân Can Lộc lại nổ ra mạnh mẽ vào mùa hè năm 1908. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Nguyễn Hằng Chi người làng Ba Xã, liên tiếp trong tháng 4, tháng 5 năm 1908, Mai Đình Hòe cùng gần 1000 nông dân nghèo ở các tổng trong huyện rầm rộ kéo lên huyện lỵ, tỉnh lỵ đưa yêu sách đòi miễn sưu, giảm thuế cho dân cày vì mất mùa, nông dân đói khổ. Hoảng sợ trước phong trào chống thuế, thực dân Pháp vội vàng chém đầu ông Nguyễn Hằng Chi và bắt 6 người khác ở Can Lộc, một số người bị đày ra Côn Đảo như cụ Ngô Đức Kế, Bùi Phiệt, Võ Tịnh…
Những năm 1920-1925, tại Can Lộc cũng như nhiều địa phương ở Nghệ Tĩnh xuất hiện cuộc vận động thanh niên xuất dương tìm đường cứu nước. Khác với cuộc vận động Đông Du trước đây, hướng xuất dương lần này là sang Xiêm (Thái Lan) và Trung Quốc. Đóng vai trò nòng cốt trong phong trào này có rất nhiều nhân sĩ yêu nước trong đó có Mai Đình Hòe ở Phù Lưu. Nhờ những hoạt động của Mai Đình Hòe cùng những người đã từng tham gia phong trào chống thuế, lại hoạt động tích cực trong hội Duy Tân và có quan hệ với Tú tài Đặng Thúc Hứa nên hoạt động xuất dương tại Can Lộc thời điểm này diễn ra rất sôi nổi, trở thành địa điểm đón tiếp thanh niên Nghệ Tĩnh trên đường vượt Trường Sơn sang Trại Cày ở Xiêm của cụ Tú Hứa.
Sau khi Hội Phục Việt (tiền thân của Đảng Tân Việt) được thành lập tại thành phố Vinh, Nghệ An vào mùa hè năm 1925, tại Can Lộc, tổ Phục Việt đầu tiên cũng được hình thành ngay sau đó vào tháng 9/1925.
Năm 1927, Mai Đình Hòe tham gia tổ chức Tân Việt và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân kiện hào lý làm dụng quỹ công, đòi chia lại công điền, trì hoãn sưu thuế…. Nhiều đảng viên Tân Việt đã về hoạt động tại nhà ông Mai Đình Hòe và tổ chức này cũng đã chọn được một số thanh niên yêu nước đưa sang Thái Lan học tập và hoạt động cách mạng.
Từ lúc Đảng Tân Việt ra đời cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Mai Đình Hòe là người thường xuyên liên lạc, tiếp xúc với cán bộ Đảng, đặc biệt là giúp đỡ họ về mọi mặt, không quản gian nguy, khó khăn. Ông cùng với đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Phan Gần công khai đứng ra tổ chức nói chuyện về Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu để tuyên truyền lòng yêu nước đến với quần chúng Nhân dân. Mặt khác ông cũng là người hết lòng động viên, ủng hộ con cháu mình tham gia hoạt động cách mạng.
Tháng 2/1930, tại đình Đỉnh Lữ, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Can Lộc chính thức ra đời, gọi là chi bộ Đỉnh Lữ, gồm 5 đồng chí (do Hoàng Khoái Lạc làm Bí thư), trong đó có đồng chí Mai Cát là con trai của ông Mai Đình Hòe.
Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, ông là tổ trưởng đội cứu tế đỏ. Với uy tín của mình, ông đã tích cực vận động quần chúng Nhân dân ủng hộ cách mạng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống... Nhà ông tiếp tục trở thành địa điểm bí mật để cơ quan in ấn truyền đơn, tài liệu của Đảng làm trụ sở; là nơi các chiến sĩ cách mạng gặp gỡ, họp bàn để vạch ra những kế hoạch biểu tình, giảm tô, giảm thuế; nơi nuôi dấu che chở nhiều đồng chí Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy trong thời kỳ 1930- 1931 và cán bộ các chiến sĩ từ nơi khác đến hoạt động.
Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao, tại Hà Tĩnh đã có 170 làng thành lập được chính quyền Xô viết. Tại Tân Lộc, chính quyền Xô viết tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng đã mang lại một cuộc sống mới với nhiều quyền lợi thiết thực cho Nhân dân, tạo ra bầu không khí vui tươi, phấn khởi khắp các làng xã. Nhà ông Mai Đình Hòe lúc này tiếp tục trở thành nơi tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ cho nông dân.
Trước sự phát triển của phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp ra sức tăng cường, củng cố lực lượng để đàn áp. Ở Tân Lộc, chúng thành lập 3 đồn lính lê dương, lính khố xanh, khố đỏ và 4 điếm canh của bang tá, đoàn phu. Dùng thủ đoạn “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, chúng đã bao vây, lục soát bắt hàng chục người đồng thời đốt, phá nhà của nhiều cán cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trong đó có nhà của Mai Đình Hòe và con trai Mai Đỉnh cùng các đồng chi như Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Tá, Nguyễn Nật, Nguyễn Niên…
Dù thực dân Pháp khủng bố bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng Nhân dân Tân Lộc vẫn không hề nao núng, cán bộ, đảng viên vẫn bí mật bám sát cơ sở; quần chúng vẫn âm thầm tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cán bộ hoạt động ở núi Hồng Lĩnh trong đó có gia đình Mai Đình Hòe. Bất chấp sự đe dọa của địch, ông vẫn cương quyết không cho chúng đóng quân trong nhà.
Từ năm 1931 đến 1936, Mai Đình Hòe tiếp tục tham gia tổ chức cho các cán bộ trung kiên của Đảng rải truyền đơn, bí mật hoạt động. Năm 1936 đến năm 1939, ông đã bắt nối tổ chức lại phong trào cách mạng. Năm 1939 đến 1945, ông trực tiếp tham gia kế hoạch giành chính quyền ở Can Lộc trước tháng 8 năm 1945;
“Tháng 9 năm 1943, ông Mai Hòe bị địch bắt vì là cựu lý trưởng bị tố giác đã thăm nuôi đồng chí Chu Huệ, tù cộng sản vượt ngục đang bị truy nã. Tháng 2/1944, Tòa án Nam Triều tỉnh Hà Tĩnh kết án ông 01 năm tù giam cho hưởng án treo”.[2] Ông bị bắt cùng hai người con là: Mai Thát bị kết án 6 tháng tù (cho hưởng án treo), còn đồng chí Mai Đỉnh bị giam tại Nhà lao Hà Tĩnh.
Mặc dù nhiều lần bị dụ dỗ, mua chuộc với các thủ đoạn khác nhau nhưng ông Mai Hòe vẫn một lòng theo Đảng. Năm 1944, địch tăng cường chống phá hoạt động cách mạng nước ta, trước tình hình đó, gia đình ông Mai Đình Hòe đã huy động hết tiền của, tài sản được 400 quan tiền làm quỹ Đảng để hoạt động…
Ngoài tham gia hoạt động cách mạng, Mai Đình Hòe còn là người rất giỏi chữ Hán, chữ Nôm, ông thường sáng tác thơ ca, hò vè để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ tinh thần yêu nước cho thanh niên và Nhân dân trong vùng. Hiện nay, vẫn còn một số bài thơ của ông được con cháu sưu tầm, lưu lại như: Điếu con liệt sĩ Mai Trác, Cha khuyên con, Vịnh con chim câu, thơ chữ Hán đề ảnh… Những lời dạy của ông vẫn còn nguyên giá trị đối với các thế hệ con cháu cho đến hôm nay:
“Con ơi, cha bảo cho con
Làm người phải giữ vuông tròn, thủy chung
Làm sao rõ mặt anh hùng
Làm sao có tiếng non sông để dành…”[3]
Và trên di ảnh của ông vẫn còn lưu 4 câu thơ tràn đầy khí phách của một bậc Nho sỹ có tinh thần yêu nước thiết tha:
"Đứng giữa trần ai rõ mặt già
Tinh thần bất tử mấy ai mà
Gương trong giấy trắng in trăm nét
Tức giận can trường vẽ chẳng ra”[4]
Trải qua những năm hoạt động cách mạng gian khó, bị bắt và tù đày, ông Mai Đình Hòe vẫn một lòng trung kiên theo cách mạng. Đặc biệt, ông cùng vợ Nguyễn Thị Kim đã sinh thành, nuôi nấng và dạy dỗ 9 người con (5 trai, 4 gái) thành tài, đóng góp công lao làm rạng danh cho quê hương và đất nước. Tiếp nối truyền thống yêu nước của thế hệ ông cha, gia đình ông có 13 người là con, cháu, dâu, rể trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng (7 người con gồm: Mai Thị Vinh, Mai Thát, Mai Cát, Mai Thị Từ, Mai Đỉnh, Mai Trác, Mai Thị Chín; 2 người con dâu gồm Bùi Thị Tín và Nguyễn Thị Duyến; 1 người con rể là Hoàng Kỳ; 3 người cháu là Bùi Thính, Nguyễn Duyệt, Nguyễn Ca); 7 người đã bị địch bắt tù đày và tra tấn giã man, có người bị địch bắt đến 3 lần như Mai Cát, Mai Đỉnh, Mai Trác.
Mai Thát là con thứ hai của cụ Mai Hòe, đã ủng hộ cách mạng rất nhiều tài sản như thóc gạo và tiền bạc. Ông còn nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng trong gia đình. Năm 1961, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2/9, gia đình ông được tặng bằng Gia đình có công với nước.
Mai Cát là con thứ ba của cụ Mai Hòe, một chiến sĩ cách mạng trung kiên, bị giặc truy lùng gắt gao nên đã sang Xiêm (Thái Lan) một thời gian sau đó về nước hoạt động được bầu làm Bí thư Chi bộ Đỉnh Lữ. Sau một thời gian hoạt động, đồng chí lại bị địch bắt và đày vào nhà lao Buôn Mê Thuột. Khi mãn hạn tù, đồng chí lại trở về bắt mối để xây dựng lại cơ sở Đảng tại địa phương, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng đến ngày giành chính quyền năm 1945. Đồng chí Mai Cát là Bí thư huyện đầu tiên của huyện Can Lộc.
Mai Đỉnh là em của đồng chí Mai Cát. Tham gia hoạt động cách mạng lúc 17 tuổi, sau thời gian hoạt động bị lộ, thực dân Pháp truy lùng ráo riết nên phải trốn sống trong rừng sâu ở núi Hồng Lĩnh để hoạt động. Một thời gian sau, ông bị bắt và bị cột hai chân treo ngược lên trên đầu xuống dưới. Sau 3 ngày đồng chí một mực không khai báo nên bọn giặc lại tra tấn dã man hơn là nung lưỡi cày trong lửa sau đó ép vào người và cắt đứt gót chân, thậm chí chúng còn cho quân lính về phá nhà, cướp thóc của nhà đồng chí Mai Đỉnh.
Mai Trác là con trai thứ 8 của cụ Mai Hòe, hoạt động cách mạng từ rất sớm, được chi bộ giao nhiệm vụ là Bí thư Thanh niên Cộng sản Đoàn nhằm giác ngộ những người trẻ tham gia cách mạng. Mai Trác đã bị giặc bắt, tra tấn dã man và hy sinh tại Nhà lao Can Lộc…
Cũng hoạt động cách mạng và được công nhận cán bộ lão thành Cách mạng còn có bà Mai Thị Từ (Chủ tịch Phụ nữ xã đầu tiên) và bà Mai Thị Chín (người con thứ 9 của cụ Mai Hòe)…
Nhắc đến truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Hà Tĩnh, chúng ta không thể không nhắc đến gia đình cụ Mai Hòe. Những đóng góp cho cách mạng của gia đình cụ Mai Hòe đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhận: 10 người con được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng; Nhà cụ Mai Hòe được công nhận là Di tích lịch sử cấp Tỉnh (năm 2021); 1 người là liệt sĩ được tặng bằng “Tổ quốc ghi công”; 1 gia đình được tặng bằng khen có công với nước, cụ Mai Hòe và 8 con cháu nội ngoại được Truy tặng Huân chương Độc lập gồm: Mai Cát (con trai), Mai Đỉnh (con trai); Mai Thát (con trai); Bùi Thị Tín (con dâu); Nguyễn Thị Duyến (con dâu); Nguyễn Duyệt (cháu ngoại); Nguyễn Ca (cháu ngoại); Bùi Thính (cháu ngoại).[5]...
Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, các thế hệ gia đình cụ Mai Hòe hôm nay cũng đã và đang có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực… để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ ông, cha.
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT