288
769
2992
9722
20962
6839129
Đồng chí Mai Đỉnh sinh năm 1909, tại làng Đỉnh Lự, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc (nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà Nho yêu nước, là con trai thứ bảy của cụ Mai Hòe (hay còn gọi cố Quyền Vinh) một nho sỹ uy tín, có nhiều đóng góp trong phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của cụ Phan Đình Phùng. Các anh, em trong nhà như Mai Cát, Mai Thát, Mai Trác, Mai Thị Chín,… đều sớm tham gia hoạt động yêu nước, nên chàng thanh niên Mai Đỉnh cũng sớm được giác ngộ cách mạng.
Sau khi Hội Phục Việt (tiền thân của Đảng Tân Việt) được thành lập ngày 14/7/1925 ở núi Con Mèo (Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An), tại Can Lộc, tổ Phục Việt đầu tiên cũng được hình thành vào tháng 9/1925, gồm một số trí thức yêu nước như: Ngô Đức Đệ, Lê Viết Lượng, Trần Đại Quả, Võ Tịnh…Đến năm 1926, tổ chức Tân Việt ở làng Đỉnh Lự được thành lập gồm 7 người, do Hoàng Khoái Lạc phụ trách, trong đó có đồng chí Mai Cát là anh trai của đồng chí Mai Đỉnh.
Năm 1928, Hội Phục Việt đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt). Tổ chức Tân Việt lúc này ở Can Lộc đã có trên 50 thành viên, chia làm 5 tổ ở 5 tổng; cơ quan lãnh đạo chung của huyện gọi chung là Đại tổ.
Từ năm 1928-1929, hoạt động tích cực của tổ chức Tân Việt ở Đỉnh Lự đã thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân. Với sự dìu dắt của đồng chí Mai Cát và các đồng chí trong Đảng Tân Việt, đồng chí Mai Đỉnh đã tham gia làm liên lạc cho tổ chức.
Những hoạt động sôi nổi của các đảng viên Tân Việt trong đó đồng chí Mai Đỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến Nhân dân trong và ngoài tổng Phù Lưu. Nhiều nơi, quần chúng đã đoàn kết đấu tranh trì hoãn sưu thuế, kiện hào lý lạm dụng quỹ công, đòi chia lại công điền, đánh lính đoan về làng bắt rượu, bắt muối,…
Cuối năm 1929, cơ quan lãnh đạo của Đảng Tân Việt bị địch khủng bố, nhiều cán bộ nòng cốt bị địch bắt. Cũng trong thời gian này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tích cực hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin ở Hà Tĩnh. Nhiều đảng viên Tân Việt trong đó có đồng chí Mai Cát, Mai Đỉnh đã tiếp thu ảnh hưởng của Hội Thanh niên đã chuyển sang lập trường cách mạng vô sản.
Cuối tháng 2/1930, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Trần Hữu Thiều về Can Lộc, Hà Tĩnh để xây dựng tổ chức Đảng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Hữu Thiều, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng ra đời, lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân.
Tháng 4/1930, Hội nghị đại biểu của 7 chi bộ cộng sản trong huyện được tổ chức đã bầu ra Huyện ủy lâm thời huyện Can Lộc, gồm 5 đồng chí do đồng chí Trần Châu làm Bí thư. Từ đây, Nhân dân Can Lộc đã có một tổ chức cách mạng chân chính và Can Lộc cũng trở thành một địa bàn đứng chân quan trọng của các cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong những năm 1930-1931.
Tại đình Đỉnh Lự, Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Can Lộc cũng chính thức ra đời, gọi là Chi bộ Đỉnh Lự, gồm 5 đồng chí: Hoàng Khoái Lạc (Bí thư), Hoàng Liên, Nguyễn Cứ, Mai Cát, Hoàng Kỳ. Sau một thời gian hoạt động sôi nổi, đồng chí Mai Đỉnh vinh dự được kết nạp vào Đảng, sinh hoạt tại Chi bộ Đỉnh Lự và được cử làm Bí thư tổ chức Thanh niên xã Tân Lộc.
Sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, người thanh niên ưu tú của quê hương Tân Lộc, đồng chí Mai Đỉnh luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đỉnh Lự và các đảng viên, các tổ chức đoàn thể quần chúng cùng các tổ chức ái hữu nhanh chóng được thành lập và phát triển mạnh, thu hút thêm hàng chục hội viên, đoàn viên, đội viên làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của Nhân dân Tân Lộc trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy, Tỉnh ủy về việc tổ chức ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, đồng chí Mai Đỉnh cùng Chi bộ Đỉnh Lự cùng nhiều chi bộ khác ở hai tổng Lai Thạch, Phù Lưu đã tích cực tổ chức treo cờ Đảng, rải truyền đơn và bí mật vận động nông dân nghe cán bộ Đảng diễn thuyết. Tiếp đó, vào ngày 6/6/1930, hai anh em Mai Cát, Mai Đỉnh tiếp tục cùng chi bộ Đảng tham gia lãnh đạo hàng trăm quần chúng bao vây bọn hào lý ở đình làng từ sáng đến chiều, buộc chúng phải giao 32 mẫu ruộng công điền cho dân làng chia lại.
Những thắng lợi trong các cuộc đấu tranh càng tiếp thêm sức mạnh và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cho người đảng viên tràn đầy nhiệt huyết Mai Đỉnh. Đồng thời, giúp đồng chí vượt qua được những khó khăn, tiếp tục hăng hái, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy khi đối mặt với kẻ thù.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930, Huyện ủy lâm thời chủ trương tổ chức quần chúng biểu tình kéo tới huyện đường đưa yêu sách, đòi miễn sưu, giảm thuế, chia lại công điền. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, mờ sáng ngày 1/8/1930, hai anh em Mai Cát, Mai Đỉnh cùng hàng trăm nông dân hai tổng Phù Lưu, Lai Thạch, với khí thế sôi nổi đã tập trung tại Truông Gió nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc diễn thuyết vạch trần âm mưu, thủ đoạn của thực dân, phong kiến và nêu cao ý nghĩa của ngày chống chiến tranh đế quốc. Trước uy thế của quần chúng, Tri huyện Trần Mạnh Đàn không dám đàn áp, dùng kế hoãn binh, thuyết phục đoàn biểu tình giải tán. Sau khi trao đổi yêu sách gồm 10 điểm và buộc tên Tri huyện phải hứa “báo cáo lên quan tỉnh, 10 ngày sau sẽ trả lời”.
Đây là cuộc biểu tình đầu tiên của nông dân Can Lộc và cũng là cuộc biểu tình đông người đầu tiên của nông dân Hà Tĩnh kéo lên huyện được tổ chức thắng lợi, được Tỉnh ủy Hà Tĩnh đánh giá cao và nhận định: “nó mở đầu cho phong trào đấu tranh của nông dân Hà Tĩnh, chứng tỏ sức mạnh phi thường của dân cày, buộc bọn đế quốc và phong kiến phải bó tay, Tri huyện phải khúm núm nhận yêu sách.”[1]
Sau cuộc đấu tranh ngày 1/8/1930, thực dân Pháp đã tăng cường đưa lính về làng Đỉnh Lự đóng đồn và đàn áp quần chúng Nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên và một số quần chúng cách mạng đã sa vào tay địch trong đó có đồng chí Mai Cát (anh trai của đồng chí Mai Đỉnh). Dù vậy, tinh thần đấu tranh của quần chúng vẫn không hề giảm sút, những đồng chí như Mai Đỉnh vẫn giữ bầu nhiệt huyết cách mạng, tiếp tục tham gia lãnh đạo tổ chức Thanh niên đấu tranh mạnh mẽ.
Sáng ngày 7/9/1930, Mai Đỉnh cùng hàng ngàn nông dân thuộc 5 tổng: Nội Ngoại, Đoài, Nga Khê, Lai Thạch, Phù Lưu, đã mang cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu, rầm rộ từ các ngả đường kéo về huyện lỵ đòi Tri huyện Trần Mạnh Đàn trả lời những yêu sách đã hứa trong cuộc biểu tình ngày 1/8/1930. Khí thế sôi nổi của quần chúng đã khiến Tri huyện hoảng sợ bỏ trốn. Đồng chí Mai Đỉnh cùng quần chúng đã xông vào đập phá công đường, giải thoát một số người bị chúng bắt giữ trước đây. Để đoàn áp cuộc biểu tình, Công sứ Hà Tĩnh đã phái tên giám binh đưa lính khố xanh đến đàn áp, làm chết và bị thương 5 người. Hành động dã man của địch càng khiến tinh thần đấu tranh của đồng chí Mai Đỉnh và quần chúng lên cao, khí thế căm thù sôi sục. Cuộc đấu tranh này đã làm cho chính quyền địch tạm thời bị tê liệt và tiếp thêm sức mạnh cho quần chúng Nhân dân Tân Lộc và những người đảng viên như đồng chí Mai Đỉnh.
Sau cuộc biểu tình ngày 7/9/1930, địch tăng cường lùng sục, khủng bố cách mạng gay gắt, nhiều cán bộ, quần chúng ưu tú bị bắt. Bất chấp sự càn quét của địch, tối ngày 17/9/1930, đồng chí Mai Đỉnh cùng hàng ngàn người của hai tổng Nội Ngoại và Phù Lưu lại tiếp tục đứng lên đấu tranh. Quần chúng đã tiến hành biểu tình thị uy từ tối đến sáng hôm sau mới giải tán. Sau cuộc biểu tình, khí thế cách mạng của Nhân dân Tân Lộc nói riêng và Nhân dân Can Lộc nói chung đã phát triển thêm một bước mới.
Trong những tháng cuối năm 1930, đồng chí Mai Đỉnh tiếp tục cùng Nhân dân tham gia nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt, bất chấp bom đạn, súng máy của kẻ thù, như: mít tinh kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (sáng 7/11/1930), lễ truy điệu đồng chí Hồ Ngọc Tàng (ngày 11/11/1930), cuộc đấu tranh quy mô toàn huyện (ngày 22/12/1930),…
Sang đầu năm 1931, cuộc đấu tranh của Nhân dân Tân Lộc tiếp tục phát triển mạnh, nhất là phong trào đấu tranh trực tiếp với hào lý địa phương. Những người đảng viên ưu tú như đồng chí Mai Đỉnh luôn hăng hái trong các cuộc đấu tranh, góp phần đưa phong trào chống thuế, chống sưu phát triển khắp trong các làng xã.
Với những hoạt động tích cực đó, từ tháng 2 đến tháng 8/1931, đồng chí Mai Đỉnh đã được bầu làm Bí thư Chi bộ[2], sau đó là Tổng Ủy viên. Trong thời gian này, đồng chí Mai Đỉnh cùng Chi bộ Đỉnh Lự đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng Nhân dân kéo đến nhà các cường hào, địa chủ đòi chia ruộng đất, thóc gạo cho dân nghèo. Khí thế của quần chúng cách mạng đã khiến bọn chúng phải nhượng bộ, không dám hống hách.
Giữa năm 1931, phong trào đấu tranh của Nhân dân Tân Lộc phát triển thành cao trào cách mạng, các chi bộ Đảng cùng các cán bộ Đảng như đồng chí Mai Đỉnh đã được tôi luyện qua gian nan, thử thách ngày càng vững vàng hơn trong trận chiến với kẻ thù.
Từ tháng 9/1931 đến tháng 1/1932, đồng chí Mai Đỉnh được bầu làm Phó Bí thư Nông hội huyện Can Lộc. Sau một thời gian hoạt động, trước sự tầm nã gắt gao của kẻ thù, đồng chí Mai Đỉnh đã sa vào tay giặc, bị địch bắt giam vào Nhà lao Hà Tĩnh từ tháng 2/1931 đến năm 1935. Những năm tháng bị giam cầm trong lao tù đế quốc, chịu đựng nhiều thủ đoạn mua chuộc hay tra tấn dã man, dù chân trái bị đánh gãy xương, mang thương tật, nhưng tinh thần của người đảng viên Mai Đỉnh vẫn kiên trung, bất khuất, luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tại dãy Nam, phòng giam số 8, đồng chí Mai Đỉnh vẫn cùng anh em tù chính trị như Nguyễn Đình Tuy, Trần Ích,… đứng ra tổ chức học văn hóa, học nghề may, đan, mộc, làm gạch, ngói,… với phương châm “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Niềm tin bất diệt của các đồng chí vào sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên sức mạnh phi thường, giúp các chiến sỹ vượt qua những phút giây sinh tử trong chốn lao tù. Những sản phẩm như quả mây, mủng giang của đồng chí Mai Đỉnh làm ra trong Nhà lao Hà Tĩnh hiện vẫn được lưu giữ, bảo quản, phát huy giá trị tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã phần nào nói lên tinh thần, khí chất của các chiến sỹ cộng sản nói chung, đồng chí Mai Đỉnh nói riêng trong lao tù tăm tối.
Sau khi hết hạn tù, đồng chí Mai Đỉnh tiếp tục trở về quê hương, tích cực bắt mối hoạt động cách mạng. Từ năm 1936-1937, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào bình dân, củng cố tổ chức đảng ở địa phương. Từ năm 1939-1940, đồng chí được bầu làm Chi ủy viên Chi bộ Đỉnh Lự. Mặc dù bị địch khủng bố gắt gao nhưng đồng chí vẫn cùng chi bộ bất chấp hiểm nguy, bắt liên lạc với nhiều cựu tù chính trị như dồng chí Chu Huệ, Nguyền Hồng Đáp, Mai Cát,.. xây dựng kế hoạch, chờ thời cơ vùng lên đấu tranh.
Từ năm 1941 đến tháng 3/1945, đồng chí Mai Đỉnh tiếp tục bị bắt giam lần thứ hai tại Nhà lao Hà Tĩnh. Dù vẫn còn mang thương tật trong lần bị bắt thứ nhất, nhưng đồng chí vẫn không hề nao núng trước những đòn roi, tra tấn của kẻ thù, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau khi được thả tự do, đồng chí tiếp tục trở về quê nhà tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi chi bộ Đỉnh Lự được khôi phục, đồng chí Mai Đỉnh được bầu là chi ủy viên và tham gia vào mặt trận Việt Minh giành chính quyền ở xã Tân Lộc.
7 giờ sáng ngày 18/8/1945, theo hiệu lệnh trống của đình Đỉnh Lự, đồng chí Mai Đỉnh cùng Nhân dân các làng trong tổng đã tập trung tại đình nghe diễn thuyết về ý nghĩa, mục đích của việc giành chính quyền. Cùng lúc đó, Ủy ban khởi nghĩa phân công tự vệ cứu quốc thông báo với bọn hào lý các làng chuẩn bị triện đồng, sổ sách giao cho cách mạng. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Đỉnh Lự và Kim Chùy thành công trong niềm vui hân hoan của Nhân dân. Sau thắng lợi đó, đồng chí Mai Đỉnh được bầu làm Bí thư chi bộ xã Nhật Tân (làng Đỉnh Lự và Đại Lự nhập lại thành xã Nhật Tân).
Từ năm 1946-1950, đồng chí Mai Đỉnh công tác tại Ty Công an Hà Tĩnh, làm giám thị Nhà lao Hà Tĩnh, Chủ nhiệm kho dự trữ của tỉnh. Năm 1951-1952, đồng chí được điều động vào công tác tại Ty Công an tỉnh Quảng Bình. Năm 1953-1959, đồng chí được điều về Ban Thuế Nông nghiệp, Nông trường Thạch Ngọc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1960-1970, đồng chí được điều ra công tác tại Bộ Giao thông Vận tải[3]. Năm 1974, do tuổi cao sức yếu, đồng chí qua đời, hưởng thọ 65 tuổi.
Với những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng chí Mai Đỉnh đã vinh dự được Nhà nước công nhận là cán bộ lão thành cách mạng; được Đảng, Chính phủ tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; 2 Huân chương Kháng chiến (hạng Nhì và hạng Ba).
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Tân Lộc có bề dày truyền thống lịch sử, được nuôi dưỡng, giáo dục trong một gia đình Nhà nho yêu nước, đồng chí Mai Đỉnh từ một thanh niên yêu nước đã sớm được giác ngộ trở thành người đảng viên, chiến sỹ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Với hai lần bị bắt giam, tra tấn trong lao tù đế quốc, dù mang thương tật suốt đời nhưng niềm tin vào lý tưởng của Đảng trong đồng chí Mai Đỉnh không bao giờ phai nhạt. Đồng chí đã cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân và trở thành niềm tự hào của quê hương Hà Tĩnh.
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT
Chú thích:
[1] Lịch sử Đảng bộ Huyện Can Lộc, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr44
[2] Theo giấy chứng nhận cán bộ đảng viên lão thành cách mạng trước tháng 8/1945 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh ngày 15/01/2002
[3] Theo giấy chứng nhận cán bộ đảng viên lão thành cách mạng trước tháng 8/1945 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh ngày 15/01/2002