Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ý nghĩa lịch sử và giá trị thực tiễn

Tác giả: admin
Ngày 2018-06-11 05:44:55

Thực hiện Chỉ thị số 22 – CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trân trọng giới thiệu một số nét về hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa về Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như sự vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Sau cách mạng tháng 8/1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Đứng trước vận mệnh nước nhà “ngàn cân treo sợi tóc”, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách lúc này của cách mạng, đó là chống thù trong giặc ngoài. Ngày 19/12/1946, Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “…mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiết thiết chóng thành công”.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, ngày 11-6-1948, nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đồng thời là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua khen thưởng trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.  

70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước:

- Vận dụng sáng tạo tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong từng giai đoạn cách mạng như: phát động các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu”… đã phát huy hiệu quả trong thời kỳ chống Pháp. Trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 – 1975) các phong trào như “Cờ Ba nhất”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… đã tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986), đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua dạy tốt học tốt”… và gần đây là cả nước đang tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả ba phong trào lớn : “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” đã đạt hiệu quả lớn.

- Vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng và thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách về công tác thi đua – khen thưởng như chỉ thị số 35 – CT/TW ngày 3/6/1998 của Bộ chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39 – CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ chính trị (khóa IX) về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 22 – CT/TW ngày 23/1/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/20180).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng như Chính phủ đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng: Nghị định số 42/2010/NĐ – CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ – CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, Khen thưởng; Chỉ thị số 18/CT – TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng….

Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, về phát động phong trào thi đua yêu nước ngày một hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai rộng lớn trên  mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nội dung, hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý là công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến… được chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội.

70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi còn nguyên ý nghĩa và giá trị thực tiễn, luôn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn để tiến hành thành công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trần Thị Thủy – Bảo Tàng XVNT 

Video