296
1641
3787
16172
34073
6824617
Xã Đức Vĩnh ngày nay, xưa là làng Vĩnh Đại nằm về phía Đông Bắc huyện Đức Thọ, cách trung tâm huyện 13 km, là vùng đất trũng thuộc Hạ lưu sông La, được hình thành cách đây 700 năm.
Trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm của cha ông ta, cùng với nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, Đức Thọ luôn được xem là “phên dậu” của nước nhà, là vùng đất chiến lược được coi là “ trọng trấn” của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.
Khi thực dân Pháp xâm lược Nghệ Tĩnh, nhân dân Đức Vĩnh cùng với cả huyện vùng lên đấu tranh mạnh mẽ trong các phong trào Văn Thần, Cần Vương. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Đức Vĩnh sôi nổi hưởng ứng các cuộc vận động Đông Du, Duy Tân, tìm đọc sách báo bí mật, văn thơ yêu nước....Đó chính là những tiền đề cho sự truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin vào quần chúng nhân dân thông qua các phong trào vận động yêu nước.
Ông Phùng Liên sinh năm 1900, trong một gia đình nông dân ở làng Vĩnh Đại (nay là xã Đức Vĩnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Cha là Phùng Vượng hoạt động rất tích cực trong các phe giáp chống lại bọn hào lý và có những đóng góp cho phong trào như gây dựng hội làm nhà, hội tương tế ái hữu.
Là người thanh niên chính trực khảng khái, Phùng Liên được mọi người trong vùng rất mến phục. Năm 1925- 1926, ông cùng bà con Đức Vĩnh hăng hái tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, phản đối thực dân Pháp kết án tử hình cụ Phan Bội Châu; vận động các gia đình ủng hộ tiền bạc cho thanh niên ra nước ngoài hoạt động. Năm 1927-1929, ông tham gia lớp học chữ Quốc ngữ do tổ chức Thanh niên và Tân Việt mở ở Đức Vĩnh để được tìm hiểu về đường lối cách mạng.
Sau khi Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời, tháng 3/1930 Đảng bộ Lâm thời Đức Thọ thành lập. Ban chấp hành gồm các đ/c: Đặng Bá Văn, Lê Sâm, Lê Mạo, Nguyễn Hiếu, Thái Minh; do đ/c Đặng Bá Văn làm Bí thư. Ngày 15/3/1930, các đ/c cán bộ Tỉnh và Huyện đã thành lập 5 Chi bộ Đảng đầu tiên của Đức Thọ là: Vĩnh Đại, Bùi Xá, Tùng Ảnh, Lạc Thiện và Chi bộ trường Tiểu học. Chi bộ Đảng làng Vĩnh Đại gồm các đ/c: Hà Uyên, Trần Thuần, Phan Luận, Phan Quý Gia, Lê Gia; do đ/c Lê Gia làm Bí thư.
Tháng 4/1930, cấp trên đã cử đồng chí Trần Hợp, người thôn Du Đồng (nay là xã Đức Đồng, Đức Thọ) về các xã chỉ đạo phong trào và tổ chức in ấn truyền đơn, tài liệu cho Đảng. Tại địa bàn xã Vĩnh Đại, đồng chí Trần Hợp đã tạo dựng được một số cơ sở cách mạng trong đó có gia đình Phùng Liên. Dưới sự dìu dắt của đồng chí Trần Hợp, ông Phùng Liên được giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia hoạt động.
Thời gian này cơ sở in ấn được đặt trong nhà ông Nguyễn Xuân Cúc, gần nhà ông Phùng Liên. Với sự giúp đỡ của cha con ông Phùng Liên cơ sở đã in ấn được nhiều tài liệu truyền đơn kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày ấy tài liệu được in trong đêm và sáng sớm đã được cha con ông Phùng Liên chuyển đến các cơ sở trong xã.
Bằng những hoạt động tích cực của cha con ông Phùng Liên, gia đình ông đã được Chi bộ Đảng Vĩnh Đại chọn làm cơ sở hội họp, nuôi dấu cán bộ Đảng về chỉ đạo phong trào cách mạng thời kỳ 1930-1931.
Những hiện vật: đế đài hương, lọ hoa gỗ là vật dụng sinh hoạt trong gia đình ông Phùng Liên nhưng trong thời kỳ 1930-1931 gia đình đã sử dụng những hiện vật này phục vụ cán bộ hội họp.
Đế đài gỗ này được sử dụng làm đế đèn phục vụ cán bộ Đảng làm việc và họp hành vào ban đêm.
Chiếc lọ hoa gỗ này là đồ thờ tự trong gia đình nhưng trong những lúc có tài liệu truyền đơn chưa kịp gửi đi thì gia đình ông Phùng Liên thường dấu trong lọ hoa này để trên bàn thờ nhờ đó mà tránh được tai mắt địch.
Chiếc chum sành này đã được gia đình ông Phùng Liên sử dụng cất dấu truyền đơn, tài liệu vào trong đó.
Phách sắc bùa này là của cụ Phùng Vượng sử dụng làm ám hiệu cảnh giới cho các cuộc họp. Cha con ông Phùng Liên đã tổ chức các buổi tập hát sắc bùa nhằm ngụy trang, che dấu cho các cuộc họp của cán bộ.
Ngày 01/8/1930, ngày chống chiến tranh đế quốc, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy Hà Tĩnh các Chi bộ trong tỉnh đã tổ chức quần chúng mít tinh.
Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh, Chi bộ đã tổ chức in trền đơn tài liệu vạch rõ mục đích cuộc đấu tranh, kêu gọi mọi người hưởng ứng. Ông Phùng Liên được cấp trên giao nhiệm vụ đi nhận truyền đơn tại nhà ông Nguyễn Xuân Cúc rồi rải trên các trục đường lớn trong xã.
Rạng sáng ngày 01/8/1930, gần 100 quần chúng nhân dân làng Vĩnh Đại dưới sự chỉ đạo của cán bộ Đảng viên đã rầm rộ kéo về bãi Nam Bao nghe cán bộ diễn thuyết. Sau đó quần chúng nhân dân đi về các ngả đường hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chiến trang đế quốc”,”Đả đảo áp bức bọc lột”,”Bãi bỏ thuế thân, thuế chợ”. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên của nhân dân Vĩnh Đại dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng.
Sau cuộc đấu tranh ngày 01/8/1930, ông Phùng Liên đã được kết nạp vào Nông hội đỏ và ông cùng gia đình luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động cho Đảng cho cách mạng. Tiêu biểu như cuộc đấu tranh ngày 07/11/1930, kỷ niệm 13 năm cách mạng tháng Mười Nga do huyện ủy Đức Thọ phát động, cuộc đấu tranh ngày 11/12/1930 tại Bùi Xá, cuộc đấu tranh ngày 01/5/1931…
Ngôi nhà của gia đình ông nhiều lần được chọn làm cơ sở hội họp của cán bộ cấp trên về chỉ đạo phong trào, nắm tình hình của địa phương.
Năm 1934, ông được tin tưởng giữ chức vụ đội trưởng Đội Tự vệ đỏ của xã Vĩnh Đại và có nhiều đóng góp.
Năm 1941 ông bị địch bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh, cho dù đòn roi nhục hình nhưng ông vẫn giữ vững lòng tin và không khai báo gì. Do bị tra tấn, đánh đập dã man ông đã hy sinh tại nhà lao ngày 18/8/1942.
Với những đóng góp của ông trong cách mạng, ngày 01/10/2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định công nhận liệt sỹ cùng Bằng Tổ Quốc Ghi Công (QĐ/TTg 01/10/2002) cho ông Phùng Liên.
Những hiện vật này là của gia đình ông Phùng Liên sử dụng và gìn giữ rất cẩn thận, nay có cán bộ sưu tầm của Bảo tàng XVNT về công tác. Gia đình đã đồng ý giao lại cho bảo tàng đem về lưu giữ và bảo quản.
Tạ Thị Thanh Hà – Bảo tàng XVNT