358
601
4450
16835
34073
6825280
Đồng chí Võ Tế sinh năm 1891, xuất thân trong một gia đình làm nông, có cha là ông Võ Văn Hòa, mẹ là bà Đinh Thị Cưởng, vợ là Nguyễn Thị Hướt ở thôn An Thái, xã Tam Quan 1 , tổng Tài Lương, phủ Hoài Nhơn (nay là thôn An Thái 1, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định. Thị trấn Tam Quan nằm ven quốc lộ 1A, là trung tâm kinh tế, văn hoá phía Bắc Hoài Nhơn. Người dân nơi đây cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm và kiên trung trong nhiều cuộc đấu tranh yêu nước như cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn ( 1771-1792), phong trào Cần Vương và cuộc tiến công phủ lỵ Hoài Nhơn của nghĩa quân Tăng Bạt Hổ (1886), phong trào Cách Tân (1906)...
Tháng 2/1928, đồng chí Nguyễn Trân, một thanh niên trí thức ở thôn Cửu Lợi đã bắt liên lạc với đồng chí Trần Trọng Quảng ( bí danh là Phụ, quê Thanh Hóa, cán bộ của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Nam Kỳ), thành lập ra chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Cửu Lợi do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Từ đây, phong trào đã nhanh chóng phát triển ra toàn huyện Hoài Nhơn, một số chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội mới ra đời ở các làng An Thái, Dĩnh Thạnh – Hảo Thiện (Tam Quan), Thanh Sơn, An Sơn ( Hoài Châu), Tài Lương ( Hoài Thanh Tây)... Đến tháng 12/1928, Huyện bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội huyện Hoài Nhơn được thành lập do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư.
Đồng chí Võ Tế là một người đầy nhiệt huyết, giàu lòng yêu nước, được đồng chí Nguyễn Trân giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh, đòi giảm sưu, giảm thuế và đi rải truyền đơn nhân dịp các ngày lễ như ngày Quốc tế Lao động (1/5), cách mạng tháng Mười Nga (7/11), cách mạng tư sản Pháp (14/7)...
Tháng 8/1930, Thành ủy Sài Gòn đã cử đồng chí Nguyễn Du (tức Cảnh) về thôn Cửu Lợi thành lập chi bộ Cửu Lợi – Chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Nhơn gồm 5 đảng viên: Nguyễn Trân ( Bí thư), Huỳnh Triếp, Đoàn Tính, Tôn Chất, Cao Thành. Chi bộ Cửu Lợi đã đề ra chương trình hành động của mình, tăng cường phát triển cơ sở Đảng rộng khắp trong toàn huyện. Chỉ trong một thời gian ngắn ở Dĩnh Thạnh, Hảo Thiện, Chương Hòa, Đại Hóa, An Thái, Tài Lương... đã thành lập các chi bộ cơ sở. Các chi bộ đều phát triển các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ... Đồng chí Võ Tế cùng người con trai tên là Võ Nhu2 có tinh thần hăng hái, tháo vát, dũng cảm nên được vào đội Tự vệ thôn An Thái. Cũng trong tháng 10/1930, Huyện ủy lâm thời huyện Hoài Nhơn được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Trân (Bí thư), Huỳnh Triếp, Đoàn Tính, Tôn Chất, Cao Thành.
Cuối năm 1930, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ nhằm phát động nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh thể hiện tình đoàn kết với công nông Nghệ Tĩnh, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn và các chi bộ đảng ở Tam Quan đã tiến hành nhiều đợt đấu tranh mạnh mẽ, tổ chức rải truyền đơn kêu gọi quần chúng tham gia phản đối đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu nhân dân Nghệ Tĩnh.
Đồng chí Võ Tế được đồng chí Nguyễn Trân giao cho nhiệm vụ đi rải truyền đơn. Truyền đơn lấy ở tổ ấn loát đặt tại nhà đồng chí Nguyễn Cử ở thôn Hảo Thiện về chưa kịp đi rải thì đồng chí Võ Tế bọc kín trong túi ni lông rồi dấu ở trong các hũ sành, phủ muối lên trên để ngụy trang. Nếu có lính vào khám xét, đồng chí nhanh chóng đem hũ sành ra sau vườn chôn nên không bị địch phát hiện. Khi thuận lợi, đồng chí lại lấy truyền đơn ra, đi rải khắp các thôn xóm, nhờ vậy mà đã vận động, giác ngộ nhân dân tham gia trong các phong trào quần chúng. Truyền đơn liên tiếp được rải trong các ngày 28/9/1930 ở Tam Quan; ngày 07, 11 và 19 tháng 10/1930 ở Tài Lương, Bồng Sơn, Tân Định với nội dung: “Phản đối chủ nghĩa đế quốc thảm sát nông dân Nghệ Tĩnh đỏ...”
Đầu tháng 11/1930, Huyện ủy lâm thời Hoài Nhơn phối hợp với Đảng bộ Quy Nhơn mở đợt đấu tranh mới nhằm tiếp tục ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Các đồng chí như Nguyễn Trân, Huỳnh Triếp, Đoàn Tính... thường lui tới nhà đồng chí Võ Tế để bàn bạc nhiệm vụ, ăn nghỉ. Ngôi nhà nhỏ của gia đình xung quanh được che khuất bởi những cây dừa cao, cây cối um tùm, là điều kiện thuận lợi để các đồng chí cán bộ Đảng tin tưởng chọn làm nơi ẩn náu. Khi họp hành xong, bà Nguyễn Thị Hướt thường mang vật dụng trong gia đình như mâm đồng, đĩa sứ dùng để phục vụ cơm nước, sinh hoạt cho các đồng chí. Đồng chí Võ Tế lại được giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn. Đêm 05/11/1930, truyền đơn xuất hiện khắp nơi, lá cờ của Đảng được treo công khai trước công chúng ở thị trấn Tam Quan.
Tháng 7 năm 1931, tiếp tục hưởng ứng chủ trương ủng hộ nhân dân Nghệ - Tĩnh, Huyện ủy Hoài Nhơn chủ trương phát động cuộc biểu tình vũ trang lớn trong toàn huyện. Từng chi bộ huy động đông đảo lực lượng nhân dân ở địa phương tham gia, có tự vệ đỏ làm lực lượng bảo vệ, tổ chức thành nhiều cánh từ các xã của huyện tập hợp lại Tài Lương, tiến về phủ đường Bồng Sơn đưa yêu sách cho tri phủ Hoài Nhơn. Theo kế hoạch, từ 4h chiều ngày 22/7/1931, cuộc biểu tình vũ trang bắt đầu. Trong đó, cánh biểu tình gồm nhân dân các thôn Cửu Lợi, Tăng Long, Đại Hóa, Trung Trinh, Bình Minh, An Thái… do đồng chí Huỳnh Triếp chỉ huy, tập trung ở cầu ông Rải ( thôn An Thái ) rồi kéo ra quốc lộ 1, đồng chí Võ Tế cùng con trai Võ Nhu ở trong tổ tự vệ đỏ được trang bị giáo mác, gậy tre vót nhọn, đội ngũ chỉnh tề, đi theo bảo vệ quần chúng cách mạng. Khi tiến đến thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo thì gặp lính khố xanh do tên đồn trưởng Bồng Sơn là Hô- Nhê và tên tri phủ Hoài Nhơn Nguyễn Khoa Nghi chỉ huy chặn đoàn biểu tình, chĩa súng uy hiếp. Đồng chí Võ tế cùng đoàn biểu tình không hề nao núng trước mũi súng của giặc, hô vang khẩu hiệu: “ Đả đảo đế quốc, đả đảo phong kiến Nam Triều! Phản đối bắn giết nhân dân Nghệ Tĩnh…”3. Địch nổ súng vào đoàn biểu tình, đồng chí Võ Tế cầm cây rựa cán dài đè cổ tên đồn trưởng xuống, hoảng hốt trước tinh thần bất khuất của đoàn biểu tình, địch bắn xối xả, đồng chí Võ Tế, Huỳnh Đôn Mậu hy sinh ngay tại chỗ… Tên Nguyễn Khoa Nghi xông đến, chỉ tay ra lệnh quân lính bắt đồng chí Huỳnh Triếp nhưng không được, bởi đông đảo người dân đã nhất loạt sát cánh bảo vệ đồng chí Huỳnh Triếp và hét vang “ Nếu bắt thì bắt cả đi…”4, khiến tên Nguyễn Khoa Nghi phải chùn bước.
Khoảng 1h30 sáng ngày 23/7/1931, khi các đoàn biểu tình kéo đến Cây số 7 Tài Lương ( xã Hoài Thanh Tây) thì đã lên đến khoảng 3000 người, hàng ngũ trật tự, trống đánh liên hồi, bị bọn lính từ Quy Nhơn kéo ra đối phó và bắn xối xả vào đoàn biểu tình. Đến rạng sáng ngày 23/7/1931, cuộc biểu tình tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng đây là cuộc đấu tranh tiêu biểu cho khí thế đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân Bình Định trong cao trào 1930 – 1931, thể hiện truyền thống đoàn kết chia lửa với Nghệ Tĩnh. Trong cuộc biểu tình ngày 23/7/1931 đã có 13 người hy sinh, 1 người bị kết án tử hình, 3 người bị kết án tù chung thân, 20 đảng viên bị lưu đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột, 11 đồng chí bị đày lên ngục Kon Tum, 47 đồng chí bị giam cầm tại nhà lao Bình Định và Quy Nhơn, một số người bị giam ở nhà lao Phù Ly.
Đồng chí Võ Tế là tấm gương của một thanh niên yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để đấu tranh đến cùng, trong những thời điểm khó khăn nhất, đồng chí vẫn không hề nao núng, dũng cảm xông lên bất chấp hiểm nguy đối mặt với kẻ thù. Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định trong đấu tranh ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm (1930-1931), Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký quyết định 37- TTga truy tặng bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Võ Tế vào năm 1974.
Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT
Chú thích:
1) Trước cách mạng tháng 8/1945, Tam Quan là một xã có 19 thôn: Phước Lộc, Thạnh Mỹ, An Thái, Tân Mỹ, Lộc An, An Hảo, Trường Thành, Hảo Thiện, Tân Định, Trường Xuân, Thiện Xuân, Tứ Chánh, Huân Công, Dĩnh Thạnh, Cửu Lợi, Đại Hóa, Trung Trinh, Tăng Long, Sông Võ. Ngày 26/12/1997, xã Tam Quan trở thành thị trấn Tam Quan và có 5 thôn: An Thái 1, An Thái 2, Mỹ Lộc 1, Mỹ Lộc 2, Tân Mỹ.
2) Đồng chí Võ Tế có 4 người con: Võ Nhu (1913-1996), có vợ là bà Lê Thị Sương được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014; Võ Trọng Sinh ( 1920-1984); Võ Thị Dưỡng ( 1925); Võ Thị Vân Khánh (1930).