Liệt sỹ Trần Duy Phà - người chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh kiên cường của quê hương Anh Sơn, Nghệ An

Tác giả: admin
Ngày 2020-08-28 00:11:01

Đồng chí Trần Duy Phà (còn có bí danh là: Trần Văn Phà, Tịnh), sinh năm 1893 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Lĩnh, tổng Đặng Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn), huyện Anh Sơn, Nghệ An, có cha là ông Trần Duy Yết, mẹ là bà Phạm Thị Thệ. Quê hương Lĩnh Sơn là vùng đất nằm phía đông, cách trung tâm huyện 18 km, phía Bắc tiếp giáp xã Tào Sơn, phía Tây tiếp giáp xã Cao Sơn và Khai Sơn, phía Nam giáp xã Thanh Nho (huyện Thanh Chương), phía Đông giáp xã Nam Sơn (huyện Đô Lương). Người dân nơi đây cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu nước. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Anh Sơn, một trong những chi bộ đầu tiên ở Nghệ An.

Ảnh: Đồng chí Trần Duy Phà (bí danh là: Trần Văn Phà, Tịnh)

Năm 1925, “Hội ái hữu bí mật” bao gồm một số thanh niên yêu nước được giác ngộ bởi các vần thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu như: Hoàng Khắc Bạt, Cao Xuân Khoách, Phan Thái Ất, Nguyễn Văn Bác… đã mua lại căn nhà của một công chức kiểm lâm người Pháp ở làng Lãng Điền (nay là xã Đức Sơn) đem về làng Dương Xuân làm trụ sở hội. Nhà làm xong, nhận thấy hầu hết hội viên là người của hai làng Dương Xuân và Yên Lĩnh, hội đã quyết định dùng tên ghép của hai làng đặt tên cho cửa hàng là: Hiệu Yên Xuân[1]. Năm 1926, hội đã bắt liên lạc với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tổ chức Thanh niên đã cử đồng chí Dương Đình Thuý về xây dựng cơ sở, tập hợp những người tiến bộ giác ngộ, lập tiểu tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên ở Anh Sơn tại Hiệu Yên Xuân[2]. Sau khi thành lập, Tiểu tổ đã tiến hành các hình thức nhằm phát triển như: tuyên truyền vận động và kết nạp thêm các thành viên có tinh thần yêu nước địa phương. Nhận thấy Trần Duy Phà là người thẳng thắn, cương trực, có tinh thần yêu nước, các đồng chí trong tiểu tổ Thanh Niên ở Yên Lĩnh đã vận động và kết nạp đồng chí vào tổ chức. Từ đó, đồng chí Trần Duy Phà đã hăng hái tham gia gặp gỡ những người yêu nước, cùng các hội viên tổ chức các nhóm học Quốc ngữ, tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng hình thức đọc báo, giảng văn thơ, sách báo tiến bộ tại các đình làng: Yên Lĩnh, Dương Xuân... Ngoài ra, đồng chí Trần Duy Phà còn cùng Chi hội vận động nhân dân xây dựng quy ước, hương ước, chỉnh đốn thuần phong mỹ tục trong xã, khai mương, sửa sang đường sá, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan... Nhờ đó, các cơ sở của Hội Thanh niên được xây dựng mạnh trong 2 năm 1928-1929 và Hiệu Yên Xuân trở thành đầu mối liên lạc của tổ chức Thanh niên ở Anh Sơn.

Tháng 9/1929, phong trào cách mạng ở Anh Sơn phát triển mạnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Uỷ viên Trung ương Đảng, phụ trách Xứ uỷ Trung Kỳ đã về đây và tiến hành triệu tập hội nghị bí mật và ra tuyên bố thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí Thư. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên của xã Lĩnh Sơn và cũng là chi bộ đầu tiên của huyện Anh Sơn, đồng thời là một trong bốn chi bộ đầu tiên của Tỉnh Nghệ An và Xứ ủy Trung Kỳ. Sau khi ra đời, chi bộ đã vận động thành lập các hội quần chúng như Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên cộng sản Đoàn, Sinh hội, Hội tán trợ... Đến tháng 11/1929, cũng tại Hiệu Yên Xuân, Tổng Nông hội Nghệ An được thành lập, ra tờ báo “Dân cày” làm cơ quan ngôn luận. Đồng chí Trần Duy Phà, người hội viên tích cực của Tiểu tổ Thanh Niên đã được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, trực tiếp tham gia tổ chức Nông hội đỏ địa phương. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, tổ chức Nông Hội đỏ, đồng chí Trần Duy Phà đã tham gia nhiều hoạt động yêu nước tại địa phương như: rải truyền đơn kêu gọi anh em dân cày phản đối làm mà không có tiền công, đòi chia đều đất công của làng cho dân nghèo; kêu gọi nhân dân gia nhập các Hội quần chúng để cùng đấu tranh đòi quyền lợi: Bỏ thuế, chống bắt phu, bắt lính, tự do lập hội, tự do ngôn luận… Đầu năm 1930, đồng chí Trần Duy Phà với những hoạt động tích cực của mình đã được Ban Chấp hành Nông hội tín nhiệm cử tham dự Đại hội Đại biểu của Tỉnh Hội[3].

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ đã chỉ định ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An là Tỉnh ủy Vinh và Tỉnh ủy Nghệ An. Cuối tháng 3/1930, dưới sự lãnh đạo của phái viên Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn được thành lập do đồng chí Trần Du làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Phủ ủy Anh Sơn đã cắt cử các đồng chí đảng viên về từng tổng và thôn xã để xúc tiến tuyên truyền, kết nạp thêm đảng viên. Cùng với sự ra đời của các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ… được duy trì và phát triển. Đồng chí Trần Duy Phà tiếp tục hoạt động trong tổ chức Nông hội đỏ địa phương.

Tháng 5/1930, tin tức về phong trào đấu tranh của công nông Vinh – Bến Thủy và các vùng phụ cận dâng cao đã góp phần cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân Anh Sơn nói chung và nhân dân Yên Lĩnh nói riêng. Hưởng ứng lời kêu gọi “Theo gương hy sinh của dân cày Nghệ An” (trong ngày 1/5) của Xứ ủy Trung Kỳ, ngày 28/5/1930, Phủ ủy Anh Sơn đã triệu tập cuộc họp có sự tham dự của các đồng chí Bí thư Tổng ủy. Cuộc họp đã quyết định lấy ngày 1/6/1930 làm ngày tổng biểu tình của nhân dân phủ Anh Sơn.

Ngay sau khi nắm bắt được chủ trương của Phủ ủy, đồng chí Trần Duy Phà và các đồng chí trong chi bộ, tổ chức Nông hội đỏ địa phương đã tích cực kêu gọi, vận động nhân dân tham gia, đồng thời khẩn trương chuẩn bị các mặt cho cuộc biểu tình đòi giảm sưu, hoãn thuế, chống chính sách khủng bố của địch trên quy mô toàn phủ.

Đêm 1/6/1930, cờ đỏ búa liềm đã được các đồng chí hội viên Nông hội treo bay phấp phới trên các nóc đình làng, ngọn cây. Rạng sáng ngày 2/6/1930, dưới sự chỉ huy hướng dẫn của đồng chí Trần Duy Phà và các đồng chí đảng viên, đông đảo nhân dân Yên Lĩnh đã tiến về địa điểm tập trung cùng nhân dân các làng trong tổng Đặng Sơn, Lãng Điền. Sau khi nghe các đồng chí đảng viên diễn thuyết, quần chúng nhân dân liền hô vang các khẩu hiệu đấu tranh:

- Hoãn thuế điền thổ, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò!

- Bồi thường cho gia đình chiến sỹ Phan Thân, Nguyễn Đừu!

- Tăng tiền lương, bớt giờ làm cho thợ thuyền!

- Thả những người bị bắt trong cuộc biểu tình ở Bến Thuỷ!

Tiếp đó, đồng chí Trần Duy Phà, các đồng chí trong tổ chức Nông hội của các làng nhận nhiệm vụ tiếp tục hướng dẫn nhân dân tổ chức hàng ngũ chỉnh tề, trống dong, cờ thúc rầm rập tiến bước dọc theo đường số 7 tiến về Phủ đường Anh Sơn ở Thị trấn Đô Lương. Trước khí thế như vũ bão của đoàn biểu tình, bọn đoàn phu được phái đến đều không dám nhúc nhích hay có động thái can ngăn.

Được tin đoàn biểu tình đang ùn ùn kéo về chợ Lường, Tri phủ Anh Sơn hoảng sợ không kịp mặc áo dài, đeo bài ngà mà vội vàng cùng một số tùy tùng khúm núm ra gặp quần chúng nhân dân. Vừa thấy tên Tri phủ xuất hiện, đồng chí Trần Duy Phà và các đồng chí Đảng viên đã đưa tay lên làm hiệu lệnh, lập tức đoàn biểu tình liền vây chặt lại, đồng thời cử một đại biểu đứng lên đưa yêu sách. Y buộc phải phê vào bản khất sưu của dân: “Đặng – Lãng nhị tổng nhân dân khất khiếu sưu, ngân: hạn thập nguyệt tuần, giao hoàn sung sổ”[4]. Sau khi tên Tri phủ đọc lại nội dung, nhân dân liền hô to các khẩu hiệu phản đối. Trước sức mạnh của quần chúng, tên Tri phủ Anh Sơn phải cúi đầu phê lại vào bản yêu sách: “Anh Sơn phủ hạt, nhân dân khất khiếu sưu, ngân: hạn thập nguyệt tuần, giao hoàn sung sổ”[5]. Cuộc biểu tình ngày 2/6/1930 của nhân dân Anh Sơn kết thúc thắng lợi. Đồng chí Trần Duy Phà và các đồng chí đảng viên, hội viên Nông hội sau đó đã lãnh đạo đoàn biểu tình của các làng chia ra tuần hành biểu dương lực lượng trước khi rút về.

Sau cuộc biểu tình này, cơ sở chi bộ Đảng cũng phát triển mạnh, các tổ chức quần chúng càng lan rộng trong các thôn xóm, niềm tin vào sức mạnh và ý chí đấu tranh của nhân dân càng được nung nấu thêm.

Trước phong trào đấu tranh ngày càng quyết liệt của nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung, nhân dân Anh Sơn nói riêng, cuối tháng 8 đầu tháng 9/1930, thực dân Pháp đã điều từ các nơi đến Nghệ Tĩnh nhiều đơn vị lính mới hòng đàn áp phong trào. Ở Anh Sơn, thực dân Pháp và tay sai tiến hành các cuộc vây ráp với quy mô ngày càng lớn. Được chỉ điểm đồng chí Trần Duy Phà là cán bộ Nông hội đỏ tiêu biểu nên chúng đã tiến hành theo dõi, lùng bắt ráo riết. Tháng 8/1930, đồng chí bị địch bắt. Trong thời gian bị giam cầm, mặc dù kẻ địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc như nhục hình tra tấn, dụ dỗ, lừa phỉnh nhưng đồng chí Trần Duy Phà vẫn luôn giữ vững khí tiết, không hề khai báo, một lòng trung kiên với Đảng với cách mạng. Sau một thời gian giam cầm, tra tấn, không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung Trần Duy Phà, ngày 13/12/1930, Tòa án Nam triều Tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí 09 năm tù khổ sai, 09 năm quản thúc theo Bản án số 183.

Sau đó, đồng chí bị địch đày đi giam tại ngục KonTum. Tại đây, để đè bẹp ý chí đấu tranh của các thế hệ tù chính trị, thực dân Pháp đã thi hành nhiều chính sách đàn áp tàn bạo. Tuy nhiên, sự xảo quyệt độc ác, đòn roi của kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần cách mạng kiên trung, ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Trần Duy Phà. Để chống lại chế độ hà khắc trong ngục tù thực dân, đồng chí Trần Duy Phà cùng anh em tù nhân nơi đây đã đứng lên biến nhà tù thành trường học cách mạng, tham gia đấu tranh dưới các hình thức như: làm reo, tuyệt thực… Ngày 7/5/1937, đồng chí Trần Duy Phà đã hy sinh tại Kon Tum[6].

Cuộc đời hoạt động cách mạng của liệt sỹ Trần Duy Phà đã góp phần khẳng định rằng: dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khí tiết của những người cộng sản của quê hương Nghệ Tĩnh luôn giữ vững, vẫn một lòng kiên trung với Đảng đến hơi thở cuối cùng. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Trần Duy Phà đã được Nhà nước truy tặng bằng Tổ quốc Ghi công năm 2011 và tên của đồng chí đã được trang trọng khắc trên bia đá Tưởng niệm liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 tại Nhà Tưởng niệm của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh như một sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với đóng góp, hy sinh của đồng chí vì nền độc lập tự do nước nhà./.

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Ngày 16/01/1988, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 1288-QĐ/VH công nhận Hiệu Yên Xuân là  “Di tích Lịch sử Văn hóa”.

[2] Theo Hồ sơ Xếp hạng di tích Hiệu Yên Xuân lưu tại Kho Bảo tàng XVNT.

[3] Hồ sơ Mật thám Pháp theo dõi về đồng chí Trần Duy Phà lưu tại Bộ Công An có thông tin đồng chí là: “Huyện bộ Anh Sơn, đại biểu của Tỉnh bộ Nông hội”.

[4] Nghĩa là: Nhân dân 2 tổng Đặng Sơn, Lãng Điền xin khất sưu thuế, hẹn đến tháng 10 nạp đủ.

[5]  Nghĩa là: Nhân dân phủ Anh Sơn xin khất sưu thuế, hẹn đến tháng 10 nạp đủ.

[6] Hồ sơ mật thám Pháp, lưu tại Kho KKBQ, Bảo tàng XVNT.

Video