Liệt sỹ Nguyễn Úy - Tấm gương kiên trung của quê hương Mỹ Thành trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2024-11-18 08:26:07

Mỹ Thành - xã miền núi nằm về phía Tây Nam của huyện Yên Thành, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là cái nôi cách mạng của huyện. Dù là vùng quê hẻo lánh, nhưng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số yếu nhân của Việt Nam Quang Phục Hội đã cử người về đây để vận động thanh niên xuất dương sang Nhật, Xiêm… Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Mỹ Thành là cơ sở hoạt động, đùm bọc, che chở cho các chiến sĩ cách mạng tiền bối, như: Chu Văn Đàm, Tôn Thị Quế, Võ Mai,… về hoạt động, xây dựng tổ chức Nông Hội Đỏ và Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội. Chi bộ Đảng xã Mỹ Thành cũng là chi bộ đầu tiên của huyện Yên Thành được thành lập. Đồng chí Nguyễn Úy và những người con của quên hương Mỹ Thành đã sớm chịu ảnh hưởng và tiếp thu những tư tưởng yêu nước tiến bộ đương thời.

Đồng chí Nguyễn Úy sinh năm 1890, quê ở làng Trụ Pháp, tổng Vân Tụ (nay là xã Mỹ Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cha mẹ của đồng chí là ông Nguyễn Văn Dung và bà Trần Thị Thiếp. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đồng chí Nguyễn Úy đã sớm thấu hiểu những nỗi khổ cực của người dân mất nước, sống lầm than trong cảnh một cổ đôi tròng áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến. Do đó, đồng chí đã tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh giữa phe Hộ và phe Hào, yêu cầu bọn hào lý các làng không được bắt dân đóng góp tiền gạo để mổ bò, mổ lợn trong các dịp lễ hội…

Năm 1926, đồng chí Võ Mai (người tổng Vạn Phần, Diễn Châu) sau khi dự lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu về nước đã thành lập được tiểu tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Hoàng Trường, Diễn Châu. Sau đó, một số đồng chí trong tiểu tổ như Chu Đàm (Chu Văn Đàm), Chu Trang,… đã được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên ở Yên Thành. Đồng chí Chu Đàm đã về Trụ Pháp, bắt liên lạc với những thanh niên yêu nước địa phương như: Nguyễn Úy, Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Ứng, Lê Điều… và lập ra tiểu tổ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Trụ Pháp. Được kết nạp vào tổ chức, đồng chí Nguyễn Úy và tiểu tổ tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng yêu nước, sách báo tiến bộ nhằm giác ngộ quần chúng Nhân dân.

Năm 1929, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ sau khi thành lập đã cử đồng chí Phan Thái Ất, Bí thư Tổng Nông hội đỏ Nghệ An về Trụ Pháp triệu tập cuộc họp tại nhà đồng chí Nguyễn Ngoạn để thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Yên Thành. Tại cuộc họp này, các đồng chí đã thống nhất đặt tên là Chi bộ Bồ Sơn. Chi bộ gồm 9 đồng chí tiêu biểu của các chi bộ Hội Thanh niên tổng Vân Tụ. Đồng chí Nguyễn Úy, với những hoạt động tích cực của mình, được kết nạp và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của huyện Yên Thành. Chi bộ Bồ Sơn cũng là một trong những chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập đầu tiên ở Nghệ An.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ đã chỉ định ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An là Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An. Đến tháng 8/1930, các đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Chung, đặc phái viên Tỉnh ủy Nghệ An được cử ra tăng cường cho các huyện Yên Thành, Diễn Châu. Đầu tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang triệu tập một cuộc họp tại nhà Nguyễn Ngoạn (Trụ Pháp) gồm các đồng chí: Nguyễn Úy, Nguyễn Thực, Nguyễn Chuyên,… Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hữu Bình, hội nghị đã nghe phổ biến các chủ trương của Đảng và thống nhất thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam của tổng Vân Tụ. Sự ra đời của chi bộ Đảng ở Vân Tụ đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Trụ Pháp nói riêng và tổng Vân Tụ nói chung. Sau khi thành lập, đồng chí Nguyễn Úy và các đồng chí trong chi bộ đã phân công nhau về các làng để vận động quần chúng.

Giữa tháng 10/1930, nhận chỉ thị từ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc đã trực tiếp về Vân Tụ phổ biến chủ trương. Các đồng chí đã thống nhất phương án tổ chức cuộc biểu tình trong toàn huyện vào dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công để biểu dương lực lượng, đòi giảm sưu giảm thuế, phản đối đế quốc và chính quyền tay sai đàn áp công nhân Bến Thủy, nông dân huyện Hưng Nguyên.

Như kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 7/11/1930, Nhân dân các làng Trụ Pháp, Đông Yên, Quan Chương, Ngọc Luật... khí thế ngùn ngụt từ các ngả kéo về tập trung tại đình làng Tràng Kè. Đồng chí Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Úy, Nguyễn Tờng thay nhau đứng lên diễn thuyết về Cách mạng Tháng Mười Nga và tinh thần đấu tranh của Nhân dân huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương... Khi các đồng chí vừa dứt lời, Nhân dân liền hô to các khẩu hiệu đấu tranh. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Úy, Lê Điều, Nguyễn Tờng..., đoàn biểu tình chỉnh trang hàng ngũ, bắt đầu tiến bước dọc đường 7 kéo xuống đường 38. Đoàn đi đến đâu, Nhân dân các làng của tổng Vân Tụ và Quan Hóa từ các ngả lại kéo ra, nhập vào đoàn đến đó. Khi đoàn biểu tình vừa đến Mũi Đao (gần cầu Dinh) thì Tri huyện Yên Thành đã kịp điều lính lê dương ra ngăn chặn. Không hề run sợ, khi các đồng chí Nguyễn Úy, Nguyễn Ngoạn đưa tay lên làm hiệu lệnh, đoàn biểu tình liền hô to các khẩu hiệu đấu tranh.

Trước khí thế đấu tranh như sóng cuộn của Nhân dân, Tri huyện hoảng sợ liền ra lệnh cho lính lê dương bắn vào đoàn khiến 1 người chết và một số người bị thương. Trước tình thế không cân sức, đồng chí Nguyễn Úy, Nguyễn Ngoạn hướng dẫn đoàn tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng. Cuộc biểu tình tuy chưa đạt được mục đích kéo đến huyện đường nhưng đã đánh dấu lần đầu tiên Nhân dân Trụ Pháp – Mỹ Thành tham gia đấu tranh có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tối ngày 9/11/1930, Nhân dân Trụ Pháp và các làng trong tổng Vân Tụ theo sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Úy đã kéo về tập trung tại Nam Thôn (nay thuộc xã Công Thành) để làm lễ truy điệu cho đồng chí hi sinh.

Ngày 10/11/1930, Đảng bộ lâm thời huyện Yên Thành được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban Chấp hành Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các tổng để củng cố và phát triển các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng.

Cuối năm 1930, phong trào cách mạng của Nhân dân Yên Thành phát triển mạnh, tổ chức quần chúng yêu nước lần lượt đời, thu hút đông đảo lực lượng tham gia.Chi bộ Vân Tụ được tách thành 4 chi bộ: Trụ Pháp, Ngọc Luật, Đồng Thống và Đông Yên. Chi bộ Trụ Pháp gồm 12 đảng viên do đồng chí Nguyễn Ngoạn làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Úy với vai trò của mình trong phong trào cách mạng địa phương được tín nhiệm bầu làm ủy viên chi bộ.

Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Úy và các đồng chí trong Chi bộ Trụ Pháp đã trực tiếp vận động và hướng dẫn đông đảo Nhân dân phối hợp với các làng trong tổng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh và các dịp kỷ niệm Quảng Châu Công xã, đấu tranh lấy thóc của địa chủ chia cho người nghèo cứu đói ... Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh ở Trụ Pháp, bộ máy chính quyền tay sai ở đây bị tê liệt. Tổ chức Thôn bộ nông Trụ Pháp (Nông hội đỏ) ra đời đảm nhận việc quản lý, điều hành mọi mặt ở làng thay cho bọn hào lý. Đồng chí Nguyễn Úy và Chi bộ Trụ Pháp đã chỉ đạo Thôn bộ nông tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ, đấu tranh đòi hào lý phải trả lại một phần ruộng đất công để chia cho Nhân dân, phá bỏ tệ “phụ thu, lạm bổ”... Sau thời gian dài chịu ách áp bức một cổ hai tròng, người dân được làm chủ trên ruộng đồng quê hương khiến không khí phấn khởi và rộn ràng bao trùm cả Trụ Pháp.

Đầu năm 1931, Tổng đốc An Tĩnh Nguyễn Khoa Kỳ đã thi hành hàng loạt chính sách mới nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng đang ngày một dâng cao. Một mặt, chúng điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về Yên Thành rình rập, bắt bớ suốt ngày đêm. Bên cạnh đó, chúng còn bày ra thủ đoạn mỵ dân như tổ chức rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận hòng lừa phỉnh, dụ dỗ Nhân dân nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng trong quần chúng Nhân dân.

Nhận thấy âm mưu thâm độc của kẻ thù, các đồng chí trong Huyện ủy Yên Thành đã tổ chức cuộc họp bí mật đề ra kế hoạch phá tan buổi phát thẻ quy thuận này.

Thực hiện chủ trương của cấp trên, đồng chí Nguyễn Úy và Chi bộ Trụ Pháp đã nhanh chóng vận động Nhân dân và bố trí lực lượng tham gia.

Sáng ngày 7/2/1931, đồng chí Nguyễn Úy, Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Tờng lãnh đạo Nhân dân kéo lên tập trung tại đình chợ Kè. Tri huyện Yên Thành Phan Minh Bật, chánh phó tổng, hào lý, chức sắc các làng trong tổng Vân Tụ đều lũ lượt kéo về đây. Tiếp đó, xe ô tô của tên công sứ Pháp, tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ và giám binh Pơty từ Vinh về dự. Đi kèm đó là một tốp lính lê dương từ Diễn Châu lên và lính đồn Trụ Pháp được huy động đến để bảo vệ buổi lễ. Khi buổi lễ sắp bắt đầu, lá cờ vàng vừa kéo lên, Nguyễn Khoa Kỳ chuẩn bị hiểu dụ thì các đồng chí Nguyễn Úy và các đồng chí đảng viên khác được bố trí từ trước liền hô hào mọi người đứng dậy. Truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi anh chị em dân cày vào Nông hội đoàn kết chống Pháp được rải khắp nơi, cả ô tô của tên công sứ, tổng đốc, giám binh cũng nhét đầy truyền đơn. Buổi “lễ quy thuận” do địch tổ chức đã thất bại hoàn toàn. Cuộc đấu tranh phá lễ phát thẻ quy thuận của Nhân dân Vân Tụ thắng lợi đã tạo tiếng vang đến các địa phương khác, góp phần cổ vũ phong trào cách mạng của toàn tỉnh.

Không thể mua chuộc, dụ dỗ được Nhân dân, thực dân Pháp và chính quyền tay sai ở Yên Thành đã cho binh lính, đoàn phu về từng thôn, xóm để lùng bắt lực lượng cách mạng. Trước sự lùng sục gắt gao của kẻ thù, đồng chí Nguyễn Úy, Nguyễn Ngoạn và nhiều đảng viên, quần chúng yêu nước khác đã bị sa vào lưới giặc. Để thị uy phong trào cách mạng địa phương, sáng ngày 3/4/1931, địch đã giải đồng chí Nguyễn Úy ra khe Đập làng xử bắn. Trước phút hi sinh, đồng chí vẫn không e sợ mà vẫn khảng khái thét vào mặt kẻ thù: “Tao chết nhưng anh em còn sống, cách mạng nhất định thắng lợi!”[1]

Đồng chí Nguyễn Úy là một trong những đảng viên đầu tiên của quê hương Mỹ Thành, Yên Thành. Với bầu nhiệt huyết cách mạng, đồng chí Nguyễn Úy luôn dũng cảm đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Ngay cả khi cận kề cái chết, đồng chí vẫn một lòng vững chí bền gan, không hề nao núng, sẵn sàng hi sinh vì đại cuộc. Với những đóng góp của Nguyễn Úy cho phong trào cách mạng địa phương, ngày 19 tháng 7 năm 1961, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” cho đồng chí Nguyễn Úy theo Quyết định số 293/QĐ-TTg. Mẹ của đồng chí, bà Nguyễn Thị Thiếp đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quyết định số 365/QĐ-CTN ngày 03 tháng 3 năm 2015.

 

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành (1930-2005), NXB Chính trị Quốc gia, Năm 2010; LSĐB Yên Thành (1930-2017), NXB Nghệ An, 2017;

- Địa chí lịch sử xã Mỹ Thành, NXB Nghệ An, Năm 2011;

  - Lời kể, tư liệu của bà Trần Thị Chung, cháu ngoại đồng chí Nguyễn Úy.

 



[1] Địa chí lịch sử xã Mỹ Thành, NXB Nghệ An, 2011, tr.138

Video