Liệt sỹ Nguyễn Hoàn, người chiến sỹ cộng sản kiên trung của mảnh đất Đồng Văn, Thanh Chương

Tác giả: admin
Ngày 2021-07-16 09:49:55

Đồng Văn là xã nằm về phía tả ngạn sông Lam của huyện Thanh Chương, Nghệ An. Trong quá trình hình thành và phát triển, Đồng Văn đã trải qua nhiều lần chia tách và sáp nhập nên địa giới hành chính và tên gọi cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, dù ở thời kỳ lịch sử nào thì Đồng Văn vẫn luôn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và yêu nước. Đây là xã có truyền thống khoa bảng với số người đỗ trung khoa thời kỳ phong kiến xếp thứ 3 của huyện Thanh Chương. Đặc biệt, trong phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm trước năm 1930, nhân dân Đồng Văn đã chung lưng đấu cật, đóng góp sức người sức của với những tên tuổi đã đi vào sử sách như ông Nguyễn Sỹ Thứ, Nguyễn Hoàng Đạt, Đậu Đức Phù…

Đồng chí Nguyễn Hoàn (1908-1931) còn có bí danh là Nguyễn Hoàng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Di Luân, tổng Đại Đồng (nay là xóm Lộc Xuân, xã Đồng Văn), huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ươm mầm trên mảnh đất giàu truyền thống, đồng chí Nguyễn Hoàn là một trong những thanh niên có tư tưởng tiến bộ sớm tham gia các hoạt động yêu nước tại địa phương.

Năm 1928, Đại tổ Tân Việt ở Thanh Chương được thành lập đã tiến hành công tác tuyên truyền, giác ngộ ý thức dân tộc qua văn thơ yêu nước tiến bộ. Ở Đồng Văn có 2 đồng chí tham gia Tân Việt là Lê Xuân Đàn và Lê Thế Thuận. Nhận thấy đồng chí Nguyễn Hoàn là thanh niên có tinh thần yêu nước và nhiệt huyết với cách mạng, đồng chí Lê Xuân Đàn và Lê Thế Thuận đã tuyên truyền vận động, kết nạp đồng chí vào tổ chức. Thực hiện chủ trương của tổ chức, đồng chí Nguyễn Hoàn đã tích cực tham gia công tác vận động nhân dân địa phương thành lập được các phường hội như: Phường Cấy, Phường Cày, Phường Lợp nhà… nhằm đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống và phục vụ đắc lực cho công tác sinh hoạt tuyên truyền văn thơ yêu nước tiến bộ cho nhân dân.

Ngày 20/3/1930, Hội nghị đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương tại đền Tiến Sơn (xã Thanh Long, huyện Thanh Chương) đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Huyện ủy Thanh Chương. Ngay sau khi thành lập, Huyện ủy đã cử các đồng chí đảng viên về tận các làng, xã để xúc tiến việc phát triển tổ chức cơ sở đảng cũng như các tổ chức đoàn thể, quần chúng.

Chỉ sau 1 tháng, huyện Thanh Chương đã kết nạp được 55 đảng viên cùng nhiều tổ chức nông hội. Đồng chí Lê Xuân Đàn, Lê Thế Thuận, Nguyễn Hoàn, những thanh niên tích cực của tổ chức Tân Việt đã được kết nạp đảng và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt góp phần tích cực vào công tác xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở Thanh Chương nói chung và tổng Đại Đồng nói riêng.

Từ ngày 9 đến ngày 10/4/1930, đồng chí Nguyễn Hoàn và một số thanh niên tổng Đại Đồng, Quảng Xá đã tổ chức được một số cuộc biểu tình đấu tranh nhằm phản đối tệ nạn bắt dân đóng góp xôi thịt tế thần.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, thực hiện chủ trương do Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Nghệ An phát động, Huyện ủy Thanh Chương đã tiến hành hội nghị tại nhà đồng chí Trần Trạch ở Võ Liệt. Sau một thời gian bàn bạc và xem xét các khả năng, các đồng chí đã thống nhất phương án tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn trong toàn huyện, những nơi có điều kiện thuận lợi thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết và đưa yêu sách.

Sau khi nhận được tài liệu, truyền đơn, đồng chí Nguyễn Hoàn và các đồng chí đảng viên, nông hội đỏ đã phân công nhau bí mật rải truyền đơn. Hàng ngàn tờ truyền đơn kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh đã kịp thời đến tận tay nhân dân các làng Di Luân, Xuân Tường, Nguyệt Bổng, Hạnh Lâm, Cát Ngạn…

Sáng ngày 1/5/1930, người thanh niên trẻ Nguyễn Hoàn đã hòa nhịp cùng gần 3.000 thanh niên, nông dân, quần chúng yêu nước các làng Hạnh Lâm, La Mạc… mang theo các vũ khí thô sơ kéo về tập trung tại đình làng Thượng. Sau khi nghe đại diện Huyện ủy diễn thuyết về ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động và vạch trần tội ác của tên địa chủ Nguyễn Trường Viễn, đoàn biểu tình chia làm hai đoàn kéo vào đồn điền để gặp Ký Viễn đưa yêu sách nhưng y đã hoảng sợ bỏ trốn. Quần chúng nhân dân thừa thắng xông lên triệt phá toàn bộ cơ ngơi của hắn.

Sáng ngày 3/5/1930, Giám binh PơTy, thượng tá Hồng Quang Địch và tri huyện Thanh Chương Phan Thanh Kỷ huy động 100 lính khố xanh ở Vinh, ở các đồn điền từ Thanh Quả lên, từ Đô Lương sang, từ Con Cuông xuống đóng chốt tại đình làng Thượng. Địch đã lệnh cho hào lý mang địa bạ ra bắt dân làng bồi thường cho tên Ký Viễn, nhưng hào lý lo sợ trước áp lực của quần chúng nhân dân nên không dám thi hành lệnh của cấp trên. Chúng bèn bắt giam hào lý, chi bộ Đảng ở đây liền tổ chức ngay một cuộc biểu tình đòi thả hào lý, đồng thời nêu các khẩu hiệu đấu tranh: Đòi miễn sưu, hoãn thuế, quân cấp công điền thổ. Suốt 2 ngày đêm, mặc dù dùng đủ các chiêu trò dụ dỗ đến hăm dọa nhưng kẻ địch vẫn không thể khuất phục được ý chí đấu tranh của đồng chí Nguyễn Hoàn cùng 1.500 quần chúng nhân dân Hạnh Lâm, La Mạc…

Ngày 21/5/1930, do mật thám tay sai địa phương chỉ điểm, đồng chí Nguyễn Hoàn bị địch phục kích và bắt. Nhận định đồng chí Nguyễn Hoàn là thành viên tích cực trong cuộc đấu tranh ngày 1/5 phá đồn điền Ký Viễn, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã đưa đồng chí về giam tại Nhà lao Vinh. Trong tù, đồng chí Nguyễn Hoàn vẫn nêu cao khí tiết, không hề khai báo nửa lời. Ngày 5/8/1930, đồng chí bị Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án tù khổ sai chung thân.

Ngày 31/12/1930, đồng chí bị địch đày đi giam tại Ngục KonTum. Tại đây, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách cực kỳ dã man, tàn bạo đối với đồng chí Nguyễn Hoàn và các tù chính trị. Tuy nhiên, sự xảo quyệt độc ác, súng đạn của kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của đồng chí Nguyễn Hoàn, người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Nghệ Tĩnh. Để chống lại chế độ lao tù hà khắc của bọn thực dân, đồng chí Nguyễn Hoàn cùng anh em tù nhân nơi đây đã đứng lên tổ chức nhiều cuộc đấu tranh rất quyết liệt, dưới mọi hình thức từ làm reo đến tuyệt thực… nhằm bảo vệ quyền sống tối thiểu của con người và nêu cao tinh thần cách mạng mà điển hình là cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931 và cuộc đấu tranh tuyệt thực từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 12 năm 1931. Vào ngày thứ năm của cuộc đấu tranh (16/12/1931), khi đồng chí Nguyễn Hoàn và các anh em đang tuyệt thực, hô vang khẩu hiệu đấu tranh thì Toàn quyền Pas Quier ra lệnh cho súng nhả đạn bắn xối xả vào đoàn người. Đồng chí Nguyễn Hoàn đã anh dũng hy sinh cùng 6 anh em chiến sỹ khác khi đồng chí vừa mới tròn 23 tuổi.

Ảnh: Bằng Tổ Quốc ghi công của đồng chí Nguyễn Hoàn

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, ngày 4 tháng 11 năm 2004, đồng chí Nguyễn Hoàn đã được Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt Nhà nước tôn vinh, truy tặng bằng Tổ Quốc ghi công. Hy sinh khi tuổi đời còn trẻ nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Hoàn xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo./.

Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ, Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

  • Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Văn (1930-2010), NXB Lao động Hà Nội, 2014;
  • Lịch sử Đảng bộ huyên Thanh Chương (1930-2010), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010;
  • Tài liệu về đồng chí Nguyễn Hoàn lưu tại Di tích Ngục KonTum;
  • Lời kể, tư liệu do gia đình đồng chí Nguyễn Hoàn cung cấp.

Video