345
769
3049
9779
20962
6839186
Xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là mảnh đất có bề dày lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng, với nhiều công trình kiến trúc văn hóa tâm linh: như Đền Thị Kỵ, đền thờ Cao Sơn, đền Bàu Sen, chùa Phúc Lộc, chùa Chiếng Chiểng... Trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ con em Nghi Thạch đã vượt lên mọi gian nan, thử thách đấu tranh với giặc ngoại xâm để giữ bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Đặc biệt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 -1931, tiêu biểu cho những người con kiên trung, bất khuất của quê hương Nghi Thạch có đồng chí Nguyễn Đình Bổng.
Đồng chí Nguyễn Đình Bổng (Bí danh là Trì, Cố Hồ, ông Liễn, cố Liễn, Liệu) sinh năm 1881 trong một gia đình nghèo, nhưng giàu truyền thống yêu nước tại xóm Xuân Hòa, làng Xuân Đình, tổng Thượng Xá (nay là xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Hàng ngày, phải chứng kiến cuộc sống khổ cực của người thân dưới chế độ áp bức, bóc lột tàn bạo của đế quốc, phong kiến, Nguyễn Đình Bổng đã sớm hình thành tư tưởng nuôi chí lớn làm cách mạng để cứu dân, cứu nước.
Vào năm 1925, sau khi Hội Phục Việt được thành lập, đồng chí Nguyễn Đình Bổng được giác ngộ và tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước tại địa phương như: mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn,…
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 4 năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Phân cục Trung ương và Tỉnh ủy Vinh, những đảng viên Tân Việt của Nghi Lộc đã họp và cử ra Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau đó, các tổ chức quần chúng cách mạng lần lượt được thành lập và phát triển nhanh, hoạt động rất tích cực. Nông hội đỏ Làng Xuân Đình ra đời: gồm 4 tổ với 47 hội viên do đồng chí Nguyễn Đình Bổng (tức Trì), Nguyễn Đình Điểm (tức Trành) phụ trách. Nhờ sự nhiệt tình và cách vận động khôn khéo của các đồng chí, sau một thời gian cùng với Nông hội đỏ, các tổ chức khác như Hội phụ nữ giải phóng, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội cứu tế đỏ… lần lượt ra đời và thường xuyên luyện tập để bảo vệ các cơ sở Đảng và trừng trị bọn hào lý, mật thám và là chỗ dựa vững chắc cho các cơ sở Đảng trong việc phát động các phong trào cách mạng tại địa phương.
Ngày 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Nghi Lộc, đồng chí Nguyễn Đình Bổng đã dẫn đầu Đội tự vệ cùng Nhân dân Nghi Thạch hăng hái tham gia cuộc biểu tình. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, kéo đến tập trung tại làng Lộc Đa (Hưng Lộc) để nghe diễn thuyết kỷ niệm Quốc tế Lao động và phổ biến nội dung biểu tình. Đoàn người xếp thành hàng, theo ngọn cờ của người tổng chỉ huy tiến vào Vinh phối hợp với nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh… và công nhân các nhà máy biểu tình lên Tòa Công sứ tỉnh Nghệ An đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân; giảm sưu hoãn thuế cho nông nhân… Cuộc biểu tình đã bị Công sứ và Tổng đốc Nghệ An huy động quan lại và lính trong thành phố tập trung đàn áp làm 6 người chết, 18 người bị thương và bắt giam hơn 100 người. Cuộc đấu tranh mở đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tuy bị đàn áp nhưng đã chứng tỏ tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết của Nhân dân các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thành phố Vinh… góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh của Nhân dân hai tỉnh Nghệ Tĩnh bùng lên mạnh mẽ.
Tháng 6/1930, thôn Xuân Đình đã thành lập được chi bộ Đảng. Với những hoạt động yêu nước tích cực từ trước, đồng chí Nguyễn Đình Bổng đã được kết nạp Đảng, sinh hoạt trong Chi bộ Xuân Đình cùng với các đồng chí Nguyễn Đình Khoan (làm Bí thư), Nguyễn Xuân Tùng (tức Bá), Nguyễn Đình Điểm (tức Trành). Chi bộ đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng bằng những hình thức như: họp quần chúng theo các đoàn thể, tổ chức mít tinh toàn xã, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm,… Vì vậy, phong trào cách mạng ở Đình Xá ngày càng lan rộng và lên cao.
Sau các cuộc đấu tranh liên tiếp của Nhân dân huyện Nghi Lộc từ ngày 12/9 đến cuối năm 1930, kẻ địch tăng cường lực lượng, thực hiện chính sách khủng bố trắng, bao vây lùng sục càn quét khắp nơi, các cán bộ chủ chốt của huyện, tỉnh lần lượt bị bắt và sát hại, hàng loạt cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng bị phá. Trước tình hình nguy cấp như vậy, vào tháng 1/1931, cơ quan Huyện ủy họp bàn và quyết định lấy địa điểm nhà Cố Hồ (tức Nguyễn Đình Bổng) ở xóm Xuân Hòa, làng Xuân Đình làm cơ sở hoạt động và liên lạc. Dưới gốc cây to trong vườn nhà, gia đình đồng chí Nguyễn Đình Bổng có hầm bí mật dùng cho cán bộ Đảng tổ chức hội họp và ẩn nấp khi có sự truy lùng của địch, đồng thời cũng là nơi in ấn tài liệu của Huyện ủy, Tỉnh ủy trong nhiều năm sau. Đồng chí Nguyễn Đình Bổng còn huấn luyện và giao nhiệm vụ cho con trai là Nguyễn Đình Hường canh gác, bảo vệ mỗi khi có các đồng chí lãnh đạo về họp bàn kế hoạch triển khai các cuộc đấu tranh mới.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, ở Xuân Đình, hàng loạt các cuộc mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra: như cuộc mít tinh của 300 quần chúng làng Xuân Đình tại cánh đồng Mụ Đồng để phản đối thực dân Pháp bắt Nhân dân nhận thẻ quy thuận ngày 19/2/1931; 400 quần chúng đấu tranh hạ cờ vàng, treo cờ búa liềm của Đảng vào ngày 21/2/1931; cuộc đấu tranh ngày 24/3/1931 bắt tên Hàn Yên trả sổ sách và công điền; ngày 28/3/1931 tổ chức vay lúa nhà giàu dược 45 tạ cứu đói; ngày 7/4/1931 và 19/4/1931 tập trung tại cồn Ông Hay để đấu tranh đòi các yêu sách về kinh tế, tuyên truyền vận động cách mạng.
Trước phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo phát triển rộng rãi, để đối phó, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng lính khố xanh, lập thêm nhiều đồn bốt, điếm canh để khủng bố phong trào cách mạng. Hệ thống bang tá, đoàn phu ngày đêm về từng thôn làng vây bắt, tàn sát cán bộ đảng viên và Nhân dân. Các đồng chí trong Chi bộ Xuân Đình lần lượt bị bắt, như: đồng chí Nguyễn Đình Khoan, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Duy Cung, Nguyễn Đình Điểm, Nguyễn Đình Khai, Nguyễn Văn Thiếu,...
Tháng 1/1932, đồng chí Nguyễn Đình Bổng cũng bị địch bắt và bị Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 01 năm tù giam, 09 tháng quản thúc (Bản án số 44 ngày 9/01/1932) vì tham gia hoạt động cộng sản; sau được giảm xuống còn 01 năm tù giam và 06 tháng quản thúc (theo quyết định của Hội đồng Cơ mật – ngụy). Trong chốn lao tù, dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn gan dạ, kiên cường trơ như đá, vững như đồng, bất chấp mọi thủ đoạn của kẻ thù. Không khai thác được gì, đầu năm 1933 đồng chí đã được thực dân Pháp trả tự do.
Sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Đình Bổng đã cùng với các đồng chí Nguyễn Đình Khoan, Nguyễn Đinh Điểm,…tập hợp lực lượng cán bộ nòng cốt để củng cố tổ chức hoạt động dưới hình thức “Tổ trương trợ”. Làng Xuân Đình tổ chức được 12 hội viên do đồng chí Nguyễn Bá Lân (tức Đào), Nguyễn Đình Bổng (tức Trì) Nguyễn Đình Đàm phụ trách. Tổ chức này hoạt động rất tích cực trong việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng vững tin vào cách mạng, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Tháng 5/1935, đồng chí Nguyễn Đình Bổng (tức Trì) đã bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Thị Thiu một đảng viên thuộc Chi bộ Nghi Trường và quyết định thành lập lại Chi bộ Xuân Đình, gồm các đồng chí Nguyễn Đình Đàm (Bí thư), Nguyễn Đình Bổng (tức Trì), Nguyễn Bá Lân (tức Đào), Nguyễn Đình Điểm. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, một phong trào cách mạng phát triển, các phường hội được thành lập rộng rãi như: phường hiếu nghĩa, hội thể thao, đoàn thanh niên tân tiến, mở lớp dạy học, đọc sách báo,…
Năm 1939, giữa lúc Mặt trận dân chủ Đông Dương đang phát triển mạnh thì tại nước Pháp, Mặt trận bình dân bị lật đổ, chính phủ mới lên cầm quyền thực hiện phát xít. Toàn quyền Đông Dương ra nghị quyết giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, tương tế, ái hữu. Chính phủ Nam triều ra đạo dụ cấm hội họp, cấm tuyên truyền cộng sản và tịch thu sách báo tiến bộ. Đồng thời, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều tiến hành đàn áp khủng bố, nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị rơi vào tay giặc. Ngày 20/4/1939, đồng chí Nguyễn Đình Bổng bị địch bắt lần thứ 2, khám xét nhà ở địch thu được các phương tiện in ấn và tài liệu cách mạng tại nhà đồng chí.
Tháng 9/1939, sau khi xét xử, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án đồng chí 04 năm tù giam, 04 năm quản thúc (Bản án số 160 ngày 26/09/1939), giam tại Nhà lao Vinh. Trải qua nhiều lần trong lao tù đế quốc, nếm trải nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng đồng chí Nguyễn Đình Bổng vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, kiên trì đấu tranh với địch, tích cực học tập truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhà tù. Sau một thời gian dài chịu đựng tra tấn với mọi thủ đoạn xảo trá của kẻ thù, sức khỏe đồng chí ngày càng yếu dần trong chốn ngục tù khắc nghiệt.
Tháng 4/1943, đồng chí Nguyễn Đình Bổng, người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Nghi Thạch đã đã trút hơi thở cuối cùng trong xà lim giám binh Nhà lao Vinh để lại nỗi mất mát, tiếc thương cho gia đình, đồng bào, đồng chí và phong trào cách mạng quê hương.
Đồng chí Nguyền Đình Bổng - người con ưu tú của quê hương Nghi Thạch, Nghi Lộc anh dũng hy sinh nhưng tên tuổi và công lao của đồng chí đã được khắc ghi vào bia đá tại nhà tưởng niệm liệt sỹ xã Nghi Thạch, mãi mãi được thế hệ hôm nay, mai sau ghi nhớ và tự hào.
Đoàn Cẩm Tú
Phòng TBTTGD – Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Hồ sơ tù đ/c Nguyễn Đình Bổng lưu tại BTXVNT.
- Sách LSĐB xã Nghi Thạch, năm 2007.
- Sách LSĐB Nghi Lộc.