642
771
2492
14877
34073
6823322
Thịnh Thành là một xã miền núi nằm phía Tây huyện Yên Thành, thuộc làng Tràng Kiều, tổng Văn Hội xưa. Với địa thế hiểm trở, thuận lợi cho những người hoạt động cách mạng, vì vậy trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, vùng đất này là nơi xây dựng các căn cứ quân sự quan trọng để bảo vệ lực lượng, cất dấu quân lương, kho tàng, vũ khí,….
Đồng chí Bùi Du sinh năm 1906, trong một gia đình có điều kiện kinh tế tại làng Tràng Kiều, tổng Văn Hội (nay là xã Thịnh Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Bùi Toại, có công khai khẩn đất hoang, chiêu dân, lập ra làng đặt tên là Chấm Chốt, sau đổi thành Tràng Kiều.
Được nuôi dưỡng trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong một dòng họ có võ công, văn nghiệp nên đồng chí Bùi Du sớm được tiếp thu tư tưởng tiến bộ, tinh thần ham học và yêu nước của người bác là cụ Bùi Chiến - chí sỹ yêu nước trong nghĩa quân của Đội Liên, Lãnh Ngợi (Tấc Bảy - 1885) trong phong trào Cần Vương vùng Bắc Nghệ An, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Xuân Ôn.
Tháng 7/1925, Hội Phục Việt (tổ chức tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng) được thành lập, sau đó đã cử đồng chí Phan Đăng Lưu về Yên Thành xây dựng và phát triển hội viên mới. Thanh niên làng Tràng Kiều, tổng Văn Hội được giác ngộ tư tưởng cách mạng, trong đó có đồng chí Bùi Du tham gia tích cực trong các phong trào đấu tranh tại địa phương như mit tinh, biểu tình, rải truyền đơn…
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển ngày càng mạnh mẽ. Ngọn lửa đấu tranh của công nông từ Vinh - Bến Thủy lan rộng khắp các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghi Lộc, Anh Sơn,…. Yên Thành là vùng đất xa trung tâm, giao thông khó khăn, bọn tổng lý tìm mọi cách kìm kẹp, bưng bít… Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An quyết định cử đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Đặng Chánh Kỷ, Bùi Hữu Lương, Tôn Thị Quế là những cán bộ chủ chốt ra tăng cường cho huyện Yên Thành, Diễn Châu.
Ở Tràng Kiều - tổng Văn Hội, đồng chí Bùi Du đã lập ra tổ chức đầu tiên gọi là Hội Đoàn gồm 12 đồng chí: Phan Văn Ới, Bùi Văn Báo, Phan Văn Diên, Nguyễn Duy Triết, Phan Văn Thưởng, Bùi Yết, Bùi Phùng, Phan Văn Tùy, Phạm Văn Quý, Bùi Cường, Bùi Hồ, Phan Văn Tuyên. Hội Đoàn đã chọn cây Lổ Lổ ở rú Nậy làm địa điểm sinh hoạt, đồng thời cũng là điểm giao liên, liên lạc của các đồng chí cộng sản. Tại đây, Hội Đoàn đã vạch ra các đợt biểu tình, các phương thức hoạt động và lãnh đạo quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh tại địa phương.
Triển khai chủ tương của Tỉnh ủy, giữa tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc,… về Vân Tụ trực tiếp phổ biến và tuyên truyền việc tổ chức cuộc biểu tình toàn huyện kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/1930). Theo kế hoạch, sáng ngày 7/11/1930, tiếng trống, tiếng mõ vang lên thúc giục rộn rã. Trên các cây cao, khắp các ngả đường, cờ đỏ búa liềm bay phấp phới. Đoàn biểu tình của tổng Văn Hội dưới sự chỉ đạo của Hội Đoàn, đồng chí Bùi Du cùng với quần chúng làng Tràng Kiều, bà con hàng ngũ chỉnh tề, những người đi đầu có băng cờ, khẩu hiệu, nhiều quần chúng chít khăn đỏ, thanh niên trai tráng thì mang theo cuốc, liềm, gậy gộc... kéo về huyện lị nhập cuộc, bắt tên bang tá làng Đông Yên đi theo đoàn để thị uy, đoàn biểu tình mỗi lúc mỗi đông. Trên đường kéo về huyện đường, vừa đến địa phận cầu Cồn Nhà Vàng thì bị lính khố xanh, lính lê dương từ Diễn Châu lên đàn áp. Đồng chí Bùi Du dẫn đầu đoàn, hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc, Nam triều, ủng hộ công nông Vinh – Bến Thủy, Hưng Nguyên”, “Giảm sưu, giảm thuế, miễn công dịch”, “ Ủng hộ cách mạng Xô Nga”… Hoảng sợ trước khí thế xung thiên của Nhân dân, tên đội Tây đã lệnh cho lính bắn xối xả vào đoàn biểu tình khiến nhiều người chết và hàng chục người bị thương (riêng trong Hội Đoàn của đồng chí Bùi Du có đồng chí Phan Văn Diên bị địch bắt giam). Trước tình thế không cân sức, để bảo toàn lực lượng, đồng chí Bùi Du đã chỉ đạo bà con rút lui.
Tối 9/11/1930, đồng chí Bùi Du và Hội Đoàn cùng Nhân dân làng Tràng Kiều - tổng Văn Hội và các tổng khác của huyện đã tập trung làm lễ truy điệu cho những người hy sinh, góp tiền gạo động viên chia sẻ những gia đình gặp nạn. Trước khí thế đấu tranh cách mạng vẫn đang bừng cháy hừng hực, bọn hào lý co rúm, lý trưởng, phú dịch không còn cậy quyền, cấy thế mà phải tuân theo yêu cầu của dân.
Ngày 10/11/1930, Huyện uỷ lâm thời Yên Thành được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban Chấp hành Huyện ủy đã phân công các đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Nguyễn Ứng về các cơ sở để phát triển các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng: như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Hội tán trợ... Tổ chức Nông hội đỏ làng Tràng Kiều - Tổng Văn Hội ra đời đảm nhận việc quản lý, điều hành mọi mặt ở làng thay cho bọn hào lý. Lần đầu tiên, người nông dân được làm chủ của mình.
Ngày 7/2/1931, đúng phiên chợ Kè, thực dân Pháp đã tập trung quần chúng để “phát thẻ quy thuận” và “rước cờ vàng”. Biết được âm mưu của kẻ thù, các đồng chí trong Huyện ủy Yên Thành đã tổ chức cuộc họp bí mật đề ra kế hoạch phá rối. Thực hiện chủ trương của cấp trên, Hội Đoàn và đồng chí Bùi Du đã cùng Nhân dân Tràng Kiều - Tổng Văn Hội tham gia mít tinh. Tri huyện Yên Thành Phan Minh Bật, chánh phó tổng, hào lý, chức sắc các làng trong tổng Văn Hội đều lũ lượt kéo về đây. Tiếp đó, xe ô tô của tên công sứ Pháp, tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ và giám binh Pơty từ Vinh về dự. Khi buổi lễ sắp bắt đầu, lá cờ vàng vừa kéo lên, Nguyễn Khoa Kỳ chuẩn bị hiểu dụ thì đồng chí Bùi Du và các đồng chí Hội Đoàn được bố trí từ trước liền hô hào mọi người đứng dậy. Truyền đơn cách mạng chống Pháp được rải khắp nơi, trong xe ô tô của công sứ, tổng đốc, giám binh… đều được nhét đầy. Buổi “lễ quy thuận” do địch tổ chức đã thất bại hoàn toàn. Sự thắng lợi này không những cỗ vũ tinh thần, động viên quần chúng trong huyện mà còn gây tiếng vang khắp tỉnh.
Cuối tháng 2/1931, thực hiện chủ trương Tỉnh ủy Nghệ An, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, đồng chí Bùi Du và Hội Đoàn đã cùng Nhân dân Tràng Kiều tổ chức cuộc đấu tranh đòi hào lý phải trả lại một phần ruộng đất công, tiền, thóc để chia cho Nhân dân với phương châm “Lấy của nhà giàu về chia cho dân nghèo”... Các đợt biểu tình đã diễn ra với nhiều hình thức tiêu biểu ở truông Cồn Đọi. Ngoài ra, Hội Đoàn còn lập ra trại chăn nuôi đàn bò để gây quỹ hoạt động. Các phong trào dấy lên mạnh mẽ và đã giành được lượng thóc, tiền lớn.
Nhận thấy làn sóng đấu tranh cách mạng tại Yên Thành đang dâng cao, bọn địch tăng cường chính sách bắt bớ và khủng bố toàn huyện với phương châm “ thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày, một số đồng chí khác lui vào hoạt động bí mật. Ngày 22/4/1931 đồng chí Bùi Du bị địch bắt và giết hại khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ. Tính đến cuối năm 1931, toàn huyện Yên Thành có 257 đảng viên và quần chúng bị bắt giam, trong đó có 30 người bị kết án tử hình, 28 người bị bắn chết trong đấu tranh, 52 người bị tra tấn đến chết trong các nhà lao, 69 ngôi nhà bị đốt cháy và phá hủy… Phong trào đấu tranh của huyện Yên Thành nói chung và tổng Văn Hội nói riêng tạm thời lắng xuống.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Bùi Du cho Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam, ngày 01/07/2019, gia đình đồng chí đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 293/TTg và nhiều danh hiệu cao quý khác. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Bùi Du là tấm gương sáng cho lớp lớp thanh niên Thịnh Thành đã tiếp bước cha ông, thi đua xây dựng và bảo vệ quê hương./.
Phan Thị Thảo
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
1-Theo Sách LSĐB xã Thịnh Thành năm 2013.
3- Sách LSĐB huyện Yên Thành .
5-Gia đình đ/c Bùi Du cung cấp.