355
769
3059
9789
20962
6839196
Đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ, thường gọi là Nguyễn Nhật Yết (1895-1930), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đạo Ngạn, xã Cát Ngạn (nay là xã Cát Văn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mẹ là Trần Thị Thịnh, một phụ nữ giàu lòng yêu nước, rất giỏi giang trong việc nuôi dạy con và sắp xếp công việc gia đình. Ông bà sinh được ba người con đều tham gia cách mạng và hy sinh. Bà được Chính phủ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Truyền thống tốt đẹp của quê hương và gia đình đã sớm khơi dậy trong Nguyễn Nhật Nhuệ tinh thần yêu nước, căm ghét bọn phong kiến, thực dân và ấp ủ khát vọng giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho Nhân dân. Anh sớm được giác ngộ và tham gia các hoạt động cách mạng.
Năm 1925, tiểu tổ Phục Việt Cát Ngạn được thành lập do đồng chí Trần Hữu Doánh phụ trách. Thực hiện chủ trương của tổ chức, đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ và những thanh niên, trí thức yêu nước đã tích cực phát triển tổ chức, vận động Nhân dân đấu tranh, thành lập các tổ chức quần chúng như: phường cày, phường cấy, phường lợp nhà, phường tương tế ái hữu, nhóm đọc sách báo tiến bộ, dạy chữ Quốc ngữ cho con em… nhằm tương trợ nhau trong cuộc sống, đồng thời khích lệ lòng yêu nước trong Nhân dân.
Trong thời gian này, bọn hào lý ở Thổ Sơn rắp tâm nhường bãi bồi ven sông Lam, được xem là cái “núm ruột” của làng cho một số phần tử khác. Trước tình hình đó, dưới sự vận động của tiểu tổ Phục Việt Cát Ngạn, đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ và nông dân Cát Ngạn đã kéo ra đình làng, vạch trần những tên hào lý, giữ lại toàn bộ bãi bồi Thổ Sơn. Với những hoạt động tích cực đó, năm 1928, đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ được kết nạp vào Đảng Tân Việt.
Cuối tháng 3/1930, Chi bộ Cát Ngạn được thành lập do đồng trí Đặng Đình Chấn làm Bí thư. Ngay khi mới thành lập, cùng với việc tích cực phát triển đảng viên mới, Chi bộ đã bí mật tuyên truyền mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng Nhân dân chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đòi chia lại ruộng đất công cho dân nghèo, bãi bỏ các loại sưu cao, thuế nặng…
Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy Thanh Chương về việc tổ chức cuộc biểu tình trên quy mô toàn huyện vào ngày 1/9/1930, Chi bộ Cát Ngạn đã lãnh đạo Nhân dân biểu tình, rải truyền đơn khắp các ngả đường. Cờ đỏ búa liềm được cắm trên nóc đình Đạo Ngạn, đền Vì, cây sanh đồng Rú Đất… cùng với tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng mõ và tiếng reo hò của quần chúng. Đi đầu là người cầm cờ đỏ búa liềm và biểu ngữ, hai bên là đội Tự vệ đỏ với gậy gộc, giáo mác. Đoàn biểu tình vượt qua sông Giăng, sông Trai, nhập vào đoàn của tổng Võ Liệt kéo xuống huyện lỵ. Hơn hai vạn người, với khí thế căm thù sục sôi, bao vây huyện đường, quan huyện hoảng sợ, chạy trốn. Trước sự tấn công dồn dập của quần chúng cách mạng, bộ máy chính quyền thực dân Pháp và tay sai ở Thanh Chương hoàn toàn tê liệt và tan rã.
Tháng 9/1930, đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được tổ chức giao nhiệm vụ chỉ huy đội Tự vệ đỏ của xã gồm 121 người. Đêm đêm, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ, các đội Tự vệ dùng các bãi đất trống làm nơi luyện tập và để uy hiếp bọn phản động, chỉ điểm. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ còn được chi bộ giao nhiệm vụ đi mua sách, báo tiến bộ để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho quần chúng, đảng viên. Khi thì đồng chí gặp riêng từng người để rỉ tai chuyện trò, khi thì mời các bạn về nhà uống nước chè xanh, có lúc lại tập hợp hàng chục người đọc sách, giảng báo ở chợ Cồn (Cát Ngạn)… Lúc này, nhà của đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ trở thành nơi hội họp của những thanh niên yêu nước, là cơ sở in ấn tài liệu, truyền đơn của Đảng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, thực dân Pháp và Nam triều phong kiến bổ sung thêm nhiều lính lê dương và lính khố xanh, lập thêm nhiều đồn bốt ở các vùng. Chúng hành xử rất ngang ngược và tàn bạo. Ngày 6/10/1930, lính Pháp ở đồn Thanh Quả vào làng Ngọc Lâm bắt bớ gia súc, gia cầm của Nhân dân. Bức xúc trước sự ngang ngược, cướp bóc vô cớ của chúng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ, đội Tự vệ đỏ, các đội cảm tử cùng nhân dân truyền tin cho nhau, tiếng trống, tiếng mõ nổi lên dồn dập. Gần 3.000 quần chúng từ Cát Ngạn, Võ Liệt, Đại Đồng kéo đến. Phẫn nộ trước cảnh cướp bóc trắng trợn, quần chúng kiên quyết đấu tranh. Địch điên cuồng nổ súng, làm 103 người chết. Lúc này, đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ đã bị địch bắn, hy sinh tại chỗ.
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân và sự hy sinh anh dũng, đồng chí Nguyễn Nhật Nhuệ đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng truy tặng bằng Tổ Quốc ghi công năm 1964.
Cuộc đời và sự nghiệp của liệt sĩ Nguyễn Nhật Nhuệ là tấm gương sáng về tinh thần anh dũng, kiên cường, trọn đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc để các thế hệ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ trên quê hương Xô viết hôm nay học tập và noi theo./.
ThS. Hồ Thị Hải Liễu
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT