253
769
2957
9687
20962
6839094
Xã Bồi Sơn nằm phía Tây của huyện Đô Lương, mảnh đất bao đời được coi là miền biên viễn, là “phên dậu” của Tổ quốc, nhiều người con nơi đây đã đi theo tiếng gọi yêu nước, sớm tham gia vào các cuộc đấu tranh chống Pháp. Đặc biệt, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931, tiêu biểu cho những người con anh dũng, kiên trung, bất khuất của quê hương Bồi Sơn có đồng chí Lê Khắc Thận.
Đồng chí Lê Khắc Thận (1900 - 1931) quê ở làng Tập Phúc, xã Bạch Ngọc, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Cha đồng chí là ông Lê Khắc Thanh, mẹ là bà Nguyễn Thị Phú, là những người nông dân hiền lành, chịu thương, chịu khó, có tư tưởng tiến bộ và tinh thần yêu nước.
Đồng chí Lê Khắc Thận được sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng. Hàng ngày, phải chứng kiến cuộc sống lầm than của người dân, sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, đồng chí đã sớm ấp ủ lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc, khát khao được cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương.
Tháng 3/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chi bộ Đảng Bạch Ngọc (Bồi Sơn) cũng được thành lập lấy tên là Chi bộ Bạch Truật, do đồng chí Cao Tiến Tuệ làm Bí thư. Các tổ chức quần chúng cũng nhanh chóng được lập ra như: Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội tán trợ,…
Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đồng chí Lê Khắc Thận đã tích cực tham gia vận động Nhân dân bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ, giảng văn thơ yêu nước... Nhờ đó, quần chúng Nhân dân càng tăng thêm niềm tin với Đảng, với tổ chức cách mạng. Nhà của đồng chí Lê Khắc Thận ở vị trí kín đáo, khuất nẻo, phía trước là con sông, phía sau là rừng cây rậm rạp, rất thuận lợi trong việc cất giấu tài liệu, hay tẩu thoát mỗi khi có mật thám lục soát. Bởi vậy, nhà của đồng chí Lê Khắc Thận trở thành nơi hội họp, đồng thời là cơ sở in ấn tài liệu, truyền đơn của Chi bộ Bạch Truật.
Giữa tháng 6/1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Bạch Truật, trong tiếng trống dồn dập, đồng chí Lê Khắc Thận cùng với dân làng tập hợp tại sân đình để làm đơn xin khất sưu thuế. Đoàn biểu tình đã đưa ra yêu sách:
- Yêu cầu bãi bỏ thuế chợ, thuế đò.
- Trả tự do cho những người bị bắt.
- Bồi thường cho những người bị bắn chết ở Bến Thủy…
Với những hoạt động sôi nổi của mình, đồng chí Lê Khắc Thận đã được tổ chức ghi nhận và kết nạp Đảng (không rõ ngày ngày Đảng – Theo Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Bồi Sơn (1930 - 2010), tr.48).
Tối ngày 7/9/1930, thực hiện chỉ thị của cấp trên, Chi bộ Bạch Truật đã lãnh đạo quần chúng Nhân dân Bạch Ngọc tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho cuộc biểu tình lớn, đồng chí Lê Khắc Thận cùng với những đảng viên khác tổ chức rải truyền đơn, treo cờ Đảng lên nóc đình làng và cây đa cổ thụ.
Sáng ngày 8/9/1930, tiếng trống, tiếng mõ ngũ liên vang lên khắp các tổng làng của phủ Anh Sơn, đồng chí Lê Khắc Thận và đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc dưới sự chỉ đạo của Chi bộ đã rầm rộ kéo nhau về địa điểm tập trung. Sau khi hàng ngũ chỉnh tề, nghe các đồng chí đảng viên diễn thuyết, đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc bắt đầu tiến bước tập trung vào đoàn biểu tình trong tổng, tiến về phủ đường, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh. Lúc này, đoàn biểu tình của hai tổng Thuần Trung, Bạch Hà đến truông Cồn Đọi thì bị địch ra tín hiệu xả súng nhưng đoàn vẫn hiên ngang tiến bước. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, địch đã cho máy bay từ Vinh lên ném bom làm hỏng cầu, nhiều người chết và bị thương. Trước tình hình đó, ban chỉ huy cùng với đồng chí Lê Khắc Thận đã chỉ đạo quần chúng tản ra và giải tán để tránh thiệt hại, chờ dịp đấu tranh khác.
Tiếp đó, ngày 26/9/1930, chi bộ Đảng huy động quần chúng Nhân dân toàn xã Bạch Ngọc đi biểu tình thị uy, cảnh cáo bọn mật thám và bọn tổng, lý tay sai. Đồng chí Lê Khắc Thận dẫn đầu đoàn người kéo về tập trung tại Cầu Vồng, Nhân Bồi dự mít tinh và nghe diễn thuyết tố cáo tội ác của chính quyền thực dân, phong kiến và hô vang khẩu hiệu:
- Đã đảo bọn đến quốc phong kiến Nam triều!
- Đả đảo quân đàn áp dã man!
- Ủng hộ công nông Vinh – Bến Thủy!
Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, bọn thực dân Pháp, chính quyền tay sai đã tổ chức nhiều đợt càn quét, bắt bớ cán bộ, đảng viên trong toàn phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tổ chức Đảng ở Bạch Ngọc bị phá vỡ, nhiều đồng chí đảng viên và quần chúng bị bắt giam. Đồng chí Lê Khắc Thận bị địch bắt và giam ở đồn chợ Gay - Yên Lĩnh. Trong quá trình giam giữ, mặc dù bị nhiều cực hình tra tấn, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí thế kiên trung, không hề khai nữa lời, gửi gắm niềm tin vào Đảng, vào lý tưởng cách mạng. Sau một thời gian giam giữ và chịu sự tra tấn của địch, ngày 18/11/1931, đồng chí Lê Khắc Thận đã hy sinh tại đồn Yên Lĩnh. Kẻ địch sau đó đã bỏ xác đồng chí ra chợ để răn đe tinh thần đấu tranh của Nhân dân.
Năm 1945, hài cốt đồng chí Lê Khắc Thận đã được đồng chí Nguyễn Khánh Mân, Lê Khắc Mận - đội viên đội Tự vệ đỏ, dời về an táng ở nghĩa trang quê nhà. Hiện nay, đồng chí Lê Khắc Thận an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đô Lương.
Với những đóng góp to lớn của mình trong phong trào cách mạng, gia đình đồng chí Lê Khắc Thận được hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945. Năm 1973, gia đình đồng chí được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Bằng Tổ Quốc ghi công.
Những hoạt động sôi nổi của liệt sỹ Lê Khắc Thận đã góp phần làm nên những thắng lợi trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng và trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo./.
ThS. Hồ Thị Hải Liễu
Phòng STKKBQ – Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
Sách lịch sử Đảng bộ xã Bồi Sơn – NXB Nghệ An, năm 2015
Sách lịch sử Đảng bộ Nghệ An – NXB chính trị Quốc gia, năm 1998
Theo lời kể của gia đình đồng chí Lê Khắc Thận