Lê Văn Huân (1876-1929)

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-07 02:44:34

Lê Văn Huân sinh năm Bính Tý (1876) tại làng Trung Lễ, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh ông là Lê Văn Thống đậu cử nhân, làm Bang biện huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An; mẹ là Phan Thị Đại, chị ruột Đình nguyên tiến sỹ Phan Đình Phùng.

Mồ côi cha lúc 2 tuổi, cậu Huân được mẹ đem về nuôi ở quê ngoại, làng Đông Thái, xã Việt Yên Hạ (nay là xã Tùng Ảnh).

Năm 1885 hưởng ứng chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa ngay tại quê nhà. Làng Đông Thái bị giặc Pháp đánh phá, bà Đại phải đưa con lánh nạn lên huyện Hương Sơn, sang tận huyện Thanh Chương, Nam Đàn(Nghệ An)…Việc học của cậu Huân bị gián đoạn, nhưng nhờ trí thông minh nên năm 18 tuổi, đi tập bài ở các trường xa, vẫn có tiếng là học trò giỏi. Thời kỳ này Lê Văn Huân bắt đầu làm quen với các bậc đàn anh như Phan Bội Châu ở huyện Nam Đàn, Đặng Thái Thân ở huyện Nghi Lộc. Hai ông này từ thầy trò trở thành đồng chí trong phong trào Đông Du và tư tưởng yêu nước của hai ông có ảnh hưởng trực tiếp đến Lê Văn Huân.

Năm 1906 tức năm Bính Ngọ, khi Phan Bội Châu đã xuất dương và đang ở Nhật thì Lê Văn Huân dự kỳ thi Hương ở trường Nghệ và đậu Giải nguyên, từ đó có tên quen gọi là ông Giải Huân.

Năm 1907 Giải Huân vào Huế thi Hội nhưng không đậu. Người đương thời cho rằng ông không cốt ý làm bài là vì cũng như Phan Bội Châu, đi thi là để lấy tiếng, có uy tín cho dễ hoạt động chứ không phải là sở nguyện lập thân. 

                                          “Lập thân tối hạ thị văn chương” mà !

Một người bạn cùng dự khoa thi hương năm trước, đã phần nào hiểu Lê Văn Huân nên tặng ông câu đối:

“Châu phổ nhượng vi huynh, tiên ngã nhi sinh, tiên ngã nhi giao, hựu tiên ngã nhi giác ngộ;
Hương trường tương dự hữu, tri quân chi tài, tri quân chi học, bất tri quân chi bão hoài”.
(Khắp vùng nhường làm anh, ông sinh trước tôi, giao du trước tôi, lại giác ngộ trước tôi;
Ở trường hương kết bạn, biết tài của ông, biết sức học của ông nhưng không biết hoài bão của ông). 

Sau khi thi Hội, Lê Văn Huân ở lại Huế một thời gian, làm quen với một số nhân vật yêu nước có tiếng ở miền Trung như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng. Một năm sau Trần Quý Cáp giữ vai trò chủ chốt trong cuộc vận động Duy Tân ở Quảng Nam (1908) và bị thực dân Pháp xử tử, còn Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Huân về sau còn nhiều phen hội ngộ. 

Tư tưởng yêu nước của Lê Văn Huân có phần tiếp thu ở bạn bè, có phần chịu ảnh hưởng của thầy, đó là cụ Đông Khê Nguyễn Thức Tự, người làng Đông Chữ, huyện Nghi Lộc, một vị sư mô nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh về tài học và nhân cách. Khi cụ mất (năm 1917) người học trò xuất sắc là Phan Bội Châu, đang hoạt động ở nước ngoài, đã soạn bài văn bia, có câu: “Kinh sư dị đắc, nhân sư nan tầm” (Thầy dạy sách vở dễ gặp, thầy dạy làm người khó tìm) 

Từ Huế về, Lê Văn Huân tích cực hoạt động trong Hội Duy Tân. Ông bắt đầu phổ biến ở quê nhà những bài ca “Á tế á”, “Hải ngoại huyết thư”…của Phan Bội Châu, cổ vũ lòng yêu nước của sĩ tử, nhân dân. Sau đó ông cùng Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế trong phái “minh xã” (bộ phận hoạt động công khai) mở “Triêu Dương thương điếm” ở Vinh, vừa buôn bán, cổ động cho hàng nội hóa, vừa gây quỹ và làm nơi liên lạc của Hội. Lê Văn Huân còn mở thêm của hiệu Mông Hanh ở chợ Trổ - Đức Thọ chuyên buôn bán tơ lụa cũng với mục đích đó. 

Năm 1908, phong trào “xin sưu” nổ ra ở Nam – Ngãi và nhanh chóng lan ra Nghệ Tĩnh. Ở Hà Tĩnh phong trào dấy lên khắp tỉnh, mạnh mẽ đến nỗi nhà cầm quyền Pháp phải lo sợ, đàn áp quyết liệt. Hai nhà nho Nguyễn Hàng Chi (huyện Can Lộc); Trịnh Khắc Lập (huyện Nghi Xuân) là những người cầm đầu xuất sắc, đều bị bắt và bị giết hại. Nhân dịp này Pháp ra lệnh bắt hàng loạt nhà yêu nước, yếu nhân của Hội Duy Tân, trong đó có Ngô Đức Kế, Đặng Văn Bá, Đặng Nguyên Cẩn…và Lê Văn Huân, đày ra Côn Đảo. 

Các chí sỹ yêu nước ở đảo thì coi cái “địa ngục trần gian” này là “thiên nhiên học hiệu”, riêng Lê Văn Huân còn coi đây là “hào kiệt lâm”. Trong bài thơ “Ký mẫu thân” (Gửi mẹ) ông viết:

“…Đông Nam hữu nhất đảo,
Cận vi hào kiệt lâm…”
Huỳnh Thúc Kháng dịch:
“…Đông Nam có hòn đảo,
Một rừng tụ anh hào…”

Ở đây, ông đã bàn bạc với một số đồng chí tâm huyết chuẩn bị tổ chức một đảng cách mạng, lấy tên Phục Việt. 

…Qua chín năm đày ải, tháng 8-1917 Lê Văn Huân được tha và bị quản thúc ở quê nhà. Ông làm nghề bốc thuốc, dạy học, ngấm ngầm tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng thơ ca và bí mật bắt mối với một số người cùng chí hướng. 

Lúc này, ở Trung Lễ, một số nhà nho từng tham gia hoặc ủng hộ cuộc vận động Duy Tân tỏ ra thối chí. Một hôm, “hai chú Côn Lôn bốn bác hưu” ngồi uống rượu với nhau, cùng làm bài thơ biểu lộ sự chán nản, với câu kết:

“…Giang sơn thôi kệ đàn em bé,
Ta cứ thơ suông với rượu bầu”.
Lê Văn Huân liền họa đáp lại:
“…Bốn biển anh em ai đó tá,
Giang sơn chung gánh, rượu chung bầu”.

Khoảng 1924-1925, ông ra Vinh bắt liên lạc với một số thanh niên trí thức yêu nước, trong đó có những giáo viên ở trường Quốc học, rồi ra Hà Nội gặp Tôn Quang Phiệt, lúc ấy là sinh viên trường Cao đẳng sư phạm, bàn việc thành lập tổ chức cách mạng mới. 

Năm 1925, nhân ngày Quốc khánh Pháp 14-7, Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn cùng một số người khác nhóm họp ở núi Quyết (Bến Thủy) quyết định thành lập Hội Phục Việt – cái tên đã được bàn bạc ngày ở Côn Đảo. Lê Văn Huân là yếu nhân số một của Hội. Cuối năm ấy, Lê Duy Điếm, một hội viên trẻ, được Hội cử ra nước ngoài bắt liên lạc với những nhà yêu nước Việt Nam để mở rộng phạm vi hoạt động của Hội. 

Trong nước, nhất là ở Nghệ Tĩnh, tổ chức Hội Phục Việt phát triển khá rộng rãi và hoạt động khá sôi nổi. Các hội viên tích cực truyền bá tư tưởng “hợp quần”, “ái quốc” trong nhân dân. Hội lập ra các tổ chức quần chúng biến tướng, mở rộng phong trào và các tổ chức buôn bán, làm nghề thủ công, trại cày…để tăng nguồn tài chính và làm nơi liên lạc. Hội cho rải truyền đơn phản đối việc Pháp kết án Phan Bội Châu, được nhiều nơi hưởng ứng…Nhân việc này, thực dân Pháp cho truy lùng ráo riết các nhà lãnh đạo Hội. Theo gợi ý của Lê Văn Huân, để tránh những tổn thất không cần thiết, Hội Phục Việt đổi tên là Hưng Nam và cử Trần Phú sang Trung Quốc gặp Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội để bàn việc phối hợp hoạt động… 

Lúc này, với chính sách mị dân, chính quyền Pháp cho thành lập Viện Dân biểu Trung Kỳ. Lợi dụng chủ trương này, các nhà ái quốc có uy tín ra ứng cử, mong phần nào có thể đấu tranh công khai, hợp pháp. Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Viện trưởng, và Lê Văn Huân cũng trúng cử làm đại biểu. Nhưng chẳng bao lâu, thấy Viện Dân biểu chỉ là tổ chức bù nhìn, nhân việc bất đồng với viên Khâm sứ Phờ-ri-ét (Fries) trong một phiên họp vào tháng 9-1929, Huỳnh Thúc Kháng tuyên bố từ chức Viện trưởng, Lê Văn Huân cùng nhiều người khác rút khỏi Viện Dân biểu. 

Để tạo điều kiện cho việc thống nhất các lực lượng yêu nước, Hội Hưng Nam đổi tên thành Việt Nam cách mạng đảng, rồi Việt Nam cách mạng đồng chí hội và cùng bàn bạc hợp nhất với tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Nhưng do sự bất đồng ý kiến của một số người lãnh đạo của hai hội, nên việc không thành. 

Ngày 14-7-1928, Việt Nam cách mạng đồng chí hội họp ở Huế, quyết định cải tổ thành Tân Việt cách mạng đảng. Cơ quan Tổng bộ được chuyển từ Vinh vào Huế. 

Từ khi thành lập Hội Phục Việt cho đến đây, Lê Văn Huân vẫn là nhà hoạt động kiên trung. Đặc biệt tuy tuổi đã cao, ông luôn ủng hộ cái mới, ủng hộ lớp trẻ, điều không dễ đối với các nhà nho học đương thời. 

Đinh Quế, người cùng quê kể rằng: “Khi anh em trẻ hỏi ý kiến ông về việc đổi tên ra Tân Việt, Lê Văn Huân nói: “Chúng tôi là lớp người cũ, chỉ có nhiệt tình thôi, chứ về đường lối và phương pháp vận động cách mạng, chúng tôi chẳng hiểu gì mấy đâu. Anh em là những người tân học, hiểu biết tình hình thế giới, phải xem xét học hỏi cho đến nơi đến chốn, chủ nghĩa gì hay, đường lối nào mà bảo đảm thành công, thì đồng lòng đồng sức mà làm, tôi tán thành cả. Tôi chỉ có thể giúp anh em được hai điều: Một là tiền, tôi sẽ vận động người ta quyên góp, hai là có kẻ nào anh em nói không ngả, tôi sẽ nói hộ. Tôi là người chân thành, có tiếng tăm, nói người ta hay nghe, thế thôi”. Câu nói đầy nhiệt tình và thành thật của ông rất được các bạn thanh niên hoan nghênh” (Theo Hồi kí của Nguyễn Đình Chuyên). 

Song song với tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Đảng Tân Việt được tổ chức rộng khắp nhiều nơi. Riêng ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, các huyện miền xuôi đều xây dựng được “đại tổ” (huyện đảng bộ). Về sau, phần lớn đảng viên Tân Việt đã trở thành hạt nhân đầu tiên để xây dựng các chi bộ cộng sản. 

Trong thời gian này, Lê Văn Huân phụ trách Liên tỉnh bộ Nghệ Tĩnh. Mặc dầu tuổi cao, ông vẫn luôn bám sát phong trào, tích cực hoạt động, lo lắng công việc tuyên truyền và cả tài chính của Hội. 

Ông dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ các cuốn “Tư bản luận” và “Ý - đại - lợi tam kiệt” với lời văn giản dị dễ hiểu rồi chọn từng đoạn thích hợp sát thực tế để đưa vào chương trình huấn luyện hội viên. 

Tháng 9 năm 1929 nhân một đảng viên của Việt Nam quốc dân đảng ám sát một người Pháp chuyên làm nghề mộ phu đồn điền là Ba danh, chính quyền Pháp thẳng tay đàn áp các tổ chức cách mạng Việt Nam. Cơ sở của đảng Tân Việt cũng bị vỡ lở hầu hết, các cán bộ chủ chốt bị bắt. Biết tình hình không thoát khỏi lưới giặc, Lê Văn Huân đã bố trí bàn giao tất cả công việc và quỹ Hội cho Lê Tiềm quê ở Bùi Xá, huyện Đức Thọ, là uỷ viên Liên tỉnh bộ Tân Việt Nghệ Tĩnh. 

Quả nhiên ngày 13-9-1929, tri phủ Đức Thọ cho lính đến nhà mời ông lên phủ giữ lại, rồi sáng hôm sau đưa ông ra Vinh. Xe ô tô mật thám và giám binh Hà Tĩnh chờ sẵn, còng tay ông đưa về nhốt vào buồng kín giam các trọng phạm. Lúc bị áp giải từ nhà ra đi, ông nói cho mọi người biết lần này có khả năng không trở về quê nhà, và cũng không trở lại Côn Lôn. Hẳn ông đã có chủ định sẵn. Chế độ nhà lao thực dân đối với tù chính trị rất hà khắc. Ông tuyệt thực để phản đối. Phó sứ Hà Tĩnh vào khám xét nhà lao, ông tố cáo chính sách nhà tù hà khắc, không đúng với tinh thần của một nước tự xưng là tự do, văn minh như nước Pháp. Viên Phó sứ trả lời: “Đã vào tù thời ai cũng như ai”. Ông lại tiếp tục tuyệt thực cho đến bảy ngày sau (20-9-1929) thì từ trần, hưởng thọ 53 tuổi. Bọn Pháp đem thi thể ông sang nhà thương mổ xẻ, xét nghiệm, rồi sau đó sức về làng, bắt thân nhân đến nhận về mai táng ở xã Trung Lễ. Hiện nay mộ phần của ông đã được cải táng và đưa lên nghĩa trang huyện Đức Thọ. 

Lê Văn Huân là tấm gương nghĩa khí sáng ngời. Cái chết của ông làm chấn động dư luận trong nước. 

Bè bạn xa gần đều có thư chia buồn và câu đối khóc ông. Cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế có đôi câu đối viếng:

“Quân vi dị, ngã nại hà nan, phong vũ hữu thanh, thiên phủ túy;
Huynh thành nhân, tỉ diệc bất hủ, càn khôn vô hạn, nguyệt thường viên”.

Tạm dịch:

“Bạn thì dễ, tôi sao khó khăn, mưa gió rì rào, trời vẫn tỉnh;
Anh thành nhân, chị cũng không hư, đất trời lồng lộng, nguyệt thường tròn”.

Đình Chí

Video