Lễ tiếp nhận hai cây Sanh do thân nhân gia đình đồng chí Trần Hữu Quán – Đảng viên năm 1930 – 1931 trao tặng cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: Trần Thị Hồng Nhung
Ngày 2024-03-04 22:36:46

Sáng ngày 24/02/2024, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã trang trọng tổ chức lễ tiếp nhận hai cây Sanh do thân nhân gia đình đồng chí Trần Hữu Quán – đảng viên năm 1930-1931 trao tặng.

Về dự buổi lễ trao tặng có: ông Trần Quyết Thắng - UVBCH Hội Doanh nhân Nghệ Tĩnh mở rộng tại Đà Nẵng; bà Lê Thị Bình Minh - Hội viên Hội Doanh nhân Nghệ Tĩnh mở rộng tại Đà Nẵng là đại diện thân nhân gia đình đồng chí Trần Hữu Quán.

Trước giờ diễn ra buổi lễ, các đại biểu đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tri ân công lao của các liệt sỹ đã hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tại Nhà tưởng niệm nằm trong khuôn viên Bảo tàng.

Đồng chí Trần Hữu Quán sinh năm 1909 trong một gia đình giàu lòng yêu nước và cách mạng tại tổng Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1930, đồng chí Trần Hữu Quán chính thức trở thành đảng viên và được giao phụ trách lực lượng tự vệ Đỏ.

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đồng chí đã cùng đội tự vệ hăng hái bảo vệ các cơ sở Đảng và trấn áp bọn tay sai. Bước vào thời kỳ khủng bố trắng đến đầu năm 1932, các tổ chức cơ sở của Đảng bộ Thanh Chương hầu hết tan rã; đồng chí Trần Hữu Quán đã thoát khỏi sự vây bắt của địch, liên lạc được với Tỉnh ủy Nghệ An, lập ra Chi bộ Anh – Thanh góp phần khôi phục phong trào cách mạng. Đồng chí Trần Hữu Quán được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy là Ủy viên Thường vụ phụ trách khối huấn luyện của Huyện bộ Anh Sơn.

Tháng 6/1932, anh ruột là đồng chí Trần Hữu Doánh – Tỉnh ủy viên cùng cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An sa lưới địch, chị gái là Trần Thị Tuyết – một đảng viên kiên trung của Cát Ngạn bị bắt tại Đô Lương, đồng chí Trần Hữu Quán cũng bị bang tá huyện Anh Sơn bắt tại Yên Phúc (Anh Sơn). Biết đồng chí là một cán bộ chủ chốt của Đảng, địch ra sức dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn hòng tìm bắt nốt những đồng chí còn lại nhưng Trần Hữu Quán vẫn kiên cường giữ vẹn lòng trung thành với Đảng. Tháng 7/1932, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí tù khổ sai chung thân. Ngày 13/5/1933, đồng chí bị đưa đi lưu đày ở nhà lao Buôn Ma Thuột.

12  năm chiến đấu kiên cường trong lao tù đế quốc, đến năm 1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Trần Hữu Quán và nhiều đồng chí khác mới được trả tự do. Trở về quê hương đồng chí tiếp tục đi theo con đường đã chọn, tích cực hoạt động cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và được bầu làm Ủy viên phụ trách kinh tế của  Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Thanh Chương.

Năm 1947, đồng chí Trần Hữu Quán được Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV điều lên công tác ở Ban Tài chính. Năm 1949, đồng chí công tác ở phân sở Mậu dịch Liên khu IV. Cuối năm 1952, đồng chí được điều về công tác tại Khu Công an Liên khu IV và được giao làm giám thị trại cải tạo số 1, rồi giám thị trại cải tạo số 2. Năm 1960, đồng chí Trần Hữu Quán được điều về phụ trách trại cải tạo số 6 đóng ở địa bàn Hạnh Lâm. Năm 1968, đồng chí được điều về Ty Công an Nghệ An, rồi được cử làm Phó Ty phụ trách công tác xây dựng lực lượng.

 Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều Bằng khen của Bộ và Tỉnh.

Đồng chí mất ngày 16 tháng 8 năm 1989.

80 năm tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào trên bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí Trần Hữu Quán luôn là người đảng viên kiên cường vẹn nguyên tấm lòng kiên trung với Đảng, tận hiếu với dân, chí tình với đồng chí, sống giản dị và liêm khiết hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, đồng đội, nhân dân tín nhiệm và yêu quý. Đồng chí Trần Hữu Quán là tấm gương sáng của những người chiến sỹ cộng sản, của con người xứ Nghệ.

Việc trao trạo hai cây Sanh cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh của con, cháu đồng chí Trần Hữu Quán là hoạt động đầy ý nghĩa của thân nhân gia đình các chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh đối với Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, thể hiện tấm lòng vàng của những người con làm ăn xa quê gửi tới quê hương, nhằm tri ân công lao to lớn của các bậc tiền bối cách mạng đã chiến đấu, hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Món quà ý nghĩa này đã được đặt trang trọng tại tượng đài các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại Nhà lao Vinh.

Một số hình ảnh buổi lễ:

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Video