Lê Thiết Hùng(1906-1986)

Tác giả: admin
Ngày 2009-05-19 08:25:29

Lê Thiết Hùng tên thật là Lê Văn Nghiêm, sinh năm 1906 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng(nay là xã Hưng Thông ), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lê Bá Thi – cha anh là một trong những người tham gia tích cực cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Phan Đình Phùng ở vùng Hưng Nguyên.

Vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, phong trào chống thực dân Pháp phát triển mạnh trên khắp hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh. Hưng Nguyên quê hương anh là một trong những nơi có nhiều người tham gia phong trào Cần Vương. Sau khi phong trào Cần Vương bị thực dân Pháp đàn áp, các sỹ phu yêu nước ở Nghệ Tĩnh như: Thần Sơn Ngô Quảng, Đặng Tử Kính, Đặng Thúc Hứa...đã tìm đường sang Xiêm xây dựng cơ sở, chờ thời cơ về nước hoạt động. Họ xây dựng Trại Cày tại Xiêm, tạo cơ sở kinh tế và rèn luyện võ nghệ. Từ đó, họ đã về nước tuyển chọn thanh niên yêu nước sang huấn luyện cách mạng. Phong trào đưa thanh niên ở Nghệ Tĩnh du học phát triển mạnh. Vùng Hưng Nguyên quê anh có ông Võ Trọng Đài(tức Ngoét Đài) người làng Phù Xá đã có gia đình ở Xiêm. Được cha khích lệ, mùa Thu năm 1923, Lê Văn Nghiêm cùng 12 người sang Xiêm dưới sự hướng dẫn của Võ Trọng Đài. Cùng đi với anh có Lê Huy Doãn(tức Lê Hồng Phong) và bạn anh là Phạm Đài(tức Phạm Hồng Thái). 

Trước khi ra đi, cha anh đổi tên anh là Lê Như Vọng(nghĩa là hy vọng của gia đình và quê hương). Từ làng Phù Xá, đoàn đi qua Hương Sơn, qua Lào rồi sang Xiêm. Một chuyến đi đầy khó khăn vất vả. Lê Như Vọng cùng các bạn của anh đến và ở lại Trại Cày của Cố Đi(tức Đặng Thúc Hứa). Anh cùng các bạn vừa học tiếng Trung Quốc vừa lao động chờ thời cơ sang Quảng Châu (Trung Quốc). Do chưa có tiền để sang Quảng Châu, Lê Như Vọng phải ở lại Trại Cày. Sang Quảng Châu trước anh có Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phạm Đài và Lê Quang Đạt. Tháng 6/1924, tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái tại Quảng Châu mưu sát Toàn quyền Mec lanh đã gây tiếng vang lớn trên toàn Đông Dương. Cuối năm 1924, anh cùng Trương Vân Lĩnh sang Quảng Châu. Các anh bí mật lên Băng Cốc đáp tàu biển đi Hồng Kông, rồi từ đó đi Quảng Châu bằng ca nô. Cũng trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô sang Quảng Châu với trọng trách cao cả do Quốc tế cộng sản giao phó là: xây dựng phong trào công nhân và cộng sản ở Đông Nam Châu Á. Đồng chí còn chịu trách nhiệm trước Quốc tế Nông dân về phong trào nông dân Châu Á. Trên cơ sở tổ chức “Tâm Tâm xã” ở Quảng Châu, tháng 5/1925 đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”(VNTNCMĐCH), gọi tắt là “Hội Thanh niên”. 

Sang Quảng Châu một thời gian ngắn, Lê Như Vọng được gặp đồng chí Lý Thuỵ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc). Anh và Lưu Quốc Long được đồng chí Lý Thuỵ giới thiệu vào học lớp “Nông dân vận đông” và vào “Giáo dục đoàn” để học thêm tiếng Trung Quốc. Lê Như Vọng cùng Trương Vân Lĩnh được đồng chí Lý Thuỵ giới thiệu vào học trường Quân sự Hoàng Phố. Vào học trường này được một tháng, anh cùng học viên của trường tham gia đánh bọn thổ phỉ Đàm Dăm Tây ở vùng biên giới Việt Trung. Tháng 10/1925, anh được đồng chí Lý Thuỵ kết nạp vào hội “Thanh niên cộng sản”(nhóm bí mật trong tổ chức VNTNCMĐCH); đồng chí Lý Thuỵ đã đổi tên cho anh là Lê Quốc Vọng (luôn luôn nhớ về Tổ quốc và Tổ quốc hy vọng vào anh). 

Trường quân sự Hoàng Phố được thành lập theo yêu cầu của chính phủ Tôn Dật Tiên với chính phủ Liên bang Xô Viết. Chính phủ Xô Viết đã thông qua quyết định viện trợ tài chính cho chính phủ cách mạng Tôn Dật Tiên 2 triệu đô la Mê hi cô và cử M.M Bô rô đin sang làm cố vấn chính trị cho Tôn Dật Tiên. Trường được xây dựng tại đảo Hoàng Phố trên sông Tây Giang cách Quảng Châu 25 km. Ngày 5/6/1924, trường cắt băng khánh thành. Đây là một trường quân sự lớn hồi đó và được sự huấn luyện của các cố vấn quân sự Nga Xô Viết. Là trường Bộ binh, ngoài ra trường còn có lớp chuyên ngành như lớp: Pháo binh, công binh, thông tin liên lạc. Về sau trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ sỹ quan nòng cốt cho đội quân cách mạng dân tộc của chính phủ Tôn Dật Tiên. Hiệu trưởng của trường là Tưởng Giới Thạch và giám đốc là Lý Tế Thâm. Nhà trường tổ chức theo mô hình của Hồng quân Liên Xô, do chuyên gia quân sự Liên Xô huấn luyện . Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng là giảng viên dạy chính trị tại trường. Trong số học sinh theo học tại trường từ năm 1924-1927 có hơn 30 học viên người Việt Nam(theo ý kiến đồng chí A.I Trê rê pa nốp, giao viên huấn luyện của trường). Nhưng theo đồng chí Lê Thiết Hùng thì: “số học viên trường quân sự Hoàng Phố người Việt Nam hơn 200 người”(“Mãi mãi nhớ ơn người”. Hồi ký Lê Thiết Hùng, trích trong Đầu nguồn. Nxb Văn học, Hà Nội, năm 1975, trang 286). 

Khoá học của Lê Quốc Vọng có 8 người Việt Nam, anh theo học lớp Bộ binh, 3 người học lớp Pháo binh và còn lại là vào khoa khác. Khoá sau anh có hơn 200 người học đủ các khoa. Hai ngày trong mỗi tháng, các anh ngược thuyền về Quảng Châu học tập lý luận chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. 

Ngày 12/2/1925, Tôn Trung Sơn từ trần. Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch bắt đầu phản bội lại đường lối “Thân Nga dung cộng, phù trợ công nông” của Tôn Trung Sơn. Thực hiện mưu đồ tiếm quyền lãnh đạo Quốc dân đảng, Tưởng làm đảo chính ở Thượng Hải (ngày 12/4/1927) và tiến hành hàng loạt cuộc đàn áp khủng bố các lực lượng cách mạng, chủ yếu đánh vào cơ sở Đảng cộng san Trung Quốc và công nhân khắp các thành phố. Ngày 13/4/1927, Lý Tế Thâm(tay sai đắc lực của Tưởng) làm đảo chính ở Quảng Châu. Quân đội cánh hữu phá huỷ trường Hoàng Phố, Lê Quốc Vọng cùng 7 người trong khoá học và hơn 200 anh em người Việt Nam học khoá sau bị bắt. Chúng giam giữ học viên trong nhà tù nổi trên sông Châu Giang một thời gian rồi thả cho về. Anh cùng các học viên theo trường về Nam Kinh học tiếp. Tốt nghiệp trường Hoàng Phố, anh được phái vào thực tập sỹ quan tham mưu Sư đoàn bộ của Tưởng Giới Thạch. 

Khởi nghiã Quảng Châu nổ ra ngày 11/12/1927, Lê Quốc Vọng cùng một số học viên người Việt Nam đã học trường Hoàng Phố như: Hồ Tùng Mậu, Trương Học Ba, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long... gia nhập với những người cộng sản Trung Quốc chống lại bọn phản động Tưởng Giới Thạch với một tình cảm quốc tế sâu sắc. Do qúa chênh lệch trong tương quan lực lượng, cuộc khởi nghĩa thất bại và bị quân đội Tưởng đàn áp chìm trong biển máu. Lê Quốc Vọng không bị lộ, nhưng anh mất liên lạc với đồng chí Lý Thuỵ. Anh tìm gặp đồng chí Hồ Tùng Mậu ở Quảng Châu và được Hồ Tùng Mậu phái lên Nam Kinh tìm hiểu việc học tập của 200 học vên khoá sau như thế nào. Anh cùng Lưu Quốc Long lên Nam Kinh, hai người lại bị bọn Quốc dân đảng phản động bắt giữ một tuần lễ. Trở về Quảng Châu, anh nhận được liên lạc của đồng chí Lý Thuỵ. Thật là phấn khởi. Trước đây, theo kế hoạch của đồng chí Lý Thuỵ, sau khi tốt nghiệp trường Hoàng Phố, Lê Quốc Vọng sẽ được cử sang Liên Xô học tiếp trường đại học Phương Đông(trường Đại học cộng sản của nhân dân lao động Phương Đông mang tên đồng chí Sta lin). Đồng chí Lý Thuỵ đã triệu tập anh lên Thượng Hải và giao cho anh một nhiệm vụ hết sức quan trọng; đồng chí Lý Thuỵ nói với anh: “Anh đang ở trong quân đội của Tưởng Giới Thạch. Đấy là một thuận lợi. Anh trao đổi với ông Hồ Học Lãm làm cách nào lấy được những tài liệu về âm mưu tấn công này để giao cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Công tác ở đâu thì phải tham gia và tổ chức ở đó, phải coi cách mạng Trung Quốc cũng như cách mạng Việt Nam”(Mãi mãi nhớ ơn Người..) 

Kế hoạch thay đổi, anh sẽ phải khoác áo sỹ quan quân đội Tưởng Giới Thạch để giúp cách mạng Trung Quốc theo yêu cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc. Vì sau cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, Đảng cộng sản Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề, Tưởng Giới Thạch đang chuẩn bị mọi mặt tấn công vào Hồng quân Trung Quốc. 

Lê Quốc Vọng hiểu rằng mình cần phải tích luỹ thêm kinh nghiệm để sau này về nước phục vụ Tổ quốc. Nhưng trước mắt hãy thực hiện tốt nhiệm vụ Quố tế mà Đảng bạn yêu cầu giúp đỡ. Đồng chí Lý Thuỵ đặt anh mật danh cho anh là “Cây Gỗ Mun”(đây được hiểu theo nghĩa bóng và nghĩa đen: da anh hơi đen, và dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng không bị mục mối, vững vàng bản chất, trung thành như cây Gỗ Mun). Đồng chí Lý Thuỵ trao cho anh một tấm thẻ hình chéo làm tín hiệu liên lạc với các đồng chí Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Là sỹ quan trong quân đội Tưởng Giới Thạch, với chức vụ Trung đội trưởng Bộ binh, anh đã đi sâu sát và bí mật cài cắm những người tốt vào các tiểu đội dưới sự chỉ huy của mình. Một số tiểu đội đó sau khi huấn luyện, được trang bị vũ khí mới đã tự nhiên “mất tích” và trở thành đội quân cách mạng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Hồi đó chuyện đào ngũ trong quân đội Tưởng được coi là chuyện vặt, vì lính đào ngũ nhiều thì cấp trên càng có cơ hội lập số ma để hưởng lợi. Mùa Đông năm 1928, Lê Quốc Vọng được thăng chức Đại đội trưởng. Đơn vị của anh bị điều đi làm nhiệm vụ sát biên giới Liên Xô. Theo yêu cầu của Đảng bạn, anh làm đơn xin chuyển công tác làm sỹ quan đường sắt trên tuyến xe lửa Thượng Hải- Nam Kinh - Hán Khẩu. Với cương vị mới, anh đã giúp đỡ Đảng bạn nhiều việc quan trọng như vận chuyển tài liệu, vũ khí theo yêu cầu hoặc có lúc đánh tráo và giải thoát cho tù chính trị thành công. 

Cuối năm 1929, anh về Thượng Hải gặp đồng chí Lý Thuỵ. Sau khởi nghĩa Quảng Châu, đồng chí Lý Thuỵ sang Xiêm, qua Liên Xô và trở về Trung Quốc để tránh sự truy lùng của quân Tưởng. Đồng chí Lý Thuỵ nêu yêu cầu của Đảng bạn đề nghị Lê Quốc vọng ở lại trong hàng ngũ của địch thêm một thời gian nữa để giúp họ nắm bắt tin tức và âm mưu của quân đội Tưởng Giới Thạch. Và tại Thượng Hải, anh được đồng chí Lý Thuỵ kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. 

Để làm tốt nhiệm vụ được giao, Lê Quốc Vọng phải nhờ cụ Hồ Học Lãm- một yếu nhân quan trọng trong quân đội Tưởng. Từ khi sang Quảng Châu, anh đã biết Hồ Học Lãm là nhân sỹ Việt Nam yêu nước. Ông có cha tham gia phong trào Cần Vương bị Pháp sát hại và vợ là con gái Thần Sơn Ngô Quảng- một tướng tài của Phan Đình Phùng phải ẩn náu ở Xiêm xây dựng cơ sở Trại Cày chờ thời cơ hoạt động. Do hoàn cảnh bất đắc dĩ, ông phải làm việc trong Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu của quân Tưởng nhưng lòng vẫn nặng tình với quê hương đất nước. Nhà ông là cơ sở của thanh niên yêu nước Việt Nam thườg lui tới. ông có uy tín trong quân đội Tưởng, là bạn học với Tưởng Giới Thạch ở trường Võ bị Trần Vũ(Tôkyô- Nhật Bản) và trường Bảo Định(Bắc Kinh). Tưởng còn chịu ơn Hồ Học Lãm, vì có lần ông đã đem quân đến giải vây cứu thoát Tưởng trong cuộc chiến đấu thời kỳ Bắc phạt. Lê Quốc Vọng đặt vấn đề nhờ Hồ Học Lãm tìm cách lấy tài liệu, các bản kế hoạch tác chiến của quân đội Tưởng vào khu căn cứ Xô Viết của Đảng cộng sản Trung Quốc. Hồ Học Lãm nhận lời, mặc dù ông biết việc đó vô cùng khó khăn, nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và gia đình. Hồi đó Bộ Tổng tham mưu quân đội Tưởng do cố vấn quân sự Đức trực tiếp chỉ đạo và theo mô hình quân đội phát xít Đức. Bởi vậy kỷ luật chặt chẽ và nghiêm ngặt nhất vẫn là việc quản lý hồ sơ, tài liệu. Hết giờ làm việc, tất cả tài liệu phải niêm phong bỏ vào két sắt, không được mang bất cứ tài liệu gì về nhà. Để có tài liệu cho Lê Quốc Vọng, Hồ Học Lãm ban ngày đi làm phải đọc thật kỹ và nhập tâm các tài liệu. Buổi tối về nhà nhớ ra chép lại từng câu, từng ý, vẽ lại và bổ sung vào bản đồ ở nhà đã chuẩn bị trước. Ngoài ra ông còn bỏ ra khá nhiều tiền, vàng để mua chuộc các sỹ quan khác để moi tin tức. Thỉnh thoảng với cương vị của mình, Hồ Học Lãm đã thị sát xuống một số dơn vị sắp tham chiến để xác minh các tài liệu đã đọc. Những tin tức dó, Lê Quốc Vọng lại phải qua phương pháp nhập tâm để chuyển cho Đảng bạn. 

Từ mùa Hè đến mùa Thu năm 1930, những tin tức quan trọng đã được chuyển cho Hồng quân Trung Quốc như việc: quân đội Tưởng cấm chở gạo xuôi sông Như Thuỷ và Cống Giang, các sư đoàn của Trương Huy Mân, Đàm Đào Nguyên, Lưu Hoà Dĩnh vừa tăng quân và trang bị thêm vũ khí ..Hoặc kế hoạch tấn công vào cơ quan đầu não của Đảng cộng sản Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch phê chuẩn, phạm vi và mục tiêu ở vùng tứ giác La Lâm- Nghi Hoàng- Lê Xuyên- Thuỵ Kim, binh lực tham gia tấn công từng gia đoạn... Và kết quả là các đợt tấn công của quân đội Tưởng vào khu Xô Viết của Đảng cộng sản Trung Quốc đều bị thất bại. Có đợt đích thân Tưởng Giới Thạch chỉ huy, có cố vấn người Đức tên là Seelt với số quân điều động 30 vạn người tấn công vào Hồng quân nhưng đều bị thất bại. Cay cú vì những thất bại liên tiếp, tháng 10/1930, Tưởng huy động nhân lực tổng tấn công lần thứ tư, song không thành công. Sau những lần như vậy thì nội bộ quân đội Tưởng có sự xì xào về chuyện “truy tìm nội phản”. Lê Quốc Vọng bắt đầu bị đặc vụ Tưởng theo dõi, đi đến đâu anh cũng có người bám theo. 

Lúc này ở trong nước, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp đẫm máu. Đòng chí Trần Phú (Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương) bị sa vào tay giặc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Anh bắt ở Hồng Kông. Tháng 5/1932, khi Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Minh Khai từ Hồng Kông đến Thượng Hải gặp Lê Quốc Vọng, anh đã bàn bạc tình hình cách mạng với hai người. Lê Hồng Sơn bị bệnh tả phải vào điều trị tại “Thượng Hải thời dịch y viện”, và khoảng một tháng thì hết tiền. Lê Quốc Vọng phải dẫn đồng chí Bùi Hải Thiệu, Nguyễn thị Minh Khai đến ở nhà Hồ Học Lãm ở Nam Kinh. Sau đó từ Nam Kinh anh đi Hồng Kông qua sự giới thiệu của một uỷ viên Đảng cộng sản ở Quảng Châu. Khi trở về Nam Kinh, anh cùng Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Hải Thiệu, Trần Ngọc Danh đến Thượng Hải để bắt liên lạc với Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua Trương Phước Đạt. Anh bị uỷ ban Trung ương Đảng bạn thẩm tra sau các vụ quân đội Tưởng truy lùng Đảng cộng sản ở Hồng Kông, Thượng Hải. Sau khi bắt liên lạc được với Đảng bạn và qua sự thẩm tra, Đảng bạn yêu cầu anh tiếp tục ở lại quân đội Tưởng để tạo điều kiện giúp đỡ Đảng bạn. 

Để đối phó với tình hình xấu và tạo thuận lợi cho hoạt động cách mạng, ông Hồ Học Lãm phải chuyển chỗ ở cho gia đình đến lần thứ tư. Lê Quốc Vọng và một số người khác bị đế quốc Pháp tố cáo là cộng sản nguy hiểm và là người liên lạc giữa Thượng Hải- Hồng Kông -Việt Nam. Chúng treo giải thưởng bắt anh là 500.000 đồng bạc Đông Dương. Nhưng nhiều người trong Quốc dân đảng vẫn nghĩ Lê Quốc Vọng là em họ của Hồ Học Lãm nên không dám ra tay. 

Tháng 10/1933, quân đội Tưởng dưới sự ủng hộ ngầm của Anh, Pháp, Đức đã tấn công vào Hồng quân Trung Quốc và giành thế chủ động trên chiến trường. Đảng cộng sản Trung Quốc và Hồng quân rút lui về phía Tây, thực hiện cuộc Vạn lý trường chinh lên Tứ Xuyên, Cam Túc. Lê Quốc Vọng mất liên lạc với Đảng cộng sản Trung Quốc từ đó.
 
Kể từ tháng 9/1931, phát xít Nhật bắt đầu tấn công xâm lược Trung Quốc; đến tháng 1/1933, quân Nhật đã chiếm được Nội Mông, Nhiệt Hà tràn qua Vạn Lý trường thành uy hiếp thủ đô Bắc Kinh và vùng Hoa Bắc. Tháng 7/1937, Nhật chiếm vùng Nam Kinh, Thượng Hải, Hán Khẩu, Từ Châu... Quân Tưởng rút về Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Để có điều kiện đi lại hoạt động liên lạc với Đảng bạn, Lê Quốc Vọng xin chuyển về Binh đoàn vận tải, chỉ huy một tiểu đoàn vận tải chạy tuyến đường Giang Tây- Hồ Nam- Quý Châu. 

Một thời gian sau anh được phong hàm đại tá và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường huấn luyện đào tạo lính lái xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải và lính kỹ thuật. Trong thời gian này anh tranh thủ học lái xe tăng, nắm vững nguyên lý máy móc các loại xe. Anh tin tưởng sau này Quân đội cách mạng Việt Nam sẽ có xe tăng, xe thiết giáp và cần đến các kiến thức đó. Đầu năm 1939, Đảng bạn cử một cán bộ liên lạc với Lê Quốc Vọng nhờ anh giúp Bát lộ quân ở vùng Hoa Bắc đang thiếu súng đạn và trang thiết bị y tế mà chỉ có anh mới có khả năng giúp được. Anh xin được đến Trung đoàn vận tải số I vùng Hoa Bắc. Anh được đồng ý ngay, vì là một vùng chiến sự ác liệt. Quân chủ lực của Nhật phần lớn tập trung tại vùng này, các tướng tá trong quân đội Tưởng không ai muốn đi. Anh được giao chỉ huy Tiểu đoàn 106 gồm 8 đại đội vận tải cơ giới hoạt động trên địa bàn rộng lớn gồm các vùng Hà Nam- Sơn Tây- Cam Túc...Với tài khôn khéo linh hoạt, anh đã tranh thủ được sự tín nhiệm của cấp trên và có uy tín với binh lính. Chỉ trong nửa năm trời, anh đã giúp và bàn giao cho Đảng bạn 30 tấn gồm vũ khí, trang bị y tế và thuốc men...cho Bát Lộ quân đánh giặc. 

Hè năm 1940, Lê Quốc Vọng nhận được lệnh của tổ chức yêu cầu anh rời bỏ hàng ngũ Tưởng Giới Thạch về nhận nhiệm vụ mới. Lá thư thứ nhất của đồng chí Phùng Chí Kiên; lá thư thứ hai của người viết xưng danh là “Vương” gửi “Cây Gỗ Mun”. Vậy là anh đã bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Anh mừng rỡ vô cùng. Anh nhờ bố vợ là ông Hồ Học Lãm xin cho anh chuyển vùng về Hoa Nam(anh đã làm con rể Hồ Học Lãm năm 1937) với lý do sức khoẻ kém. Trải qua chặng đường từ Hoa Bắc đến Hoa Nam thật là vất vả. Có lúc anh suýt bị bắn vì du kích Trung Quốc bắt giữ anh vì nghi anh là Hán gian(khám trong người anh có quân hàm đại tá quân đội Tưởng Giới Thạch). Sau thời gian giam giữ và trải qua nhiều cuộc thẩm vấn ở tỉnh Sơn Tây, anh được thả ra và về Quế Lâm. Tại đây anh gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Anh báo cáo với đồng chí Nguyễn Ái Quốc về hoạt động của mình trong Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng và cùng ông Hồ Học Lãm thu thập tin tức về kế hoạch tuyệt mật của Tưởng Giới Thạch. Anh được đồng chí Nguyễn Ái Quốc cử về nước nhận nhiệm vụ mới. 

Cuối năm 1931, tại Pắc Bó, Lê Quốc Vọng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng đồng chí Lê Quảng Ba lập đội du kích Việt Minh gồm 12 người. Đồngc hí Lê Quảng Ba làm đội trưởng , Hoàng Sâm đội phó và Lê Quốc Vọng vừa là chính trị viên và Bí thư chi bộ. Đội du kích Việt Nam đầu tiên được thành lập. Đội có nhiệm vụ:

- Bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ
- Vũ trang tuyên truyền
- Giao thông liên lạc đặc biệt
- Nhiệm vụ quân sự
- Làm nòng cốtc hi việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này.

Theo hồi ký của đồng chí Lê Quảng Ba: “ khoảng đầu quý tư năm 1941, anh Lê Đinh(tức Lê Thiết Hùng) ở Trung Quốc về gặp Bác Hồ ở Pắc Bó, Bác bảo: Đồng chí ở lại đây, nghiên cứu tình hình các mặt rồi sẽ bàn công tác”. Từ đó đồng chí Lê Thiết Hùng ở lại cùng công tác với chúng tôi. Tôi nghĩ bụng, Bác bảo đồng chí Hùng ở lại chắc hẳn là có ý định gì đây, vì từ sau khi đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh thì chỉ có đồng chí Hùng có mặt ở Pắc Bó, là người duy nhất được đào tạo về quân sự một cách chính quy, cơ bản và hệ thống ở trường Võ bị Hoàng Phố. Vào một buổi trưa, tôi và anh Lê Thiết Hùng đang ngồi bàn công việc như thường lệ, thì Bác đến. Người bảo chúng tôi: “phong trào Việt Minh càng phát triển thì địch sẽ tìm cách đối phó..ở đây bây giờ đã có một số súng ống...và rải rác mỗi người một nơi...Vì vậy đồng chí Lê Đinh hãy cùng đồng chí Lê Quảng Ba bàn với nhau nên tổ chức lực lượng cầm súng như thế nào. Các đồng chí làm kế hoạch rồi báo cáo”...Tiêu chuẩn lựa chọn mà anh Đinh và tôi đều thống nhất là trước hết chọn những người trung thành với cách mạng, dũng cảm, khoẻ mạnh, có súng và được thử thách trong thực tế. Chúng tôi chọn ngay các đồng chí Bằng Giang, Đức Thành, Bế Sơn Cương, Thế An trong số 43 người dự lớp học ở Nậm Quáng(Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Như vậy kể cả anh Hùng, anh Sâm và tôi mới có 7 người. Là người địa phương, lại hoạt động lâu ở vùng này, tôi điểm mặt từng người và sau đó cùng anh Hùng chọn thêm 5 người nữa vào đội. Như vậy, đội vũ trang đầu tiên ở Pắc Bó gồm có 12 người, trong đó có một nữ là đồng chí là Nông Thị Trưng” (Hồi ký đồng chí Lê Quảng Ba, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quân đội. Tháng 12/1984). 

Đội được Bbác Hồ đến dự lễ thành lập và tự tay Người thảo ra 10 điều kỷ luật và những nguyên tắc xây dựng và hoạt động của Đội. Đội có một chi bộ Đảng gồm 6 đồng chí và đồng chí Lê Quốc Vọng làm Bí thư. 

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp(9/3/1945), Lê Quốc Vọng chỉ huy một đơn vị vũ trang và lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Thất Khê, Đồng Đăng, Na Sầm(tỉnh Lạng Sơn) thu hàng ngàn vũ khí của địch trang bị cho những đội quân đầu tiên của cách mạng. 

Tháng 10/1945, đồng chí Lê Quốc Vọng được Bác Hồ cử vào làm chỉ huy trưởng Liên Khu Bốn, đồng chí Hồ Tùng Mậu là Chính uỷ, Hoàng Điền là Tham mưu trưởng, Trần Văn Quang là trưởng phòng chính trị. 

Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ phải chịu sức ép của thù trong giặc ngoài. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng vào với danh nghĩa quân Đồng minh để giải giáp vũ khí quân đội Nhật. Ở miền Nam hàng vạn quân viễn chinh Pháp núp dưới bóng quân Anh quay lại âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 được ký kết. Theo phụ lục Hiệp đinh, Chính phủ ta phải tổ chức “Tiếp phòng quân” để thay thế quân Tưởng giám sát việc rút quân của chúng và để buộc Pháp phải thi hành đúng Hiệp định đã ký. Và muốn cho quân Tưởng “rút lui trong danh dự”, quân Pháp tôn trọng trong ứng xử và khi giao tiếp thì Tổng chỉ huy của ta cũng phải mang hàm cấp tướng cho tương ứng với chỉ huy của chúng. Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chọn Lê Quốc Vọng làm Tổng chỉ huy “Tiếp phòng quân” với quân hàm cấp tướng., lúc đó anh đang giữ chức vụ Khu trưởng khu Bốn. Cùng đi với anh ra Trung ương có đồng chí Trần Văn Quang. Anh được Bác Hồ đặt tên mới là Lê Thiết Hùng; với mong muốn là chất “thép” chất “hùng” trong cuộc chiến đấu mới với thực dân Pháp của anh được phát huy. Đồng chí Trần Văn Quang làm chính uỷ trong tổ chức “Tiếp phòng quân”. 

Theo Nghị định số 185 ngày 24/9/1946, anh là vị Thiếu tướng dầu tiên của quân đội Nhân dân Việt Nam. Cho mãi đến hai năm sau, ngày 28/5/1948, tại chiến khu Việt Bắc, Đảng và Nhà nước ta mới chính thức tổ chức lễ phong hàm cấp tướng và cấp đại tá cho một số đồng chí cốt cán trong quân đội ta. 

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tổng chỉ huy “Tiếp phòng quân” trong cuộc kháng chiến chống Pháp; tháng 11/1946 đồng chí Lê Thiết Hùng và Trần Văn Quang lại được điều về làm chỉ huy trưởng và và chính uỷ Liên Khu Bốn. Sau khi đồng chí Nguyễn Sơn về thay, đồng chí Lê Thiết Hùng ra Trung ương. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được giao làm Tổng Thanh tra đầu tiên của quân đội kiêm Cục trưởng Cục tuyên huấn và Hiệu trưởng trường Lục quân Trần Quốc Tuấn năm 1948. 

Mùa Xuân năm 1948, giặc Pháp thua to trong chiến dịch tấn công vào căn cứ Việt Bắc, buộc phải từ bỏ chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh và chuyển hướng sang đánh kéo dài, dùng chiến tranh tổng lực, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Về phía ta, lực lượng vũ trang được tôi luyện và trưởng thành. So sánh lực lượng giữa ta và địch đã chuyển biến có lợi cho ta. Song quân đội chính quy và dân quân tự vệ của ta chưa đủ mạnh để có thể đánh tiêu diệt lớn. Vì vậy việc bồi dưỡng và đào tạo cán bộ chỉ huy trở thành yêu cầu cấp bách được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trường Trần Quốc Tuấn ra đời trong hoàn cảnh đó. 

Đây là khoá đào tạo dài ngày và chính quy đầu tiên của Quân đội ta được mở ra trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, khó khăn chồng chất. Nhà trường được tổ chức ở Bình Định, Tân Cương, có núi Guộc, sông Công... vùng an toàn khu. Đồng chí Lê Thiết Hùng dốc hết tâm lực cho nhiệm vụ mới, đào tạo học viên tốt phục vụ cuộc chiến đấu mới. Tình cảm của cán bộ giáo viên nhà trường đối với đồng chí Lê Thiết Hùng rất sâu sắc. Họ coi anh là người anh cả trong gia đình Lục quân Trần Quốc Tuấn. Là người anh vô cùng nghiêm khắc, không xuề xoà bỏ qua bất kỳ lối nhỏ nào cho những người vi phạm quy chế nhà trường; đồng thời là người anh cả rất đỗi thân thương chăm sóc đến từng bữa ăn giấc ngủ của mọi người. Dù bất cứ điều kiện thời tiết như thế nào cũng không bao giờ vắng bóng đồng chí Lê Thiết Hùng trên thao trường hay các cuộc dã ngoại hành quân. Anh là người mẫu mực trong việc thực hiện và đã cuốn hút cán bộ học viên nỗ lực, thi đua vượt mọi khó khăn gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ với quyết tâm “chỉ tiến không lùi’. 

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, đồng chí Lê Thiết Hùng được điều về tham gia Bộ chỉ huy chiến dịch. 

Năm 1956, binh chủng Pháo binh thành lập, đồng chí Lê Thiết Hùng được cử làm Tư lệnh binh chủng Pháo binh. Ngày 18/2/1957, thành lập trường sỹ quan Pháo binh, đồng chí kiêm luôn chức vụ Hiệu trưởng. Thời kỳ này cơ sở vật chất nhà trường còn nghèo nàn, trường phải dựa vào doanh trại cũ của Trung đoàn 63 đóng tại khu nhà bằng Kim Đái gần sân bay Tông (Sơn Tây). Ngoài ra còn phải làm thêm nhà tranh tre, nứa, mét để kịp thời gian khai giảng. Đội ngũ giáo viên mới được đào tạo ở Trịnh Châu(Trung Quốc) về. Số học viên phải học thêm và ôn tập văn hoá cho đủ kiến thức để tiếp thu kỹ thuật pháo. 

Chỗ ăn ở xa nơi huấn luyện, hàng ngày giáo viên ăn ở tại thành cổ (thị xã Sơn Tây), đạp xe vào Kim Đái để huấn luyện và lên lớp. Giáo trình huấn luyện chưa có, thiếu sỹ quan chuyên nghiệp...thật là vất vả gian nan. Song đồng chí Lê Thiết Hùng đã cùng nhà trường vượt qua tất cả, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí thường được cán bộ gọi với tên trìu mến là “Ông Xây’, vì lúc nào đồng chí cũng muốn xây dựng một đội quân chính quy, giỏi về chiến thuật và có kỹ luật chặt chẽ. 

Đồng chí thường nói: nhà trường phải lấy huấn luyện cơ bản là chính. Huấn luyện cơ bản tốt, nắm lý luận đồng thời nắm vững và làm giỏi động tác thì học viên ra thực tế chiến đấu sẽ vận dụng tốt hơn. 

Năm 1963, theo yêu cầu của Trung ương Đảng, đồng chí Lê Thiết Hùng chuyển sang làm công tác đối ngoại: là Đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên(1963-1970). Lúc này cuộc chiến đấu của nhân dân miềm Nam chống đế quốc Mỹ đang phát triển mạnh. Quan hệ giữa ngoại giao Việt Nam và Triều Tiên ngày càng tốt đẹp. Tuy có khó khăn nhưng bạn đã viện trợ vũ khí, phương tiện chiến đấu góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta đến thắng lợi hoàn toàn. 

Năm 1970, đồng chí Lê Thiết Hùng về nước làm Phó trưởng ban CP48 và Ban đối ngoại Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu. 

Để giúp đồng chí Lê Thiết Hùng vượt qua mọi khó khăn gian lao, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó; chúng ta không thể không nhắc tới người bạn đời của đồng chí. Những năm tháng cùng hoạt động giúp Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Học Lãm rất quý mến Lê Quốc Vọng. Và ông đã nhắm chàng rể tương lai cho cô con gái đầu là Hồ Diệc Lan. Năm 1937, đám cưới của Lê Quốc Vọng và Hồ Diệc Lan được tiến hành có sự tham dự của đồng chí Lê Hồng Phong vừa đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V II về đến Trung Quốc. Lúc này Hồ Diệc Lan 17 tuổi. Vừa tốt nghiệp trường trung học, Hồ Diệc Lan đã vào làm thợ tại Công ty nuôi tằm Hồ Nam. Trong thời kỳ này, ở Trung Quốc phong trào thanh niên nông thôn, thành thị, trí thức tiến bộ đều rời bỏ khu trắng của Tưởng Giới Thạch để lên khu căn cứ cách mạng của Đảng cộng sản ở Diên An. Tại Diên An, chị được cử đi học trường Đại học Công nhân Thiềm Tây do Đảng cộng sản mở tại khu căn cứ Thiềm – Cam- Ninh. Tốt nghiệp loại xuất sắc, Hồ Diệc Lan về phục vụ trong căn cứ và sau đó được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc. Sống ở căn cứ những năm 1938-1941 vô cùng vất vả, khí hậu khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, Hồ Diệc Lan bị nhiễm lạnh phổi, một căn bệnh nan y hồi đó. Lúc này Lê Quốc Vọng đang ngược xuôi giúp đỡ Đảng bạn nên hai người ít có thời gian ở bên nhau. Năm 1941, tổ chức Đảng ta định đưa Hồ Diệc Lan về Hà Nội hoạt động với danh nghĩa Hoa Kiều, nhưng lúc này cơ sở Đảng trong nước bị khủng bố dữ dội nên không thể về được. Tháng 6/1946, Hồ Diệc Lan cùng mẹ và em gái Hồ Mậu La được đại diện chính phủ ta đón về nước để đoàn tụ gia đình. Ông Hồ Học Lãm đã mất ở Trùng Khánh năm 1943 vì bị bệnh . 

Tháng 10/1947, do bệnh lao tái phát, Hồ Diệc Lan qua đời ở quê chồng ở tuổi 27 khi chưa một lần được làm mẹ sau 10 năm xây dựng gia đình. 

Người bạn đời thứ hai của Lê Thiết Hùng là nữ bác sỹ quân y Nguyễn Tuyết Mai. Bà Mai sinh năm 1924, là nữ sinh trường Đồng Khánh(Hà Nội). Tốt nghiệp khoa sản trường Đại học Y-Dược Hà Nội năm 1945, bà tham gia hoạt động cách mạng sớm trong phong trào thanh niên Thủ đô. Năm 1948 bà trở thành phu nhân của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Tuy là phu nhân của vị tướng, nhưng bà vẫn trèo đèo, lội suối đi công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ của một bác sỹ quân y. Có lúc bà theo trường Lục quân Trần Quốc Tuấn sang Vân Nam (Trung Quốc) để chăm sóc sức khoẻ cho học viên. Bà phục vụ trong quân đội cho đến lúc nghỉ hưu. 

Năm 1986, đồng chí Lê Thiết Hùng qua đời, hưởng thọ 80 tuổi và an táng tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).

                                                                                                             Lê Thị Hạnh Phúc- Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

                                                                                                                                  

Video