Lê Nhu (1900-1985)

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-22 07:10:26

Lê Nhu sinh ngày 1/2/1900 tại Xóm Lý, thôn Ngoại, làng Yên Lý, tổng Vạn Phần, Phủ Diễn Châu nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. 

Làng Yên Lý xưa có 3 thôn. Phía trên đường Thiên lý tức Quốc lộ 1 là thôn Thượng, hai thôn Đông và Ngoại nằm ở phía dưới đường. Sau này, Yên Lý nhập thêm thôn Mỹ Quan của làng Mỹ Nao  mà thành xã Diễn Yên. Cạnh đường Thiên lý đi vào trung tâm của ba thôn Thượng, Trung và Ngoại có ngôi chợ lấy tên là chợ Huyện. Dân địa phương thường gọi nó theo địa điểm được đặt chợ là chợ Lý và nói chệch thành chợ Lứ. Chợ Lứ tức chợ Huyện là ngôi chợ to và có nhiều hàng hóa nhất vùng Bắc Diễn Châu. Có tên gọi là chợ Huyện là vì trước kia, cả ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu cùng nằm trong một đơn vị hành chính là huyện Đông Thành. Tên chợ Huyện đánh dấu về một thời kỳ mà lỵ sở của Đông Thành đã đặt tại đấy, trước khi nó được chuyển lên Quy Lăng, nay là xã Lăng Thành, huyện Yên Thành. 

Làng của Lê Nhu với tên Yên Lý, được gọi nôm là làng Yên. Những người buổi đầu đến chiêu dân, lập ấp đặt tên cho làng như vậy, lòng những tưởng là thôn của mình luôn luôn có được cảnh an bình. Nhưng trong thực tế, dưới thời phong kiến thực dân thì nhân quần ở đây không mấy khi được hưởng cảnh yên ổn. Khi Lê Nhu ra đời được vài năm thì người Pháp mở đường sắt, bắc cầu Cẩm Bào cho xe lửa đi bên cạnh cầu bê tông cốt thép cũ nằm trên đường Thiên Lý. Cầu mới bắc là chiếc cầu sắt to nhất phía bắc huyện, nằm ở sát làng ông. Sau đó họ đặt ga xe lửa, cũng gọi là ga Yên Lý. Rồi tiếng bánh xe bằng sắt nghiến trên đưòng ray rờn rợn, tiếng máy hơi nước trên đầu tàu xình xịch, tiếng còi tàu hối hả, át cả tiếng còi ô tô. Nó nhả ra đằng sau những đám khói đen đặc và mùi than, mùi dầu hăng hắc, là lạ. Đó cũng là khi con đường Tỉnh lộ 48 xuất phát từ làng ông đi lên Phủ Quỳ- Kẻ Bọn- Mưòng Nọc đã được khai thông cho xe chở muối, rượu ty ngược lên, và mang về những loại lâm thổ sản như: gỗ quý, mật ong, cánh kiến, trầm hương, các loại đá hoa, quặng nhôm, quặng thiếc rồi cả vàng và thuốc phiện nữa. Yên Lý trở thành điểm tụ về hành chính, giao thông thương mại của vùng Bắc Diễn Châu. Lê Nhu lớn lên khi các vị toàn quyền Đông Dương Bô rồi Klôbucôpxki nối tiếp nhau lên khai thác Việt – Lào – Cămpuchia lần thứ nhất do kẻ tiền nhiệm của họ là Pôn Đume đề ra. Ngã ba đường 48 cắt đường sắt quốc lộ 1 ở đầu thôn của Lê Nhu là nơi chứng kiến sự bảo hộ bằng cướp bóc ấy của chính quyền thực dân đối với quê hương ông. 

"Đông Thành là mẹ là cha
Đói cơm rách áo thì ra Đông Thành”. 

Không biết câu ca ấy có từ thủo nào và những nơi khác thì còn nghèo khổ đến đâu, chứ đồng tiền của Yên Lý thuộc huyện Đông Thành vẫn là di tích của một vùng biển giáp với các gò đồi với những Hòn Trơ, Cồn Nhẵn, Bờ Lũy, những tên gọi như thi gan với sự khổ nghèo. Hồi Lê Nhu còn bé, chưa có công trình dẫn nước vào ruộng, đất đai mặn mòi. Một phần diện tích đã bị chiếm để mở đường giao thông. Dân làng phải nai lưng ra đi phu đắp đường, bắc cầu. Ruộng nương bị thu hẹp, sản lượng tính theo đầu người bị tụt xuống mà thuế sưu theo thời gian thì cứ tăng lên. 

Gia đình Lê Nhu thuộc vào loại khấm khá trong vùng và cũng có truyền thống biết thương ngưòi nghèo khó. Thân phụ ông là Lê Hạp, học chữ Nho, thi hương không đạt nổi Tam trường rồi mở trường dạy học, sau đựoc tuyển làm nhân viên ở trạm bưu chính, có lúc giữ chức trạm trưởng, khi tuổi cao thì đạt ngôi tiên chỉ của làng. Thân mẫu, bà Lê Thị Pho là con gái của một gia đình nông dân khá giả, nề nếp. Ông bà có đông con. Lúc còn nhỏ Lê Nhu học chữ Hán với ngưòi anh cả, sau theo học trường Pháp- Việt ở Phủ Diễn, thi đỗ bằng tiểu học vào năm 1921. Cụ Hạp lúc này cũng đã nghỉ việc, tiền phụ cấp hồi hưu của một nhân viên bậc sơ cấp thì ít ỏi. Người anh cả của Nhu thì đau ốm luôn rồi mất khi mới 33 tuổi. Lê Nhu phải thôi học, xin thi vào một lớp sư phạm, học xong ra làm trợ giáo ỏ một trưòng tổng dạy các lớp Đồng ấu và Dự bị. 

Vùng Hoàng Trường nơi ông dạy học, đất đai còn kém phì nhiêu hơn cả Yên Lý. Học trò gồm những đứa trẻ áo nâu, chân đất với bữa ăn hàng ngày khoai rau nhiều hơn cơm nắm. Thầy giáo Lê Nhu muốn cho học sinh hiểu vì sao quê họ nghèo nên đã cố chứng minh điều đó trong bài giảng. Song, các ý tứ của thầy khi đầu óc non trẻ kia chưa đủ sức tiếp nhận thì tay chân của bọn mật thám đã nghe được. Số là lúc này ở Nghệ An đã có Hội Phục Việt và bên Quảng Châu (Trung Quốc) đã có những ngưòi yêu nước Việt Nam. đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội. Trước mắt cả hai chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân. Cùng thời gian cụ Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp tại Hàng Châu (Trung Quốc), giải về Hà Nội kết án giam lỏng chung thân và đưa đi an trí tại Huế. Một năm sau đó, Cụ Phan Chu Trinh từ Pháp về nước rồi mất tại Sài Gòn. Tin tức về những nhà yêu nước lớn ấy đã làm tăng thêm lòng căm thù giặc và thiết tha đứng lên tranh đấu của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở nơi phong trào Đông Du và Duy Tân đã từng phát triển mạnh như Nghệ An, mà Vạn Phần và Hoàng Trường cũng là những điểm nóng. Các tổ chức cách mạng ở địa phương đã tức thì phát động một phong trào đấu tranh để tang Phan Chu Trinh và đòi xóa án cho Phan Bội Châu. Ở làng quê cũng như nơi Lê Nhu dạy học, phong trào đều lên rất mạnh, được quần chúng ủng hộ rầm rộ. Lê Nhu bị theo dõi riết rồi ông hiệu trưởng nhà trường bảo ông viết đơn xin thôi việc. 

Về nhà chưa có công gì làm, ông mở lớp kèm cặp, dạy bảo cho mấy đứa trẻ nhỏ, cốt để làm nơi liên lạc, hoạt động. Võ Mai, ngưòi làng Vạn Phần vừa mới từ Quảng Châu trở về. Mai sang bên đó dự lớp huấn luyện do Hội Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí mở mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là ngưòi trực tiếp giảng dạy. Nay về đây, Võ Mai được cấp trên giao nhiệm vụ liên lạc để tổ chức chi bộ Thanh Niên ở vùng Hoàng Trường-Yên Lý. Trên cái nền của phong trào quần chúng ấy, việc làm của Võ Mai gặp nhiều thuận lợi nên sớm có kết quả. Lê Nhu được bầu vào Ban chấp hành lâm thời, phụ trách công tác tổ chức và liên lạc của Chi bộ Thanh Niên này. 

Mùa Thu năm 1929, sau khi chi bộ đầu tiên của tổ chức Đông Dưong cộng sản Đảng được thành lập tại Hà Nội, Trần Văn Cung, ngưòi đã cùng dự khóa huấn luyện tại Quảng Châu và cùng là sáng lập viên của tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng tại Hà Nội về liên lạc với Võ Mai để thành lập chi bộ Đảng ở đây, cũng gồm những thanh niên ở hai tổng Vạn Phần – Hoàng Trường. Lê Nhu được kết nạp vào Chi bộ này. Tháng 3/1930 thì Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Vạn Phần-Hoàng Trường chuyển thành Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Lê Nhu được chính thức công nhận là đảng viên Đảng cộng sản từ đó. 

Một tháng sau Lê Nhu bị thực dân Pháp bắt, giải vào giam tại nhà Lao Vinh. Đến đầu năm 1934 ông mới được tha. Năm 1936, khi đang hoạt động cho sự ra đời của Mặt trận Dân chủ ở quê nhà thì ông bị địch bắt lại, giam tại nhà lao Phủ Diễn rồi giải vào Vinh, tổng cộng bị bắt giam gần 5 tháng. Năm 1937, sau khi Đảng được phục hồi, ông trúng cử vào Ban chấp hành lâm thời Phủ ủy Diễn Châu, phụ trách phong trào hoạt động công khai. Ông đã trực tiếp đi vận động quyên góp giúp hội Phụ nữ Dân chủ của Phủ mua một sô khung cửi dệt vải khổ rộng đặt tại ngã ba Phủ Diễn và ở Yên Lý đề vừa làm nơi liên lạc cho phong trào vừa để gây quỹ đoàn thể. Đồng thời Ban chấp hành Mặt trận thống nhất Dân chủ Đông Dương ở phủ cũng tổ chức giúp chị em một số gánh hàng xuân, bày bán những quạt hòa binh, bánh tự do, mứt thân ái… nhằm để tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng trong thời kỳ đó. Ngày 22/3/1937, Lê Nhu tham gia Đoàn điều hành quần chúng đón tiếp Gô đa, phái viên của Chính phủ Pháp sang thanh tra tình hình ở Đông Dương khi ông ta ghé thăm bệnh xá của Phủ Diễn. Từ đó các hội hoạt động công khai được tổ chức thêm nhiều. Cùng với việc thành lập Hội khuyến học, Phủ Diễn Châu lúc này mở được hai trường học tư thục. Lê Nhu cũng là một cán bộ cốt cán phụ trách vận động chống chiến tranh đế quốc và phòng thủ Đông Dương theo sự chỉ đạo của Đảng. Đó là thời gian dài được ở ngoài và hoạt động được nhiều cho Đảng như Lê Nhu kể từ khi ông gia nhập Đảng. Đến đầu năm 1940, Lê Nhu lại bị địch bắt đưa đi an trí tại các trại ở Đắc Lay, Đắc Tô tỉnh Kon Tum rồi đi vào Buôn Ma Thuột. Đến tháng 7/1945, ông mới được tha về. 

Tháng 8/1945, Lê Nhu được cử làm Bí thư Việt Minh bí mật tổng Vạn Phần và ở trong ban lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền rồi Ủy ban nhân dân lâm thời Phủ Diễn Châu. Tháng 4/1946, Ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh phủ Diễn Châu. 

Từ ngày là một thầy giáo trải qua bao quá trình hoạt động bí mật, có nhiều khoảng thời gian bị giam cầm nguy nan, được ra khỏi nhà tù lại lao vào hoạt động, cho đến khi trở thành Chủ tịch chính quyền cách mạng của một phủ, Lê Nhu luôn luôn giữ được khí chất kiên cường, mẫu mực vươn lên với những cố gắng cao nhất để góp thật nhiều cho cách mạng nên ông được bạn bè, đồng chí thương yêu, câp trên tín nhiệm. 

Sau một tháng làm Chủ tịch phủ Diễn Châu, Lê Nhu được điểu lên làm Ủy viên thanh tra tài chánh Trung bộ. Tháng 10/1947 ông lại được cử về giữ chức Chủ nhiệm Việt Minh và phó Chủ nhiệm Liên Việt tỉnh Nghê An. Từ tháng 7/1949 đến 1960, ông được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ Nghệ An, và từ năm 1949 đến tháng 6/1954, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh. Từ tháng 8/1954 đến 6/1956 ông ở trong Ủy ban cải cách ruộng đất tỉnh Nghệ An và trực tiếp chỉ đạo công tác đó tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh). Do bị nhận xét là chưa quy kết đủ số địa chủ do Ủy ban cải cách ruộng đất cấp trên quy định và ở quê nhà, gia đình lại bị quy là thuộc thành phần bóc lột khác nên ông phải đi lao động thực tế một thời gian. Tháng 12/1955 ông được bầu vào Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Liên khu IV. Tháng 4/1956, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An. Tháng 12/1971 ông được bầu giữ chức ủy viên Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vẫn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh kiêm chủ tịch phân Hội hữu nghị Việt – Xô Nghệ An cho đến năm 1974. Từ đó đến khi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất, ông vẫn được bầu vào Ban Chấp hành Mặt trận Tổ quốc tỉnh với cương vị là một cố vấn. 

Từ năm 1974, là một cán bộ hưu trí, ông Lê Nhu về sống với nơi mình cư trú tại khối Kênh Bắc, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh với cảnh sống thanh bạch, tác phong bình dị, gần gũi với mọi người. Có thời gian ông đảm nhận chức chi ủy viên của Chi bộ Đảng khối. Lúc tuổi gần 80, nhiều buổi ông vẫn đi xe đạp đến dự họp ở phường và thành phố. Lại có thời gian ông nhận cả chức Tổ trưởng phụ lão của khối xóm và lo đến nơi, đến chốn trong mọi công việc. Hán tự và chữ Pháp, Lê Nhu mới học xong bậc Tiểu học nhưng thường ngày vẫn tự học thêm và lo trau dồi nên ông sử dụng được tương đối thành thạo cả hai thứ ngoại ngữ ấy. Thời gian công tác tại Thanh tra Trung bộ, khi cần ông đã tự hỏi cung một số tù binh người Pháp bị bắt, khiến họ phải kính nể cả về khả năng giao tiếp của ông. Khi tuổi đã rất cao, ông vẫn duy trì tốt phong độ sống thường ngày trước kia của mình. 

Với đức độ và công lao cống hiến như vậy, ông Lê Nhu đã được Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng : 

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất 

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất 

- Huân chương Độc lập hạng Nhất 

Cùng nhiều Huy chương và Huy hiệu cao quý khác 

Những năm tháng cuối cùng, ông cùng bà là Lê Thị Biên sống với các con cháu trong ngôi nhà ngói ba gian cột gỗ, thấp nhỏ, vách tường trát toóc-si. Đồ đạc đáng giá nhất trong nhà là bộ xa lông gỗ dổi đã cũ do Văn Phòng ỦBND tỉnh nhượng lại khi ông về nghỉ hưu. Tại đấy, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/8/1985.

Chu Trọng Huyến

Video