Lê Cảnh Nhượng (1902-1933)

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-25 09:01:01

Lê Cảnh Nhượng là con của một gia đình nghèo làm nghề thợ mộc ở làng Phong Nậm, tổng Xuân Lâm, (nay là xã Ngọc Sơn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. 

Bố Nhượng là Lê Cảnh Nhương, mất sớm, lúc Nhượng lên tám tuổi và Tốn (em Nhượng) chưa được nửa năm. Mẹ Nhượng là Nguyễn Thị Vinh, ngày ngày phải đi làm thuê cuốc mướn để nuôi con. Ở Phong Nậm, gần như cả làng đều đi làm thuê, cày ruộng rẽ, do đó, mẹ Nhượng phải lên tổng Bạch Hà (Anh Sơn) mới kiếm được việc làm. Mỗi chuyến người mẹ ngược nguồn, anh em Nhượng ở nhà bơ vơ, vừa thiếu hơi ấm của mẹ, lại vừa thiếu ăn. Có chuyến mẹ đi quá hẹn chưa về, suốt bốn ngày trời anh em Nhượng chỉ ăn củ đậu thay cơm. 

Song, cho dù tần tảo sớm hôm, bà Vinh vẫn làm chẳng đủ cho hai con được ăn no. Riêng bà, vì quá lam lũ, bổ bệnh, ốm đau hoài. Cảnh nhà buộc bà phải tính đến chuyện cho Nhượng đi tìm việc làm kiếm sống. Còn bà đành “đi bước nữa”, cốt để nhờ vả người ta, mới mong nuôi em Tốn lớn khôn. 

Thế là mười một tuổi, Nhượng đã bước vào cuộc đời đi ở. Sau năm năm làm con ở, Nhượng trở về theo người cậu ruột học nghề thợ mộc. Từ đó, ngày ngày, Nhượng gánh cưa, bào, đục theo ông cậu đến các làng kiếm việc làm. Cậu bé mười lăm tuổi đứng bên cây gỗ to gấp đôi, gấp ba thân người, phải rướn toàn thân ra để kéo tràng cưa. Miếng cơm ăn hàng ngày, Nhượng phải đánh đổi bằng mồ hôi và cả nước mắt nữa. Làm nghề thợ mộc, Nhượng đi nhiều, nghe nhiều, tầm hiểu biết của anh được mở rộng thêm. 

Lúc bấy giờ, những người yêu nước ở Thanh Chương đang lập ra các “Hội giảng báo” để tuyên truyền cách mạng và tập hợp những thanh niên tiến bộ. Ban ngày, làm thợ; tối đến đi nghe giảng báo; Nhượng không bỏ sót buổi nào. Những dòng truyền đơn của Hội Thanh niên và của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đến với Nhượng. Đọc truyền đơn, Nhượng chưa hiểu được nhiều, nhưng biết rằng cách mạng là đánh đuổi đế quốc, phong kiến, cách mạng là giải phóng người nghèo…, lòng Nhượng rất vui. Nhượng đã cùng một số người vận động anh em tuần trương Phong Nậm đấu tranh với địa chủ để được gặt trước, gặt đủ lúa công canh giữ đồng ruộng của mình. Bất lực, cay cú, địa chủ, hào lý Phong Nậm phải mời quan thầy của chúng ở huyện về phân xử. Nhưng, cuối cùng cả thầy lẫn tớ đều phải nhượng bộ trước sự chung sức, chung lòng của anh em tuần trương và dân làng Phong Nậm. Tuy vậy, thắng lợi của cuộc đấu tranh chỉ chứng tỏ sức mạnh của sự hợp quần chứ không thể làm thay đổi căn bản cuộc sống của những người nông dân nghèo khổ. 

Thế rồi, tin tức của các cuộc biểu tình nổ ra ở Vinh-Bến Thủy và Thanh Chương nhân ngày Quốc tế Lao động 15-1930 như một làn gió mới thổi đến Phong Nậm, làm náo nức những người con như Lê Cảnh Nhượng. 

Chỉ ít hôm sau đó, giữa một đêm tối trời, đồng chí Phụ, một cán bộ của Đảng đã đến gặp Nhượng. Thật như nắng hạn gặp mưa rào. Nhượng chăm chú lắng nghe từng lời anh Phụ nói. Anh bảo, muốn thoát khỏi bị áp bức bóc lột thì phải làm cách mạng, làm Cộng sản như nước Nga Xô Viết, phải đánh đổ đế quốc tư bản, địa chủ phong kiến, quan trường. Anh không giấu diếm Nhượng những khó khăn gian khổ sẽ gặp phải, thậm chí có khi còn phải hy sinh cả tính mạng nữa. Bước đầu, anh Phụ giao cho Nhượng một số công việc cần kíp để chuẩn bị cho cuộc ra quân của quần chúng toàn huyện. 

Ngày 1- 6- 1930, lần đầu tiên, hơn 3.000 nông dân Thanh Chương, có đông đảo phụ nữ và học sinh tham gia biểu tình đưa yêu sách đến huyện đường phản đối đế quốc Pháp đàn áp cuộc biểu tình ở Bến Thủy và Hạnh Lâm, đòi thả những người bị bắt và đòi bồi thường cho những gia đình có những gia đình có người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình; đòi giảm sưu, hoãn thuế đến tháng 10; đòi bỏ lệ tuần canh và các thứ thuế khác. Đi trong đoàn biểu tình Nhượng tự coi mình là một quần chúng cách mạng, “một chiến sỹ chiến đấu cho tương lai” – như lời anh Phụ nói. 

Sau cuộc biểu tình, vào một đêm tháng 7-1930, Nhượng được mời tới họp tại thôn Xuân Tường. Ấy là một đêm đáng ghi nhớ. Nhượng được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Anh trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của làng Phong Nậm.
Khi đã giác ngộ quyền lợi giai cấp và được ánh sáng của chân lý cách mạng chiếu rọi, Lê Cảnh Nhượng bước vào cuộc chiến đấu với một sức mạnh diệu kỳ và một tâm hồn thanh thản. Anh cùng đảng viên và quần chúng khẩn trương chuẩn bị cho cuộc đấu tranh với quy mô to lớn của nông dân toàn huyện tiếp tục đưa yêu sách và đòi thực hiện các điều khoản mà tri huyện Phan Thanh Kỷ đã ký nhận trong cuộc biểu tình trước. 

Ngày 1-9- 1930, Lê Cảnh Nhượng và bà con Phong Nậm cùng với hai vạn nông dân Thanh Chương ào ào như thác lũ đổ về huyện lỵ Thanh Chương, thiêu huỷ huyện đường, phá nhà lao, đập nát cửa hàng đại lý rượu Phông – ten của tư bản Pháp ở chợ Rộ, phá nhà tri huyện Phan Sỹ Phàng. Sau đó định kéo lên đồn Thanh Quả, quyết tìm bằng được viên tri huyện bỏ trốn. Nhưng được tin có một toán lính ở Vinh vừa đến, đoàn biểu tình liền quay lại bao vây chúng. Một mệnh lệnh lập tức được phát ra từ trái tim Lê Cảnh Nhượng: 

- Cứ 4 tự vệ kèm một lính. 

- Yêu cầu anh em lính chĩa mũi súng xuống đất! 

- Công nông binh liên hiệp! 

Tiếng hô hưởng ứng của hàng nghìn con người như từng đợt sóng âm thanh dội vào lương tri những người cầm súng. Những khẩu súng trong tay họ từ từ chúi mũi xuống đất… 

Biểu tình toàn huyện thắng lợi. Chính sự và quyền hành về tay các thôn bộ, xã bộ nông hội đỏ. Trong niềm vui của Nhượng có xen cả niềm tự hào của con người bắt đầu được hít thở không khí tự do, anh dồn hết tâm trí và sức lực làm việc cho dân, cho Đảng. 

Nhượng tuy có tính nóng nảy, nhưng linh hoạt trong suy nghĩ và rất kiên quyết, tháo vát khi hành động. Thấy một người nào đó tỏ vẻ do dự trước một công việc đoàn thể giao cho thì lập tức Nhượng nổi nóng. Nhưng chỉ một lát sau, anh lại ôn tồn giải thích: “Làm cách mạng không thể rụt rè được, đồng chí ạ! Bọn đế quốc cường hào chẳng nể gì chúng mình đâu!” 

Nhượng có dáng người cao, trán rộng, mắt to; đi đâu anh lại có thói quen cắp theo ngọn mác bên mình. Vì vậy, các đồng chí thường ví anh như một người lính xung trận. Bất cứ việc gì, có anh Nhượng tham gia là anh em cảm thấy vững tâm. Nhượng luôn đi đầu và nhận làm những công việc khó khăn nguy hiểm nhất trong các cuộc biểu tình trấn áp bọn cường hào, mật thám cũng như trong những cuộc đấu tranh vay lúa cứu đói cho dân… 

Tháng Giêng năm 1931, Phong Nậm lập riêng một chi bộ, Nhượng được cử làm phó bí thư phụ trách tự vệ. Sau đó ít lâu, giữa lúc tình hình khó khăn, anh được giao trách nhiệm làm bí thư chi bộ. 

Kẻ địch không còn che dấu nổi bộ mặt nham hiểm sau khi bị sấm sét búa rìu của công nông Nghệ Tĩnh giáng lên đầu chúng. Chúng tập trung lực lượng tiến hành khủng bố rất tàn khốc các huyện nông thôn, đặc biệt là Thanh Chương. Chúng còn bày trò “rước cờ vàng” và “phát thể quy thuận” 

Lúc bấy giờ, ở địa phận tổng Xuân Lâm, địch đã đóng chốt các đồn Rào Gang, Xuân Bảng, Chợ Cồn, Xuân Tường, Ngọc Sơn. Cứ một vài làng xã chúng lập một đồn bang tá. Ngày đêm, chúng đưa lính, đoàn phu đi lùng sục, bắt bớ cán bộ; đảng viên Phong Nậm bị địch dồn ép từ nhiều phía. 

Trước tình hình đó, dựa vào chủ trương của Huyện ủy, Tổng ủy, đi đôi với việc củng cố chi bộ, Lê Cảnh Nhượng đã biết củng cố các tổ chức quần chúng và đặc biệt coi trọng việc củng cố lực lượng tự vệ. Anh biết dựa vào dân, vận động nhân dân rào làng chiến đấu để chống giặc, bảo vệ dân, bảo vệ cán bộ. Anh còn phát động thanh niên, giáo dục và tổ chức lực lượng thiếu nhi làm công tác bảo vệ trị an. Các em là tai mắt khá tinh tường, giúp đỡ đắc lực đội tự vệ Phong Nậm trong nhiều trường hợp. 

Tháng 4-1931, Nhượng được cử vào Ban chấp hành tổng bộ Xuân Lâm chuyển từ Xuân Dương về Phong Nậm và đóng ngay trong nhà Nhượng. 

Trong khi các làng xã lân cận bị địch khống chế, kiểm soát hết sức ngặt nghèo, việc bảo đảm an toàn cho cơ quan Tổng ủy và sự liên lạc giữa Tổng ủy với các chi bộ trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với chi bộ Phong Nậm. 

Lê Cảnh Nhượng đã đứng mũi chịu sào, kiên trì tổ chức lãnh đạo đảng viên quần chúng Phong Nậm biểu tình tuần hành, thị uy trấn áp phản động đốt thẻ quy thuận, xé cờ vàng để phá tan âm mưu nham hiểm của kẻ địch và duy trì phong trào. Anh chỉ huy tự vệ Phong Nậm và Nguyệt Bổng giải vây cho làng Xuân Tường, giải thoát cho cán bộ bị địch bắt và lấy lại tài liệu… 

Trước thử thách gay go do chính sách khủng bố trắng của địch gây nên, cho đến những ngày tháng 5-1931, các đảng viên trong chi bộ Phong Nậm vẫn tỏ ra kiên trung bất khuất, quần chúng Phong Nậm vẫn vững vàng. Đồng chí Lê Cảnh Nhượng, người cán bộ lãnh đạo phong trào tận tụy, trung thành, càng già dặn trong chỉ huy chiến đấu chống địch và cả trong công tác vận động và tổ chức quần chúng. Cơ quan Tổng bộ đóng tại Phong Nậm vẫn được bảo đảm an toàn. Mặc dù nằm kẹp giữa hai đồn địch: dưới thì Xuân Tường, trên thì Ngọc Sơn, nhưng Phong Nậm vẫn là nơi tạm trú của cán bộ các làng lân cận. 

Từ cuối tháng 5-1931, bọn địch hai lần cho lính về vây thôn Phong Nậm. Cả hai lần, đảng viên và cán bộ được dân che chở đều trốn thoát. 

Tình hình không cho phép chi bộ ở lại trong thôn, Nhượng đưa tất cả đảng viên bị lộ vào trại Tràng Ri (nay thuộc xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn), cách làng 7 km để bảo toàn lực lượng, tiếp tục cuộc chiến đấu. 

Ban ngày, Nhượng cùng anh em vào khe núi in truyền đơn; đêm đến, đem về làng rải. Bọn thống trị vừa lo sợ, hốt hoảng, vừa lồng lộn điên cuồng. Chúng ra công sục sạo, những mong làm cỏ hết những người cộng sản. Không bắt được cán bộ, chúng cướp của và tra khảo dân. Tuy vậy, đêm đêm, Nhượng từ Tràng Ri, tay xách mác, quần xắn móng lợn, dẫn anh em về làng rải truyền đơn và tìm gặp đồng bào để động viên họ giữ vững tinh thần. 

Tháng 7-1931, cơ sở Tràng Ri bị lộ, Tổng ủy phân công Nhượng đi liên lạc với Tỉnh ủy. Các đồng chí còn lại thì thay đổi họ tên, chuyển dần lên mạn ngược kiếm việc làm, chờ đợi việc móc nối liên lạc. 

Nhượng mang theo ba quan tiền rồi lần đường đi lên vùng Anh Sơn. Số tiền mang theo, anh tiêu pha hết sức dè xẻn nhưng rồi cũng hết sạch. Nhiều bữa anh phải nhịn đói hoặc ăn sung thay cơm. Nhiều đêm, anh không dám ngủ nhờ trong làng, phải lần vào rừng nằm trên cành cây. Qua mỗi làng, anh mượn cớ đi kiếm việc làm để dò tìm cơ quan Tỉnh ủy. Đến Thanh Sơn, anh bắt được liên lạc. 

Tỉnh ủy đưa cho anh một ít tiền để trở lại đi tìm anh em. Mặc cho những cặp mắt cú vọ của địch từng giờ, từng phút dòm ngó, dò xét, Nhượng vẫn đi về các làng của phủ Anh Sơn gom số anh em đang chờ chắp mối, tổ chức anh em đóng bè nứa xuôi Đô Lương để về Vĩnh Giang, nơi cơ quan Tỉnh ủy đóng. 

Ít lâu sau, tên bang Lực, bang tá phủ Anh Sơn đánh hơi được chỗ ở của cơ quan đầu não của tỉnh. Hắn xin đồn trưởng Đô Lương huy động cả lính lê dương, khố xanh, phu đoàn vây từ Vĩnh Giang lên Truông Dong. Cơ quan phải chuyển vào rừng làng Động. 

Chưa đầy một tháng sau, nơi ở mới lại bị lộ. Cơ quan lại chuyển sang một khu rừng khác. Từ đấy về sau, họ không ở đâu lâu đến một tuần lễ. Mỗi lần di chuyển, người nào còn chút sức lực đều cố gắng dìu những anh em ốm yếu đi theo. Bệnh tật, đói rét đang tàn phá cơ thể họ, nhưng lòng tin tưởng đối với Đảng, đối với cách mạng vẫn ngời sáng trong tim. 

Nhượng lúc nào cũng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Anh làm việc luôn tay, không để cho những suy nghĩ vẩn vơ làm nhụt chí. Cứ mỗi lần di chuyển đến chỗ ở, anh động viên mọi người hãy cố chịu đựng để rồi chuẩn bị nhen nhóm lại phong trào. 

Tháng 8-1931, Tỉnh ủy chỉ còn lại đồng chí Liệu. Còn đại diện Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo Tỉnh ủy Nghệ An lúc đó là đồng chí Phương (tức Lê Xuân Đào). Các đồng chí chủ trương phân công cán bộ về các huyện nắm tình hình, chuẩn bị cho việc củng cố lại Tỉnh ủy và định ra phương hướng chủ trương công tác. Đồng chí Nhượng được phân công về huyện Nam Đàn cùng với đồng chí Lê Xuân Đào. Trong lúc chưa bắt được liên lạc với cơ sở, hai đồng chí vào ở trong chùa Thầy. Ban ngày thì in truyền đơn, ban đêm, các đồng chí vào làng rải và bắt mối liên lạc, thu thập tình hình. 

Sau khi bắt được liên lạc với một số huyện như Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, tháng 9-1931, đồng chí Lê Xuân Đào triệu tập Hội nghị ở động Cây Trường để bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh. Đồng chí Nhượng được tham dự hội nghị và được cử vào Ban Tài chánh do Lê Xuân Đào làm trưởng ban. 

Trước sự khủng bố điên cuồng của địch, cơ quan phải liên tiếp thay đổi chỗ ở. Địch tư giấy đi nhiều nơi tầm nã Lê Xuân Đào và Lê Cảnh Nhượng. Có lần, cả ba đồng chí Lê Xuân Đào, Nguyễn Công Tá và Lê Cảnh Nhượng suýt bị bắt. 

Theo chủ trương của Xứ ủy, cơ quan Tỉnh ủy phải được chuyển dần về gần đồng bằng để bám sát chỉ đạo phong trào các huyện. Thế là cơ quan quyết định chuyển Tràng Ri. 

Tháng 12-1931, Nhượng lại được phân công về gây dựng cơ sở ở Nam Đàn. Bọn địch chăng lưới vây bắt anh. Nhưng anh trốn được về một trại ở Yên Phúc. 

“Bằng mọi cách để được tiếp tục hoạt động!” Điều tâm niệm đó của Lê Cảnh Nhượng trong những ngày sống len lỏi ở trại Yên Phúc đã thúc dục anh đi tìm liên lạc với cơ quan Tỉnh ủy. Anh mới đi đến Cồn Xâm thì sa vào tay giặc. Hôm đó là ngày 18-4-1932. 

Dụ dỗ, mua chuộc Lê Cảnh Nhượng không được, địch đã tra tấn anh hết sức hiểm độc. Chúng bắt anh quỳ hai gối lên một cây tre đòn, nếu đầu gối trật khỏi cây tre là chúng đánh; chúng trói chặt hai tay ra sau lưng, treo lên xà nhà, trước mặt chôn một cây tre róc nhẵn mấu, người bị treo mỏi quá tì ngón chân vào cây tre, chân bị xược xuôi, người càng đau mỏi thêm… 

Không một ngón đòn nào làm cho Nhượng kêu van, khai ra nửa lời. Bị đánh đau, anh vẫn lớn tiếng tố cáo bọn quan lại cho đến khi ngất đi. Mỗi khi anh tỉnh lại, địch lại tra hỏi. Nhưng rốt cuộc, chúng chỉ nhận được một câu trả lời duy nhất: “Không biết”. 

Mặc dù không moi được ở Nhượng lời nào, chúng vẫn kết án tù chung thân và đưa anh về giam ở nhà lao Vinh. 

Trong những ngày ở tù, không phút giây nào anh tỏ ra nao núng, hoảng sợ. Ở nhà lao Vinh lúc đó có tên đội Ba khét tiếng gian ác. Nó thường cầm cái roi có đóng đinh ở đầu mút vào nhà giam đánh người tù. Mỗi lần bị đánh, Nhượng uất ức chửi rủa ầm ĩ. Đội Ba tức giận dọa bắn anh. Anh dẫn đến trước mặt nó, giơ nắm tay ra:

Có giỏi cứ bắn đi! 

Hành động quyết liệt của Nhượng làm cho đội Ba phải gờm tay. Nhưng các bạn tù vẫn khuyên can Nhượng bớt nóng nảy trong những cuộc xô xát không cần thiết. 

Ở trong nhà lao, anh em tù tự động tổ chức những hình thức sinh hoạt như nghe kể chuyện, ra một tờ báo miệng lấy tên là “Ngục san”. Tờ báo ra đời không cần giấy mực. Tòa soạn phân công mỗi người phụ trách một bài. Khi báo “xuất bản” tức là lúc mỗi người được phân công đọc bài của mình lên. Nhượng rất thích nghe đọc báo và thu lượm những tin tức trong nhà lao kể cho anh em nghe. Nhượng nghe không biết chán những câu chuyện kể về đấu tranh cách mạng do anh Trương Vân Lĩnh kể. Anh tìm thấy ở đấy niềm tin tưởng và hi vọng ở tương lai.
 
Vào tù, Nhượng tự nhủ mình phải học văn hóa thật đều để khi ra tù có đủ “vốn liếng” làm công tác. 

Anh “sáng chế” ra một kiểu bút đặc biệt: một chiếc que vót nhọn cắm trong một lọ dầu Nhị Thiên đường đựng nước. Giấy thì đã có ở sàn nhà lao. Viết xong một lát, nước khô đi, lại có thể viết lần khác…
 
Đầu tháng Giêng năm 1933, một buổi sáng cuối đông lạnh lẽo, gió bấc rít qua khe hở nhà tù, mấy tên lính đến mở cửa buồng giam, gọi Nhượng ra ngoài rồi đưa anh đi. Chúng gọi anh đi đâu, làm gì, anh em tù chưa ai hay biết, tiếng ô tô nổ máy, họ mới biết chắc rằng chúng đưa Nhượng đi bắn. 

Chiếc ô tô màu xám ngoét đưa Nhượng về đầu làng Phong Nậm. Ở đấy có lính canh đứng cách nhau 5 thước 1 tên, cờ xí ủ rũ hai bên đường. Bọn quan lại chức sắc vừa hí hửng vừa lo sợ, thì thào với nhau: “Bữa nay có cuộc vui”. 

Từ trên ô tô, Nhượng thong thả bước xuống, mắt bị bịt miếng vải đỏ, hai tay bị xích chặt sau lưng làm cho ngực anh hơi ưỡn ra. Nhượng vẫn lên tiếng chửi giặc: 

- Chúng mày là đồ hèn nhát, chúng mày xử tội những người không có tội... 

Anh bước thong thả, bình tĩnh đến chỗ cái cọc đã chôn sẵn. Trong giờ phút ấy, có những tên quan, tên lính đang nhớn nhác, lo âu; có cả những đồng bào của anh thấp thoáng sau rặng tre làng đang hướng cặp mắt đầy vẻ đau xót về phía anh, rưng rưng dòng lệ. 

Nghe súng lên đạn lách cách, anh sợ bỏ phí mất thì giờ, vội lấy hết sức hô thật to:

- Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến!
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

Năm tên lính quỳ xuống trước mặt anh. Chúng nhằm vào anh nổ súng. 

Giặc Pháp và phong kiến Nam triều đê hèn đưa Lê Cảnh Nhượng về xử bắn ngay trên quê hương của anh. Chúng giễu võ giương oai bằng lưỡi lê và súng đạn. Chúng biến đồng xanh Phong Nậm thành bãi pháp trường. Nhưng, chính tại nơi đây, Lê Cảnh Nhượng, người đảng viên cộng sản 21 tuổi đời, đã biến pháp trường thành trận mạc, vạch mặt Nam triều, kết tội thực dân, giữ vững tinh thần, củng cố lòng tin cho quần chúng cách mạng.

Nguyễn Sỹ Đạm. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh 1982.

Video