Kỷ niệm 94 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-2011) tại xã Mỹ Thành, Yên Thành.

Tác giả: admin
Ngày 2011-11-07 08:29:45

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Cách mạng tháng Mười Nga ( 1917 - 2011), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Huyện Yên Thành, xã Mỹ Thành tổ chức buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, nói chuyện truyền thống với chủ đề : "Nhân dân Mỹ Thành, Yên Thành trong phong trào cách mạng 1930-1931".

Chiều ngày 5/11/2011, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thành đông đảo nhân dân, học sinh và đoàn viên thanh niên đã có mặt tại đây. Một không khí rộn ràng, tưng bừng bao trùm trong toàn xã. Trên dọc hai bên đường từ di tích Tràng Kè đến trụ sở Ủy ban xã đã sáng rực màu đỏ của băng cờ khẩu hiệu.

Về tham dự buổi giao lưu có các đồng chí Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa, Trung tâm văn hóa, phòng giáo dục huyện cùng phóng viên Đài truyền hình, Báo chí của huyện, và các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, cùng toàn thể bà con nhân dân xã Mỹ Thành và các thầy cô giáo, các em học sinh trường PTTH Mỹ Thành.

Đúng 2 giờ chiều đ/c Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch huyện Yên Thành cùng đại diện các phòng ban của huyện, đại diện của Bảo tàng XVNT cùng với toàn thể các thầy cô giáo, các em học sinh trường PTTH Mỹ Thành tổ chức lễ dâng hương dâng hoa tại di tích Tràng Kè để tưởng nhớ tới 72 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong phong trào cách mạng 1930-1931.

Sau lễ dâng hương dâng hoa, đoàn đại biểu cùng toàn thể các thầy cô giáo và học sinh trở về tham dự buổi nói chuyện truyền thống tại hội trường UBND xã. Buổi lễ được mở đầu bằng những tiết mục văn nghệ chào mừng với những ca khúc ngợi ca về Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước. Tiếp đó đồng chí Nguyễn Văn Năm - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành lên đọc diễn văn khai mạc, ôn lại truyền thống và ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga và cuộc biểu tình năm xưa của nhân dân huyện Yên Thành, xã Mỹ Thành dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phần thứ 3 của chương trình là bài nói chuyện của đ/c Nguyễn Thị Kim Chi - cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với 3 nội dung: giới thiệu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga đối với XVNT, truyền thống lịch sử - văn hóa của Yên Thành nói chung và Mỹ Thành nói riêng, và nội dung thứ 3 là giới thiệu về tinh thần cách mạng của nhân dân Mỹ Thành, Yên Thành trong phong trào cách mạng 1930-1931. Bài nói chuyện đã nêu lên những nét đặc sắc về truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất của nhân dân Yên Thành trong công cuộc chống giặc giữ nước. Những nội dung trên được minh họa bằng 120 slide chiếu với hàng trăm hình ảnh sinh động về cách mạng tháng Mười Nga, về truyền thống lịch sử - văn hóa của Yên Thành, Mỹ Thành từ xưa và trong công cuộc đổi mới hôm nay; cùng danh sách tên tuổi, các bức ảnh tù của những người chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của quê hương Yên Thành…… được chiếu trên màn hình đã thu hút sự chú ý theo dõi của khán giả làm hấp dẫn thêm nội dung bài nói chuyện.

Điểm nhấn của bài nói chuyện là truyền thống cách mạng của nhân dân Mỹ Thành trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mỹ Thành là miền quê nghèo, đất đai cằn cỗi, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông tuy vậy con người nơi đây lại rất cần cù, chịu thương, chịu khó. Cũng như mọi miền quê khác nhân dân ở đây có lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Từ năm 1419, Nguyễn Vĩnh Lộc – một vị tướng giỏi của nghĩa quân Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã xây dựng nơi đây thành căn cứ địa chống lại quân Minh. Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp, nhân dân Mỹ Thành tích cực tham gia dưới sự chỉ huy của Lĩnh Ngợi (Tấc Bảy) một tướng lĩnh nổi tiếng của Nguyễn Xuân Ôn.

Đầu thế kỷ XX, khi cả nước đang sôi nổi đi theo tiếng gọi xuất dương của cụ Phan Bội Châu, những thanh niên tiến bộ của Mỹ Thành cũng vượt núi băng rừng sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Xiêm học tập, chờ thời cơ sang Quảng Châu - Trung Quốc.….

Chính truyền thống văn hóa, yêu nước là cội nguồn sức mạnh để Mỹ Thành sớm đi theo Đảng, góp phần xứng đáng trong cao trào cách mạng 1930-1931; trở thành cái nôi cách mạng "đi đầu dậy trước" của phong trào cách mạng toàn huyện. Chính tại làng Trụ Pháp, xã Mỹ Thành, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Thành được thành lập tại nhà Nguyễn Ngoạn vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10 -1930 đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào yêu nước và cách mạng Mỹ Thành. Ngày 10/11/1930 ban Chấp hành đảng bộ lâm thời huyện Yên Thành ra đời tại nhà thờ họ Nguyễn Công (chi 4) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hữu Bình - phái viên Tỉnh ủy Nghệ An do đồng chí Nguyễn Ứng làm bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chung của nhân dân cả tỉnh, cả huyện.
- Trong cuộc biểu tình kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930), nổ ra tại cầu Dinh –Yên Thành và Cầu Bùng ở Diễn Châu, nhân dân Mỹ Thành tham gia đấu tranh rất sôi nổi.
- Ngày 9/11/1930, nhân dân các làng Trụ Pháp, Phong Niên, Quảng Cư kéo xuống Nam Thôn làm lễ truy điệu những người bị hy sinh trong cuộc biểu tình toàn huyện ngày 7-11-1930.
- Ngày 7-2-1931 quần chúng nhân dân Mỹ Thành tập trung tại đình chợ Kè cùng với lực lượng cách mạng địa phương đã biến buổi lễ phát thẻ quy thuận của kẻ thù thành ngày biểu dương lực lượng và tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân. Ngay chiều hôm đó, nhân dân Trụ Pháp biểu tình kéo đến nhà lý trưởng làng Trịnh Sơn Kẻ Rọc để thị uy và trấn áp khiến cho tên này hoảng sợ bỏ trốn.

Chính vì phong trào cách mạng ở Mỹ Thành phát triển mạnh, thực dân và phong kiến đã ra sức đàn áp bằng cách lập ở đây một đồn binh mạnh nhất huyện, xây dựng hệ thống bang tá huyện và bang tá tổng để chống phá cách mạng. Bọn chúng còn sử dụng Thung Cổ Hùng (một gò đất cao cạnh quốc lộ 7, gần chợ Tràng Kè) làm nơi bắn giết các chiến sỹ cách mạng để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Từ ngày 7/11/1930 đến tháng 9/1931 bọn chúng đã xử bắn 72 chiến sỹ Xô Viết, họ là những người con của vùng đất Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, riêng xã Mỹ Thành 20 đồng chí đã ngã xuống. Mặc dù bị địch khủng bố, bất chấp mọi nguy hiểm, noi gương các chiến sỹ cộng sản, quần chúng ở đây vẫn một lòng son sắt với Đảng, tổ chức nhiều đợt biểu tình thị uy nhằm bảo vệ thành quả cách mạng khiến cho kẻ địch hoang mang lo sợ.

Kết thúc phần nói chuyện, không khí được hâm nóng với phần giao lưu trả lời câu hỏi dành cho khán giả. Năm câu hỏi về truyền thống lịch sử - văn hóa Yên Thành, Mỹ Thành đã giúp cho các em học sinh cũng như đông đảo nhân dân một lần nữa được hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa - lịch sử Yên Thành nói chung, Mỹ Thành nói riêng, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống quê hương trong lòng mỗi người dân nơi đây. Xen kẽ trong các phần là những tiết mục văn nghệ với những lời ca ngọt ngào sâu lắng, những điệu múa mượt mà…….khiến cho không khí buổi giao lưu thêm phần vui tươi, sôi nổi.

Những hoạt động trên đã giúp các em học sinh hiểu biết và yêu quí hơn lịch sử quê hương, truyền thống của cha ông mình. Để từ đó hình thành trong các em bản lĩnh, niềm tin, ý chí phấn đấu học tập trên con đường lập thân, lập nghiệp. Đây là hoạt động giáo dục truyền thống có ý nghĩa của Bảo tàng Xô Viết và nhà trường trong việc thực hiện chủ trương “Đưa Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học” của hai ngành Văn hoá và Giáo dục.

.Nguyễn Thị Kim Chi - Bảo tàng XVNT

 

Video