Khoa lịch sử Trường Đại học Sư Phạm Vinh với việc giảng dạy, phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-09 07:05:17

Tháng 7/1959 trường Đại học Sư phạm Vinh (ĐHSP) - Trường ĐHSP thứ hai sau ĐHSP Hà Nội được Nhà nước quyết định thành lập. Sự kiện này được đánh giá trong lời phát biểu chào mừng của chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ - ông Hoàng Văn Diệm như sau: “Hôm nay là lần đầu tiên trong lịch sử, một trường Đại học được xây dựng trên đất Nghệ An, trên vùng Bắc Trung bộ… đã cắm ngọn cờ hồng trên quê hương Xô Viết”. Trường ĐHSP Vinh sinh ra trong thời điểm lịch sử đó, trên mảnh đất lịch sử này có nhiệm vụ đào tạo cán bộ nghiên cứu, giáo viên tất cả các hệ Đại học đến Tiểu học, là trung tâm khoa học công nghệ Bắc miền Trung. (10 năm sau, năm 1969 khoa Lịch sử chúng tôi có quyết định thành lập).

Ngày 15/1/1960, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bảo tàng thứ 3 sau Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách Mạng ra đời. Đây là Bảo tàng lưu niệm đầu tiên về một sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc trong những năm 1930-1931, ngay khi Đảng ta vừa mới thành lập. 

Hai sự kiện này cách nhau chỉ vài tháng cho thấy Đảng và Nhà nước ta từ sớm đã có mối quan tâm đặc biệt đến trường ĐHSP Vinh và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm ngoái thầy trò trường chúng tôi đã kỷ niệm 40 năm phấn đấu và trưởng thành. Năm nay, cũng tại thành phố Vinh chúng ta kỷ niệm 40 năm ra đời của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng là kỷ niệm đúng 70 năm công nông Nghệ Tĩnh phất cao cờ Đảng, gióng trống mõ, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên theo kiểu Xô Viết Nga. 

1.Vậy với tư cách là một khoa chuyên ngành Lịch sử chúng tôi đã ứng xử như thế nào với “Xô Viết Nghệ Tĩnh” 

1.1
Là một khoa đào tạo giáo viên lịch sử (và hiện nay có cả cử nhân khoa học Lịch sử) chúng tôi đã nghiên cứu giảng dạy lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, đã chú ý đến nội dung sau: 

1.2 Điều kiện ra đời ( nguyên nhân) của phong trào cách mạng 1930-1931 đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh . 

- Việc thực dân Pháp trút gánh nặng khủng hoảng kinh tế 1929-1933 lên đầu lên cổ nhân ta về kinh tế và khủng bố trắng về chính trị sau khởi nghĩa Yên Bái ( 2/1930) làm tăng thêm mâu thuẫn giai cấp, dân tộc. Đó là nguyên nhân sâu xa của phong trào. 

- Về mặt khách quan: trong khi cả thế giới đang chìm đắm trong khủng hoảng kinh tế thì chỉ có một xứ sở duy nhất không bị ảnh hưởng. Ở đó đời sống nhân dân vẫn đảm bảo không bị ảnh hưởng vì công nông làm chủ ruộng đồng. Nơi đó là nước Nga Xô Viết - Liên Xô. Nó thúc giục nhân dân ta hướng về Liên Xô và cách mạng tháng 10. Đó là nguyên nhân khách quan của phong trào, đó cũng là lý do giải thích vì sao chính quyền công nông trong những năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh lại mang hình thức Xô Viết. 

Nhưng nguyên nhân quyết định nhất vẫn là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 3//2/1930. Bởi vì nếu không có Đảng thì sẽ có những cuộc nổi dậy lẻ tẻ, tự phát mà không thể có một phong trào tầm cỡ như phong trào 1930-1931 được.
 
1.3 Về “ Quá trình dẫn đến sự ra đời Xô Viết Nghệ Tĩnh” chúng tôi trình bày phong trào cách mạng trong cả nước, tập trung vào các cuộc nổi dậy của công nông, lưu ý các sự kiện: 

- Từ tháng 2 đến tháng 4/1930 ở Phú Riềng, Nam Định, Vinh …có các cuộc nổi dậy của công nhân. Đồng thời là phong trào nông dân Tiền Hải (Thái Bình), Bình Lục ( Hà Nam) .

- Những sự kiện trong tháng 5 với các cuộc nổi dậy mở đầu ngày Quốc tế lao động 1/5. Trong đó chúng tôi lưu ý đến cuộc tập hợp của gần 1.200 công nhân Bến Thủy và nông dân phụ cận Vinh tại địa điểm chỉ cách ĐHSP Vinh hiện tại chỉ hơn 1km. Hiện còn di tích cột đèn Ngã ba Bến Thủy nay đặt tượng liên minh công nông, di tích Cồn Mô (Hưng Thủy). 

- 11 cuộc nổi dậy trong suốt tháng 6 tháng 7.

- Cuộc tổng đình công chính trị của công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy ngày 1/8/1930.
 
- Sự kiện đỉnh cao trong ngày 12/9/1930.
 
1.4 Về chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

- Giải thích vì sao phong trào cách mạng đạt đến đỉnh cao ở hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh: Đây là hai tỉnh nghèo, lại bị áp bức bóc lột nặng nề, nơi có truyền thống yêu nước, cách mạng, có các nhà ái quốc tiêu biểu; có nhiều chi bộ và đảng viên Cộng sản. 

- Chứng minh: Tuy chỉ tồn tại 4 - 5 tháng, rồi bị nhấn chìm trong bể máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thực hiện những chức năng của một nhà nước kiểu mới, là bài học đầu tiên về chính quyền cách mạng mà sau này, cách mạng tháng Tám phải dựng nên. 

1.5 Phần ý nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi nhấn mạnh ba điểm: 

- Khẳng định trong thực tế quyền và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời không chỉ có đường lối đúng đắn mà đã biết chỉ đạo thực hiện cả trong thực tế. Khi quần chúng mê ngủ thì Đảng đánh thức họ dậy đưa họ vào con đường tranh đấu. Khi xông pha lửa đạn, Đảng ở hàng đầu; lúc bị đàn áp khủng bố thì cán bộ, đảng viên của Đảng ta người chịu hy sinh mất mát đầu tiên. 

- Khẳng định sức mạnh “đoạt trời” (ý Mác) của công nông, của liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

- Khẳng định vị trí cách mạng Việt Nam đối với cách mạng thế giới; nhấn mạnh sự kiện tại phiên họp ngày 11/4/1931 BCH Quốc tế Cộng sản quyết định công nhận Đảng cộng sản Đông Dương là một phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế cộng sản. 

2. Với tư cách là khoa đào tạo giáo viên phổ thông Lịch sử tương lai, chúng tôi phải lưu ý đến việc dạy lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh ngay trên “ hiện trường lịch sử” to lớn và sinh động này

Như chúng ta đều biết, đặc điểm của việc học tập Lịch sử là không trực tiếp quan sát các phương tiện nên phương pháp trực quan có ý nghĩa quan trọng vì nó nâng cao chất lượng dạy - học lịch sử. 

Chúng tôi sử dụng những di tích Lịch sử cách mạng thời Xô Viết Nghệ Tĩnh: Làng Đỏ, Thái Lão, Võ Liệt,… các di vật lịch sử như Trống và Cờ, truyền đơn cách mạng… Thông qua đồ dùng trực quan hiện vật - loại tài liệu gốc có giá trị được sinh viên tiếp xúc giúp họ có được bằng chứng hiển nhiên về sự tồn tại của thời kỳ lịch sử đã 70 năm qua. Với ý nghĩa đó, trong nhiều năm qua, thầy trò khoa Lịch sử chúng tôi coi Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh của các đồng chí là một giảng đường lớn để sinh viên có thể học tập trong “ không khí lịch sử” trong “ không gian thiêng liêng” mà nhớ về “ thời gian thiêng liêng”. 

Sau thời gian hơn 10 năm sơ tán, từ giữa những năm 70, chúng tôi trở về Vinh, nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt của cán bộ nhân viên và lãnh đạo Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Lúc thì buổi nói chuyện bổ ích của Bảo tàng, lúc thì buổi giảng bài ngay trong các gian triển lãm của Bảo tàng. Chúng tôi cũng góp phần khiêm tốn của mình vào việc nghiên cứu, sưu tầm, xác minh các di tích, hiện vật, tham gia các hoạt động phong phú của Bảo tàng. Nhiều cựu sinh viên khoa Sử sau khi ra trường đã mang những nội dung Lịch sử, tình cảm cách mạng về Xô Viết Nghệ Tĩnh, quê hưong Nghệ TĨnh, tung cánh muôn phương truyền tới các thế hệ đàn em suốt 30 năm qua. 

Sở dĩ khoa Lịch sử ĐHSP Vinh chúng tôi và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã và có thể hợp tác với nhau vì có khá nhiều điểm chung giữa chúng ta: 

+ Đều cùng nghiên cứu lịch sử đã qua: lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng ta. 

+ Đều ra đời cùng một thời điểm lịch sử, không gian lịch sử: Thành phố Vinh- trái tim của Nghệ Tĩnh. 

+ Đều có nhiệm vụ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa tư tưởng mà Đảng ta mà trực tiếp là các Nghị quyết TW II, V về giáo dục và đào tạo, và giữ gìn, phát huy truyền thống bản sắc dân tộc. Điều thú vị là có thể thấy rõ sự tham gia và vai trò của các thầy giáo, học sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh: Nguyễn Sỹ Sách - một trong những nhà lãnh đạo chủ chôt là giáo viên, Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Nguyễn Phong Sắc… đều xuât thân từ tri thức yêu nước, đi vô sản hóa trở thành những người cộng sản chân chính. Học sinh Vinh tham gia các cuộc bãi khóa… 

Ngoài ra, còn có nhiều điểm chung khác. Dĩ nhiên, có thể kể ra một số điểm khác nhau. Kết hợp với một số nguyên nhân chủ quan mà trước hết, trách nhiệm thuộc về chúng tôi nên sự kết hợp giữa khoa học Lịch sử và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn nhiều tồn tại: 

- Số giờ đến nghiên cứu, học tập, của CBGD và sinh viên khoa Lịch sử tại Bảo tàng chưa nhiều.- Sự tham gia nghiên cứu CBGD và sinh viên đối với lịch sử Nghệ Tĩnh nói chung và Xô Viết Nghệ Tĩnh nói riêng tuy đã có song còn ít, chất lượng chưa cao. 

Sau đây là một số nguyên nhân

+ Về khách quan: Do số lượng cán bộ còn hạn chế ( hiện nay số lượng CBGD khoa Lịch sử chỉ xấp xỉ 30 người) trong khi đó số lượng sinh viên trong năm học này đã lên tới 1.630 người nên phải giành thời gian, sức lực cho việc đứng lớp ( hiện tượng qúa tải) việc đầu tư thời gian nghiên cứu còn hạn chế. 

+ Về chủ quan: Lãnh đạo và từng thành viên trong khoa Lịch sử còn chưa thật chú trọng mảng lịch sử địa phương. Trong những để tài của cán bộ, những khóa luận, những bài tập lớn của sinh viên, nghiên cứu lịch sử địa phương còn là của hiếm. Thật là ngượng khi có sinh viên vẫn chưa biết địa điểm diễn ra sự kiện 1/5/1930 ở Bến Thủy, Làng Đỏ…hiện cụ thể ở đâu khi họ đang ở ngay trên mảnh đất lịch sử đó, khi chính họ là người phải có trách nhiệm nghiên cứu học tập vì đó là nghiệp của họ, khi mảnh đất mà họ đang đứng thắm đượm máu đào của biết bao người con Xô Viết Nghệ Tĩnh đã ngã xuống mà họ phải chịu ơn. 

Sau đây, chúng tôi xin nêu một số giải pháp và kiến nghị

- Đề nghị lãnh đạo của trường ĐHSP Vinh và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có sự bàn bạc, đánh giá những việc đã và chưa làm được trong sự hợp tác vừa qua để rút ra những bài học cho sắp tới. 

- Có kế hoạch cụ thể để cán bộ, sinh viên khoa Lịch sử tham gia, nghiên cứu, học tập lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh theo từng cấp độ: tham quan học tập ở Bảo tàng, nghiên cứu, sưu tầm, xác minh di tích theo sự hướng dẫn của CBGD khoa lịch sử và cán bộ Bảo tàng Xô Viết. Nếu có thể được thì ký kết văn bản ( hoặc ít nhất là bản ghi nhớ) về hợp tác. Dưới đây là một số định hướng như: Mời cán bộ nghiên cứu Bảo tàng tới nói chuyện ngoại khóa tại khoa lịch sử với giáo viên và sinh viên để khắc sâu thêm kiến thức về lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh, có kế hoạch hàng năm vào dịp ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh ( 12/9) tổ chức các hoạt động dâng hương, trồng cây lưu niệm tại các di tích và khuôn viên Bảo tàng.
 
- Đề nghị lãnh đạo ngành dọc mỗi bên: Đại học Vinh - Bộ GD&ĐT; Bảo tàng Cách mạng Việt Nam- Bộ Văn hóa, nhất là Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tạo điều kiện: Chẳng hạn đưa nội dung học tập, tham quan các di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh vào chương trình giảng dạy lịch sử địa phương ở nhà trường phổ thông. 

Nhân dịp 70 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh và 40 năm thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, cho phép tôi thay mặt khoa Lịch sử ĐHSP Vinh gửi tới quý vị lời chúc mừng sức khỏe, đạt nhiều thành tích trong việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và góp phần xây dựng quê hương Xô Viết ngày càng giàu mạnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TS. Nguyễn Công Khanh
Chủ nhiệm khoa lịch s ử - ĐHSP Vinh

Video