Khí tiết của những nữ tù chính trị tại Nhà lao Vinh

Tác giả: admin
Ngày 2017-04-19 02:14:48

Nhà lao Vinh hình thành từ năm 1804 tồn tại đến năm 1945, là nơi chính quyền phong kiến, thực dân từng giam giữ nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Từ trong chế độ lao tù tối tăm khắc nghiệt, các thế hệ tù nhân tại đây trong đó có nhiều nữ tù chính trị thời Pháp thuộc đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng cách mạng. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí và thử thách bản lĩnh chính trị của mình.

Tiêu biểu cho thế hệ nữ tù chính trị đầu tiên tại Nhà lao Vinh đó là bà Trần Thị Trâm (tức bà Lụa) quê ở xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vào cuối năm 1892, sau khi giúp nghĩa quân của Cao Thắng và Nguyễn Huy Thuận đột nhập vào Thị xã Hà Tĩnh, bà Trâm bị bắt vào Nhà lao Vinh. Tên án sát khét tiếng gian ác Cao Ngọc Lễ đã đích thân tra khảo và hỏi cung bà với những âm mưu thâm độc và hành động tàn ác nhất từ dụ dỗ mua chuộc đến dọa dẫm tra tấn. Dù phải chịu đựng đủ mọi ngón đòn roi, cực hình tra tấn bà vẫn không nao núng. Bà đã khéo léo tùy cơ ứng biến trả lời các câu hỏi của giặc vừa tránh cho bản thân, vừa giữ được bí mật của tổ chức yêu nước. Không lấy được lời khai Cao Ngọc Lễ đã trút mọi tức giận lên bà, hắn đã dùng thanh sắt nung đỏ dí vào người bà. Trước thủ đoạn tra tấn đó bà đã chửi thẳng vào mặt chúng: “Ông cha tôi mấy đời đều làm án sát nhưng có ác độc gì đâu mà nay con cháu phải chịu tội tình thế này…”  Câu nói vừa đanh thép vừa chứa nhiều ẩn ý của bà đã làm cho Cao Ngọc Lễ phải xấu hổ, dừng tay và vội ra lệnh tha cho bà về. Rút kinh nghiệm về sau, mỗi lần bị bắt vào Nhà lao Vinh xét hỏi, tra tấn, bà Trâm lại bí mật thủ vào người một nắm thuốc lào thật ngon, phòng khi chúng có tra tấn tàn ác quá, bà liền nuốt một nắm thuốc để say ngất đi, buộc bọn chúng phải buông tha cho bà. Sau những lần từ Nhà lao Vinh trở về, bà Trần Thị Trâm lại có thêm kinh nghiệm trong công tác hoạt động bí mật.

Tinh thần yêu nước, kiên cường và ứng xử thông minh của bà Trâm đã có tác dụng rất lớn trong việc động viên khích lệ những người tù chính trị tại Nhà lao Vinh về lập trường kiên định, bền gan, vững chí, không bị mắc mưu trước những thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù. Bà Trần Thị Trâm hoạt động yêu nước liên tục từ thời Cần Vương, Đông Du đến ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Khâm phục người phụ nữ quê hương Xứ Nghệ kiên cường, dũng cảm và mưu trí, cụ Phan Bội Châu đã tặng bà danh hiệu “Tiểu Trưng”.

Khi phong trào đấu tranh của quần chúng càng lên cao, số người tham gia hoạt động chính trị bị bắt về giam tại Nhà lao Vinh ngày càng nhiều. Trong số tù chính trị có những người bị bắt nhiều lần và đã để lại những dấu ấn lịch sử tại Nhà lao Vinh, tiêu biểu trong số đó có bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Những ngày bà bị giam tại Nhà lao Vinh, bọn mật thám và những tên cáo già khét tiếng như Ombe, Tôn Thất Hối tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, chúng hy vọng tìm được đường dây hoạt động bí mật để “làm sạch cỏ” những thành viên tiêu biểu trong phái bạo động của Hội Duy Tân ở Nghệ Tĩnh. Mua chuộc, dụ dỗ, thưởng vật chất vẫn không lay chuyển được ý chí kiên định của bà, cuối cùng chúng đã dùng những thủ đoạn tra tấn dã man, đê hèn, thâm độc nhất đối với một người phụ nữ. Giữa mùa đông giá lạnh, chúng lột hết quần áo rồi ngâm bà vào bể nước lã từ sáng đến trưa. Trong bể nước buốt giá thấu xương, bà Thanh vẫn “trơ như đá”, không hề kêu ca, rên rỉ. Vì không đủ chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho bà và bí mật bố trí cho bọn mật thám liên tục theo dõi. Những chị em chăm sóc, chữa các vết thương cho bà Thanh kể lại rằng: “Sau đợt bị địch bắt giam, trên người bà có nhiều vết sẹo, đó là dấu vết của những trận đòn tra ấn của bọn thực dân Pháp và bọn tay sai…” (Trích Những người thân trong gia đình Bác Hồ. NXB Nghệ An, 2001, tr.80). Tuy nhiên, sau khi được trả tự do bà lại tiếp tục hoạt động và lại bị bắt vào Nhà lao Vinh. Từ cuối năm 1918 bà bị đưa vào Nhà tù Quảng Ngãi, nhưng tình cảm và lòng yêu nước của bà đã để lại ấn tượng tốt đẹp và trở thành tấm gương sáng cho tù chính trị Nghệ Tĩnh qua các thế hệ học tập.

Một tấm gương tiêu biểu khác đó là cảnh “mẹ góa con côi” của ba mẹ con bà Võ Thị Túc, nhà ở cạnh Bến Đền, thành phố Vinh. Nhà Bà Túc là cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An và nhiều học sinh trường Quốc học Vinh như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Phan Đăng Lưu, Chu Văn Biên, Nguyễn Tiềm… Đồng thời đây cũng là cơ quan ấn loát tài liệu, báo Xích Sinh, truyền đơn của Đảng. Bọn mật thám đã bí mật theo dõi và nhiều lần bắt cả ba mẹ con vào Nhà lao Vinh để tra xét. Tại đây, chúng vừa tra tấn bằng nhiều thủ đoạn dã man vừa dọa dẫm và uy hiếp đến tính mạng của hai người con trai. Tuy nhiên chúng không hề làm mẹ run sợ, mẹ đã lập mưu lừa được cả bọn chúng và đưa các con về nhà chăm sóc đồng thời mật báo với Xứ ủy, Tỉnh ủy những tin tức quan trọng để kịp thời thay đổi địa điểm hoạt động đã bị lộ.

Vừa ra tù mẹ Túc lại tiếp tục đi bán hàng rong ở chợ Vinh để có tiền giúp đỡ cách mạng và làm liên lạc cho Xứ ủy Trung Kỳ vì vậy kẻ thù luôn để mắt đến mẹ. Năm 1931, mẹ lại phải vào Nhà lao Vinh lần thứ hai; đến năm 1939, mẹ bị bắt lần thứ ba. Đầu năm 1944, sau cuộc khởi nghĩa Đội Cung, thực dân Pháp bắt mẹ cùng hai con lần thứ tư. Dù phải gánh chịu mọi cực hình tra tấn hết sức dã man, chết đi sống lại nhiều lần trong tù nhưng kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được người mẹ kiên trung Võ Thị Túc.

Đối với những chiến sỹ cách mạng đã được “thử lửa”, khi bạo lực đã bị vô hiệu hóa, thực dân Pháp áp dụng biện pháp dùng tình cảm của người thân như mẹ con, chị em, vợ chồng… để lung lạc ý chí, làm mềm lòng trái tim thép. Nhưng chúng đã nhầm và phải chịu thất bại nặng nề. Điển hình là hai chị em Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu quê ở Nghi Lộc. Dù bị tra tấn dã man nhưng hai chị vẫn giữ vững khí tiết của mình. Thực dân Pháp phải sử dụng thủ đoạn bắt mẹ già và cháu nhỏ của hai chị vào Nhà lao để khuyên nhủ con mình khai báo những công việc họ đang làm và đường dây tổ chức cách mạng ở Huyện ủy, Tỉnh ủy và Xứ ủy Trung Kỳ. Cuộc hội ngộ đặc biệt hiếm có tại Nhà Lao Vinh được chị Nguyễn Thị Thiu kể lại như sau: "...Tôi đang quằn quại trên sàn nhà vì những vết thương của những trận đòn đêm trước thì cửa xà lim xịch mở, chúng lần lượt đẩy chị Xân, đứa cháu gái và cuối cùng là mẹ tôi vào. Vừa thoáng thấy bóng mẹ, hai tay bị trói giật cánh khuỷu nơi của, tôi vùng dậy. Nhưng hai bàn chân và các ngón chân bị đánh dập nát, sưng vù. Tôi phải lết bằng hai đầu gối lại ôm chầm lấy mẹ…

Trong lúc tên Ombe còn bàng hoàng, bối rối chưa biết xử lý ra sao thì mẹ đã cúi xuống thì thào nói nhỏ với chúng tôi: Gắng mà chịu đựng, đừng có khai bậy cho ai nghe con…

Hiểu ý mẹ, chúng tôi gào lên thật to, lăn lóc vật vã. Thấy cảnh kéo dài, thằng Ombe chán nản khoát tay bọn lính đi ra ngoài…

Hôm sau hắn lại dung thủ đoạn khác nhưng nham hiểm hơn. Hắn lôi mẹ tôi đến một phòng giam sát bên cạnh phòng chúng tôi rồi bắt đầu tra tấn mẹ.

Từ phòng giam bên này, nghe tiếng quát tháo, tiếng roi, tiếng đấm đá huỳnh huỵch và tiếng rên la quằn quại của mẹ, gan ruột tôi như có hàng trăm nghìn mũi giao xoáy vào… Bỗng lúc đó tôi nghe từ bức tường bên kia chị Xân đang gọi tôi:

-Thiu ơi! Em ơi! Mẹ ta năm nay đã bảy mươi ba tuổi rồi. Dù có chết cũng chẳng có điều gì ân hận nữa. Còn chúng ta đừng vì thế mà mềm lòng, phản lại anh em đồng chí…

Nghe lời chị, tôi không khóc nữa… lấy hai ngón tay nút vào lỗ tai rồi miệng hô to thành tiếng: Đảng trên hết, Cách mạng trên hết…” (Trích Nữ chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh. NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1980.Tr44,45,46)

Trước những trận đòn tra tấn dã man và chế độ lao tù hà khắc, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng tại Nhà lao Vinh như chị Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Nựu…

Chị Nguyễn Thị Nghĩa là cán bộ giao thông liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ. Khi bị bắt vào Nhà lao Vinh, dù bị tra tấn với đủ mọi loại cực hình, nhưng chị vẫn không hề hé răng khai nửa lời. Bất lực trước người phụ nữ nhỏ bé nhưng tinh thần, nghị lực lại phi thường, thực dân Pháp đã nhốt chị vào xà lim và tiêm vào người chị một loại thuốc độc. Để tránh sự tra khảo của kẻ thù chị đã giả vờ câm, và dồn chút sức lực cuối cùng của mình để đọc một đoạn thơ trước lúc vĩnh biệt các đồng chí của mình:

“Rồng tiên con cháu nước nhà

Nước ta tuy mất, hồn ta vẫn còn

Còn trời, còn nước, còn non

Hãy còn quân giặc, ta còn đấu tranh”

(Trích Lịch sử phong trào Phụ nữ Nghệ An.1996.Tr 87)

Và còn rất nhiều những tấm gương nữ tù chính trị tại Nhà lao Vinh như: Nguyễn Thị Phúc, Tôn Thị Quế, Hồ Thị Nhung, Nguyễn Thị Nhã, Vi Nình, Hoàng Thị Ái… dù bị tra tấn bằng nhiều thủ đoạn, hình thức dã man như thế nào nhưng tâm hồn, tinh thần, nghị lực của các chị vẫn luôn sáng như ngọc, thơm như hoa và nồng như lửa, làm thất bại tất cả mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Hiện nay, di tích Nhà lao Vinh chỉ còn lại một chiếc bốt gác mang trên mình dấu vết của thời gian nhưng đây vẫn là chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp và là nơi rèn luyện tinh thần, nghị lực và nhân cách làm người cho mọi thế hệ tù chính trị tại đây. Các chiến sỹ luôn hiểu rằng con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc là chông gai, tù tội nhưng họ vẫn sẵn sàng chịu đựng với niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của Đảng. Những tấm gương quả cảm của các thế hệ tù chính trị tại Nhà lao Vinh nói chung và nữ tù chính trị nói riêng càng làm cho chúng ta thêm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của các bậc tiền bối, của phụ nữ Nghệ Tĩnh trên quê hương Xô Viết anh hùng.         

                                                               Hồng Nhung -  BTXVNT                                                

Video