Hoạt động Trưng bày lưu động kỷ niệm 120 năm (14/5/1895-14/5/2015) ngày sinh Liệt sỹ Phạm Hồng Thái

Tác giả: admin
Ngày 2015-05-26 07:55:35

Để tỏ lòng biết ơn những người đã quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc và phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của liệt sỹ Phạm Hồng Thái (14/5/1895-14/5/2015), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Trung tâm văn hóa TDTT huyện Hưng Nguyên tổ chức trưng bày lưu động nội dung: Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Toàn bộ tiến trình của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh từ nguyên nhân, diễn biến đến kết quả, ý nghĩá và ảnh hưởng của phong trào được trưng bày trong 21 tấm pa nô với hơn 150 ảnh tư liệu về Xô Viết Nghệ Tĩnh cùng 60 ảnh chân dung các chiến sỹ yêu nước và cách mạng của huyện Hưng Nguyên bị tù đày năm 1930-1931, đã trở thành điểm nhấn, thu hút đông đảo nhân dân, học sinh trong địa phương tham quan. Những hình ảnh, tư liệu quý về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những tấm gương cộng sản tiêu biểu huyện Hưng Nguyên, những cuộc đấu tranh của nhân dân Hưng Nguyên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã khơi dậy lòng tự hào, lòng biết ơn sâu sắc đối tới các chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.

Trước đó ngày 13/5, tại sân vận động xã Hưng Nhân đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao như kéo co, bóng chuyền, bóng đá...

Tối 13/5, Hưng Nguyên tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Tham dự lễ có đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy, Sở VH TT&DL các đồng chí lãnh đạo huyện Hưng Nguyên, thân nhân con cháu họ Phạm cùng đông đảo cán bộ, nhân dân xã Hưng Nhân.

Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, tự là Phạm Đài, Nho Tư, sinh ngày 14/5/1895 tại làng Xuân Nha, nay là xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Phạm Thành Tích từ nhỏ rất chăm làm, chăm học. Năm 14, 15 tuổi anh ra Thất Khê ở với bố để học thêm. Sau đó, anh xin sang học chữ Pháp tại trường Pháp - Việt.

Năm 1919, Phạm Thành Tích đổi tên là Phạm Thành Khôi. Anh xin vào làm công nhân trong các nhà máy ở Vinh Bến- Thuỷ như nhà máy Điện, nhà máy Diêm và nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi. Anh trở thành nhân tố tích cực trong việc vận động công nhân đình công và biểu tình. Bị bọn chủ các nhà máy sa thải, anh lên tận tỉnh Bắc Cạn làm công nhân mỏ kẽm rồi xuống Hải Phòng làm công nhân nhà máy xi măng. Chính ở đây anh được tiếp xúc với các nhà cách mạng, giác ngộ và nhiệt tình yêu nước. Anh cùng một nhóm thanh niên có tâm huyết theo Vương Thúc Oánh - thành viên của Việt Nam Quang Phục hội, vượt biên giới qua Thái Lan rồi sang Quảng Châu, Trung Quốc vào cuối năm 1918. Tại Quảng Châu, ông học tập chính trị, tích cực hoạt động trong nhóm Tâm Tâm xã do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn chỉ đạo. Ông được tổ chức cử đi Thượng Hải, Hồng Kông, Nhật Bản để tuyên truyền cổ động các kiều bào ta ở nước ngoài.

Ngày 19/6/1924 biết chắc Toàn quyền Méc-lanh sẽ dự tiệc khoản đãi của nhà đương cục Pháp tại khách sạn Vích-to-ri-a, Phạm Hồng Thái bèn cải trang làm một “ký giả” tới dự tiệc và lọt qua được vọng gác của đám quân cảnh. Bữa tiệc bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối. Chủ khách vừa nâng cốc chúc tụng nhau, thì một quả tạc đạn từ cửa sổ ném trúng bàn tiệc, lập tức một tiếng nổ xé trời làm vỡ tan bát đĩa, cốc chén, làm chết và bị thương ngót chục “vị quan khách”. Méc – lanh thoát chết nhưng bị thương nhẹ ! Tiếng hô hoán, cấp cứu hoảng loạn cả khu nhà. Vòng vây cảnh sát và mật thám bủa đặc tô giới để lùng bắt thủ phạm. Phạm Hồng Thái vừa chạy được một quãng về phía cửa Đông tô giới Pháp thì bị nghẽn lối, anh nhảy xuống sông Châu Giang và bị nước cuốn trôi. Phạm Hồng Thái đã anh dũng hi sinh !

Thi hài của Phạm Hồng Thái được chính phủ Tôn Trung Sơn an táng tại ngọn núi Hoàng Hoa Cương, là nơi có phần mộ của 72 liệt sỹ cách mạng Trung Quốc.

Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã gây nên niềm kính phục và thức tỉnh lòng yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước. Mặc dù không tán thành chủ trương ám sát cá nhân của Tâm Tâm xã nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá rất cao hành động dũng cảm của Phạm Hồng Thái, Người viết: “... Việc đó tuy nhỏ, nhưng nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh của dân tộc, như chim én báo hiệu mùa xuân.

Tên tuổi và hành động dũng cảm của liệt sỹ Phạm Hồng Thái sống mãi với nong sông Việt Nam. Đảng bộ và nhân nhân huyện Hưng Nguyên nguyện phấn đấu xây dựng để xứng đáng hơn nữa với truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của huyện nhà.

Nguyễn Thị Hội - Bảo tàng XVNT

 

Video