23
350
23
17311
34073
6825756
Kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2014), từ 23-26/7, tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn đã diễn ra Lễ hội Uống nước nhớ nguồn do UBND huyện Anh Sơn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức.
Hòa vào không khí của Lễ hội, chiều ngày 25/7 Bảo tàng Xô Viết tổ chức trưng bày chuyên đề “Một số hình ảnh về Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Đặt trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào, bộ pa nô của Bảo tàng Xô Viết đã trở thành điểm thu hút đông đảo nhân dân, học sinh trong địa phương và các đoàn tham quan. Bên cạnh đó chân dung một số liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 được Bảo tàng trưng bày trang trọng đã góp phần bồi đắp lòng tự hào, niềm cảm phục, tình yêu quê hương trong mỗi người dân khi tới tham quan và dâng hương tri ân tại nghĩa trang Liệt sỹ Việt – Lào.
Điểm nhấn của Lễ hội là Lễ dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân diễn ra trang trọng tại Nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào vào tối 26/7. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân Khu 4, UBMTTQ tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, huyện ủy, UBND các huyện Anh Sơn, Đô Lương cùng đông đảo nhân dân huyện Anh Sơn và các huyện lân cận.
Sau lễ dâng hương là chương trình biểu diễn nghệ thuật với vở diễn “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của lòng dân” do các nghệ sỹ của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Nghệ An biểu diễn.
Trước đó,trong chương trình lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao sôi nổi như Giải bóng chuyền nam, chiếu phim về chủ đề ngày Thương binh, Liệt sỹ...
Trong những ngày diễn ra Lễ hội, có rất nhiều đơn vị, cá nhân đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm hơn 11 nghìn liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào. Hoạt trưng bày lưu động của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã làm phong phú thêm những hoạt động văn hóa kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, tri ân những Liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì tình hữu nghị cao cả Việt – Lào.
Trần Thị Hồng Nhung - Bảo tàng XVNT